Phạm Chí Dũng - Vì sao EVFTA không được ký vào cuối năm 2018? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Phạm Chí Dũng - Vì sao EVFTA không được ký vào cuối năm 2018?


Yêu cầu hoãn hoặc hủy bỏ Luật An ninh mạng lại nằm trong một bản nghị quyết về nhân quyền của Nghị viện châu Âu ban hành vào giữa tháng 11 năm 2018 và như một điều kiện để chính thể Việt Nam đánh đổi lấy EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu).

EVFTA đã không được ký vào cuối năm 2018.

Hành động cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2018 nhằm cố gắng thuyết phục chính thể độc đảng ở Việt Nam cải thiện nhân quyền là một cuộc làm việc của tổ hợp đại sứ nhiều nước phương Tây, được dẫn đầu bởi Đại sứ của EU, với chính phủ Việt Nam về sự cần thiết hoãn hoặc hủy bỏ bộ luật quá gây tai tiếng và nguy hiểm cho quyền con người là Luật An ninh mạng.

Vì sao Phúc không nói về ‘thắng lợi EVFTA’?

Nhưng đã không có một quan chức chính phủ có trọng lượng nào ra tiếp phái đoàn trên. Thay vào đó chỉ là Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, một chức vụ thường được xem là ‘đầu sai’ hơn là có ý nghĩa quyết định những vấn đề lớn.

Và quả thực sau đó, ngày 1 tháng 1 năm 2019, Luật An ninh mạng vẫn chính thức giương nanh múa vuốt theo lịch trình mà ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng đã sắp xếp, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế và chính phủ nhiều nước phương Tây.

Yêu cầu hoãn hoặc hủy bỏ Luật An ninh mạng lại nằm trong một bản nghị quyết về nhân quyền của Nghị viện châu Âu ban hành vào giữa tháng 11 năm 2018 và như một điều kiện để chính thể Việt Nam đánh đổi lấy EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu).

Nhưng rốt cuộc, trong vài tháng cuối năm 2018 đã chẳng có bất kỳ thứ gì thay đổi trên nhân dạng xấu xí của ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’.

Rút cục, khi năm 2018 đã chính thức lết trôi cái thân hình rã rượi của nó qua ngày cuối cùng, trong lúc Thủ tướng Phúc vẫn say sưa nghiêng ngoẹo bản thành tích về các chỉ tiêu kinh tế cơ bản đã đạt được và đặc biệt là GDP tăng tới 7%, một dấu ấn không hề mờ nhạt và không thể trốn tránh là việc ông Phúc đã cố tình không nhắc chút nào đến ‘EVFTA được ký kết’ - điều mà ông ta cùng hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền đã ra sức khoa trương trong hai tháng 10 và 11 năm 2018.

Nhân quyền - điều kiện trên tất cả

Cho đến đầu tháng 12 năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn mơ màng tổ chức Hội thảo “Cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP và FTA với EU”. Đã rõ là chủ đề hội thảo này phản ánh tư thế ăn chắc về ‘EU cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần EU’, ‘EVFTA trước sau gì cũng sẽ được ký kết’ và ‘Việt Nam thành công với EVFTA’, tức hiệp định này sẽ được Cộng đồng châu Âu cho phép Ủy ban thương mại châu Âu ký kết với Việt Nam vào tháng Mười Hai năm 2018, để sau đó đến tháng Ba năm 2019 sẽ được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn, mang lại một nguồn máu quý báu giúp cho chân đứng kinh tế của chính thể độc trị ở Việt Nam - vốn đang suy nhược toàn thân - thêm một thời gian cầm cự nữa.

Nhưng Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể đã không cập nhật tình hình thời sự, hoặc quá chủ quan trước một yếu tố mà có thể khiến EVFTA tưởng như nằm trong túi Việt Nam vẫn có thể tuột ra: nhân quyền trong EVFTA.

Bởi khác rất nhiều với quan hệ EU - Việt Nam cách đây vài năm, tình thế hiện thời đã chuyển biến lớn: nhân quyền và công đoàn độc lập mới là số một trong những điều kiện cần trong quan điểm của EU và thể hiện ngay trong của EVFTA.

Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện châu Âu bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền mà đã nhấn kỳ vọng ‘EVFTA được ký kết’ từ xác suất cao hoặc rất cao xuống mốc 50/50.



Khác nhiều với quan điểm không mấy rõ ràng và dứt khoát của Ủy ban châu Âu, ngay phần đầu của nghị quyết 2018/2925(RSP) đã khẳng định: “Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam phải căn cứ trước hết trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền; và trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về lĩnh vực này”.

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về các quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do báo chí và Internet, bắt bớ người hoạt động nhân quyền, đàn áp người biểu tình, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Động thái tung ra bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu vào ngày 15/11/2018 đã hàm ý như một thông điệp trực tiếp cho Cộng đồng châu Âu về quan điểm ‘nhân quyền trước hết’, trước khi cơ quan này họp để quyết định có cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam hay không.

Bản nghị quyết trên cũng chính thức xác lập quan điểm rất rõ ràng của Nghị viện châu Âu về EVFTA. Điều đó có nghĩa là cho dù EVFTA có được Cộng đồng châu Âu cho phép ký kết, nhưng tại cuộc họp vào tháng Ba năm 2019, rất có thể Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phản bác hiệp định này, đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam về cái thời mà bản hiệp định này mới chỉ là ý tưởng.

Những thời khắc cuối năm 2018 và sang đầu năm 2019 đã chứng minh rất rõ ràng về hiệu ứng từ bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu: không có bất kỳ dấu hiện nào cho thấy EVFTA được Cộng đồng châu Âu cho phép Ủy ban châu Âu ký với chính quyền Việt Nam.

Chỉ còn 4 tháng nữa!

Đúng vào ngày ‘Nhân quyền quốc tế’ 10 tháng 12 năm 2018, tức chỉ ít ngày sau khi bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu ra đời, 21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã lần đầu tiên đồng loạt việc đọc tuyên ngôn nhân quyền Liên hiệp quốc ở Hà Nội diễn ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ‘tự sướng’ rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam “được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”…

Từ trước khi hồ sơ EVFTA được Ủy ban châu Âu tổ chức điều trần tại Brussels vào tháng Mười năm 2018, đã xuất hiện nhiều cảnh báo từ giới quan chức châu Âu về việc nếu EVFTA không kịp được phê chuẩn trước khi Nghị viện châu Âu tổ chức bầu cử, sẽ không có gì chắc chắn là nghị viện mới của châu Âu - với nhiều gương mặt nghị sĩ mới và quan điểm cũng khác biệt - sẽ dễ dàng thông qua EVFTA. Thậm chí trong trường hợp ‘xấu nhất’, bản hiệp định này sẽ bị một nghị viện mới bộn bề công việc, trong đó bao gồm cả quan điểm chiếm số đông về không thể chấp nhận cho một nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng được hưởng lợi từ thị trường chung châu Âu, gạt phắt sang một bên để số phận của EVFTA cũng hẩm hiu tương tự như Hiệp định TPP vào đầu năm 2017 khi bị Mỹ rút ra.

Thực tế đang ứng nghiệm với kịch bản trên.

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến kỳ bầu lại Nghị viện châu Âu. Ngay trước đó là cuộc họp tháng 3 năm 2019 của tổ chức này. Nhưng một khi EVFTA vẫn không được ký, lấy đâu ra cơ sở để Nghị viện châu Âu họp phê chuẩn?

Đã quá rõ là từ cuộc điều trần ở Bỉ vào tháng 10 năm 2018 cho đến cuối năm đó, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng chịu làm một điều gì để cải thiện nhân quyền. Cũng đã quá rõ là chính vì nguyên do rất chính yếu ấy mà Cộng đồng châu Âu đã không cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam, cho dù bản thảo của hiệp định này đã khá đầy đủ và nằm sẵn trên bàn chỉ chờ ký.

Ngay cả chuyến công du của nữ phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu - bà Heidi Hautala - đến Hà Nội vào tuần đầu tiên của năm 2019 cũng chẳng hé ra chút hy vọng nào cho chính thể Việt Nam: trong lúc Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lại một lần nữa “mong muốn trên cương vị của mình, Phó Chủ tịch sẽ ủng hộ và thúc đẩy EP sớm phê chuẩn EVFTA khi được ký kết”, bà Heidi Hautala đã chẳng hé môi bất cứ từ nào về bản hiệp định phải được đánh đổi bằng quyền con người này.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages