Quan chức đầu tiên phải kể đến là Nguyễn Phú Trọng.
Lưu truyền sử xanh?
Là người ‘mê hiệp định’, vào năm 2015 thậm chí Trọng đã chấp nhận luôn cả định chế công đoàn độc lập để đánh đổi Hiệp định kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ông ta được Tổng thống Mỹ Barak Obama mời đến Washington, cho dù công đoàn độc lập luôn bị chính quyền Việt Nam quy chụp như ‘một thủ đoạn của diễn biến hòa bình’ và đánh đồng với Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan lật đổ chế độ cộng sản vào những năm 80 của thế kỷ XX.
2015 cũng là khoảng thời gian mà cuộc chạy đua quyết liệt và không kém tiểu xảo lẫn thủ đoạn giữa hai họ Nguyễn - Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng - diễn ra đầy kịch tính. Ai mang về được TPP sẽ ghi điểm trước Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và đương nhiên sẽ nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn.
Nhưng do TPP bị Mỹ rút ra vào đầu năm 2016 và khiến kinh tế Việt Nam, dù có tham gia vào CPTPP (hiệp định thay thế cho TPP), cũng chỉ có tiếng không có miếng, Nguyễn Phú Trọng lại theo đuổi một mục tiêu mới: EVFTA.
Luôn khoe thành tích Việt Nam đã ký kết và triển khai các FTA (hiệp định thương mại song phương) với nhiều nước, Nguyễn Phú Trọng hẳn mong mỏi EVFTA sẽ giúp cho chế độ của ông ta cứu vãn tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, bội chi ngân sách và suy sụp chân đứng kinh tế để có thể kéo dài tuổi thọ được năm nào hay năm đó. Với Trọng, duy trì được sự sống của đảng và cũng là cái ghế của ông ta, dù chỉ là lây lất, là nhiệm vụ tối thượng.
Sau khi ngồi ngay vào ghế của ‘cố chủ tịch nước Trần Đại Quang’ và chính thức trở thành ‘Tổng chủ’ với quyền uy gần như tuyệt đối, chẳng có gì bảo đảm là Nguyễn Phú Trọng sẽ không nối gót Tập Cận Bình ở Trung Quốc - sửa hiến pháp, ‘tư tưởng Tập Cận Bình’, bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước và về thực chất là ‘hoàng đế suốt đời’. Chỉ còn gần hai năm nữa là đại hội 13 của đảng CSVN sẽ tiếp biến, một khoảng thời gian không nhiều để Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị tư thế ‘cán bộ cấp chiến lược’ và có thể được ghi tên ‘lưu truyền sử xanh’, nếu ông ta thực sự quyết tâm thu xếp câu chuyện công - tư ấy. EVFTA nếu thành công sẽ một đòn bẩy Ácsimét để đưa tên Trọng vào lịch sử, như cách mà chí ít thì giới văn nhân cận thần của ông ta cũng nghĩ thế.
Nhưng còn một quan chức không kém thèm khát các hiệp định thương mại với nước ngoài, dù lòng mong mỏi này có vẻ hào nhoáng hơn Nguyễn Phú Trọng. Đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo
Với Phúc, Tổng sản lượng quốc gia GDP là tiêu chí quan trọng nhất, không chỉ phản ánh ‘nội lực’ của nền kinh tế mà ông ta điều hành, mà còn chứng minh cho thành tích của chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của ông ta. Trong rất nhiều cuộc thăm viếng các địa phương ở Việt Nam, Phúc cứ luôn nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo tô điểm cho GDP. Thậm chí ông ta còn bộc lộ ý đồ chỉ đạo Tổng cục Thống kê tìm cách, hoặc thay đổi cách thống kê làm sao để gộp cả phần ‘kinh tế ngầm’ nhằm làm tăng GDP và làm đẹp những con số trong các báo cáo của chính phủ.
Các FTA và đặc biệt là EVFTA có một phần ‘cống hiến’ lớn cho GDP. Chỉ cần ký được EVFTA, kinh tế Việt Nam sẽ có hy vọng ít nhất duy trì được số xuất siêu khoảng 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường châu Âu, chưa kể triển vọng gia tăng giá trị xuất khẩu mà Thủ tướng Phúc đặc biệt cần để bổ sung vào báo cáo ngoại thương toàn số đẹp của ông ta.
Vào năm ngoái, Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân thực hiện một chuyến công du đến 3 nước châu Âu để ‘quốc tế vận’ cho EVFTA. Tại đó, ông ta hùng hồn nói về ‘Việt Nam là một nước dân chủ’, bất chấp thực tồn đàn áp nhân quyền khốc liệt của chế độ ông ta đối với người dân và giới bất đồng chính kiến - nguồn cơn sâu xa và trực tiếp nhất mà đã khiến Liên minh châu Âu (EU) vào tháng Giêng năm 2019 phải quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA.
Giờ đây, Nguyễn Xuân Phúc có lẽ đang hối tiếc những tuyên bố của ông ta trước quốc tế về ‘Việt Nam dân chủ’ và chỉ trích một cách hằn học của ông ta đối với ‘thế lực thù địch trong nước’. Những lời nói hớ đó không chỉ bị quốc tế coi thường bản lĩnh chính trị và cả nhân cách một thủ tướng Việt Nam, mà còn khiến Phúc không còn nhiều cơ hội chường mặt ra thế giới để ‘lập thành tích chào mừng đại hội đảng lần thứ 13’.
Đại hội 13 sắp mang lại một cơ hội đầy thách thức cho Nguyễn Xuân Phúc. Một đại hội mà cứ với cái đà Nguyễn Phú Trọng hoặc đang có những dấu hiệu mệt mỏi của tuổi già, hoặc không còn đủ sức ngồi cả hai ghế mà do đó sẽ phải ‘nhường’ bớt một ghế (có thể là ghế tổng bí thư) cho người khác, cái tên Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở nên khó cạnh tranh trong cuộc chạy đua ngày càng tăng tốc và bứt tốc để thay thế cho một Nguyễn Phú Trọng già cỗi về tuổi tác và có thể cả về tâm hồn.
Thiệt thòi hơn Phúc, những chóp bu được xem là ứng cử viên khác cho chức tổng bí thư - Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính - đều chỉ thuần túy làm phần hành bên đảng mà không có cơ hội nắm được khối hiệp định thương mại và cường điệu thành tích loại này. Còn Còn Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điệu đàng lại bị xem là yếu ‘bản lĩnh chính trị’ nhất, chỉ biết ‘gật’ với bất kỳ hiệp định thương mại nào mà phía chính phủ chuyển qua quốc hội, và trong thực tế chỉ biết chờ ngóng ‘buồn ngủ gặp chiếu manh’.
Trong bối cảnh thật tế nhị và sôi sục trên, không thể xem là ngẫu nhiên với một cuộc thăm viếng của Thủ tướng Phúc đến Tổng cục 2 vào đầu năm 2019, được tiếp bằng thảm đỏ và hàng tiêu binh danh dự. Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Phúc hiện ra một cách chính thức tại cơ quan tình báo quân đội còn lại và duy nhất ở Việt Nam (sau khi Tổng cục Tình báo của Bộ Công an bị giải tán vào đầu năm 2018 chủ yếu bởi ‘thành tích Vũ Nhôm’). Sự hiện diện đầy ẩn ý và không thiếu hàm ý chính trị ấy ít nhất cũng phát đi thông điệp rằng ông Phúc không chỉ là lãnh đạo thuần túy điều hành kinh tế - xã hội mà còn có thể lấn sân qua những hoạt động mang tính đặc thù và thuộc loại ‘hàng hiếm’ hơn.
Chỉ có điều nếu không giành giật được EVFTA, trong khi Trọng khó bề tìm ra tiền để nuôi đảng thì Phúc cũng chẳng giành đoạt được thành tích đáng kể nào để chứng minh rằng ông ta hoàn toàn xứng đáng với chức vụ tân tổng bí thư tại đại hội 13, nếu quả còn xảy ra đại hội này.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét