Chúng ta cần cạnh tranh lành mạnh và chúng ta không lo sợ phải mất đặc quyền. Dân đen và tương lai đất nước là phấn khích cho chúng ta trong đấu tranh cho các tổ chức xã hội tốt, trong đó có công đoàn độc lập.
Lo sợ về cạnh tranh
Tác giả của bài báo nầy bình luận rằng công đoàn độc lập là một thách thức chưa từng có đối với Công đoàn Việt Nam. Tác giả cho rằng Công đoàn Việt Nam là “tổ chức duy nhất đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động”. Theo ý kiến của tác giả, vấn đề cạnh tranh để giữ chân và thu hút đoàn viên mới là điều tất yếu sẽ xảy ra giữa Công đoàn Việt Nam và các công đoàn độc lập. Rồi tác giả lượng đinh rằng việc phát triển đoàn viên và công đoàn cơ sở của Công Đoàn Việt Nam sẽ gặp khó khăn, dẫn tới nguồn lực bảo đảm cho hoạt động công đoàn, nhất là nguồn tài chính bị chia sẻ, giảm sút, ảnh hưởng tới “công tác chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực của đoàn viên.” Tác giả lo rằng “Môi trường hoạt động công đoàn có thay đổi lớn do quan hệ lao động sẽ có diễn biến phức tạp.”
Cạnh tranh
Cạnh tranh là một cuộc thi đấu hoặc sự tranh giành giữa hai hoặc nhiều thực thể, sinh vật, động vật, cá nhân, nhóm kinh tế hoặc nhóm xã hội, v.v. , về các nguồn như tài nguyên, lãnh thổ, quyền lực, giải thưởng, lãnh đạo hay lợi nhuận.(2) Các nguồn nầy càng hiếm hoi thì mức độ cạnh tranh càng mạnh. Cạnh tranh phát sinh bất cứ khi nào ít nhất hai bên cố gắng vì một mục tiêu không thể chia sẻ, trong đó lợi ích của một người là mất mát của người kia (một ví dụ trong đó là trò chơi có tổng bằng 0, bởi vì trong cuộc chơi có người thắng và người thua).
Cạnh tranh xảy ra tự nhiên giữa các sinh vật sống hay tồn tại trong cùng một môi trường. Ví dụ, động vật cạnh tranh về nguồn cung cấp nước, thức ăn, bạn tình và các nguồn tài nguyên sinh học khác. Con người thường tranh giành thức ăn và bạn tình, mặc dù khi những nhu cầu này được đáp ứng, sự cạnh tranh sâu sắc thường nảy sinh trong quá trình theo đuổi sự giàu có, quyền lực, uy tín và danh tiếng.
Cạnh tranh thường được coi là đối nghịch với hợp tác, tuy nhiên trong thế giới thực, hỗn hợp hợp tác và cạnh tranh là thường.(2)
Cạnh tranh giữa các người làm trong một công ty là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hầu hết mọi người đi làm. Cho dù công bằng hay không, hầu hết các công ty tạo ra một động lực trong đó các nhân viên cạnh tranh với nhau để được công nhận và tiền thưởng. Sau khi xem xét kỹ các chính sách tại nơi làm việc giữa các tập đoàn, ngân hàng, công ty luật và công ty công nghệ, tờ báo New York Times gọi cuộc cạnh tranh mệt mỏi là đặc điểm nổi bật của nơi làm việc trong các nước phát triển.
Một số nghiên cứu cho thấy sự cạnh tranh như vậy có thể thúc đẩy nhân viên, khiến họ nỗ lực nhiều hơn và đạt được kết quả. Thật vậy, cạnh tranh làm tăng kích hoạt sinh lý và tâm lý, chuẩn bị cho cơ thể và tâm trí để tăng nỗ lực và cho phép hiệu suất cao hơn.
Tuy nhiên, nhân viên có thể đạt được kết quả của họ theo những cách khác nhau. Ví dụ, tại nhà băng Wells Fargo, nhân viên đã cung cấp số lượng bán hàng cao hơn bằng cách bí mật tạo ra hàng triệu tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng trái phép – một con đường phi đạo đức trong công việc – ăn gian.
Nhưng nhân viên cũng có thể vượt trội so với đối thủ của họ thông qua sự đổi mới. Nếu nhân viên cạnh tranh bằng cách tìm cơ hội mới để cung cấp dịch vụ cho khách hàng hoặc nghĩ ra cách đưa sản phẩm mới ra thị trường nhanh hơn, thì cạnh tranh nội bộ có thể chuyển thành lợi thế cạnh tranh thực sự cho các tổ chức và công ty.
Điều gì phân biệt các cuộc cạnh tranh dẫn đến sự sáng tạo so với các cuộc thi gây ra ăn gian? Nó phụ thuộc vào cách các nhân viên cảm nhận về tác động của cạnh tranh.
Một số cuộc thi gợi ra nỗi sợ hãi và lo lắng, bởi vì các cuộc thi nầy tập trung nhân viên vào mối đe dọa bị sa thải, mất thu nhập hoặc bị sỉ nhục công khai. Các cuộc thi khác tập trung nhân viên vào việc giành phần thưởng một cách chính đáng hoặc sự công nhận của đồng đội, điều này tạo ra sự phấn khích khiến mọi người cảm thấy hăng hái và nổ lực để làm hay hơn.
Lo lắng và phấn khích là những phản ứng cảm xúc rất khác nhau từ cạnh tranh. Quan trọng hơn, những cảm xúc này làm cho mọi người cư xử khác nhau.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi nhân viên đối mặt với cạnh tranh bằng sự lo lắng và không phấn khích, họ sẽ ít lựa chọn các hành vi sáng tạo để giải quyết vấn đề và nhiều sác xuất là họ có thể ăn gian. Ngược lại, khi mọi người cảm nhận sự phấn khích từ cạnh tranh, họ có nhiều khả năng lựa chọn các hành vi sáng tạo để giải quyết vấn đề và ít có khả năng làm các hành vi không có đạo đức.
Cách các nhà lãnh đạo giao tiếp về cạnh tranh có thể khiến nhân viên cảm thấy lo lắng hoặc phấn khích về cạnh tranh. Như chúng ta đã thấy, các nhà lãnh đạo cần đầu tư tạo ra năng lượng bằng cách làm nổi bật những hậu quả tích cực tiềm tàng của cạnh tranh thay vì tạo ra sự lo lắng bằng cách nhấn mạnh vào các điều tiêu cực của việc thua trong cạnh tranh.
Làm thế nào các nhà lãnh đạo có thể tăng hứng thú và phấn khích từ cạnh tranh? Một ví dụ mạnh mẽ là các nhà lãnh đạo khuyến khích nhân viên sử dụng sức mạnh đặc thù của họ theo cách có lợi cho người khác cũng như có lợi cho chính họ. Vì vậy, khi cấu tạo một cuộc thi hay cạnh tranh, các nhà lãnh đạo có thể nhắc nhở nhân viên sử dụng nhiều hơn những kỹ năng mà họ giỏi nhất. Các nhà lãnh đạo cũng có thể nêu bật cách thành công sẽ giúp khách hàng và cũng giúp đạt được mục đích của tổ chức.
Cạnh tranh giữa các nhân viên có thể là một phần không thể thiếu và không thể tránh khỏi trong công việc làm và nếu được hướng dẫn một cách tích cực, có thể dẫn đến hiệu suất làm việc cao. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo muốn đảm bảo rằng cạnh tranh dẫn đến sự sáng tạo và không phải là ăn gian, họ phải chống lại sự cám dỗ để chú ý nhiều quá vào sự sợ hãi khi bị thua cuộc.
Hậu quả của không cạnh tranh và thiếu đối lập
Ở các nước phát triển, các tổ chức xã hội mạnh mẽ tạo nên một đối lực và một môi trường cạnh tranh làm cho nhà nước khó khăn hơn trong việc tham gia vào chủ nghĩa cơ hội, trộm cắp, hoạch định chính sách không nhất quán và các hành vi lạm dụng quyền lực.(3) Ở những nước này khi chính sách được ban hành, chính phủ thực hiện đầy đủ các chính sách nầy theo quy định của pháp luật. Lợi ích được nhắm mục tiêu đúng mức và được thanh toán đầy đủ cho các nhóm được hưởng quyền lợi hợp pháp, thuế được trả đầy đủ bởi những người phải trả thuế, và trách nhiệm chính trị cho phép công dân giữ các chính trị gia và cán bộ khỏi thao túng hoặc lạm dụng cơ hội từ các chính sách. Nói cách khác, chính phủ bị ràng buộc bởi những thể chế và tổ chức xã hội, bao gồm cả luật chính thức hay các tiền lệ về thực hành không chính thức.
Ở các nước đang phát triển, các cấu trúc xã hội thường yếu kém, bao gồm nhà nước không năng lực, trách nhiệm giải trình thấp trong nhiều lãnh vực xã hội, thiếu tiền lệ tuân thủ luật pháp, và quyền lực tập trung trong tay thiểu số mà cách hành xử duy nhất mà thiểu số nầy hiểu biết chỉ là độc tài. Các thể chế yếu cho phép các quan chức nhà nước tham gia vào cơ hội tự phục vụ làm tăng chi phí giao dịch cho người khác, và tiêu tan các quỹ của nhà nước, làm cho các chính sách xã hội không thể triển khai theo cách hoạch định trước. Tình trạng yếu kém của nhà nước cũng làm giảm độ tin cậy của công dân vào các cam kết chính sách đối với cung cấp lợi ích và cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, các nhóm được kết nối chính trị tốt có thể tận dụng lợi thế của các thể chế yếu để thủ lợi và thay đổi điều kiện phân phối một cách không minh bạch và không công bằng. Trong khi các nhóm như vậy sẽ phải trả giá đầy đủ cho chính sách xã hội trong các nước với tổ chức xã hội tốt, các nhóm nầy có cơ hội trục lợi dựa vào sự yếu kém của tổ chức xã hội trong tình huống nầy.
Các tổ chức xã hội tốt là tiền đề quan trọng để ngăn chặn nhà nước, như một diễn viên độc quyền về bạo lực trong lãnh thổ của mình, dễ dàng hủy bỏ hoặc thay đổi cơ hội hợp đồng và cam kết của nhà nước cho dân. Trong trường hợp các tổ chức xã hội quá yếu, không ràng buộc được nhà nước, các quan chức nhà nước có thể thay đổi các quy tắc khi họ thấy phù hợp và có lợi cho bản thân họ. Các quan chức nhà nước có thể chiếm đoạt tài sản của công dân, tránh phải trả thuế và chỉ thực thi các hợp đồng có lợi cho họ. Họ có thể đảo ngược chính sách xã hội trên cơ sở đặc biệt, tùy thuộc vào ý định ăn cắp của họ. Về kinh tế, trong trường hợp nầy, các nhà đầu tư phải đối mặt với việc tăng rủi ro mất tiền đầu tư của họ. Vì vậy, biết rằng họ có ít khả năng ngăn chặn nhà nước sửa đổi các quy tắc của luật lệ theo những cách có lợi cho lợi ích riêng của quan chức, các nhà đầu tư sẽ không có nhiều động cơ để đầu tư.
Các cá nhân và doanh nghiệp tìm cách đầu tư vào các cơ sở với các tổ chức xã hội yếu phải đối mặt với sự mất cân bằng giữa lợi nhuận từ việc đầu tư và các chi phí bổ sung như tiền hối lộ và các khó khăn từ quan chức của nhà nước muốn thủ lợi cho cá nhân. Các nhà đầu tư nói chung bị thiệt thòi từ các tổ chức xã hội yếu kém và nhất là khi quyền sở hữu không được tôn trọng. Đặc biệt, các cá nhân có kết nối tốt với quan chức nhà nước được đảm bảo tốt cho quyền lợi của họ, trong khi người đầu tư chân chính không thể hoạt động trên một thị trường minh bạch và công bằng. Vì vậy, khi thiếu các tổ chức xã hội và thể chế tốt, một số nhóm có thể tận dụng lợi thế của họ để đảm bảo quyền truy cập đặc quyền vào hàng hóa công cộng và lợi nhuận.
Ví dụ, sự chiếm đoạt của công là lan tràn khi không có đối lập và khi các tổ chức xã hội dân sự yếu kém. Việc nầy bắt nguồn từ tiền đề là các quan chức nhà nước không bị hạn chế và giám sát tốt khi các tổ chức xã hội quá yếu kém. Điều này cho phép các quan chức lạm dụng các quỹ xã hội để sử dụng theo các cách họ mong muốn, chẳng hạn như trợ cấp các công ty được móc nối với các quan chức tham nhũng, làm giàu trái phép hoặc tài trợ các chương trình không chính đáng, áp đặt thêm chi phí trên người làm ăn tư và đòi hỏi hối lộ từ doanh nghiệp.
Trong các nước mà các tổ chức xã hội yếu kém, việc thực thi hợp đồng, giả quyết các xung đột trong thỏa thuận hợp đồng và giám sát các thực thi hợp đồng là không chuẩn. Trong các tình huống có xung đột về thực thi hợp đồng, chỉ những người có kết nối chính trị mới có thể tin vào tình trạng thực thi hợp đồng. Những người khác trở nên dễ bị tổn thương về cơ hội và nhu cầu hối lộ. Bởi vậy các bên tư nhân cũng không thể ký hợp đồng đáng tin cậy với nhau trừ khi một hoặc cả hai phe có các kết nối chính trị cân bằng để đảm bảo là nhà nước sẽ thực thi các hợp đồng liên hệ đến giao thương giữa hai phe. Điều này làm giảm đi các hoạt động kinh tế mà vốn dĩ phải có nhiều hợp đồng hơn, trong trường hợp các tổ chức xã hội làm việc đúng mức.
Chất lượng của tổ chức và thể chế xã hội có tầm quan trọng cơ bản để ban hành và thực thi các chính sách xã hội, góp phần vào việc tạo dựng một xã hội tốt. Nâng cao năng lực của các tổ chức và thể chế xã hội có thể định hình tương lai của xã hội một cách không sai lầm.
Nói tóm lại
Chúng ta cần cạnh tranh lành mạnh và chúng ta không lo sợ phải mất đặc quyền. Dân đen và tương lai đất nước là phấn khích cho chúng ta trong đấu tranh cho các tổ chức xã hội tốt, trong đó có công đoàn độc lập.
TS Phạm Đình Bá
Tài liệu:
- Cơ hội để Công đoàn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ. “Nhân Dân”.Thứ Sáu, 23/11/2018.
- Anna Steinhage,Dan Cable,Duncan Wardley. The Pros and Cons of Competition Among Employees. https://hbr.org/2017/03/the-pros-and-cons-of-competition-among-employees
- Israel Marques II. Political Institutions and Preferences for Social Policy in the Post-communist World. Doctor of Philosophy Thesis. Graduate School of Arts and Sciences. Columbia University 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét