Đừng hỏi? Không, phải hỏi cho ra lẽ! - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Đừng hỏi? Không, phải hỏi cho ra lẽ!


“Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country.”

“A prudent question is one-half of wisdom.” - Một câu hỏi khôn ngoan là một nửa sự thông thái - Francis Bacon

Từ khi con người biết hỏi, biết đặt câu hỏi cho mọi vấn đề, và đặt đúng câu hỏi cho các vấn đề đó, thì sự khai sáng và khám phá về mọi mặt, từ khoa học lan rộng sang mọi lĩnh vực khác, đã giúp cho con người thăng tiến, bước ra khỏi những bóng tối u mê, những mê tín dị đoan, để tiến gần đến chân thiện mỹ.

Hỏi là một quyền tối quan trọng và tự nhiên đến độ nó không cần phải được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Có lẽ tác giả cảm thấy điều này dư thừa. Đã là người mà không được hỏi thì có thể nào tồn tại!

Cách đây 58 năm, trong bài phát biểu nhậm chức nổi tiếng của cố Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy vào ngày 20 tháng Giêng năm 1961, ông cũng đặt ra vài câu hỏi quan trọng, cho công dân Hoa Kỳ và cho toàn thế giới.

Như đại đa số các tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, tất cả đều đặt nhiều tâm huyết vào bài phát biểu nhậm chức vì nó cần chuyển tải viễn kiến và chính sách của nguyên thủ quốc gia. Hơn nữa, lại là nguyên thủ quốc gia của thế giới tự do vào thời điểm đó. Và hơn hết, nó xảy ra ngay vào thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh.

Bài phát biểu của Kennedy trình bày các thử thách và cơ hội, cho người Mỹ, cho các các dân tộc muốn khát khao được độc lập tự do, và cho toàn nhân loại nói chung, trong đó có Liên Bang Sô Viết, rằng hòa bình có thể đạt được trong thời đại mà vũ khí hủy diệt hàng loạt có nguy cơ tàn phá nhân loại, hoặc do tính toán hoặc do tự hủy vô ý.

Có vài lý luận trong bài phát biểu của Kennedy để lại ấn tượng. Một, ông biện luận rằng Hoa Kỳ cần giúp đỡ hơn nửa nhân loại trên khắp thế giới đang đấu tranh tìm cách thoát khỏi gông cùm khốn khổ, không phải vì cộng sản đang làm việc đó, cũng không phải vì muốn kiếm phiếu, mà là vì đó là điều đúng. Ông nói “Nếu một xã hội tự do không thể giúp được nhiều người nghèo khổ, thì nó (cũng) không thể cứu được một thiểu số giàu có” (If a free society cannot help the many who are poor, it cannot save the few who are rich). Hai, để đối phó với các thế lực tàn phá đen tối và để tìm kiếm hòa bình thì không thể thực hiện ở thế yếu, bởi vì chỉ khi nào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đầy đủ để chính mình không tự nghi ngờ thì đến lúc đó mới không cần đến sử dụng nó. Ba, cả hai bên (tự do và cộng sản) cần nhớ rằng sự lịch thiệp không phải là chỉ dấu của yếu đuối, và sự thành thật cần phải luôn được kiểm chứng; chúng ta không bao giờ thương lượng vì sợ hãi; nhưng chúng ta không bao giờ sợ thương lượng. Bốn, ông kêu gọi cả hai phía cùng nhau tạo ra nỗ lực mới, không phải là để cân bằng quyền lực nhau, mà là tạo ra một thế giới mới dựa trên pháp luật, trong đó kẻ mạnh (nên) là công chính, kẻ yếu được an toàn, và hòa bình được gìn giữ.

Nói chung toàn bài phát biểu của Kennedy - hiển nhiên được toàn thế giới chú ý vào lúc đó, kể cả khối cộng sản quốc tế - được chuẩn bị kỹ càng; từng câu từng chữ đều không thừa, không thiếu. Quan trọng nhất, Kennedy muốn sửa soạn tâm lý cho người dân Hoa Kỳ ủng hộ cho những chính sách, những quyết định khó khăn mà ông hiểu rõ rằng mất cả đời ông thực hiện chưa chắc đã hoàn thành.

Nhưng phần lớn người nghe bài phát biểu này, hay các thế hệ sau được biết đến Kennedy, không vì các ý niệm nêu trên, mà là một câu nói gần cuối của bài phát biểu này.

“Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country.” Nhiều người Việt Nam dịch là “Đừng hỏi đất nước/tổ quốc có thể làm gì cho bạn – Hãy hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước/tổ quốc”. Cách đây gần năm năm, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng có viết về đề tài này.

Trước khi mổ xẻ điều này, tôi xin được bàn bên lề một chút. Đó là trong bài viết vừa qua mà tôi đã đặt vấn đề với câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, có một độc giả, và cũng có thể có nhiều người khác, nhận xét rằng thành ngữ này cũng giống với câu nói trên của Kennedy.

Hai quan niệm thoạt nghe tưởng có vẻ giống nhau nhưng tinh thần của câu nói của Kennedy rất khác. Một, là ông nhấn mạnh đến việc hỏi, hỏi chính mình. Đó tinh thần tự vấn. Hai, là ý thức tự giác. Tuy ý nghĩa của Kennedy trong bài phát biểu này là rằng sự thành bại của các dự án lớn nhỏ của quốc gia phụ thuộc vào sự tham gia và hỗ trợ của người dân, Kennedy cũng không dám dùng chữ trách nhiệm trong này. Ông trình bày bối cảnh vấn đề quốc gia và quốc tế để người dân thấy những thử thách và cơ hội cho tương lai trước mặt. Và ông dùng chữ có thể, “bạn có thể làm gì…”, không phải là phải làm gì, không mang tính bắt buộc.

Trở lại, tôi tin rằng hiển nhiên bài phát biểu này đã được rất nhiều người khác nhau dịch trước đây, gần sáu thập niên qua. Tôi không có trong tay các bản dịch này. Chỉ dùng Google thì thấy rất nhiều bản dịch, nhất là hai chữ đầu, “Ask not” là “Đừng hỏi”.

Tôi cho rằng dịch “ask not” là “đừng hỏi” (don’t ask) không thể hiện đúng ý tưởng, tư duy của Kennedy.

Hỏi, Kennedy thừa biết, hơn ai hết, là quyền hạn của mọi công dân Hoa Kỳ. Nó là văn hóa và là cội nguồn của mọi sự phát triển con người. Làm sao có thể dùng chữ “đừng hỏi” với người dân mình. Phải hỏi, phải luôn luôn hỏi, luôn luôn đặt vấn đề. Nhưng mà hỏi cái gì? Hỏi như thế nào mới đúng, mới hiệu quả, mới là quan trọng. “Hỏi không phải điều này, mà là điều kia” khác với “Đừng hỏi điều này, mà hỏi điều kia”. Tức điều một thì được hỏi, điều hai thì không được, hay không nên. “Đừng hỏi” là đã có vẻ xúc phạm đến quyền và tự do của người dân rồi. “Đừng hỏi” tuy chưa phải là “không được hỏi”, chưa phải là “cấm hỏi”, nhưng chữ đừng, đã là khá tiêu cực rồi. Ai cũng có quyền hỏi. Cứ hỏi. Nhưng hỏi cho đúng.

“Hỏi không phải đất nước có thể làm được gì cho bạn, (hãy) hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước”. Câu văn này, tôi biết, không suông sẻ, không phải lối hành văn Việt Nam. Do đó có thể đổi lại chút xíu cho gần ý nghĩa hơn, là: “Thay vì hỏi đất nước…”.

Theo tôi thì phiên bản “Thay vì hỏi đất nước có thể làm được gì cho bạn, (hãy) hỏi bạn có thể làm được gì cho đất nước” là gần ý của Kennedy nhất. “

Là một người yêu thích triết học ở đại học Harvard, và là một cựu ký giả, tuy không hành nghề lâu, Kennedy là người giỏi chơi chữ, biết rõ từng ngôn từ có tác động đến tâm tư người nghe, do đó tránh tối đa những cách nói hay viết hay sử dụng các ngôn từ có thể gây phản cảm. Kennedy biết sức mạnh của ý tưởng, của triết học. Và hiểu rất rõ rằng chỉ có tranh luận thẳng thắn với nhau thì các ý tưởng mới, giá trị, và chất lượng mới sinh sôi nẩy nở ra từ đó. Trong bài luận văn dài đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào năm 1957 (gần như một truyền thống bất thành văn từ khi tạp chí này trở thành diễn đàn uy tín để giới tinh hoa Hoa Kỳ trao đổi và tranh luận các tư tưởng chính sách đối ngoại), chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Kennedy đã phê bình những người dùng khẩu hiệu như là giải pháp, mà ông cho là nhút nhát. Ngay cả khi một ý tưởng nào đó đã được lưỡng đảng đồng ý thì Kennedy cũng biện luận rằng “Tính lưỡng đảng không thể được phép là một cái cớ để chôn vùi bất đồng chính kiến. Đặc biệt tại một thời điểm dịch lỏng (fluid) như hiện tại, nó không thể trở thành một bức tường ngăn chặn dòng chảy của những ý tưởng mới và sự thể hiện của những nghi ngờ thành thật.”

Nói tóm lại, Kennedy, cũng như truyền thống của các lãnh đạo Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến lúc phát biểu bài này, quan niệm rằng phải hỏi, phải đặt vấn đề, phải có phản biện, phải có tự do tư tưởng và ngôn luận, thì mới giúp nhau tìm ra những giải pháp tối hảo cần thiết, nhất là trong thời điểm thách thức nhất của quốc gia.

Nếu trước đây Hoa Kỳ là môi trường văn hóa nuôi dưỡng sự bất đồng ý kiến, coi sự bất đồng là lẽ tự nhiên không chỉ chấp nhận mà nên trân trọng, thì ngày nay cái văn hóa đó đã bị soi mòn. Không chỉ tại Hoa Kỳ mà khắp nơi trên thế giới đều vậy. Văn hóa dân chủ cũng bị soi mòn vì thế.

Người ta càng ngày càng mất kiên nhẫn với nhau. Tốc độ sống và làm việc quá nhanh để không còn thời gian và kiên nhẫn cho người khác. Và truyền thông xã hội không những không giúp mà còn làm tệ hơn tình trạng này.

Trở lại vấn đề hỏi. Không phải ai trên thế gian này cũng có quyền đặt câu hỏi, hoặc có khả năng hỏi. Bao nhiêu lần tôi đã chứng kiến những người Việt, lớn tuổi hoặc lớn ở vai vế, lên giọng và kể cả mắng nhiết người hạ cấp và trẻ em khi bị hỏi. Tôi cũng từng chứng kiến thầy cô giáo Việt Nam bắt học sinh câm mồm vì mở miệng đặt câu hỏi. Có thể chỉ vì lúc đó không biết câu trả lời. Trong gia đình, trong nhà trường, và trong xã hội Việt Nam nói chung, hỏi không hề là một quyền được tự nhiên công nhận. Những công dân nào dám hỏi, dám đặt vấn đề với giới cầm quyền, thì không những bị mắng chửi mà còn bị cầm tù nhiều năm.

Khi không được khuyến khích hỏi, riết rồi người ta ngại, ai cũng ngại, và tìm cách tránh né đặt các câu hỏi mà có thể làm mất lòng người khác. Như thế thì làm sao có thể trao dồi khả năng hỏi cho mọi vấn đề cần thiết của cuộc sống? Triệt tiêu khả năng hỏi từ trong trứng nước thì làm sao mong đợi con em mình có tinh thần tự tin, có ý chí, hứng khởi và khả năng đi tìm sự thật, và nhất là có khả năng giao lưu và truyền thông với người khác?

Hỏi, thật ra là một nghệ thuật, một khả năng cần trao luyện thường xuyên. Càng tập luyện và trao dồi thì càng gia tăng các kỹ năng hỗ trợ cho việc hỏi. Không cần phải hỏi các câu móc họng, hay làm người khác mất mặt hoặc tức giận. Thật ra là ngược lại. Có những nhà báo và ký giả truyền hình tinh tế và nhạy bén đến độ làm cho người xem ngạc nhiên và thán phục: sao họ biết đặt câu hỏi thông minh, sắc xảo và đúng bốc vấn đề như thế? Các cuộc phỏng vấn như thế giúp cho khán giả hiểu và nắm bắt vấn đề. Người ký giả sắc sảo thành công là người biết đặt các câu hỏi để tìm sự thật thay mặt cho khán/thính/độc giả của mình.

Biết đặt đúng câu hỏi là một trong các khả năng cần thiết nhất của các loại kỹ năng mềm (soft skills), và là nền tảng của tư duy phản biện hay còn gọi là suy nghĩ phê phán (critical thinking). Khả năng và kỹ năng này giúp cho họ tiến xa, rất xa, và là một trong các tiêu chí cần thiết nhất của lãnh đạo mọi cấp và mọi địa hạt.

Nghĩ đến quyền được hỏi của mình, tôi liên tưởng đến vài vấn đề như sau:
  • Tại sao trong guồng máy cai trị hiện nay không có đến một người có đủ trí tuệ, có khả năng truyền thông và có đủ lý luận vững vàng, để khi truyền đạt một vấn đề nào đó, họ có thể thuyết phục thay vì áp đặt mọi ý kiến giáo điều lên người dân?
  • Tại sao không có đến một cơ quan truyền thông tự do nào được hoạt động tại Việt Nam, trong khi hàng trăm các cơ quan truyền thông nhà nước ăn tiền của người dân thì không được quyền hỏi những câu hỏi đúng?
  • Tại sao 91 triệu dân đi phục tùng cho 4 triệu đảng viên mà cái đa số phục tùng này cũng không được quyền hỏi cái thiểu số cầm quyền tại sao vậy?
'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay', như chính Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên bố một cách hãnh diện đầu năm nay, có phải là điều làm cho chúng ta tự vấn không?

Và quan trọng nhất, mọi người dân cần hỏi đất nước hôm nay có hướng đi rõ ràng không, và nếu đã có, thì hướng đi đó có phải là tốt nhất cho đa số người dân không?

Người Việt ở mọi tầng xã hội cần hỏi, và phải hỏi nhiều hơn nữa, cho đến khi nào có được câu trả lời chính đáng. Hỏi đúng có khả năng lật ngược mọi vấn đề đã được định đoạt trước đây. Chúng ta cần hỏi tất cả vấn đề liên quan đến bối cảnh lịch sử và chính trị của Việt Nam trong một trăm năm qua, và xa hơn nữa, nếu có thể. Dù không được phép hỏi đi nữa, biết hỏi là cũng biết được một nửa đoạn đường đi tìm câu trả lời cho chính mình vậy.

(Úc Châu, 15/03/2019)

Phạm Phú Khải
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages