Trước thềm Hội nghị Trung ương 9, đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) phải đối diện với thực tế Đảng chưa tan nhưng đã rã.
Nhưng chất lượng đảng viên và tình trạng bỏ sinh hoạt đảng lan nhanh trong nội bộ đã được báo động tại phiên họp ngày 18/12 (2018) của Ban Bí thư. Tình hình xấu này được Ban Tổ chức Trung ương báo cáo vào lúc cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp Ủy đảng địa phương đang diễn ra trên toàn quốc. Kết qủa bỏ phiếu sẽ phản ảnh trong thành phần đại biểu của mỗi địa phương được chọn tham dự Đại hội đảng XIII. Cho đến giữa tháng 12/2018, không thấy có thay đổi nào của các tổ chức đảng địa phương.
Trước bức tranh “vẫn dậm chận tại chỗ” u ám này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tỏ vẻ ngán ngẫm nói rằng: “ Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân số nước ta có 25 nghìn người thì có 5 nghìn đảng viên, vậy mà Đảng đã lãnh đạo cách mạng thành công. Bây giờ cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu đảng viên, đông nhưng không mạnh chính là vì chất lượng đảng viên”. (báo Công Lý, ngày 18/12/2018)
Ông Trọng không nói tại sao đảng viên sa sút, yếu kém. Nhưng ẩn ý của ông trong lời nói sau đó đã phơi ra sự thật là đảng viên đã chán đảng và không còn tha thiết vớ sinh hoạt đảng nữa.
Ông tự nghi vấn với mọi người có mặt tại Trụ sở Trung ương Đảng rằng: “Trước hết là về tư tưởng chính trị, có trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước, với nhân dân không; phẩm chất đạo đức có gương mẫu đi đầu, đi trước thiên hạ, vui sau thiên hạ hay không…”.
Đó là những tiêu chuẩn của Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu đã đặt ra “về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”. Nhưng ông không cho biết liệu đã có bao nhiêu đảng viên đã suy thoái tư tưởng rồi đoạn tuyệt với đảng.
Chỉ thấy ông Trọng nói: “Cần nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; sàng lọc, rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, động cơ mục đích không trong sáng, vào đảng không phải để chiến đấu hy sinh, mà để được đề bạt, lên lương, thăng quan tiến chức…”
Lo âu hàng đầu của đảng CSVN từ 10 năm qua là tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ đảng viên, nhất là trong số khoảng 600 lãnh đạo cốt cán được gọi là “cán bộ chiến lược”.
Nhiều người trong họ đã không còn tin vào thứ gọi là “kim chỉ nam cho mọi hành động” của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ chỉ trích đảng đang đi sai đường; không muốn làm theo lệnh đảng, hay làm khác đi để thu lợi cho bản thân, gia đình và phe nhóm. Quan trọng hơn, nhiều người còn công khai phủ nhận vai trò lịch sử của đảng và đòi đảng nhìn nhận sai lầm của mình đối với đất nước.
BỊ XÓA HAY TỰ XÓA?
Vì vậy cuộc thanh lọc hàng ngũ đảng trong thực tế đã bắt đầu ngay từ khi ông Trọng nắm quyền khóa đảng XI thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Theo báo cáo thì: “Từ năm 2011 đến năm 2017, toàn Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó xóa tên do vi phạm 38.519 đảng viên, chưa kể 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.
Việc rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng, năm 2011 là 6.005 đảng viên, năm 2013 là 7.413 đảng viên, năm 2015 là 6.458 đảng viên, năm 2017 là 9.822 đảng viên”. (theo báo CAND, Công an Nhân dân, ngày 19/12/2018)
Đó là những con số không nhỏ và có ý nghĩa chính trị có lợi cho cá nhân ông Trọng. Dưới thời các Tổng Bí thư tiền nhiệm, từ thời Nguyễn Văn Linh (1986-1991), Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001) đến Nông Đức Mạnh (2001-2011) chưa bao giờ có báo cáo thanh lọc hàng ngũ được công khai như thế.
Tuy nhiên, số đảng viên bị kỷ luật khai trừ, bị loại vì nhiều lý do hay tự ý bỏ sinh hoạt đảng dưới thời ông Trọng còn có ý nghĩa số đảng viên thiếu phẩm chất cũng rất nhiều.
Nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu chuyện không hay mà ngay trong kế hoạch kết nạp đảng viên thay thế cũng không dễ dàng. Theo lời Ban Tổ chức Trung ương thì: “Chất lượng đảng viên mới kết nạp ở một số nơi còn thấp, không ít đảng viên dự bị không đủ điều kiện chuyển đảng viên chính thức, phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên, chỉ riêng năm 2017 đã có 2076 đảng viên dự bị xóa tên”.
Thêm vào đó, đảng cũng thừa nhận: “Việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, địa bàn dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu, có biểu biện chạy theo số lượng đơn thuần, chưa coi trọng chất lượng đảng viên mới được kết nạp”.
Từ năm 2011 đến năm 2017, theo báo cáo, toàn Đảng kết nạp được 1.461.701 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 209.572 đảng viên. Nhưng số người bỏ sinh hoạt đảng cũng lên cao.
Đảng xác nhận: “Việc quản lý đảng viên ở một số nơi chưa chặt chẽ, cấp ủy không nắm được số đảng viên không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng về nơi đến, tự bỏ sinh hoạt đảng; số đảng viên thường xuyên đi làm xa nơi cư trú, xin miễn sinh hoạt đảng nhiều năm… (theo Công Lý, ngày 18/12/2018).
Tính đến ngày 31/12/2017, Đảng CSVN có 4.921.129 đảng viên, sinh hoạt ở 270.046 chi bộ thuộc 57.794 tổ chức cơ sở đảng.
THANH NIÊN NGẠI VÀO ĐẢNG
Từ chuyện đảng viên thoát đảng, nhiều thanh niên và người lao động ngày nay còn không muốn vào đảng.
Lý do rất nhiều, nhưng chỉ cần đọc câu mở đầu bài phân tích của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Việt Nam) ngày 08/10/2018, sẽ biết tại sao: “Bây giờ lớp trẻ nhìn vào đội ngũ cán bộ, bộ máy chúng ta, có những cán bộ, đảng viên, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Trong tất cả những đối tượng thất hứa đối với nhân dân, ai thất hứa nhiều nhất? Bộ máy của chúng ta thất hứa nhiều nhất. Lớp trẻ cảm thấy chán”.
VOV viết tiếp: “Trong thời gian gần đây, tại các tỉnh miền Trung, số lượng đảng viên kết nạp năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2017, 12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ kết nạp hơn 35.000 đảng viên, giảm hơn 2.900 người so với năm 2016. Có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Đáng lo ngại là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, ngại vào Đảng…”.
“…Những năm gần đây, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, thiếu gương mẫu, chưa gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…”
Trong bài khác ngày 08/10/2018, VOV viết: “Trong thời gian gần đây, tại các tỉnh miền Trung, số lượng đảng viên kết nạp năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2017, 12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ kết nạp hơn 35.000 đảng viên, giảm hơn 2.900 người so với năm 2016. Có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Đáng lo ngại là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, ngại vào Đảng”.
VOV viết tiếp: “Hai anh em Hồ Tấn Phương và Hồ Việt Phương sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thành phố Đà Nẵng, bố mẹ đều là đảng viên. Ông bà nội, ngoại cũng là những đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng. Hai anh em chưa qua tuổi 30, rất giỏi chuyên môn được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp đánh giá cao nhưng cả 2 còn ngại vào Đảng.
Hồ Tấn Phương chia sẻ: “Việc vào Đảng hay không bản thân tôi chưa nghĩ tới. Nếu tôi vào Đảng thì cũng chẳng tạo ra điểm khác biệt gì”.
NHẠT ĐẢNG-KHÔ ĐOÀN
Ngay đến ông Nguyễn Phú Trọng, trong lần phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM) lần thứ XI khai mạc sáng 11/12/2018 tại Hà Nội đã cảnh giác đang có tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” trong đội nghị đoàn TNCSHCM. Ông nói: “Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua cũng còn những hạn chế, bất cập. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc; một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại, thậm chí chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp”.
Vì vậy ông Trọng khuyến cáo: “Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị“.
Lời cảnh giác của ông Trọng cho thấy Thanh niên Việt Nam đã chán đảng đền tận cổ vì đảng không phải là “của dân”, “do dân” và “vì dân” mà chỉ biết bóc lột dân, buộc dân là chủ nhân của đất nước, phải lao động ngày đêm để phục vụ cho quyền lợi của đảng.
CÔNG NHÂN CŨNG CHÁN
Trong khi đó, dưới chủ đề “Nhìn thẳng thực trạng công nhân, sinh viên ngại vào Đảng – Bài 1: Băn khoăn, chần chừ”, báo Sài Gòn Giải Phóng v iết ngày 15/10/2018: “ Công tác phát triển Đảng trong công nhân và sinh viên tại TPHCM luôn được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, hiệu quả công tác này còn nhiều hạn chế, số lượng đảng viên là sinh viên, công nhân chưa tương xứng với tiềm năng. Vì sao các tổ chức Đảng không đạt được mục tiêu quan trọng này, đâu là lực cản?
“Ngày xưa mình “ngỏ ý” là người ta theo mình liền, bây giờ thì phải đi theo người ta để vận động, vận động nhiều lần mới được. Có người còn hỏi vào Đảng có phải là bắt buộc không, nếu bắt buộc thì họ mới vào, còn tự nguyện thì không”. Câu chuyện ông Võ Văn Lợi, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Tường Vy (huyện Nhà Bè), chia sẻ là ví dụ điển hình của tình trạng phần lớn công nhân và sinh viên hiện nay không mặn mà chuyện được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam – điều mà mấy chục năm về trước là niềm vinh dự của thế hệ cha anh.
Báo SGGP viết tiếp: “Việc phát triển đảng viên tại Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long càng khó khăn hơn. Ông Vũ Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, Bí thư Chi bộ Thanh Phong (thuộc Đảng ủy Doanh nghiệp huyện Nhà Bè), cho biết 3 năm qua chi bộ chưa phát triển thêm đảng viên mới nào, dù công ty có mấy ngàn người lao động. Năm nay, chỉ tiêu cũng rất khiêm tốn như mọi năm là “mỗi năm một người”, nhưng vẫn có nguy cơ không đạt được. Nhiều người được vận động nhiều lần cũng không vào Đảng”.
Cuối cùng, ông Vũ Hoài Nam trăn trở: “Thật sự, người lao động nói họ không có nhu cầu vào Đảng. Họ cho rằng vào Đảng không mang lại lợi ích dù trực tiếp hay gián tiếp. Chúng tôi cũng vận động, thuyết phục, song chưa được”. Không những chưa kết nạp được đảng viên mới, mà nhiều đảng viên trong chi bộ đã ngỏ ý muốn xin ra khỏi Đảng. Chi bộ Thanh Phong phải động viên, đảng viên mới tiếp tục sinh hoạt!” (SGGP Thứ Hai, 15/10/2018)
Như vậy thì những câu tuyên truyền rẻ tiền và lừa bịp trong các bản nhạc như: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” (Nhạc sỹ Phạm Tuyên) , “Đảng cho ta một mùa Xuân”(Nhạc sỹ Phạm Tuyên) , “Đảng là cuộc sống của đời tôi” (Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn) có còn xứng đáng lưu giữ không?
Phạm Trần
(Dân Làm Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét