Ngài trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc vừa diễn ra khi năm 2018 khép lại:
Mạng xã hội của ai, thưa ngài Võ Văn Thưởng? |
"Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Đây thực sự là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta có những bài học đắt giá. Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin”.
Qua cách nói của ngài thì báo chí là của chúng ta còn mạng xã hội không phải của chúng ta.
Nếu mạng xã hội không phải của chúng ta, tức không phải của đảng, không phải của nhà nước thì của ai?
Của Dân.
Trong Dân có kẻ xấu muốn đất nước tha hoá, lệ thuộc nước ngoài, cổ vũ bạo lực, cổ vũ sự sa đoạ nhân cách. Dân biết. Dân tự cô lập chúng. Luật pháp cứ trừng trị chúng.
Nhưng còn lại với tỷ số áp đảo 99,99% là Dân tử tế, yêu nước, khát khao công lý, công bằng, chả lẽ mạng xã hội - diễn đàn của họ lại là nỗi lo sợ của các quan canh cửa thông tin, truyền thông?
Với tuyệt đại đa số Dân như thế, lẽ nào của Dân lại không phải của đảng, không phải của nhà nước?
Vậy Dân là của ai?
Khi không xác định rõ về lý luận Dân của ai thì rất dễ coi Dân là phe... nó, tức phe đối nghịch. Chính vì không có lý luận nền tảng học thuyết Vị Dân một cách khoa học, biện chứng ngài đã cảnh báo:
"Đúng là thách thức từ mạng xã hội là rất lớn. Nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin”.
Do xác định mạng xã hội của Dân nhưng không phải của "chúng ta" nên ngài đã đặt chuyện được thua ở đây.
Còn vì sao thua? Giản đơn lắm:
Tai mắt của Dân giăng khắp nơ, thậm chí trong cả các nguồn cung cấp thông tin của đảng, nhà nước.
Khi có thông tin, mỗi người Dân lại là người viết bài, người đưa bài lên mạng cái rẹc, chả qua cả một đống quy trình: lượm tin, viết tin, gửi tin về toà soạn, biên tập tin, duyệt tin rồi mới xuất bản tin như hệ thống báo chí của các ngài.
Thua là cái chắc. Và còn thua dài dài nếu không nhận thức ra rằng: Mạng xã hội cũng là của... chúng ta.
Thua là cái chắc. Và thua mãi mãi nếu không nhận ra rằng, sức mạnh truyền thông để tạo động lực phát triển quốc gia phải đi trên hai chân: mạng xã hội và báo chí chính thống.
Cái thua này không phải chỉ là cái thua về thông tin truyền thông mà trước hết là thua ở niềm tin vào Dân, thua ở chinh phục Lòng Dân.
Mất Dân - Mất tất cả.
(FB Lưu Trọng Văn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét