Quét rác cũng phải xin phép! - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

Quét rác cũng phải xin phép!


Đảng Cộng Sản muốn giữ độc quyền “lãnh đạo!” Họ không cho phép người dân tự họp nhau làm bất cứ chuyện gì! Dù chỉ là việc quét rác! (Hình: Minh họa)

Hỏi ông Benjamin Franklin là ai, chắc nhiều người lớn tuổi nhớ ngay ông là người chế ra cái “cột thu lôi” dựng trên nóc nhà để ngừa bị sét đánh, vì khám phá ra sấm chớp là do một thứ gọi là điện gây nên. Các bạn trẻ thì chắc cũng biết chân dung ông in trên tời giấy bạc $100.

Nhưng ông Benjamin Franklin, một trong những “người sáng lập nước Mỹ” còn làm rất nhiều thứ khác. Ở đây xin nhắc tới những sáng kiến phục vụ cộng đồng của ông tại Philadelphia. Chỉ được đi học vài ba năm, chàng thợ in từ Boston đến Phila năm 1727, lúc 18 tuổi. Ngoài 20 tuổi thì làm chủ một nhà in và xuất bản một tờ báo nhỏ.

Franklin thấy con đường trước cửa tiệm in mình đầy ổ gà, vũng nước, và rác. Chính quyền thuộc địa không có “Sở Rác” hay “Sở Đường Xá” lo những chuyện này. Chàng thanh niên bèn rủ những chủ tiệm hàng xóm họp nhau lại, bàn nhau lo sửa đường, hốt rác, góp tiền thuê người làm việc thường xuyên. Cùng một nhóm 11 người bạn, Franklin góp sách lại để ai cũng có thêm sách đọc. Thế là dần dần biến thành một thư viện công cộng. Ông lại hô hào mọi người góp tiền dựng những “cột đèn đường,” lập đội cứu hỏa. Mời thầy giáo mở lớp học cho con em, sau này biến thành Đại Học Philadelphia. Toàn là những việc ích lợi chung mà chính quyền chưa nghĩ tới.

Bây giờ các làng, xã ở Mỹ đều có những cơ sở công cộng, bắt đầu từ các hoạt động tình nguyện Ben Franklin khởi xướng ở Philadelphia vào giữa thế kỷ 18. Có thể kể: Sở Vệ Sinh, Sở Cứu Hỏa, Sở Kiều Lộ, bệnh viện, trường học, công ty bảo hiểm, thư viện công, vân vân. Lúc đầu, đó là những nhóm tư nhân tự họp nhau để lo cải thiện cuộc sống chung quanh mình, vì lợi ích của chính mình.

Có thể coi Ben Franklin là cha đẻ của “xã hội công dân” (civil society) ở nước Mỹ! Đó là những hiệp hội, đoàn thể tư nhân, tự nguyện, không kiếm lời, do các công dân tự lập ra, không nhờ vả, không lệ thuộc nhà nước. Ở Việt Nam hiện nay gọi những hoạt động tập thể này là “xã hội dân sự.” Danh từ đó làm nhẹ bớt tính chất độc lập với nhà nước. Nó cũng khiến người ta quên rằng hành động tự đứng ra lo lấy những việc chung là một quyền căn bản của mọi công dân.

Thời Việt Nam Cộng Hòa trường tiểu học dạy môn công dân giáo dục. Thanh niên có thể phát động các chương trình cứu giúp đồng bào bị hỏa hoạn hay bị lụt, họ thành lập các hội đoàn để giáo dục và làm việc công ích, với thủ tục đơn giản. Những hoạt động đó không bị một chi bộ đảng nào kiểm soát.

Trẻ em ở Mỹ các trường tiểu học có thể dành hai giờ để học và thực tập về tấm gương của Ben Franklin trước đây gần 300 năm. Sau khi kể chuyện Ben đã làm những gì để cải thiện đời sống cộng đồng, các thầy cô giáo bảo học sinh hãy liệt kê ra những việc mà chính các em có thể làm, giống như vậy. Họ nêu ra thí dụ, quét rác, đổ rác, trồng cây hoặc hoa bên đường, giúp những người nghèo, vân vân. Quét rác! Đây là một thí dụ lý thú!

Chúng ta nhớ ngay câu chuyện Benjamin Franklin tổ chức quét rác và sửa đường khi đọc bản tin ở Việt Nam các học sinh ở Ninh Thuận rủ nhau đi hốt rác! Các bạn trẻ này là những Ben Franklin của nước ta!

Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam không chấp nhận cho các em làm công việc ích lợi chung. Nếu Ben Franklin sống ở Việt Nam bây giờ thì chắc ông cũng bị mời lên đồn công an “làm việc!” Ben! Anh có “ý đồ” gì vậy?

Giáo viên Đặng Nguyên Triết viết trong Facebook của ông: “Họ không cho phép cá nhân tự đứng ra tổ chức nhóm nhặt rác, nhất là học sinh, sinh viên.” Ông Triết là người đã đăng những bài rủ các em chung tay nhặt rác ở ngoài đường, trên bãi biển. Ông chấp nhận ông “hoàn toàn chịu trách nhiệm,” công an có hỏi tội thì hãy hỏi ông!

Cộng Sản Việt Nam không chấp nhận quyền “tự lo việc chung” của các công dân. Bản tin trên Người Việt dẫn báo Tuổi Trẻ cho biết: Một nhóm bạn trẻ ở Sài Gòn tự nguyện dùng xuồng cao su đi vớt rác trôi nổi tại một số kênh rạch. Chưa kịp làm thì cảnh sát công an đã ngăn, vì các em chưa xin phép! Một người trong nhóm tổ chức nói họ không biết phải xin phép ai! Có lần nhóm này muốn xin được dọn rác tại kênh Nhiêu Lộc “nhưng gặp cơ quan này xin phép lại bị chỉ qua cơ quan khác!” Bữa trước có bản tin ông tổng giám đốc Jet Blue cúi xuống lượm rác trong chiếc máy bay ông đang đi, ngồi hạng “Bình Dân.” Nếu sống ở Việt Nam thì chắc ông này chắc bị cách chức ngay vì lượm rác không xin phép!

Trong nước Việt Nam hiện có rất nhiều Benjamin Franklin muốn tự nguyện đi quét rác, chỉ vì họ thấy “ngứa mắt.” Cũng vì muốn giúp ích xã hội. Muốn tự huấn luyện tinh thần tự lập, phục vụ công ích. Cũng vì họ thấy làm việc đó giúp cuộc đời mình thêm ý nghĩa. Nhưng họ không được phép làm. Bất cứ một nhóm năm bảy người nào muốn việc gì chung cũng phải xin phép, dù ích lợi cho xã hội và hoàn toàn tự nguyện.

Đường xá, bãi biển, sườn núi, sông ngòi, thắng cảnh ở Việt Nam đang tích tụ những bãi rác lớn. Những mớ rác lều bều trôi trên kênh Nhiêu Lộc nếu biết nói chúng cũng đang hô khẩu hiệu: Đảng Còn thì Mình Còn!

Tất cả chỉ vì đảng Cộng Sản muốn giữ độc quyền “lãnh đạo!” Họ không cho phép người dân tự họp nhau làm bất cứ chuyện gì! Dù chỉ là việc quét rác! Dù không có luật lệ nào cấm đoán. Không được làm, mà nói thôi cũng cấm nữa. Một thanh niên viết trên mạng xã hội tỏ ý lo Vườn Quốc Gia Tam Đảo đang bị ô uế, cũng bị công an gửi giấy mời, buộc tội “chia sẻ trên mạng những nội dung phản đối chính sách của đảng và nhà nước!” Anh bạn trẻ này bị ép phải xóa bỏ các “posts” đã viết.

Đó là chủ trương độc tài toàn trị, do các ông Stalin, Mao Trạch Đông thiết lập để kiểm soát dân đen. Chính sách độc tài toàn trị được duy trì với điều số 4 trong hiến pháp. Tất cả các tổ chức ngoài chính quyền phải đặt dưới Mặt Trận Tổ Quốc. Đảng Cộng Sản cứ hô hào “chấm dứt bao cấp” nhưng trong thực tế lại cố duy trì chế độ bao cấp ngay trong những sinh hoạt tầm thường nhất của người dân.

Báo Người Việt mới đăng phóng sự về rác ở vùng Little Saigon. Người viết muốn báo động về tình trạng vệ sinh trong cuộc sống chung. Người Việt ở đây có thể hỗ trợ các bạn trẻ “Rủ Nhau Hốt Rác” ở trong nước; bằng cách thể hiện “quyền công dân” của mình, qua việc tình nguyện đi lượm rác, quét rác, hốt rác. Hãy cho các bạn trẻ học lại tiểu sử Benjamin Franklin để hiểu rằng nước Mỹ tiến bộ chính vì những hoạt động tình nguyện của các công dân khi mọi người tự đứng ra cùng giải quyết các vấn đề chung, mà không cần nhà nước cho phép. Các ông bà nghị viên thành phố có thể bắt đầu trước làm gương!

Khi hình ảnh những học sinh ở Westminster, Garden Grove, các em Hướng Đạo tình nguyện đi quét rác ngoài đường phổ biến trên mạng, chắc các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ nhìn thấy và họ sẽ phấn khởi. Họ càng ý thức rằng một nước muốn văn minh, tiến bộ thì người dân phải tự cùng nhau làm sao cho cuộc sống chung tốt đẹp hơn, bằng những việc tầm thường, như quét rác.

Tinh thần tự nguyện của các công dân, góp sức nhau cùng giải quyết các vấn đề chung, là một nền tảng của nền dân chủ nước Mỹ. Triết gia người Pháp De Tocqueville vào thế kỷ 19 đã nhận xét như vậy khi qua Mỹ quan sát. Chính người dân cùng nhau tự lo, không trông chờ “giới lãnh đạo” làm giúp hoặc nhà nước ra lệnh. Từ đó phát sinh ra xã hội công dân.

Xã hội công dân là nền tảng của cuộc sống dân chủ. Khi cấm các học sinh không được tự nguyện tổ chức quét rác, đảng Cộng Sản đang giết chết xã hội công dân từ trong trứng!

Cái đống rác lớn nhất cần phải dọn dẹp chính là thói quen bảo vệ độc quyền và đầu óc sợ sệt hủ lậu của đảng Cộng Sản.


Ngô Nhân Dụng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages