Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Lạc quan lẫn hoài nghi
Chiều 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới được mô tả là theo hướng hiện đại, tinh gọn, đảm bảo chất lượng, tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên bằng cách giảm đi số môn học, tiết học, và kiến thức kinh viện; mặt khác tăng cường dạy học phân hóa – tự chọn.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên trường Đại học Bách Khoa Sài Gòn, hiện sinh sống tại Pháp cho biết cảm nhận của ông:
Nếu thực sự xảy ra như thế thì đây là một điểm tốt. Nhiều người đã phàn nàn rằng việc học ở Việt Nam ở cấp Tiểu học và Trung học quá nặng khiến các em lên tới Đại học thì đuối sức. Thứ hai nữa là các em học thì nhiều, nhưng thực sự có nhiều môn vô ba. Thứ ba là chương trình học của các em ở bậc Trung học thì tạm gọi đều đi vào một luồng khiến cho nhiều em không hứng thú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nói với truyền thông trong nước rằng chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích hóa hoạt động người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà xã hội kỳ vọng.
Nếu như thay đổi dựa theo một vài mô hình tiên tiến mà không có vấn đề giải quyết cụ thể thì sẽ khó vì mình không biết điều chỉnh khác nhau.
-Thầy giáo
Khi mình nói phát triển kỹ năng, phẩm chất thì phải có những kỹ năng gì, phẩm chất gì. Phẩm chất thì liên quan đến tự thân, kỹ năng thì liên quan đến cách làm việc với người khác. Nếu mọi người không nói rõ thì sẽ khó xây dựng chương trình.
Truyền thông trong nước cho biết chương trình mới sẽ phân rõ giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 9, và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. Mục đích nhằm phân luồng mạnh sau trung học cơ sở để trung học phổ thông tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Khi đặt vấn đề về việc phân chia giai đoạn giáo dục, người giáo viên tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi.
Không biết mọi người chia như vậy để giải quyết vấn đề gì. Nếu như thay đổi dựa theo một vài mô hình tiên tiến mà không có vấn đề giải quyết cụ thể thì sẽ khó vì mình không biết điều chỉnh khác nhau. Mỗi chương trình giáo dục sẽ có vấn đề riêng.
Hành xử vô giáo dục
Năm 2018 đánh dấu nhiều vụ bê bối Giáo dục tại Việt Nam. Có thể điểm qua như vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy trừng phạt học sinh bằng cách yêu cầu các học sinh cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào mặt; vụ bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị dư luận phản đối; vụ gian lận điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông ở các tỉnh phía Bắc; hay gần đây nhất là vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My dâm ô hàng chục nam sinh.
Một bà mẹ trẻ chia sẻ với chúng tôi sự bi quan hoàn toàn của cô đối với chương trình mới của Bộ Giáo dục.
Giải thích về điểm cốt lỗi gây ra những tiêu cực Giáo dục, Giáo sư Phạm Minh Hoàng dẫn chứng Khoản 1 Điều 3 trong Luật Giáo Dục Việt Nam 2005 quy định “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.” và ông nhấn mạnh:
Tất cả những cái đó tôi chung quy vào một mối thôi, đó là cơ chế của đất nước chúng ta như thế. Một khi chúng ta không giải quyết được cơ chế mà để ý thức hệ ràng buộc, ‘vòng kim cô’ trên đầu thì chúng ta đừng nghĩ gì xa hơn.
Từ việc giáo viên không có đạo đức cho đến việc những người làm trong giáo dục không có đạo đức thì dạy ai, ra chính sách gì? Tôi không tin.
- Một bà mẹ trẻ
Tôi không chấp nhận được chuyện để con tôi đi học mà được dạy phải tát bạn mình. Chừng nào thay đổi chế độ thì tôi nghe Bộ Giáo dục nói chuyện.
Viễn cảnh nào cho nền Giáo dục Việt Nam?
Vấn đề cải cách giáo dục là đề tài được giới trí thức cũng như quan chức chính phủ thường xuyên bàn bạc để tìm hướng đi. Tại phiên chất vấn và trả lời trước Quốc hội vào sáng 6/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh phải đầu tư giáo dục chất lượng cao bằng cách nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến. Hôm 26/8, đích thân ông Nhạ dẫn đầu đoàn công tác sang Phần Lan để tìm hiểu kinh nghiệm giáo dục.
Trái ngược với quan điểm giáo dục của Hà Nội, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhắc tới triết lý giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và khẳng định.
Triết lý giáo dục rất ‘nhân bản’ của con người là đủ rồi. Chúng ta không nhất thiết phải chạy theo một cái khuôn khổ, khuôn mẫu nào cả. Nghe người ta nói sẽ mang sách lược giáo dục của nước ngoài về thì tôi thấy đây là chuyện hơi khôi hài. Tôi nghĩ con người Việt Nam đủ sáng suốt và đủ thông minh để tìm ra một hướng đi giáo dục ở Việt Nam.
Đánh giá về tương quan giữa giáo dục và xã hội trong tương lai, người thầy đang áp dụng chương trình của Phần Lan nhận định:
Trong tương lai và ngay thời điểm bây giờ mọi người đều thấy là ngành mới và nghề mới sinh ra liên tục, và hệ thống giáo dục không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc mới rồi. Nếu như mình vẫn còn dạy theo định hướng nghề nghiệp cũ thì sẽ đào tạo ra một thế hệ không đủ kỹ năng đòi hỏi công việc cho tương lai.
Nếu như mình vẫn còn dạy theo định hướng nghề nghiệp cũ thì sẽ đào tạo ra một thế hệ không đủ kỹ năng đòi hỏi công việc cho tương lai.
-Thầy giáo
Thật ra là Việt Nam trễ hơn không phải một nhịp mà là hai nhịp rồi. Có nghĩa là mấy bạn nhỏ Việt Nam thậm chí còn không biết nghề mình thi vào là cái gì. Định hướng nghề trong chương trình mới có thể sẽ giải quyết, nhưng dù vậy thì vẫn trễ so với tốc độ phát triển ngành nghề.
Cũng theo anh, các bậc phụ huynh Việt Nam và các nước Đông Á vẫn nặng tâm lý ‘thành tích’, điểm số mà thiếu cái nhìn đa dạng trong tiềm năng của trẻ em.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét