Không biết có phải do Việt Nam mang số phận ‘lời nguyền địa lý’ gắn với Trung Quốc hay không, nhưng từ sâu thẳm bao đời lịch sử đến nay đã có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ giữa hai quốc gia này về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo…, và kể cả một cảnh đồng điệu dị thường của giới quan tham mang danh cộng sản vào thời đương đại: giống nhau đến từng sợi tóc từ lúc ‘ăn’ cho đến lúc hình hài đu đưa lủng lẳng dưới một sợi dây thừng.
Đinh La Thăng: ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’. |
Trong khi ở Trung Quốc, nhiều quan chức đã chọn phương thức tự sát chủ yếu là nhảy lầu và treo cổ, với địa điểm thường là nơi làm việc, nhà riêng, khách sạn hoặc ra ngoại ô; thì điểm tương hợp là ở Việt Nam cũng đã xuất hiện phương thức nhảy lầu và đặc biệt là treo cổ.
‘Thà chết còn hơn ở tù’
Hiện tượng xảy ra hàng loạt và với tần suất ngày càng cao những cái chết treo cổ của cấp cán bộ ‘ruồi’ ở nhiều địa phương và trong nhiều ngành đang phản ánh cái tâm thế ‘thà chết còn hơn ở tù’ của nỗi hoảng sợ dẫn đến kinh hoàng trong huyết quản nhiều cán bộ từ cao xuống thấp.
2018 là năm đã xảy ra số vụ quan chức các cấp tìm đến sợi dây thừng nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó, khiến bản danh sách những ‘kẻ tuẫn tiết’ đến cuối năm 2018 có thể là phép cộng gộp cho con số của nhiều năm trước đây.
Đầu tháng 11 năm 2018, vụ ông Võ Phi Anh, mới có 54 tuổi và là Phó Tổng giám đốc Cienco 6 đơn vị thi công một số hạng mục thuộc công trình tuyến metro số 1 tại TP HCM, chết trong tư thế treo cổ ở cầu thang văn phòng làm việc có thể xem là dấu ấn nổi bật của một phong trào quan chức tự sát bằng dây thừng ở nhiều tỉnh thành trong nửa cuối năm 2018.
Nếu dự án tuyến metro số 1 tại TP HCM đã rước về quá nhiều tai tiếng về nạn đội vốn khống và nghi vấn cao về tiêu cực của những quan chức phụ trách dự án này, thì phần lớn những cái chết treo cổ tiếp theo của quan chức đều ít nhiều liên đới những vụ việc bị nghi ngờ là tham nhũng.
Hàng loạt cái chết treo cổ khác gắn với những cái tên N.Q.V, 36 tuổi, là chuyên viên Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên; Đỗ Văn Thơm (SN 1973) là cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nhã Nam (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); Phạm Văn Dũng (35 tuổi, quê xã Ngọc Khê), kế toán xã Vân Am (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa); Nguyễn Văn Hội, Phó trạm trưởng Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện Krông Chro (Gia Lai); Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk); T.T.P. (37 tuổi, cán bộ địa chính xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm)…
Có đến hàng chục hoặc hơn những cái tên quan chức loại ‘ruồi’ đã rơi vào bản danh sách tử thần chỉ trong nửa cuối năm 2018. Những cái tên này lại ứng với phân bố địa lý khá rộng và khá đều từ vùng Tây Bắc đến miền Trung và Nam Bộ, bao gồm cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn.
Thật ra, câu chuyện trên đã dính màu tang tóc vào nửa đầu năm 2018.
Liên tiếp nửa đầu của năm 2018, đã có ba quan chức Việt Nam tìm đến cái chết một cách hết sức bất thường, mở màn cho phong trào tự sát quan chức của năm này.
Vào tháng Giêng năm 2018 có một trường hợp tự treo cổ là ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó bí thư, Chủ tịch huyện Quốc Oai ở Hà Nội. Khi đó nước Hồ Gươm ở thành phố này bỗng dưng chuyển sang màu xanh sẫm.
Vào cuối tháng Tư, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Hưng Yên - ông Vũ Thanh Bình - bất ngờ nhảy từ tầng 2 của trụ sở làm việc xuống đất, nhưng may mắn không tử vong. Đó là thời điểm ông Bình bị công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành khám xét trụ sở.
Nhưng một cái chết mà đã gây chấn động ghê gớm trong ngành công an là Đại tá Võ Tuấn Dũng, Cục phó Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao (C50) của Bộ Công an được phát hiện ‘nằm chết’ và sau đó được Tổng cục Cảnh sát của bộ này thông báo là ‘đột tử’, mặc dù trước đó báo Môi trường và Đô thị đã thông tin là Đại tá Dũng ‘tự treo cổ’. Vụ này xảy ra vào đầu tháng Năm năm 2018.
Khác với vụ nhảy lầu của ông Vũ Thanh Bình nhưng thoát chết, Đại tá Võ Tuấn Dũng đã chết thật.
Trước đó, công an tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát Nhân Dân tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần làm việc với ông Võ Tuấn Dũng tại trụ sở của C50 tại Hà Nội, liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự bảo kê của tướng công an.
Giai đoạn 3 ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đã khởi đầu trong bầu không khí cứa cổ như thế.
Đàn áp dân nhưng lại sợ bị tù
Nếu vào năm 2019 và những năm sau đó xác nhận chính thức một làn sóng số đông quan chức tham nhũng tự sát ở Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng sẽ phải cám ơn Tập Cận Bình đã đưa ông lên hình ảnh ‘Người Cầm Lưỡi Hái Vĩ Đại’.
Bởi rất nhiều kinh nghiệm rất phong phú đã có từ chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của Tập Cận Bình ở Trung Quốc, khởi động từ năm 2012 và khiến hiện ra hiệu ứng chết chóc từ năm 2013 cho đến tận giờ đây.
Thậm chí, có thể nêu ra cả một bản nghiên cứu đủ dài, đủ sâu và rợn người về ‘kinh nghiệm quan chức tự sát’ ở Trung Quốc.
Một tổ chức là Trung tâm thông tin nhân quyền dân chủ Trung Quốc tại Hồng Kông đã thống kê trong năm 2015, số quan chức chết do tự sát là 1500 người; năm 2016 tăng lên 1700 người. Tuy chưa có con số thống kê cho năm 2017 và 2018 nhưng chắc chắn số quan chức tự sát vẫn trên đà ‘liên tục phát triển’.
Đối với nhiều vụ tự sát của quan chức ở Trung Quốc, mặc dù trong thông báo được phía chính quyền đưa ra để giải thích nguyên nhân quan chức tự sát luôn nói là “do áp lực quá nhiều” hoặc “do chứng trầm cảm”, nhưng những lý do này không thể khiến công chúng tin cậy.
Chẳng hạn vào ngày 9/7/2014, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, Lý Hải Hoa ngã từ phòng làm việc xuống và tử vong tại chỗ. Trùng hợp là, trong ngày hôm đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hồ Bắc sẽ dẫn ông Lý Hải Hoa đi để điều tra. Sau khi ông Lý nhảy lầu chết, Cục Công an thành phố Hiếu Cảm lên tiếng xác nhận, tại hiện trường ông có để lại di thư nói “bản thân mắc nhiều bệnh, thường xuyên cảm thấy khó chịu, nên chỉ có thể tự giải thoát”.
Vụ Lý Hải Hoa ở Trung Quốc và cái chết ‘đột tử’ của Đại tá Võ Tuấn Dũng ở Bộ Công an Việt Nam có thể được xem là một sự đồng điệu về nguyên do tự sát và cách giải thích vờ vịt lẫn che giấu của các cơ quan chủ quản.
Nhưng trong dân chúng ở Trung Quốc lại luôn hiện ra nhiều đồn đoán được truyền tai nhau về nguyên do quan chức tự sát như “sợ tội tự sát”, “giết người diệt khẩu” và “nhân quả báo ứng”.
Trong dân chúng cũng đưa ra nhiều đồn đoán: “Đối với cái chết của những quan chức này, trên bề mặt dường như lấy cái chết để trốn tránh tội, nhưng nguyên nhân đằng sau có thể là vì để bảo vệ những tham quan có chức vị cao hơn; hoặc là bị thế lực có quyền thế cao hơn bức ép; hoặc là bị diệt khẩu, v.v”.
Một nhà bình luận thời sự ở Trung Quốc là Hoành Hà cũng đưa ra phân tích về phong trào quan chức Trung Quốc tự sát, nguyên nhân bên trong chủ yếu cũng có thể do tự sát hoặc là do người khác ép buộc phải chết. Nếu nói là tự sát, nguyên nhân có thể nói là do áp lực chính trị lớn, ví dụ như bị điều tra, nhưng tình huống như thế không nhiều. Nguyên nhân tự sát như thế này vào thời Cách mạng Văn hóa có nhiều, bởi vì đa số là bị oan, nên trong tâm khó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hiện nay đa số quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đều biết rõ bản thân mình có tội.
Một nguyên nhân nữa có thể là do chịu tội thay người khác. Các phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc được hình thành chủ yếu là sự kết hợp nhóm lợi ích, do đó quan chức không thể nào vì lợi ích mà đi tự sát để bảo vệ người khác. Vì vậy, nếu như tự sát vì chịu tội thay người khác, có thể là do bị lấy tính mạng của người nhà hoặc tiền đồ con cái ra uy hiếp, nên bắt buộc phải đi tự sát…
Có một quy định tương đồng giữa Luật Hình sự Trung Quốc và Luật Hình sự Việt Nam: “Trong trường hợp nghi phạm đã chết, cơ quan tư pháp phải ngừng quá trình điều tra trách nhiệm đối với người này, khóa tài liệu điều tra và hủy bỏ tiến trình xét xử”.
Điều đó có nghĩa là cái chết của những người này sẽ chấm dứt các cáo buộc tham nhũng đối với họ, bảo vệ những người xung quanh và gia đình vẫn được sở hữu tài sản, cho dù chúng có nguồn gốc bất chính. Một số quan chức Trung Quốc bị nghi dính chàm đã nói trong thư tuyệt mệnh của mình rằng họ muốn chính quyền “tha thứ cho gia đình” của họ.
Theo kinh nghiệm ở Trung Quốc, các vụ việc tham nhũng trong nội bộ chính quyền Trung Quốc đều do Ủy ban Điều tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) xử lý. Các quan chức bị cáo buộc thường bị biệt giam để điều tra trước khi được bàn giao cho các cơ quan công tố. Công tố viên sau đó hỗ trợ công tác điều tra và ban hành cáo trạng. Tuy nhiên, “song quy” là một cơ chế nghiêm trị kỷ luật nội bộ, vì vậy chúng thường được bí mật thực hiện. Không có một luật lệ cụ thể nào quy định về thời gian tối đa để tiến hành “song quy”.
Đã rất phổ biến triết lý này ở Trung Quốc: ‘đã bị CCDI bắt giam thì không thể không có tội, mà chỉ là tội nặng hay nhẹ’.
“Là những con người cứng rắn và hay chèn ép người dân, chính họ lại rất sợ những hình thức đối xử nghiêm khắc mà các cấp trên của họ thi hành” - một luật sư tỉnh Chiết Giang là ông Yuan Yulai phân tích về tâm lý chung của giới quan tham Trung Quốc.
Tâm lý trên đã hiện ra rõ mồn một ở Việt Nam kể từ lúc cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng phải thốt lên một triết lý để đời của riêng giới quan tham cộng sản: ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’.
Đinh La Thăng là một trong những quan chức cao cấp trực tiếp nhúng tay vào những vụ đàn áp người dân và đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền lẫn tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Và không thiếu nước mắt. Nước mắt lã chã tuôn rơi tại tòa của những quan chức công an quen thói vơ vét và đàn áp dân nhưng lại không đủ can đảm để tự tìm cho mình một sợi dây thừng đủ bền để treo nổi một khối lượng gần một tạ…
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét