“Việc thực thi pháp luật còn lơ là, yếu kém”
Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Ông Vượng cho rằng, chỉ thị này nhằm góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống tiêu cực, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nhận xét về chỉ thị 27:
Tôi xin nói thẳng, ở Việt Nam hay có tình trạng, pháp luật thì thông qua rồi, nhưng việc thực thi pháp luật còn lơ là, yếu kém.
-GS Đặng Hùng Võ
Theo Chỉ thị 27, một trong những nguyên nhân hạn chế về việc bảo vệ người tố cáo, là do cấp ủy đảng, tổ chức đảng ở một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/1/2019, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra nhận xét về chỉ thị này:
“Thường những chỉ thị trong đảng người ta nói trong nội bộ đảng là chính, còn Luật tố cáo thì người ta nói trên phạm vi toàn xã hội, tất cả mọi người dân. Còn những biên bản của đảng thì nó có giá trị trong nội bộ đảng là chính.”
Theo luật sư Trần Quốc Thuận, ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những người lãnh đạo đảng, nhà nước cũng hô hào. Theo ông, luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.
Phát biểu lúc giới thiệu chỉ thị 27 tại Hà Nội, ông Trần Quốc Vượng cho rằng, mặc dù thời gian qua chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, quy định trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông Vượng vẫn còn nhiều hạn chế như tình trạng lộ thông tin của người tố cáo, nhiều trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập...
“Từ nhiều năm nay, đối với tôi thì phải hơn chục năm rồi, khi mà tôi tố cáo bọn tham nhũng rất nhiều chuyện, phanh phui rất nhiều sai phạm của bọn tham nhũng, tôi không sợ gì hết. Tôi còn nhớ khi tôi tố cáo một cán bộ bên tập đoàn VNPT và tố cáo một hiệu trưởng ăn bớt tiền ăn của học trò cấp một trong hai năm liền, khi đó không biết ai trong số những người tôi tố cáo còn thuê người đem đến trước cửa nhà tôi, chặn một vòng hoa tang cao hơn đầu người tôi, với dòng chữ ‘Kính Viếng Hương Hồn Cụ’. Đấy là một điều chúng nó khủng bố tôi, nhưng tôi đã tố cáo và tôi chống tham nhũng thì tôi không sợ một cái gì cả. Chứ còn người tố cáo có được bảo vệ hay không? Khi ông Trần Quốc Vượng đưa chỉ thị đó ra, tôi hoan nghênh, nhưng quan trọng nhất là có làm được đúng như chỉ thị đó hay không?”
Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị được ban hành ngay thời điểm Luật Tố cáo 2018 vừa có hiệu lực nhằm thay thế cho Luật Tố cáo 2011, được cho rằng nhằm nhắc nhở việc thực thi pháp luật tố cáo.
Còn nhiều quan ngại
Tuy nhiên trong những điểm mới Luật Tố cáo 2018, cũng có một số điểm gây quan ngại. Như theo khoản 3 Điều 24, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Điều khoản này này làm dấy lên quan ngại sẽ gây khó khăn cho người tố cáo. Bà Lê Hiền Đức kể lại kinh nghiệm của mình liên quan vấn đề này:
“Rất nhiều cán bộ bị tôi tố cáo nhưng nó bao che cho nhau, nó đùn đẩy chỗ nọ chỗ kia. Thanh tra bộ thì đẩy xuống tỉnh, tỉnh lại không giải quyết, lại trả lời tôi là tố cáo của tôi không có căn cứ. Nghĩa là trên thì đẩy xuống, dưới đẩy lên, và chúng nó bao che cho nhau, chúng nó không xử lý.”
Với tin thần của luật tố cáo, thì người tố cáo phải tố cáo đúng sự việc và đúng địa chỉ, chứ bây giờ giữa tố cáo và nói xấu này kia thì nó mênh mông lắm.
-LS. Trần Quốc Thuận
“Không đúng thẩm quyền thì không giải quyết cũng là một nguyên tắc pháp luật đúng. Nhưng trong hướng dẫn thực thi phải có thêm cái điều là người nhận tố cáo dù ở vị trí nào nếu không giải quyết thì vẫn phải chuyển về đúng nơi có thẩm quyền giải quyết. Tôi cho rằng đấy cũng là một điểm rất quan trọng.”
Chỉ thị 27 của Bộ chính trị cũng nhìn nhận tình trạng để lộ thông tin của người tố cáo, không ít trường hợp bị trả thù… Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 25 của Luật Tố cáo 2018 quy định, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền không xử lý.
Liên quan vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
“Với tin thần của luật tố cáo, thì người tố cáo phải tố cáo đúng sự việc và đúng địa chỉ, chứ bây giờ giữa tố cáo và nói xấu này kia thì nó mênh mông lắm. Mà gởi không có địa chỉ thì cũng không có ai mà bám theo lời nói đó. Thường trên mạng xã hội nó nhiều ý kiến lắm, nhưng mà không phải cứ cái gì trên mạng xã hội là chuyển thành tố cáo phải giải quyết, cái đó thì không ổn vì nó không có chứng cứ gì cả?”
Luật sư Thuận cho rằng, việc này nhằm đề phòng việc lợi dụng để nói chuyện này kia không chúng cứ. Nhưng theo ông, luật tố cáo cũng nêu rõ, nếu mà có chứng cứng cụ thể thì cũng phải xem xét, chứ không phải là bác bỏ.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, công khai danh tính để người tố cáo phải có trách nhiệm với việc mình tố cáo. Bởi vì đã có trường hợp nhiều người cũng đã từng lợi dụng việc tố cáo để hại người khác. Ông cho rằng việc công khai nhân thân người tố cáo là việc cần thiết để tăng hiệu quả việc tố cáo.
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho biết, Luật tố cáo 2018 vừa có hiệu lực và Chỉ thị 27 của Ban bí thư không có gì mâu thuẫn nhau. Chỉ thị này khuyến khích người dân tố cáo và không loại bỏ người tố cáo dù là ở cương vị xã hội nào vẫn được bảo vệ. Ông cho đó là một biểu hiện tích cực, tuy nhiên ông bày tỏ mong muốn việc này sẽ được diễn ra trong thực tế chứ không phải chỉ trong văn bản.
Trung Khang
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét