Nguyễn Ngọc Chu - Quốc thể? Tại sao lại phải trốn chạy? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Nguyễn Ngọc Chu - Quốc thể? Tại sao lại phải trốn chạy?


Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng.

Hiện đã có 9 người trong nhóm 152 người bỏ trốn đang bị lực lượng chức năng Đài Loan tạm giữ. Ngoài 5 người bị bắt tại các huyện thị khác nhau trên toàn Đài Loan, có 4 người khác đã tự ra trình diện. ĐKN
QUỐC THỂ. TRĂM ĐƯỜNG TRỐN CHẠY. CHUNG MỘT TỦI HỜN.

Chưa kịp giãi bày cuộc trốn chạy về phương Đông – nơi “Đất nước mặt trời mọc”, thì bàng hoàng nghe tin cuộc trốn chạy của 152 đồng bào đến Trung Hoa Dân Quốc.

Họ trốn chạy đến đó không phải để làm bộ trưởng, cũng không phải để làm giáo sư, giám đốc. Họ trốn chạy để làm những việc cơ cực, nặng nhọc, vì một đồng lương ngược đãi, cam chịu một thân phận rẻ rúng.

Thì vẫn biết hàng ngày hàng giờ, nhiều đồng bào phải rứt ruột bỏ quê hương mà đi. Nhưng vẫn nuốt nước mắt tự an ủi vì không nghe, không thấy. Điếc mù câm – đôi khi cũng có chút hữu dụng. Nhưng phải tự điếc, tự mù, tự câm, thì đó là khổ nạn.

CỬA ẢI NHẬP CẢNH

Bước xuống phi trường Kansai, dẫu có Visa nhập cảnh, đã chụp ảnh, lăn tay, photocopy hộ chiếu, người Việt Nam vẫn phải qua một cuộc sát hạch tại trạm xuất nhập cảnh. Người có hộ chiếu nhiều lần xuất nhập cảnh, đặc biệt là Visa vào Nhật Bản và các nước Âu Mỹ, biết khá tiếng Anh thì cuộc sát hạch nhanh chóng kết thúc. Ngược lại là chuỗi dài những câu hỏi.

Ngay cả những doanh nhân, có tiền, đến để làm việc, hay tham quan, mà xuất ngoại ít, yếu tiếng Anh, đều bị phỏng vấn dài. Trước khi cho qua, cảnh sát biên phòng còn dặn dò, đừng làm điều gì để ảnh hưởng đến người Nhật viết thư mời xin Visa. Không phải họ lo cho mình. Mà họ lo cho chính đồng bào của họ. Tính cách Nhật đã tỏa sáng ngay từ biên giới nước Nhật.

Chạnh lòng, tìm hiểu nguyên nhân, thì biết rằng trước đó đã có người Việt bỏ trốn. Vừa đến “ Đất nước mặt trời mọc” mà mặt trời đã lặn trong tâm. Ngoài trời thì mới bình minh, mà trong lòng thì đã hoàng hôn.

HỌC KHÔNG XUỂ

Muốn đánh giá đời sống và nhịp sống của một nước, hãy đến ga tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm ở Tokyo có hơn 300 ga. Tàu đi đúng từng giây. Phục vụ ở ga tàu điện ngầm khá nhiều người đứng tuổi. Những dòng người hối hả xuôi ngược liên tục cho đến đêm khuya. Hàng triệu người đi lại mà nhà ga và trên tàu sạch bong. Người Nhật không để lại thứ gì nơi mình ngồi. Tất cả được gói gém trong túi nilon mang theo người khi rời khỏi chỗ. Điều mà ngay cả ở trên máy bay ở Việt Nam cũng chưa làm được.

Những tòa nhà cao tầng xây nhiều chục năm vẫn đẹp. Trong khi khu vực mới của Hà Nội ở đường Phạm Hùng không tìm thấy được một tòa nhà bắt mắt. Để thấy sự cách biệt không bắt kịp, ngoài tự sướng bằng những sáo từ.

Người Nhật không nói đến Công Nghiệp 4.0, mà đâu đâu cũng ngập tràn công nghệ. Ngay cả trên đồng ruộng vùng nông thôn bao la cũng đan chen những “cánh đồng” pin mặt trời. Sự sáng tạo có mặt khắp mọi nơi. Không phải chỉ ở trong các phòng sáng chế của các tập đoàn lớn. Không chỉ ở các trường đại học và các viện nghiên cứu. Mà từ người làm bánh đến người trồng rau, người Nhật không ngừng sáng chế. Ở đâu, sản phẩm của người Nhật cũng không ngừng được hoàn thiện.

Là kẻ bại chiến, thế mà người Nhật đã trở thành đối thủ của bất cứ cường quốc nào. Tính kỷ luật của người Nhật cũng không kém tính nguyên tắc của người Đức. Có khác chăng là ở hình thức thể hiện.

Đến bố mẹ mà còn không trung lập được với con cái, còn cảm tình người con này, ưu tiên người con kia. Thì đối với người dưng làm sao mà trung lập như nhau? Làm sao mà chúng ta có thể không có bạn bè, người thân, đứng một mình trong một thế giới biến động không ngừng?

Người Nhật luôn tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm bạn bè, tìm kiếm đồng minh. Họ tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh ở cả nước giàu lẫn nước nghèo, ở cả nước lớn lẫn nước bé, bao gồm cả nước mạnh lẫn nước yếu. Người Nhật là bậc thầy về tìm kiếm cơ hội, bạn bè, đồng minh. Vì thế mà họ đã hùng cường lại còn hùng cường hơn.

Người Nhật chu đáo với khách, nhưng càng rất chu đáo với chính người Nhật. Không ai nói ra, càng không hô khẩu hiệu, nhưng máu giống nòi mãnh liệt cuộn chảy trong máu mỗi người Nhật.

Chữ Nhật nhiều chữ giống Trung Quốc. Nhiều nơi người Nhật đề cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc. Có khá nhiều người Trung Quốc. Nhưng những người Trung Quốc ở Nhật đã cam chịu tính cách Nhật. Không lỗ mãng nghênh ngang, ồn ào, bẩn, trắng trợn đòi trả Nhân Dân Tệ như ở Đà Nẵng hay Nha Trang. Người Trung Quốc ở Nhật đã nhập gia tùy tục, nép mình trong khuôn mẫu của pháp luật và luân lý Nhật.

Đi đến đâu cũng thấy phải học. Học không xuể.

TRĂM ĐƯỜNG TRỐN CHẠY. CHUNG MỘT TỦI HỜN.

Trong chiến tranh, chúng ta có dòng người trốn chạy. Hòa bình vẫn tiếp tục trốn chạy. Đến bây giờ vẫn không ngừng trốn chạy.

Trong chiến tranh, dòng người trốn chạy chủ yếu là do chính trị. Thì nay, không chỉ vì chính trị, mà còn những nguyên do khác.

Kẻ có tiền trốn chạy bằng thẻ xanh.
Kẻ ít tiền trốn chạy để bán sức lao động.
Kẻ vay tiền trốn chạy bằng mạo hiểm sinh mạng.

Kẻ trốn chạy cầu mong tình duyên.
Kẻ trốn chạy kiếp đời nô lệ tình dục.
Kẻ trốn chạy bán cả giọt máu đào nòi giống.
Kẻ trốn chạy bị cướp đi nội tạng.

Kẻ trốn chạy để tìm cơ hội hợp tác.
Kẻ trốn chạy để tìm kiếm kiến thức.
Kẻ trốn chạy vì đời sống an toàn…

Trăm đường trốn chạy.
Chung một tủi hờn.

BAO GIỜ THÌ ĐỒNG BÀO THÔI KHỎI PHẢI TRỐN CHẠY?

Khi mà xuất khẩu lao động còn là chỉ tiêu góp phần tăng GDP và ngoại tệ cho Chính phủ, thì chừng đó đồng bào còn mãi phải trốn chạy.

TRỐN CHẠY VỀ ĐÂU?

Trốn chạy về phương Tây.
Trốn chạy về phương Đông.
Nếu có thể, đã trốn chạy lên sao Kim, sao Hỏa.

QUỐC THỂ? TẠI SAO LẠI PHẢI TRỐN CHẠY?

Một Dân Tộc đã vượt qua những năm dài chiến tranh khốc liệt thì không thể không vượt qua được những khó khăn mưu sinh. Cái gốc, với nhiều người trốn chạy, là do môi trường mưu sinh chưa tốt, chưa tốt đến nỗi phải thúc ép họ đi tìm môi trường mưu sinh ở xứ người.

Từ đó để thấy được, cải thiện môi trường mưu sinh là cực kỳ quan trọng và cấp bách. Đừng tự ru ngủ bằng những bình chọn mơ hồ “thành phố đáng sống”, “đất nước đáng sống”, “con hổ”, “con rồng” – trong khi hàng ngàn đồng bào phải kéo nhau vượt biên xa xứ.

Chúng ta vui mừng vì lần đầu tiên tăng trưởng GDP vượt 7%. Chúng ta vui mừng vì GDP đạt 245 tỷ USD. Những điều đó không sai.

Nhưng một đất nước 95 triệu dân mà đạt GDP chỉ có 245 tỷ USD, trong khi Singapore chỉ có dân số 5 triệu 638 ngàn 700 người lại có GDP là 349 tỷ 659 triệu USD. Quốc thể chúng ta ở đâu?

Trong cuộc trốn chạy của hàng chục ngàn đồng bào có lỗi của mỗi chúng ta. Chúng ta đã không chung tay để thay đổi môi trường sống về hướng tốt hơn. Chúng ta cam chịu một môi trường sống ngày càng thêm ô nhiễm.

Môi trường mưu sinh trùm chứa nhiều bình diện của một kiếp người, không đơn thuần chỉ là miếng ăn, kiếm sống.

Nhìn đồng bào của mình bị còng tay dắc đi trong con mắt khinh rẻ của người, một nỗi xót thương quặn thắt trào dâng nghẹn họng. Cũng là cùng kiếp người, sao thân phận đồng bào mình bị đẩy trôi đến lớp đáy của xứ người? Ai đã buộc họ đến nông nỗi này?

Nhớ lại đoạn phim thời sự.Tổng thống Kennedy đã bỏ họp ra khỏi phòng khi nhìn thấy cảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ông tự nói rằng, bên đó chính quyền phải làm những điều gì đó mới đẩy nhà sư đến hoàn cảnh tự thiêu như thế này.

Khi người Đông Đức vượt tường Berlin sang Tây Berlin bị phơi xác trên tường, nghĩa là có điều gì ở Đông Đức buộc họ phải mạo hiểm tính mạng sang Tây Đức.

Khi người Duy Ngô Nhĩ phải trốn sang Móng Cái để đến nước thứ ba, nghĩa là chính quyền Trung Quốc đã làm điều gì đó ở Tân Cương buộc họ phải rời bỏ quê hương.

Người có tầm nhìn là thấy nguyên nhân qua hiện tượng. Người Đài Loan và thế giới sẽ hỏi tại sao người Việt Nam phải vay mượn, bán tài sản để trốn sang Đài Loan làm những việc cặn đáy? Người đánh mất quốc thể không phải là những người bỏ trốn!

Mà chính chúng ta mới là người đánh mất quốc thể. Chính chúng ta, những kẻ có tiền, có quyền, có chữ – những kẻ uống chai rượu mười tấn thóc, đi chiếc xe trăm con trâu, lại may cho người dân chiếc áo quốc thể mạng nhện, chưa khoác đã tan biến trong gió mưa đói rét.

Chiếc áo quốc thể duy nhất còn lại của họ là do tổ tiên truyền đời. Để mỗi lần đất nước lâm nguy, họ lại tự nguyện khoác lên mình hiến dâng cả tính mạng.

Không yêu tư tưởng nào cả. Không yêu chủ nghĩa nào cả. Hãy yêu lấy đồng bào của mình. Hãy yêu lấy giống nòi của mình. Chỉ khi người cầm quyền biết thở không khí của nhiều kiếp phận, không thở không khí của phòng họp nhiều ngàn tỷ, thì dòng người trốn chạy tất sẽ tự dừng, chiếc áo quốc thể tự nhiên sẽ chói sáng.

Nguyễn Ngọc Chu

(FB Nguyễn Ngọc Chu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages