Cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng: Bất hợp pháp nhưng vẫn tiến hành, vì sao? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

Cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng: Bất hợp pháp nhưng vẫn tiến hành, vì sao?


Một luật sư khẳng định rằng việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TPHCM là hoàn toàn “trái pháp luật” và cảnh báo về một “ngòi nổ Tiên Lãng” ngay giữa lòng Sài thành, sau khi chính quyền “ra quân” rầm rộ và san bằng khoảng 200 ngôi nhà vào ngày 8/1.

Một góc tan hoang của Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế ngày 8/1/2019.

Theo chuyên gia pháp lý này, hành động cưỡng chế “phi pháp” đã “triệt tiêu” quyền khiếu kiện của người dân, đồng thời cho thấy tình trạng thực tế là doanh nghiệp lợi ích nhóm đang “mượn tay” chính quyền để cướp đất của người dân.

Phi pháp

Phân tích về khía cạnh pháp lý trong việc tiến hành cưỡng chế tháo dỡ hàng trăm ngôi nhà ở khu Vườn rau Lộc Hưng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từ TPHCM nhận định với VOA:

“Tôi cho rằng việc lực lượng cưỡng chế của chính quyền kết hợp với doanh nghiệp tiến hành cưỡng chế là không đúng trình tự pháp luật theo quy định về Thu hồi đất, hoặc Cưỡng chế tháo dỡ”.

Theo ông, nếu chính quyền muốn thu hồi đất thì trước đó phải có quyết định thu hồi, giải quyết việc bồi thường cho người dân và bố trí tái định cư cho họ trong trường hợp họ không có chỗ ở.

“Khi tháo dỡ công trình xây dựng được gọi là trái phép thì cũng phải theo trình tự. Phải có biên bản vi phạm hành chính, phải có quyết định xử phạt hành chính yêu cầu tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì có quyết định cưỡng chế. Tất cả phải theo trình tự và tống đạt cho người vi phạm”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nói.

Một người dân nằm chặn xe ủi để phản đối cưỡng chế ở Vườn rau Lộc Hưng.

Nhiều người dân trong khu vực cho biết họ hoàn toàn không nhận được bất cứ quyết định thu hồi nào cho tới khi chứng kiến hàng trăm cảnh sát cơ động, an ninh, lực lượng chức năng cùng xe ủi, thiết bị tháo dỡ ập đến tiến hành cưỡng chế “bất ngờ” vào ngày 4/1, và bắt đi hàng chục người phản đối việc cưỡng chế.

Phi nhân

Sau đợt cưỡng chế lần 2 vào ngày 8/1, tổng cộng có khoảng 200 căn nhà, trị giá hơn 200 tỷ đồng, của người dân đã bị san phẳng.

Ông Cao Hà Trực, người vừa trả lời phỏng vấn của VOA vào ngày hôm trước, đã bị lực lượng chức năng bắt đi ngay vào sáng 8/1, trước khi chính quyền tiến hành cưỡng chế. Sau đó, vợ ông cũng bị bắt đi, để lại những đứa con thơ gào khóc bên căn nhà bị phá nát của họ.

Trong số hàng trăm người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau ngày 8/1, có vợ chồng tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú-Phạm Thanh Nghiên và gần 20 thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

Do liên tục bị “tra tấn tinh thần” sau khi mãn hạn tù, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống vài năm gần đây sau khi kết hôn với cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú. Họ vừa mới có đứa con gái đầu lòng khoảng 1 năm nay.

“Vợ chồng tôi góp hết vốn liếng có được và đi vay mượn thêm để liều mua đất, xây nhà ở đây. Tôi cũng đã biết trước và nói rằng đây như là một canh bạc, nhưng vì quá thương con và nghĩ rằng phải cho nó một ngôi nhà và hy vọng con tôi sẽ có 1, 2 năm đầu đời được đi lại, bi bô trong ngôi nhà của chính nó…”, bà Phạm Thanh Nghiên chia sẻ với VOA.

Trước tình hình cưỡng chế căng thẳng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, bà Nghiên đã phải ôm con cùng hàng trăm người dân khác rời khỏi khu vực, mà chưa biết sắp tới họ sẽ ngủ ở đâu, trong khi cái Tết Nguyên Đán lại đang cận kề.

Một băng rôn trong khu vực Vườn rau Lộc Hưng.

“Cưỡng chế rầm rộ, bất kể sự ổn định, quyền sống, chỗ cư trú, tính mạng, tài sản của bao nhiêu người cho thấy hành động đó quyết liệt đến mức thô bạo. Theo tôi, việc đó rõ ràng không phù hợp cả về góc độ pháp lý lẫn đạo lý”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét.

Quyền lợi nhóm lợi ích?

Chuyên gia pháp lý này cho rằng việc cưỡng chế “bất hợp pháp” của lực lượng chức năng đã “triệt tiêu” quyền khiếu kiện của người dân và cho thấy quyết tâm lấy đất của nhà chức trách và doanh nghiệp có quyền lợi liên quan. Ông giải thích:

“Thu hồi đất không có quyết định, cưỡng chế không có quyết định là vì họ muốn tránh bị người dân khiếu kiện. Họ triệt tiêu quyền khiếu kiện đã được pháp luật quy định của người dân. Như vậy, người dân sẽ gặp khó khăn như dựa vào đâu, khiếu nại về hành động gì, khi mà họ ập tới làm và không để lại biên bản, quyết định, thông báo, giấy tờ gì hết. Tất cả hành động đều bất ngờ, cấp thời, không để lại bất cứ giấy mực, tài liệu ghi nhận sự việc, thì việc khiếu kiện của người dân cũng rất khó”.

Trong trường hợp này, theo LS. Phúc, người dân chỉ còn cách tố cáo về việc cơ quan nhà nước đã làm sai, không đúng trình tự quy định của pháp luật.

“Về mặt nguyên tắc, nếu vi phạm rõ ràng như vậy thì phải bị xử lý hành chính cho tới có thể bị xử lý hình sự”, LS. Phúc nói. “Tuy nhiên, có bị xử lý hay không lại là một vấn đề chưa thể biết được vì sự việc xảy ra nhưng không thấy có sự can thiệp nào từ các cơ quan cấp cao hơn khi người dân kêu cứu, cộng đồng mạng dậy sóng, báo chí nước ngoài phỏng vấn…”

Trong lúc một số ý kiến trên mạng nêu nghi ngờ về khả năng Vườn rau Lộc Hưng có thể là “lại quả” cho sân sau của một số quan chức, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét trên trang Facebook cá nhân rằng vụ cưỡng chế cho thấy việc doanh nghiệp lợi ích nhóm đang mượn tay chính quyền để cướp đất của dân đang là “một thực tế rành rành” và “Ai sẽ là người tháo ngòi nổ cho một vụ Tiên Lãng giữa Sài Gòn?!”, giữa bối cảnh “đại án Thủ Thiêm” vẫn còn chưa được giải quyết.


Khánh An
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages