Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) bắt tay Chủ tịch VN kiêm TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp song phương tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 11 năm 2018. |
Cơ hội kinh tế & đòi hỏi nhân quyền
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 thành viên sau khi Mỹ rút lui, dự kiến sẽ có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 14 tháng 1. Hiệp định này sẽ loại bỏ gần 95% thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia thành viên, bao gồm các thị trường lớn ở Úc, Canada và Nhật Bản, chiếm hơn một phần mười tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm nay vẫn đang gặp một số trở ngại liên quan đến hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Bà Maria Arena, thành viên của Nghị Viện Liên Âu chia sẻ với RFA về nhận định của bà nhân buổi điều trần Những Lợi Ích và Giá Trị của EVFTA tại Bỉ hôm 10/10/2018,:
“Năm nay là năm 2018, từ năm 2012-2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền Nghiệp đoàn và nhân Quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa. Chúng tôi có thể cho thêm thời gian, nhưng thời gian đó phải được Việt Nam sử dụng để có những hành động cho thấy được sự nổ lực của họ”.
Nan đề Chính trị - Xã hội
Các nhà phân tích cho rằng tình hình đang trở nên khó khăn hơn đối với chính quyền khi mật độ đô thị hóa ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều với những đòi hỏi mạnh mẽ về quyền sở hữu tư nhân về đất đai, thay vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý như hiện nay.
Tháng 6 năm 2018, nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Vinh và Hà Nội phản đối dự thảo Luật đặc khu mà Quốc hội thảo luận với thời hạn cho thuê đất tới 99 năm mà nhiều người cho rằng gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ là bên thuê đất.
Quy mô các cuộc biểu tình khiến chính chính phủ phải ra quyết định lùi dự thảo Luật Đặc khu đến tháng 10 năm 2018. Sau đó lại được hoãn tiếp đến tháng 5 năm 2019.
Ngay sau khi Quốc hội ra thông báo hoãn dự luật đặckhu vào tháng 8/2018, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương lên tiếng với RFA:
“Tôi hoan nghênh động thái của Quốc hội đã dừng không có xem xét Luật Đặc khu và cũng lại hoãn việc xem xét luật này vào kỳ họp sắp tới đây, để chắc chắn là phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của các cựu chiến binh, của người dân và cần phải có sự đánh giá thật là khách quan, khoa học, dựa trên kinh nghiệm thực tế và những kinh nghiệm trong nước.”
Người dân biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6/2018 AFP |
Đối với nhiều người thì các cuộc biểu tình này và phản ứng của chính quyền là sự kiện chính trị lớn của năm 2018, nhưng với nhiều người khác thì việc ông Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước sau cái chết của ông Trần Đại Quang mới là sự kiện chính trị đáng nói.
Trong bài phân tích về việc Hội nghị Trung ương 8 quyết định chọn ông Trọng là ứng viên duy nhất vào chức Chủ tịch nước để đưa ra Quốc hội, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc viết rằng:
“Quyết định của phiên họp thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng chọn ông Nguyễn Phú Trọng nắm cùng lúc hai chức vụ là Bí thư đảng và Chủ tịch nước sẽ làm yếu đi nếu không muốn nói là làm xói mòn hệ thống kiểm soát và cân bằng không chính thức vốn có kể từ sau khi áp dụng Hiến pháp 1992”.
Sự thay đổi như vậy ở Việt Nam được cho là rất gần với cơ cấu chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc và đưa tầm vóc của Ông Nguyễn Phú Trọng vào ngang hàng với nhà cầm quyền Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quyết định của phiên họp thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng chọn ông Nguyễn Phú Trọng nắm cùng lúc hai chức vụ là Bí thư đảng và Chủ tịch nước sẽ làm yếu đi nếu không muốn nói là làm xói mòn hệ thống kiểm soát và cân bằng không chính thức vốn có kể từ sau khi áp dụng Hiến pháp 1992 - Gs. Carl Thayer
Tờ Asia Times đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải là cách ông Nguyễn Phú Trọng tập trung quyền lực vào cá nhân mình bỏ qua nguyên tắc phân chia quyền lực theo bộ tứ tồn tại hàng chục năm qua?
Các nhà phân tích cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ từ chức vào năm 2021 khi bầu bán nhân sự cho nhiệm kỳ 2021-2026, và người thay thế ông Trọng sẽ là người quyết định bàn cờ chính trị cho thập kỷ tới.
Một sự kiện được ông Trọng phát động mạnh mẽ trong vài năm qua là chiến dịch chống tham nhũng đã đưa nhiều nhân vật nặng ký vào tù. Nổi bật là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị tù do tham nhũng.
Cựu đại tá Bùi Tín lúc sinh thời từng dự đoán về chiến dịch chống tham nhũng năm 2018 rằng đích đến là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Hiện nay nó xử ông Đinh La Thăng, rồi sắp tới xử ông Trịnh Xuân Thanh và lần lượt sẽ xử đến ông Nguyễn Văn Bình và đến một số tay chân khác của ông Dũng. Nhưng cuối cùng sẽ đi đến trả thù cho ông Dũng. Bởi vì chống tham nhũng này của ông Trọng là oán thù các phe cánh với nhau mà kẻ thù số một của ông Trọng là ông Nguyễn Tấn Dũng.”
Vênh giữa đối nội & đối ngoại
Làm thế nào Đảng cân bằng giữa tham vọng độc quyền cai trị và quan hệ đối ngoại cũng sẽ là một lĩnh vực cần theo dõi. Trong nhiều năm, Việt Nam đã cố gắng cân bằng ngoại giao với càng nhiều quốc gia thân thiện càng tốt. Nhưng đây sẽ là một lằn ranh mong manh để quân bằng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - Nga.
Năm nay Việt Nam và Nga kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị hai nước (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2020). Hiện tại Nga vẫn là nước chính cung cấp nhiều loại vũ khí cho Việt Nam từ thời chiến tranh lạnh.
Quan hệ Nga - Mỹ không ổn định đang đặt Việt Nam vào thế khó, đặc biệt là khi Mỹ tìm cách mở rộng quan hệ quân sự với Việt Nam.
Quan hệ của Mỹ - Trung xấu đi cũng gây ảnh hưởng đến ngoại giao của Việt Nam, vì dù có những bất đồng về Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Trong khi Washington ngày càng coi Hà Nội là một đồng minh quan trọng thì Hà Nội vẫn giữ thế đu dây ngoại giao.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Sài Gòn nhận định với RFA sau một loạt những cuộc tiếp xúc Mỹ - Việt trong tám tháng đầu năm 2018:
“Hiện tại Việt Nam là nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, và tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ tận dụng điều này để giúp Việt Nam có thể về một mặt nào đó, có thể nâng cao năng lực hàng hải của mình ở khu vực Biển Đông, để bảo đảm một mục tiêu lớn hơn của Mỹ là đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực.”
Tổng thống Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam vào năm đầu nhiệm kỳ nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam từ người tiền nhiệm Barack Obama. Có tin đồn rằng Việt Nam muốn lên kế hoạch cho chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington vào năm 2019.
Giới phân tích cho rằng một lý do có thể khiến ông Trọng muốn kiêm chức Chủ tịch nước là vì với tư cách là người đứng đầu nhà nước, ông sẽ ở một vị trí tốt hơn để thiết lập chính sách đối ngoại của Việt Nam trong các chuyến thăm cấp nhà nước, và chính trị sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng Cộng sản trong năm 2019.
Diễm Thi
(RFA)
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét