Khu du lịch ‘tâm linh’ ở Chùa Hương, nhiều vấn đề cần suy ngẫm - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Khu du lịch ‘tâm linh’ ở Chùa Hương, nhiều vấn đề cần suy ngẫm


Một doanh nghiệp vừa đề xuất dự án xây dựng khu du lịch ‘tâm linh’ quy mô lớn ở khu vực Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ý kiến các nhà văn hóa lịch sử về dự án này như thế nào?

Suối Yến, ở khu vực Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

“Phải giữ vẻ đẹp thiên nhiên của Chùa Hương, Suối Yến”


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường vừa đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, với quy mô 1.000 ha, tổng vốn dự kiến lên tới 15 ngàn tỷ đồng.

Theo đề xuất, phía Bắc của dự án giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, nơi có chùa Tam Chúc của tỉnh Hà Nam, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình và phía Đông giáp sông Đáy…

Hương Sơn gắn liền với một danh thắng rất lớn, và tâm linh từ lâu đối với người Việt Nam. Cho nên vấn đề đặt ra là có vi phạm gì đối với di tích này không, nhất là di tích đã ăn rất sâu vào tâm thức của người Việt Nam.

-Dương Trung Quốc
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về dự án này, Sử gia - Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, cho biết:

“Dự án này chỉ mới là doanh nghiệp gởi đề nghị đến các cơ quan chức năng, chứ dư luận xã hội thật sự chưa biết cụ thể sẽ xây gì và làm gì. Có hai dữ liệu là con số đầu tư 15 ngàn tỷ và địa danh Hương Sơn chắc chắn gây mối quan tâm xã hội là hết sức lớn. Con số tiền đầu tư lớn như thế luôn đặt câu hỏi là của ai, từ đâu ra? Chắc chắn không phải của nhà nước rồi. Vì lúc này nhà nước không thể chi tiêu cho những dự án mà nó thực sự không gắn với đời sống của nền kinh tế. Còn nếu của tư nhân thì đó là ý đồ về mặt xây dựng của họ. Còn thứ hai là Hương Sơn gắn liền với một danh thắng rất lớn, và tâm linh từ lâu đối với người Việt Nam. Cho nên vấn đề đặt ra là có vi phạm gì đối với di tích này không, nhất là di tích đã ăn rất sâu vào tâm thức của người Việt Nam.”

Chùa Hương hay Hương Sơn bao gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần, đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp... Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.

Nhà nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt cũng nhìn nhận việc nâng cấp khu vực Hương Sơn là nên làm tuy nhiên ông nói:

“Thật ra nâng cấp khu vực Chùa Hương cũng đáng làm, nạo vét Suối Yến cũng đáng làm, vì nó trầm tích lâu ngày rồi, bùn đất làm cho Suối Yến cạn đi. Thì cái ấy cũng cần thiết để tạo lại cảnh quan thiên nhiên. Nhưng nguyên tắc phải giữ cho được cảnh quan, làm hỏng nó đi, bê tông hóa chẳng hạn, thì không được. Phải giữ vẻ đẹp thiên nhiên của Chùa Hương và của Suối Yến, cho nên nếu cấy vào Chùa Hương quá nhiều công trình đồ sộ thì, biến cảnh quan Chùa Hương thành một thứ đô thị, văn minh, công nghiệp, bê tông hóa thì đấy gọi là chửi vào tổ tiên dân tộc, chửi vào thiên nhiên. Cho nên không được phép làm.”

Khu vực Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. AFP
Theo Sử gia Dương Trung Quốc, hiện chưa đầy đủ thông tin để đánh giá có nên đầu tư một số tiền lớn vào dự án này không. Tuy nhiên nếu nhìn vào những gì doanh nghiệp Xuân Trường làm được ở Bái Đính, vừa trùng tu ngôi chùa cũ vừa xây dựng một ngôi chùa mới với quy mô rất lớn, thì ông cho rằng nó đã mang lại hiệu quả tích cực. Thứ nhất mang lại cho Ninh Bình một nguồn thu rất lớn, thứ hai bảo vệ được môi trường, vì trước khi có Bái Đính, trước khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới, thì Ninh Bình là một đại công trường khai thác đá vôi cho vật liệu xi măng rất lớn. Ông Dương Trung Quốc giải thích thêm:

“Rõ ràng khi công trình ở Tràng An dựng lên, nó không những thu hút du lịch, bảo vệ sinh thái, trở thành di sản thế giới… mà nó còn phát huy được vai trò của nó đối với tỉnh Ninh Bình. Vì thế tôi nghĩ rằng khi nói đến tâm linh thì nó không chỉ liên quan vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, mà nó còn đáp ứng du cầu du lịch hiện nay, cũng là một lĩnh vực về kinh tế. Còn vấn đề du lịch tâm linh nhiều hay ít còn phải nằm trong quy hoạch chung của các địa phương cũng như của quốc gia.”

Giới văn hóa cần tham gia nghiên cứu

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, ngoài những thành quả ‘đo đếm’ được, còn có những thiệt hại vô hình mà chúng ta không thể so sánh. Nếu xây dựng một khu du lịch tâm linh theo mô hình Yên Tử, Bái Đính ở Ninh Bình, thì bản trường ca thiên nhiên, văn hóa tuyệt mỹ Hương Sơn sẽ ra sao?

Liên quan vấn đề này, giáo sư Nguyễn Khắc Mai, đưa ý kiến của mình:

“Tôi không phản đối việc nâng cấp, mà tôi chỉ phản đối việc làm vô văn hóa, lợi dụng để kiếm ăn, thì không nên làm, chẳng thà để nguyên sơ như thế còn hơn. Chứ lợi dụng kiếm ăn là vô đạo, vô văn hóa. Chúng ta đã làm hỏng nhiều khu vực tâm linh, ví dụ như không còn ‘sự mơ mộng’ như của Phạm Thái ngày xưa: ‘rất non cùng… lên Yên Tử rất non cùng…’ bây giờ nó làm hỏng đi, nó đô thị hóa đi. Cho nên những người quản lý văn hóa, quản lý tôn giáo, phải nâng cấp mình, phải làm tử tế hơn.”

Nếu mà có tâm linh ở đó thì một làn khói cũng rất tâm linh, một dáng chiều cũng rất tâm linh. Cái ánh nước trên dòng Suối Yến ấy, vừa xanh biết vì có rong rêu ở dưới, vừa có bóng núi đổ xuống, sắc nước hết sức kỳ diệu.

-Nguyễn Khắc Mai
Tin cho biết, doanh nghiệp Xuân Trường cam kết nếu được Hà Nội đồng ý cho triển khai dự án, khu du lịch Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hoá thế giới vào năm 2030. Tuy nhiên khi trả lời báo chí vào hôm 26/12/2018, ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho rằng cam kết của nhà đầu tư Xuân Trường là "hơi quá", vì việc xây dựng một công trình nhân tạo rất khó đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của việc bình chọn di sản văn hoá thế giới.

Sử gia Dương Trung Quốc cho biết, theo kinh nghiệm của ông ở Bái Đính Tràng An, thì việc khai thông các dòng chảy ở Hương Sơn rất cần thiết, vì vùng kề cận ở huyện Chương Mỹ thì vấn đề nguồn nước đang là quan trọng, mùa mưa thì ngập úng, mùa khô thì suối quan trọng nhất ở đó cũng bị ảnh hưởng. Ông cho rằng khi thực hiện phải có luận chứng, phải có đánh giá tác động môi trường… Ông nói tiếp:

“Tôi nghĩ rằng đầu tư một nguồn lực lớn trên tổng thể còn hơn là chúng ta làm từng cái nhỏ một. Nhưng đầu tư lớn cũng dẫn đến tác hại lớn nếu chúng ta không giám sát kỹ. Tôi cũng đã liên hệ được với chủ doanh nghiệp này để tìm hiểu. Với tư cách là thành viên Hội đồng di sản quốc gia, chúng tôi cũng rất quan tâm đến di sản ấy để thấy được mặt tích cực trong đóng góp cũng như hạn chế hoặc là những cái chúng ta phải lường trước được, nếu không sẽ dẫn đến vi phạm, nhất là ở những khu vực nhạy cảm như thế. Ngoài ra, tôi cũng có gọi điện thoại cho cả ông chủ tịch huyện Mỹ Đức để tìm hiểu thêm, nhưng ông ấy nói đây là một dự án vẫn còn ở thành phố, chứ ở địa phương chưa có thông tin gì đầy đủ cả, ông ấy cũng không bình luận gì chuyện này.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thì kêu gọi các giới văn hóa cần tham gia tích cực, nghiên cứu, suy nghĩ, có ý kiến. Ông cũng mong ước việc nâng cấp nếu có thực hiện sẽ không phá vỡ cảnh quan môi trường. Ông kết luận:

“Tôi nói thật nếu mà có tâm linh ở đó thì một làn khói cũng rất tâm linh, một dáng chiều cũng rất tâm linh. Cái ánh nước trên dòng Suối Yến ấy, vừa xanh biết vì có rong rêu ở dưới, vừa có bóng núi đổ xuống, sắc nước hết sức kỳ diệu. Không được đánh mất sự mơ màng trong bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp (‘Hôm nay đi Chùa Hương, Hoa cỏ mờ hơi sương, Cùng thầy me em dậy, Em vấn đầu soi gương…) Tôi nghĩ chúng ta nên lưu ý và đánh động dư luận văn hóa về vấn đề này.”


Trung Khang
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages