Jonny Kim - Gợi ý cho một trong những ước vọng đầu năm - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

Jonny Kim - Gợi ý cho một trong những ước vọng đầu năm


Con cháu chăm chỉ học hành, thành đạt luôn là ước vọng của ông bà, cha mẹ và cũng vì vậy mà trở thành một trong những lời cầu chúc phổ biến vào những dịp đầu năm.

Jonny Kim, ứng cử viên phi hành gia của NASA năm 2017. (Hình: NASA / Robert Markowitz [Public domain], via Wikimedia Commons)

Có lẽ câu chuyện về Jonny Kim (tên đầy đủ là Jonathan Young Kim), một người Mỹ gốc Đại Hàn, sinh năm 1984 là gợi ý về một cách nhìn khác để ước vọng ấy thành tựu.

***

Cha mẹ Jonny Kim di cư từ Đại Hàn sang Mỹ vào thập niên 1980. Mẹ Jonny sinh cậu ở Los Angeles, California.

Tốt nghiệp trung học, Jonny không vào đại học như nhiều bạn bè đồng lứa gốc châu Á khác. Cậu đăng lính. Tất nhiên là lính trơn.

Jonny chọn quân chủng Hải quân và xin thử sức với binh chủng khắc nghiệt nhất, nguy hiểm nhất của hải quân: Navy SEAL (Biệt kích Hải quân Mỹ).

SEAL không có chỗ cho những người làng nhàng. SEAL chỉ dành chỗ cho những người thể lực bền bỉ nhất, tinh thần vững vàng nhất. Tỉ lệ được chọn trung bình là 1/100. Đó cũng là lý do người Mỹ gọi những cá nhân vượt qua khóa huấn luyện căn bản kéo dài 24 tuần (Basic Underwater Demolition/SEAL – BUD/S) và được chọn vào SEAL là những “kẻ sống sót”. Sống sót sau một đợt kiểm tra khắc nghiệt và nguy hiểm – chỉ là huấn luyện nhưng có thể mất mạng. Sống sót để tiếp tục được huấn luyện và thảy vào những chỗ mà cơ hội sống sót như lấy chỉ mành treo chuông.

Jonny là một trong những “kẻ sống sót” sau khóa 247 của BUD/S. Tuy nhiên chừng đó chưa đủ. Jonny còn phải trải qua 28 tuần huấn luyện nâng cao và 30 tháng rèn luyện liên tục nữa trước khi được chính thức là một SEAL, có thể ra mặt trận. Cuối cùng Jonny được thừa nhận đủ khả năng làm một cứu thương chiến trường, đồng thời là lính bắn tỉa (loại việc thường chỉ có hai hoặc ba người, chui sâu vào lòng đối phương để thực hiện nhiệm vụ, khi đã hoàn tất thì tự tìm đường về) của SEAL Team 3. Jonny từng sát cánh bên cạnh một số huyền thoại của SEAL như Chris Kyle, tác giả American Sniper, đã được dựng thành phim cùng tên.

Giống như mọi SEAL khác, thiên hạ chỉ có thể biết rất ít về những gì Jonny đã làm qua vài dòng ngắn ngủi trích từ Quân bạ: Hai lần được điều đến chiến trường Trung Đông, thực hiện 100 nhiệm vụ. Một Anh dũng bội tinh với Ngôi sao đồng (Bronze Star) và một Anh dũng bội tinh với Ngôi sao bạc (Silver Star). Silver Star là thứ rất hiếm, chỉ thưởng cho những cá nhân từng tỏ ra đặc biệt can đảm tại mặt trận. Một số người nhận Silver Star đã được đề nghị cứu xét, tặng Medal of Honor – Huy chương Danh dự quốc gia, phần thưởng cao nhất tặng cho những cá nhân mà sự can đảm vượt qua khuôn khổ bình thường (1).

Sau bảy năm được huấn luyện, chiến đấu như một SEAL, Jonny rời quân ngũ và ghi danh vào Khoa Toán, University San Diego (USD), đồng thời ghi danh vào chương trình Sĩ quan dự bị của Hải quân (Naval Reserve Officers Training Corps - NROTC). Ba năm sau (2012), Jonny tốt nghiệp hạng Summa cum laude. Đây là một trong ba thuật ngữ latin, trước nay vẫn được hệ thống đại học Mỹ, hệ thống đại học ở châu Âu và một số đại học ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines sử dụng khi phân loại tốt nghiệp (Cum laude, Magna cum laude. Summa cum laude). Cum laude có thể dịch như Giỏi. Magna cum laude có thể dịch như Xuất sắc. Còn Summa cum laude là mức cao nhất có thể dịch như hạng Danh dự, chỉ có 1% đến 5% sinh viên được xếp hạng này. Thỉnh thoảng, có vài sinh viên khi tốt nghiệp được xếp hạng Maxima cum laude, trong tiếng Việt có thể dịch như Tối ưu (2).

Với kết quả học hành ở bậc đại học như thế, Jonny được trường Y của Đại học Harvard (Harvard Medical School - HMS) xét cho nhập học. Trường Y có nhiều chuyên ngành, Jonny chọn ngành… Cấp cứu, lĩnh vực thường thiếu bác sĩ chuyên khoa vì cực nhọc, căng thẳng, thu nhập chẳng đáng là bao bởi không thể mở… phòng mạch kiếm thêm tiền. Năm 2015, lúc Jonny đang là bác sĩ nội trú ở Trung tâm Cấp cứu của Massachusetts General Hospital thì NASA (Cơ quan Nghiên cứu về hàng không và thám hiểm không gian của Hoa Kỳ) loan báo tuyển Phi hành gia khóa 22. Quá trình nhận hồ sơ – lựa chọn ứng viên diễn ra trong 18 tháng, tuy yêu cầu rất cao (phải có cả học vấn – tối thiểu là Thạc sĩ, lẫn thể lực ở mức tối ưu, phải chứng tỏ có khả năng nghiên cứu tốt) nhưng NASA vẫn nhận được 18.300 hồ sơ (3).

Tháng 6 năm 2017, ông Mike Pence – Phó Tổng thống Mỹ, thay mặt chính phủ Mỹ tổ chức một cuộc họp báo, công bố danh sách 12 cá nhân mà NASA đã chọn để đào tạo làm Phi hành gia từ 18.300 hồ sơ. Jonny - cựu hạ sĩ quan Biệt kích Hải quân, Đại úy lực lượng dự bị của Hải quân, Bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu – là một trong 12 người được NASA chọn vào khóa đào tạo Phi hành gia thứ 22.

Tin Jonny được NASA chọn đào tạo làm Phi hành gia khiến SEAL, Hải quân Mỹ, Đại học San Diego (USD), Trường Y Đại học Harvard (HMS), cộng đồng Mỹ gốc Đại Hàn “nở mày, nở mặt”. Nhiều tờ báo bắt đầu tìm hiểu, giới thiệu Jonny Kim, trong đó có tạp chí Harvard Gazette của Đại học Harvard. Bài “SEAL - tested, NASA - approved” (SEAL đã kiểm tra, NASA đã chấp thuận) trên Harvard Gazette có một số thông tin đáng chú ý. Đầu tiên là tâm sự của Jonny – người từng khao khát tìm được lối riêng, khác với bình thường để tự khẳng định chính mình… Kế đó là tâm sự của Bác sĩ David Brown, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu của Massachusetts General Hospital hết sức… bất bình với NASA bởi: Chúng tôi cần cậu ấy. Mọi người cần cậu ấy!.. Hóa ra Jonny chọn trở thành bác sĩ chuyên khoa cấp cứu vì phải gặm nhấm cảm giác bất lực, không thể cứu một đồng đội và đồng đội ấy chết trên tay mình tại Iraq (4)!..

***

Câu chuyện về Jonny Kim đã cũng như đang làm nhiều người trầm trồ. Trong số này có không ít cha mẹ người Mỹ gốc Việt. Trên một số diễn đàn, phụ huynh gốc Á châu nói chung và Mỹ gốc Việt nói riêng khen cha mẹ Jonny có phước, không ít người bày tỏ ước vọng con cháu mình cũng làm rạng rỡ gia môn như thế.

Tuy nhiên từ câu chuyện của Jonny, có một khía cạnh khác có lẽ phụ huynh nói chung, đặc biệt là phụ huynh người Việt, bất kể đang cư trú ở đâu nói riêng, cần ngẫm nghĩ nhiều hơn… Xong trung học, Kim vào lính chứ không vào đại học. Trong Navy SEAL, Kim chỉ là lính trơn, không phải sĩ quan. Rời khỏi SEAL, Kim mới vào đại học, tham gia chương trình sĩ quan dự bị ở đại học, rồi đi tiếp những bước sau...

Về tư chất, chỉ mất ba năm để hoàn tất chương trình Cử nhân Toán, hạng Summa cum laude, chắc chắn Kim không thua bạn bè đồng lứa. Trong một gia đình gốc Đại Hàn – suy nghĩ, hành xử vốn chẳng khác là bao so với các gia đình người Việt – việc Jonny không chịu vào đại học để vào lính, khởi đi từ binh nhì – có lẽ từng làm cha mẹ Jonny hết sức thất vọng, không ít ông bà, bác, chú, cậu, dì… chê trách!

Song nếu không từng là SEAL, không có Anh dũng bội tinh cả Ngôi sao đồng lẫn Ngôi sao bạc, ai dám chắc cuộc đời của Jonny sẽ khác hẳn, hơn xa cuộc đời của nhiều bạn bè đồng lứa, nay chắc là đã xong đại học? Mong mỏi con cháu thành đạt nhưng phụ huynh có dám để con cháu mình tự chọn đường để đi, khuyến khích chúng mạnh dạn thử sức ở những hướng khác hẳn lối thông thường mà trước nay, phụ huynh và những người quanh mình cùng cho là... nên - hay không?


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages