BOT bẩn được bảo vệ vì ai? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

BOT bẩn được bảo vệ vì ai?


Vậy là nhà nước chính thức bắt tay vào việc đối phó với những người chống BOT bẩn.

Chuyện xảy ra ở BOT An Sương - An Lạc: Dân phòng sừng sộ và văng tục với những người không mua vé khi qua trạm này. (Hình: Trích từ video www.youtube.com/watch?v=UvWxG0JQ43g)

Sáng ngày 15 tháng 3 hàng trăm nhân viên thuộc nhiều lực lượng đã đổ bộ xuống Trạm thu phí Thăng Long-Nội Bài nhằm “ổn định” tình hình an ninh trật tự mà thực chất là đối phó với giới tài xế không chịu chấp hành nộp tiền lệ phí thu quá mức quy định.

Người muốn qua trạm phải trả phí nếu không chấp hành lập tức bị xe cẩu đi còn người thì bị bắt giữ. Theo hình ảnh ghi nhận được từ các trang mạng xã hội có ít nhất 5 người bị bắt và 3 xe đã bị cẩu đi. Lực lượng giữ trật tự tại đây hùng hậu vượt quá yêu cầu khi các loại xe như cứu hỏa, cứu thương, xe cẩu, xe của CSGT… cùng xuất hiện cho thấy quyết tâm bảo vệ các BOT bẩn của chính quyền.

BOT nói cho cùng chỉ là một doanh nghiệp, không hề là một cơ quan nhà nước. Nếu doanh nghiệp và người sử dụng không đồng ý với nhau thì chính quyền với vai trò là trung gian cần có hành động hòa giải và cùng tìm giải pháp công bằng cho cả hai bên. Nếu người dân có hành vi bạo động, phá hoại an ninh trật tự công cộng thì biện pháp trấn áp như đang đưa ra là cần thiết, nhưng trấn áp, bắt bớ, lưu giữ phương tiện trong khi người dân chỉ vì không đồng ý trả tiền là biện pháp cả vú lấp miệng em, có ý đồ bênh vực những BOT bẩn mà người dân đang lên án hàng ngày.

Tại sao chính quyền địa phương nhiều nơi không ngại ra mặt tấn công người dân khi họ công khai lên tiếng tố cáo những sai trái của các trạm thu phí? Bởi vì không ít các vị được gọi là “chính quyền” ấy góp vốn trực tiếp vào các BOT tại địa phương, nếu không bằng tiền thì bằng “quyền” mà báo chí đã từng công khai một cái tên cộm cán đó là ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Tổng Giám đốc CIENCO 4 cũng là một “phần hùn” trong các BOT thuộc tỉnh này.

Ngoài ra các BOT bẩn khác đều được sự giả lơ của Bộ GTVT khi người dân tố cáo các BOT bẩn có dấu hiệu lường gạt nhà nước trong khi khai thu nhập của nó nhằm trốn thuế. Vụ người dân phát hiện trạm thu phí Long Thành-Dầu Giây thu phí vượt báo cáo hàng ngày nhưng Tổng cục Đường bộ sau một ngày điều tra đã khẳng định “Không phát hiện gian lận thu phí qua trạm Dầu Giây” càng làm cho mối nghi ngờ có móc ngoặc giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) và Bộ GTVT thêm mạnh mẽ.

Và kết quả của các “Kiểm toán nhân dân” tại trạm thu phí Ninh Lộc, Khánh Hòa cho thấy số thu tại trạm này vượt xa sự tưởng tượng của người dân, thu trung bình mỗi ngày là 1 tỷ 100 triệu đồng đó là chưa kể những khoảng mua theo tháng và theo quý. Số tiền thu này dĩ nhiên là Bộ GTVT biết rõ và sự im lặng của Bộ này gây nghi ngờ lớn cho những người theo dõi.

Sự phát hiện chấn động này làm cho các BOT bẩn có nguy cơ bị xem xét lại các hợp đồng dự thầu, kết quả là một nhóm người bịt mặt tấn công người dân đang ngồi đếm xe tại dây, cướp các cuốn sổ ghi chép trong 7 ngày và mọi con số đếm xe xem như mất sạch.

Ai làm việc này nếu không phải là chủ nhân của BOT Ninh Lộc Khánh Hòa?

Người dân thừ biết các doanh nghiệp đầu tư vào các BOT không thể im lặng hưởng trọn lợi nhuận khổng lồ mà nó kiếm được, nếu không “lại quả” thì mọi nguy cơ phản đối của dân chúng sẽ không được bảo vệ một cách tích cực như chính quyền đã làm trong những ngày vừa qua. Đàn áp bằng hình thức côn đồ tấn công người chống đối, hay tấn công thẳng vào tư cách công dân của người tố cáo bằng cách chụp mũ họ những tội danh mà họ không hề làm. Một ví dụ điển hình nhất là anh Hà Văn Nam, người rất tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.

Kết quả là sau nhiều lần bị hành hung bởi côn đồ, sáng ngày 5 tháng 3 anh bị hàng chục công an, cảnh sát giao thông vây quanh nhà, bắt giam để điều tra vụ án "Gây rối trật tự công cộng" xảy ra ở trạm thu phí BOT Phả Lại hôm 31/12/2018 tức là hơn hai tháng trước đó.

Vụ bắt giữ Hà Văn Nam cho thấy sự tùy tiện và coi thường luật pháp của người thi hành công vụ đã đến mức báo động. Hà Văn Nam hoàn toàn không có một hành động quá đáng nào khi đứng lên cùng bạn bè chống lại cái phi lý của các BOT bẩn. Bắt Nam là bắt công lý phải thần phục sức mạnh của các nhóm lợi ích. Bắt Nam là vỗ vào mặt nhân dân những cái tát mà trước đây một thế kỷ người Pháp đã từng làm và từng bị trừng phạt.

BOT bẩn sẽ không bao giờ giải quyết được bằng sức mạnh vũ lực bởi sức mạnh của người dân đang âm ỉ dưới những tờ biên lai thu phí mà họ cắn răng trả hàng ngày khi đi ngang qua. Khi nào đồng tiền của họ còn bị bóc lột một cách công khai và hợp pháp thì ngày ấy họ vẫn còn đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Sức sáng tạo của người dân đã nuôi sống người Cộng sản từ hơn 7 thập niên trước thì cũng chính sức sáng tạo ấy sẽ trừng phạt những ai đang dẫm lên mồ hôi của họ đang nhỏ xuống trên đất nước này.


Mặc Lâm
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages