Tuần trước, anh Bradley O. Babson cùng chị vợ Katherine Babson, sếp World Bank đầu tiên tại Việt Nam (1994-1997), đã thăm Hà Nội. Tôi may mắn được gặp và trò chuyện, qua đó hiểu thêm thời khốn khó.
Anh chị Brad & Kitty và bạn Nam |
Đó là hai người bạn thân thiết mà những nhân viên WB đầu tiên tại Hà Nội vẫn gọi bằng cái tên thân thiết Brad&Kitty như “bánh mỳ và con mèo”, những người tham gia giúp Việt Nam cất cánh.
Brad & Kitty, những người bạn của Việt Nam, đặt chân tới đất nước này năm 1994 khi thu nhập bình quân đầu người khoảng 500 USD với dân số 72 triệu và hiện nay đã là 2.500 USD cho 95 triệu dân, tỷ lệ nghèo dưới 7% so với 60% những năm cuối 1980, GDP Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 7%/năm trong 25 năm qua.
Trong thành công đó có đóng góp của WB và người đặt những viên gạch đầu tiên cho thế hệ WB Việt Nam từ 3 người cho tới hiện nay hơn 100 nhân viên chính là đôi Brad & Kitty.
Tính tới tháng 9/2016, WB đã cấp vốn cho Việt Nam 22,5 tỷ USD bằng viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi IDA và sau này là IBRD. Hiện đang có 50 dự án đang hoạt động với 9,9 tỷ USD, nhằm vào hạ tầng, nông thôn, thành thị, hành chính công, tài chính, giáo dục, y tế, môi trường.
Trong câu chuyện riêng tư, anh Brad kể cũng thú vị. Vào tháng 4-1974 ở Paris khi đó anh mới 24 tuổi vừa vào World Bank dưới thời chủ tịch McNamara (1968-1981), thì bỗng có điện thoại của ai đó từ phía Việt Nam nói muốn gặp Phó chủ tịch WB đang thăm Paris.
Chính Brad là người thu xếp cuộc gặp nhưng bận việc gì đó nên không dự. Các đồng nghiệp kể lại, vị VIP của VN mang theo một cái cặp nặng không hiểu bên trong là gì. Vị đó thông báo, Bắc VN sẽ chiếm Sài Gòn trong vài tuần nữa và muốn cái ghế của chính quyền Sài Gòn ở WB chuyển giao cho Hà Nội.
Vốn vay đầu tiên (1959) của WB là dành cho chính quyền Sài Gòn mà phương Tây coi là đồng minh nên khi nghe vị VIP từ Hà Nội nói thế, không khỏi ngạc nhiên. Vị PCT WB có nói đại ý, World Bank chỉ làm việc với quốc gia mà Việt Nam khi đó có quốc gia…Sài Gòn.
Chỉ là cuộc gặp xã giao ngắn ngủi, không có hành động nào được thực thi , nhưng chứng kiến sự kiện 30-4-1975 xảy ra sau đó vài tuần, anh Brad hiểu Bắc Việt Nam biết rõ vai trò của WB trong tái thiết. Có lẽ hồ sơ cuộc gặp vẫn còn đâu đó trong kho tư liệu của WB.
McNamara cũng biết điều này nên sau 1975, WB đã “bình thường hóa” quan hệ với Việt Nam thống nhất ngay từ năm 1976 và năm 1978 đã có món vay IDA (ưu đãi) 60 triệu đô la đầu tiên cho dự án thủy lợi Dầu Tiếng. Việt Nam đã xuất hiện trong báo cáo kinh tế hàng năm của WB.
Rất đáng tiếc cuộc xung đột Campuchia với Việt Nam do Trung Quốc đứng sau xúi bẩy đã đẩy VN vào cuộc chiến khác. 55 ngàn lính đã chết, ngần ấy bị thương và hố sâu ngăn cách giữa hai dân tộc khó mà xóa ngày một ngày hai.
World Bank cũng ngừng cho vay từ dạo ấy do Mỹ cấm vận và mãi tới 1994 WB trở lại. Anh Brad là trưởng đại diện WB đầu tiên tại Hà Nội, và tôi cũng là 1 trong 7 nhân viên tại tòa nhà 53 Trần Phú. Tuổi của Brad khi đó đã là 24+20.
Kể từ khi vốn vay đầu tiên vào năm 1978, cuộc chiến Campuchia đã làm ngưng trệ sự phát triển của VN từ 15 năm đến 20 năm trong khi đó Trung Quốc đổi mới với thuyết “mèo đen mèo trắng” bỏ xa người bạn môi hở răng lạnh sau khi dạy cho “thằng em” bài học đắt giá cho cả hai bên.
Đưa anh chị Brad & Kitty thăm lại ngôi nhà 53 Trần Phú xưa, giờ thành văn phòng MIA (Missing in Action – lính Mỹ mất tích) của Mỹ, bảo vệ nói không được chụp ảnh trước cổng, không được vào sân, anh chị đùa, có khi đây là Action in Missing – hành động bị bỏ rơi.
45 năm qua kể từ khi anh Brad mới 24 tuổi, người viết bài đang du học Ba Lan, một vị VIP của VN đã nhìn thấy World Bank là đối tác quan trọng trong tái thiết. Như dự đoán, WB vào đã chứng kiến VN xóa nghèo và hiện trở thành nước thu nhập trung bình thấp (2500$/người/năm).
Hàng năm VN vẫn vay khoảng trên 1 tỷ đô của WB nhưng năm 2018 chỉ còn 85 triệu so với 1,6 tỷ năm 2017, chứng tỏ VN đã trưởng thành hơn, muốn quản lý vốn vay một cách hiệu quả hơn.
(Blog Hiệu Minh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét