Trước thông tin chính quyền muốn xử lý 20 người bị cho là gây rối và chống người thi hành công vụ khi cơ quan chức năng cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, những người trong cuộc và dư luận nói gì về việc này.
Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. |
Trả lời báo chí cùng ngày, công an quận Tân Bình cho biết đã xác định được những người cầm đầu và đang củng cố hồ sơ để xử lý, tuy nhiên công an quận Tân Bình không nêu tên cụ thể những người này.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 17 luật sư đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng nhận định:
“Thật ra, theo chỗ tôi biết là hầu hết người dân Lộc Hưng không có người nào quá khích, cực đoan đến mức độ chống người thi hành công vụ cả, họ chỉ nói, giải thích là đã có những bước khiếu nại này nọ.v.v… Về lực lượng cưỡng chế theo người dân ước đoán, ban đầu là khoảng 500 người, sau đó là hơn 1 ngàn người. Với 1 ngàn người đó thì hầu như người dân không có một hành động nào gọi là chống người thi hành công vụ cả. Trong đó có một người dân là anh Cao Hà Trực, là 1 trong 3 đại diện của người dân, thường hay tiếp xúc với chính quyền, thì lần thứ 2 khi anh vừa bước chân ra cổng thì lập tức bị lực lượng cưỡng chế chụp bao tải lên đầu đưa đi cách ly, hơn một ngày mới trả về. Vì vậy cho nên nếu nói là có chuyện dung vũ lực trong việc này thì không phải là người dân mà là chính quyền, mà thậm chí chính quyền ra tay còn trước khi người dân có phản ứng.”
Người dân Lộc Hưng khi trả lời báo chí trước đây cũng cho biết, trong 2 vụ cưỡng chế ngày 4/1 và 8/1/2019, lực lượng cưỡng chế đã bắt giữ hàng chục người dân ở đây khi quay hình, chụp ảnh cuộc cưỡng chế.
Ông Cao Hà Trực, một người dân trong ban đại diện vườn rau Lộc Hưng cũng cho rằng việc chính quyền cho rằng người dân Lộc Hưng gây rối, chống người thi hành công vụ là chụp mũ:
“Tôi cũng thấy trên các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Dân Việt .v.v… đăng bài công an quận Tân Bình đang cũng cố hồ sơ để xử lý khoảng 20 người thi hành công vụ và cản trở việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng. Tôi là những người dân, những người bị thiệt hại ở vườn rau phường 6, là những người bị khủng bố, đi khiếu kiện trải dài 19 năm qua, thiệt hại cách này cách khác. Thật sự đến ngày hôm nay chúng tôi mất hết rồi, nhà cửa bị đập tan tành, chúng tôi mất hết rồi. Từ những bức xúc đó, bây giờ chúng tôi nói lên điều đó thì nhà nước chụp mũ chúng tôi là chống người thi hành công vụ thì đã quá rõ. Vì vậy cho đến ngày hôm nay, chúng tôi không có gì mà sợ hết.”
Chị Thi, một người dân có nhà bị cưỡng chế ở Lộc Hưng cũng cật lực phản đối, cho rằng chính quyền nói như thế là xuyên tạc sự thật:
“Cái hôm mà tàn phá nhà chúng tôi như thế, chúng tôi hoàn toàn bị bắt và bị cô lập, thì làm sao chúng tôi chống người thi hành công vụ? Bản thân tôi là người bị cô lập trên tượng đài Đức Mẹ, thì chống là chống làm sao? Người dân chúng tôi không thể nào đi vào nơi đó, 1.600 quân thì bà con chúng tôi làm sao để mà chống đây. Tôi còn phải thét lên là chúng tôi bất lực trước bạo quyền, thì làm sao chúng tôi có thể chống người thi hành công vụ. Đó là lời nói xuyên tạc, nói sai sự thật của tất cả các báo từ hôm qua đến hôn nay đưa tin như vậy.”
Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.
Công an Tân Bình cho rằng, khu vực đất vườn rau có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp. Hai đợt cưỡng chế khoảng 112 căn nhà, công trình vào ngày 4 và 8/1 mà quận thực hiện đã được báo cáo, xin chủ trương và được thành phố chấp thuận.
Trả lời báo chí hôm 15/1, công an quận Tân Bình cho biết trong quá trình cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng đã phát hiện có phòng cách âm với các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông và nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu.
Tuy nhiên Chị Thi cho rằng nếu thật sự tìm thấy chứng cớ sao không bắt giam lập biên bản ngay hôm cưỡng chế, chị cho rằng điều này là khuất tất:
“Họ nói để chống chế những việc làm sai trái của họ mà thôi, chứ họ không có căn cứ để nói chúng tôi thế này thế kia, quy chúng tôi vào tội này tội kia. Tôi nói nếu thật sự họ tìm thấy chứng cớ gì thì họ đã bắt chúng tôi từ hôm đấy rồi, chứ đâu để đến hôm nay, 10 ngày rồi mới về suy nghĩ xem chúng tôi có tội gì. Có phải đây là việc làm khuất tất, đang tìm chiêu trò để khủng bố chúng tôi không? Chúng tôi cật lực phản đối việc đấy.”
Chị Thi cho rằng, những thông tin vu khống, sai sự thật nhằm làm cho người dân Lộc Hưng hoang mang, đã có từ nhiều năm nay, và gần như đã tôi luyện chị trở nên rất là kiên cường. Chị khẳng định người dân Lộc Hưng làm đúng, chứ không sai pháp luật, nên không sợ gì cả.
Cũng có thông tin lo ngại, việc công an quận Tân Bình củng cố hồ sơ xử lý hơn 20 người ở Lộc Hưng là bước đệm cho việc truy tố những người này với tội danh gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét:
“Chúng tôi nghe rằng nhiều khả năng sẽ truy tố. Nếu chống người thi hành công vụ thì nếu mức độ nhẹ thì chỉ xử phạt vi phạm hành chánh thôi, trước đây gọi là tiểu hình. Nhưng mà mức độ trong vụ án này làm chúng tôi rất là lo ngại rất có thể người dân sẽ bị truy tố về hình sự.”
Thời gian qua, nhiều vụ cưỡng chế đất đã xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau các vụ cưỡng chế này, nhiều người dân phản đối cưỡng chế đã phải chịu các bản án tù vì các tội danh như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.v.v…
Chị Cấn Thị Thêu, một dân oan, một phụ nữ được nhiều người biết đến vì bị kết án tù khi kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông - Hà Nội, cho biết ý kiến của mình:
“Khi mà chính quyền cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, thì đã gặp phải làn sóng phản ứng rất là mạnh mẽ, dữ dội của nhiều người quan tâm. Cho nên việc chính quyền xử lý 20 người ở Lộc Hưng để nó dập tắt phong trào đấu tranh, để người nào nhụt chí thì không đấu tranh nữa. Mục đích chính quyền như thế, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì chúng ta phải mạnh mẽ hơn, người này bị bắt thì người khác phải lên thay.”
Bà Cấn Thị Thêu kêu gọi những người dân mất đất oan phải kiên định đấu tranh đòi quyền lợi của mình: “Tất cả mọi người đồng tâm hiệp lực, đều sát cánh lại với nhau thì sẽ giữ được kiên định trên con đường đấu tranh, như thế mới đòi được quyền lợi của mình.”
Trung Khang
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét