‘Người nghèo vay tiền… cất ống nứa’? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

‘Người nghèo vay tiền… cất ống nứa’?


Một trong những nơi đầu tiên mà ông Nguyễn Xuân Phúc chọn làm việc trong ngày đầu tiên sau đợt nghỉ Tết âm lịch vừa qua là Ngân hành Chính sách xã hội (tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam Bank for Social Policies - VBSP).

VBSP phải vừa cho vay, vừa hướng dẫn làm giàu, “không để người nghèo vay tiền cất ống nứa, bỏ gác bếp”.

Tại đó, ông Phúc chỉ đạo VBSP rằng, bởi ngân hàng này là “cánh tay nối dài của đảng, nhà nước đến người nghèo, đối tượng chính sách” nên VBSP phải vừa cho vay, vừa hướng dẫn làm giàu, “không để người nghèo vay tiền cất ống nứa, bỏ gác bếp” (1).

Chẳng lẽ ở Việt Nam có những người nghèo “vay tiền cất ống nứa, bỏ gác bếp”, thậm chí điều này phổ biến tới mức ông Phúc phải nhắc nhở VBSP? Nghèo mà “vay tiền cất ống nứa, bỏ gác bếp” rõ ràng là phi thường, lịch sử nhân loại từ cổ chí kim hẳn chưa từng có!

***

Năm 1995, chính quyền Việt Nam thành lập một ngân hàng chuyên “phục vụ người nghèo”. Tuy nhiên Ngân hàng Phục vụ người nghèo chỉ soạn thảo chính sách hỗ trợ người nghèo, nhận ngân sách rồi giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thực hiện các “nghiệp vụ” liên quan đến “phục vụ người nghèo”.

Lúc đầu (1988), Agribank nổi tiếng vì là doanh nghiệp nhà nước dạng đặc biệt, đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại bởi có tổng khối lượng tài sản lớn nhất Việt Nam. Sau này, Agribank nổi tiếng vì đứng đầu về tỷ lệ nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi).

Từ thập niên 2000 đến nay, lãnh đạo các cấp của Agribank (từ Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc của toàn bộ hệ thống Agribank trở xuống) bắt đầu xuất hiện trong các đại án kinh tế. Đại án kinh tế nhiều như nấm và đại án nào, thiệt hại của Agribank cũng nằm trong khoảng từ vài trăm… tỉ đến vài ngàn… tỉ.

Agribank họat động theo kiểu như thế thì làm gì còn cửa nào “phục vụ người nghèo”. Năm 2002, chính quyền Việt Nam quyết định tách toàn bộ “nghiệp vụ” của Ngân hàng Phục vụ người nghèo ra khỏi Agribank, đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), có bộ máy riêng, các chi nhánh rải đều trên toàn quốc.

Bởi được xem là một trong những công cụ nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên con đường thực hiện “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, “xóa đói, giảm nghèo” một cách… bền vững, VBSP được cấp thêm vốn, không cần đạt tỉ lệ dự trữ bắt buộc, không phải mua bảo hiểm cho các khoản tiền gửi, miễn thuế và nộp ngân sách.

Theo quảng cáo của VBSP thì ngân hàng này có tới 23 chương trình cho vay. Bởi mục tiêu cao cả của VBSP, một số chương trình cho vay được các định chế tài chính quốc tế hỗ trợ vốn: Cho vay để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ được Ngân hàng Tái thiết Đức – KfW – hỗ trợ. Phát triển lâm nghiệp được Ngân hàng Thế giới – WB – hỗ trợ (2).

Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, VBSP loan báo, tổng vốn đã xấp xỉ 180 ngàn tỉ, đã cho vay 169 ngàn tỉ. Nhờ sự hiện diện của VBSP, có tới 31,8 triệu lượt gia đình nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn và hơn 4,5 triệu gia đình đã vượt qua ngưỡng nghèo.

VBSP được tặng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Còn Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tặng bằng khen của Thủ tướng cho 29 tập thể, cá nhân “đạt thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình tín dụng chính sách” (3).

Cả nhà nước lẫn chính phủ đều không nhớ Kết luận của Thanh tra chính phủ. Theo đó, VBSP vướng hàng loạt sai phạm: Cho vay không đúng đối tượng. Sử dụng vốn vay sai mục đích. Vi phạm các qui định về đấu thầu khi thực hiện các dự án đầu tư phục vụ người nghèo, từ chọn thầu tới thanh toán (trả nhiều hơn khối lượng thực tế) (4)…



Cả nhà nước lẫn chính phủ đều không thấy, người nghèo ở Việt Nam… “quên” rằng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã thiết lập và dùng một khoản ngân sách không nhỏ để duy trì định chế VBSP “phục vụ” họ, giải thoát họ khỏi đói nghèo, giữ cho con họ khỏi thất học, thân nhân họ khỏi uổng tử chỉ vì không có tiền chạy chữa,...

Tại sao mỗi khi cần tiền để trang trải các khoản chi phí đột nhiên phát sinh lúc thắt ngặt như chôn cất người thân, kể cả khi cần một khoản vốn rất nhỏ để mưu sinh, người nghèo ở Việt Nam lại đi tìm du đãng, vay với lãi suất… 365%/năm (5)? Tại sao du đãng ở Việt Nam sinh sôi, nảy nở, lộng hành như hiện nay?

Thống kê – quảng bá thành tích của VBSP, sao không tìm, tính cho đủ số cá nhân, gia đình dùng tất cả mọi thứ mình có để trả lãi vẫn không sạch nợ “tín dụng đen”, cuối cùng trốn chui, trốn nhủi nhưng hiếm khi thoát, bị du đãng làm nhục, thậm chí bị bắt, bị tra tấn đến tàn phế, mất mạng? VBSP không có chút trách nhiệm nào trước thực trạng này?

***

Trước khi ông Phúc đến thăm VBSP chừng mươi ngày, cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức từng xôn xao về chuyện một thanh niên ở Bình Dương, liệng vào công thự của một phường ở thị xã Thuận An cái ba lô với 100 triệu đồng trong số 107 triệu đồng mà anh ta đã… cướp.

Trong thư gửi công an, nhờ hỗ trợ hoàn lại tài sản cho nạn nhân, anh ta kể rằng, bởi không có tiền, khi vợ sanh, anh ta phải vay “tín dụng đen”, lãi mẹ đẻ lãi con, tuyệt vọng vì không có cách nào thoát khỏi thòng lọng của “tín dụng đen”, anh ta đành làm cướp để mua lại sự an ổn cho gia đình của mình và chỉ dám “mượn” đủ số anh ta cần.

Ông Phúc có biết gì về hiện trạng người nghèo bị cuốn vào vòng xoáy “tín dụng đen” hay không? Có! Năm 2015, lúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho VBSP và tặng 29 bằng khen của ông cho các cá nhân, tập thể của VBSP, ông Phúc từng khẳng định, VBSP chính là công cụ đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi.

Mới đây, khi đến làm việc với VBSP, ông Phúc nhấn mạnh, VBSP tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tín dụng, “đẩy lùi tín dụng đen”. VBSP với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị là biểu tượng thể hiện sự quan tâm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến người nghèo, đối tượng chính sách.

Trước vô số thảm nạn vì người nghèo thiếu tất cả những sự hỗ trợ cần thiết, cho dù Bộ Công an vừa thề “triệt phá tín dụng đen” (7), có người bình thường nào dám khơi khơi chỉ đạo: “Không để người nghèo vay tiền cất ống nứa, bỏ gác bếp”! Đó là lý do để buộc phải nhìn nhận, Thủ tướng Việt Nam quả là… phi thường!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages