NÓNG ! Tay đua số 1 VN "Tôi không phải học trò xuất sắc của thầy Đại" - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

NÓNG ! Tay đua số 1 VN "Tôi không phải học trò xuất sắc của thầy Đại"


“Tôi không là gì cả. Tôi không phải học sinh xuất sắc của thầy”. Nguyễn Hồng Vinh đã nói như thế khi được hỏi về điều khiến GS Hồ Ngọc Đại tự hào về anh nhất. Nhưng bản thân anh hiểu rằng, cách thầy hài lòng về mình, đó không phải là một con người thành đạt dựa trên những tiêu chuẩn về danh vọng hay bằng cấp.
“Thầy Đại dạy chúng tôi biết mình muốn thành người thế nào”
Năm 18 tuổi, Nguyễn Hồng Vinh đi du học ở Nga. Khi đã có trong tay hai bằng Kinh tế và Tiếng Anh thương mại, anh không chọn theo con đường “bàn giấy máy lạnh” như bố mẹ sắp đặt.
Chàng trai trẻ âm thầm bỏ việc ngay sau buổi đi làm đầu tiên để bắt đầu theo đuổi đam mê lớn nhất của mình: Ô tô.
Nguyễn Hồng Vinh kể lại rằng, rất nhiều người khi ấy cho anh là một kẻ gàn dở, dù được ăn học đàng hoàng nhưng suốt ngày chỉ quẩn quanh với xe cộ.
Nguyễn Hồng Vinh kể đam mê lớn nhất của anh là ô tô. Ảnh: NVCC

“Nhưng tôi hiểu mình muốn gì. Tôi thấy vui khi được làm điều mình muốn” – anh thẳng thắn đáp trả.
Cứ thế, anh kiên trì tìm mua sách về đọc, mò mẫm nghiên cứu và ứng dụng. Từ việc tháo lắp chiếc xe của mình đến xe của bạn bè, lâu dần anh cũng trở thành một người thợ giỏi.
Học trò trường Thực nghiệm như anh luôn thấm nhuần triết lý mà GS Hồ Ngọc Đại truyền đạt: Nếu đã yêu phải theo đuổi đến cùng.
Vì trót yêu tha thiết lĩnh vực này, anh Vinh đã tự mở gara chuyên sửa xe, độ xe.
Anh còn đứng lên lập nhóm đua xe offroad đầu tiên ở Việt Nam. Đến hiện tại, Nguyễn Hồng Vinh được biết đến là tay đua xe số 1 cả nước. Anh cũng nổi tiếng trong cộng đồng chơi xe Việt Nam về sự uy tín và am hiểu về lĩnh vực xe hơi.
Dù vậy, anh từ chối không muốn nói nhiều về mình. Anh bảo: “Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người may mắn là học trò của thầy Đại. Tôi không dám nhận mình là niềm tự hào của thầy. Thầy Đại luôn dạy chúng tôi rằng, phải biết mình muốn gì và muốn trở thành người thế nào chứ không cần quan tâm đến cái nhìn của người khác”.
“Thầy Đại không bao giờ trách mắng học trò”
Điều anh phục nhất ở thầy Đại, đó là thầy không bao giờ trách mắng học trò.
“Có lần, tôi cùng với cậu con trai của thầy cũng là bạn học đi chơi đến 3 rưỡi sáng mới về nhà. Khi đi đến cửa đã thấy thầy đứng đợi ở đó. Thầy hỏi rằng: “Các con đi đâu mà dậy sớm thế? Có việc gì quan trọng à?” Thầy luôn biến một chuyện đáng lẽ phải chỉ trích thành một sự quan tâm ân cần như thế".
Cũng vì sự nhẹ nhàng với con trẻ nên ở trường Thực Nghiệm, học trò gặp thầy Đại đều thấy vui thay vì sợ hãi.

“Đúng như thầy tôi nói, học sinh đến trường náo nức một ngày vui, học trò chúng tôi khi ấy chơi với nhau rất vui vẻ, chan hòa. Việc trừng phạt thực sự rất hiếm trong trường. Với thầy Đại, học trò luôn đúng. Điều tôi nhớ nhất là ở trường không có xếp hạng, chấm điểm. Bản chất của điểm số và thứ hạng, suy cho cùng chỉ khiến học trò sống tách biệt và tạo ra một môi trường không đồng đều. Học trò chúng tôi được tự do thể hiện và làm điều mình thích mà không có bất kì sự ganh ghét hay đố kị nào. Với thầy Đại, nếu học trò nào giỏi đá bóng thầy sẽ khuyến khích đá bóng, cứ thích gì thì chơi nấy. Thầy luôn khuyến khích chúng tôi làm những điều mình muốn. Quan trọng nhất với thầy “làm sao để bọn trẻ được vui”.
Anh Vinh nói "tài sản" lớn của mình ở trường Thực nghiệm cho đến bây giờ là những người bạn học. Qua hơn 40 năm, chúng tôi vẫn thân thiết với nhau như những người anh em” – anh Vinh nhớ lại.
Học trò tự do thể hiện cá tính
Anh Vinh là lứa đầu tiên học cấp 3 tại trường Thực nghiệm.
Anh nhớ lại, thời điểm năm lớp 10, lớp học của anh có 2 cậu học trò học rất xuất sắc.
Trong một buổi học Toán, thầy giáo ra một đề bài khó. Cả hai người đều không đồng tình với cách giải của thầy và ra sức bảo vệ chính kiến.
Hôm ấy, thầy Đại đang đi thăm các lớp học, nhìn thấy bèn vào phân xử. Thầy nói rằng:
“Nếu lực học của hai con thực sự tốt có thể không cần đến trường nữa. Các con chỉ cần đến vào những ngày kiểm tra và thi học kỳ”. “Thế là hai cậu bạn nghỉ ở nhà thật. Nhưng chỉ 1,5 ngày sau vì ở nhà chán quá nên cả hai đành phải xin đi học lại” – Anh Vinh nhớ lại.
“Học trò Thực nghiệm là thế, rất hay tranh luận và không chịu thỏa hiệp với những gì mình không chấp nhận”.
Trong số hai cậu học trò khi ấy cũng có một cậu học trò giống như anh, dù tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin và có cơ hội việc làm tốt nhưng lại chuyển hướng đi theo con đường đam mê võ thuật.
“Chúng tôi – những lứa học trò của thầy Đại luôn được thấm nhuần những triết lý giáo dục từ thầy. Chúng tôi luôn cảm thấy may mắn vì điều đó. Dù có thể chúng tôi đi theo những con đường khác nhau, nhưng đích đến cuối cùng như thầy Đại nói, vẫn là tạo ra những con người hạnh phúc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages