Hà Nội không xanh, bao nhiêu người lo… xám? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Hà Nội không xanh, bao nhiêu người lo… xám?


Một đại lộ ở Hà Nội. Hình minh họa.

Đầu thập niên 2010, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đồng thanh quảng cáo “Kế hoạch sử dụng đất ở thành phố Hà Nội từ 2011 đến 2015 và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020”. Theo đó, thủ đô Việt Nam sẽ “kế thừa những định hướng lớn, phát triển ‘cân bằng dựa trên bảo tồn’ và trở thành… thành phố xanh”.

Chỉ còn chín tháng nữa là nhân loại chạm ngưỡng 2020 nhưng Hà Nội chẳng những không… xanh mà xám xịt, ảm đạm, không khí đặc quánh, hít thở khó. Theo thời gian, số ngày/năm mà không gian nhờ nhờ vì thiếu sáng tăng dần. Tuy mặt trời vẫn thế song ánh sáng từ mặt trời không thể xuyên qua lớp khói, bụi quá dày.

Vài tháng gần đây, báo chí Việt Nam liên tục đề cập tới mức độ ô nhiễm càng ngày càng trầm trọng, đến chất lượng không khí ở Hà Nội nay đã sụt giảm xuống cấp độ “xấu”, thậm chí “nguy hại cho sức khỏe”. Các chuyên gia liên tục khuyến cáo dân chúng theo dõi kết quả quan trắc không khí để… sử dụng đúng loại khẩu trang cần thiết (1).

***

Cách nay khoảng 15 năm, thỉnh thoảng dân chúng Hà Nội lại ngỡ ngàng khi không gian nơi họ cư trú đột nhiên mờ mịt trong khói. Chính quyền thành phố Hà Nội lúc đó giải thích, hiện tượng ấy phát xuất từ việc nông dân ở ngoại thành đốt rơm. Chẳng bao nhiêu người bận tâm tới cảnh báo của các chuyên gia: Từ 2005 – 2007, bụi và các chất độc hại trong không khí ở các đô thị, các khu công nghiệp của Việt Nam đã tăng từ hai tới bốn lần… Đến năm 2010, hàm lượng bụi và các chất độc hại trong không khí ở Hà Nội và Sài Gòn có thể sẽ tăng đến năm lần... Những chất độc hại sẽ kết hợp với hơi nước tạo thành các giọt acid và tấn công phổi gây cảm giác đau rát, suy giảm hô hấp, đau đầu, hôn mê, thậm chí có thể dẫn tới tử vong...

Năm 2013, sau khi kiểm tra nước mưa trong những ngày Hà Nội bị khói phủ, ông Nguyễn Đình Hòe, giảng viên Khoa Môi trường của Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, độ pH của nước mưa chỉ khoảng 5,0 - 5,5. Điều này đồng nghĩa với việc Hà Nội có mưa acid, khói chính là sương mù acid, hoặc sương mù quang hóa. Ông Hòa giải thích, thông thường, nhiệt độ của lớp không khí từ sát mặt đất đến độ cao khoảng 150 mét nóng hơn nhiệt độ của lớp không khí ở tầng bên trên. Nhờ vậy, khí thải từ các loại động cơ và khói thải của các nhà máy sẽ được gió khuếch tán vào không trung. Khi khí hậu diễn biến bất thường, lớp không khí ở tầng bên trên nóng hơn lớp không khí dưới mặt đất, hiện tượng đối lưu không xảy ra được. Lớp không khí sát mặt đất bị ứ đọng, các chất gây ô nhiễm ứ lại và cùng với hơi nước, tạo ra hiện tượng sương mù acid.

Sương mù acid sẽ khiến đau rát ở mắt, thị lực giảm. Cây cối bị héo lá và có thể chết giống như khi gặp mưa acid. Sương mù acid và các tác động của nhiệt độ cực đoan đặc biệt nguy hiểm cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh tim mạch. Ông Hòe nói thêm, do độ ẩm thấp, cư dân TP.HCM ít thấy hiện tượng sương mù acid như Hà Nội song mức độ ô nhiễm trong không khí ở TP.HCM không thua Hà Nội. Tình trạng phần lớn trẻ em, người già tại TP.HCM mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, chính là bằng chứng về mức độ ô nhiễm trong không khí ở TP.HCM cũng rất nghiêm trọng. Dù TP.HCM và các tỉnh lân cân ít có hiện tượng sương mù acid nhưng mưa acid xảy ra rất thường xuyên. Từ 60% đến 70% trận mưa trong năm ở khu vực Đông Nam bộ là mưa acid (3).

***

Khám phá và những cảnh báo của các chuyên gia như ông Hòe chỉ đạt được tác dụng duy nhất là chính quyền thành phố Hà Nội chấm dứt lý giải, sở dĩ thành phố này lờ mờ trong khói là vì… nông dân ở ngoại thành đốt rơm. Tuy soạn – lập hàng loạt dự án, phê duyệt vô số quy hoạch, kế hoạch hành động có tầm nhìn đến năm 2050, chẳng hạn… Quy hoạch Nghĩa trang Thủ đô Hà Nội (4), song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành phố Hà Nội nói riêng vẫn không soạn – lập dự án, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch hành động nào thật sự hữu hiệu để kiểm soát việc xả các loại khí thải, các chất thải nguy hại cho sức khỏe con người vào không khí, vào đất, vào nước.

Trong những câu chuyện tâm tình hàng ngày với nhau, số người Việt tỏ ra sửng sốt, thậm chí hoang mang, kinh sợ càng ngày càng đông, khi phải thấy, phải nghe, được biết, càng ngày càng nhiều tin buồn, rằng thân nhân, bạn bè, người quen đột nhiên mắc những căn bệnh mãn tính, hiểm nghèo, đột ngột qua đời vì những quái bệnh mà vài thập niên trước rất ít gặp. Đáng ngạc nhiên là dẫu biết chắc thực trạng bất thường, đáng lo đó là do môi sinh, môi trường ô nhiễm nhưng ít ai bận tâm đến việc tham gia đòi buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải ngăn chặn thảm họa nay đã nhãn tiền. Chẳng có bao nhiêu người nghĩ rằng, khi họa có thể rơi xuống đầu người khác thì họa cũng có thể sẽ rớt trúng đầu mình hay con, cháu của mình!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages