“Bản lĩnh dám nói”
Còn nhớ sát thời điểm diễn ra Hội Nghị Trung Ương 10 vào giữa Tháng Năm, 2019, một số tờ báo quốc doanh chợt ồn ào vụ “bắt Nhật Cường Mobile,” dù đây chỉ là một doanh nghiệp thuộc loại trung và chẳng có tiếng tăm gì. Chẳng bao lâu sau đó, thêm một đồn đoán ồn ào khác hé lộ: Nhật Cường là sân sau của Chung “Con,” tức Chủ Tịch Ủy Ban Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Bầu không khí ồn ào trên xuất hiện cùng với tin ngoài lề về việc Nguyễn Đức Chung đang có khả năng được cơ cấu vào diện “cán bộ cấp chiến lược,” nhưng còn cao hơn thế – tức cơ cấu vào hàng ủy viên “Bê Xê Tê” (Bộ Chính trị) tại Đại Hội 13 diễn ra vào năm 2021.
Cùng chung thân phận với Chung “Con” còn có Trần Tuấn Anh, Bộ Trưởng Công Thương, con ruột cựu Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương. Vẫn là vụ “dùng xe công ra phi trường đón người nhà.” Trần Tuấn Anh cũng được đồn đoán sẽ vào bảng “cán bộ cấp chiến lược” với hàm phó thủ tướng.
Và còn thêm vài thân phận khác cũng được “lên thớt,” như Hoàng Trung Hải, Bí thư thành ủy Hà Nội, liên quan đến việc ký tá hàng loạt văn bản chấp thuận cho thủ phạm gây thảm họa môi trường miền Trung là Formosa được thuê đất và xả thải vô tội vạ.
Tất cả tội trạng của những nhân vật trên chẳng hề oan sai chút nào. Nhưng “bản lĩnh dám nói” của báo chí quốc doanh cũng chỉ đến thế. Vì sao chỉ đến sát Hội Nghị Trung Ương 10 mới dám nói mà không phải những năm trước?
“Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy”
Đã từ lâu lắm rồi, cứ đến gần một kỳ hội nghị trung ương quan trọng về nhân sự, nhất là gần đại hội của chính thể độc đảng kiêm độc trị, một bộ phận báo nhà nước lại gào thét tinh thần “chống tiêu cực” và sau này là “chống tham nhũng,” moi móc chỉ trích ủy viên bộ chính trị này, ủy viên trung ương nọ.
Chỉ có điều, chẳng có mấy phần trăm vụ việc được đào bới đến đáy, bởi hầu hết đều có khoảng “hưu chiến.” Rốt cuộc, té ra là các nhóm quyền lực chỉ đi đến nửa đường, dùng báo chí để khủng bố tinh thần nhau, hất đổ nhau và “làm nhân sự,” còn khi đã đi đêm và thỏa hiệp được với nhau về phân chia ghế thì bầu khí “chống tham nhũng” trên mặt báo chí bất thần chìm vào lặng câm, khiến nhiều người dân và đặc biệt là giới “cán bộ lão thành” sửng sốt kèm thất vọng chua chát.
Vào những thời khắc mang tâm trạng u ám quay quắt như thế, người ta lại nhớ đến một triết lý để đời của nhà báo đại tá công an Nguyễn Như Phong “Làm nhà báo cứ phải như con chó ấy.”
Về sau này và nhất là sau khi báo chí quốc doanh vừa mở miệng rên xiết trước vụ khiếu kiện khổng lồ ở Thủ Thiêm nhưng lại bị Ban Tuyên Giáo chặn họng, dân gian còn phát triển thêm một triết lý mới “cho sủa mới được sủa, cho gâu gâu mới được phần gâu gâu.”
Nhà tù sung túc không cần tự do!
Nền “báo chí cách mạng” đã rất thường bị chủ nghĩa cách mạng xã hội chủ nghĩa và cơ chế độc tài trùm lên đầu cái vòng kim cô mà chẳng dám hó hé nửa lời, nhưng lại rất “cách mạng” khi lao vào những trận đấu sống mái giữa các phe phái chính trị trong nội bộ đảng.
Cách nào đó, có thể xem việc phục vụ cho phe cánh chính trị là một đặc tố “tự do mở miệng” của một bộ phận báo chí quốc doanh. Được mở miệng khá thoải mái mà không bị Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Thông Tin và Truyền Thông đe nẹt.
Nếu xem năm 2012 là mốc khởi đầu cho cơn bão xung đột quyền lực ngày càng sắt máu trong nội bộ đảng và bắt đầu bởi vai trò độc tôn của những trang mạng xã hội được các phe cánh chính trị trong đảng tạo ra để triệt hạ lẫn nhau, thì hoạt động của những trang mạng xã hội như thế đã chiếm lĩnh không gian truyền thông đấu đá cho đến tận thời điểm mà vai trò độc tôn quyền lực của Nguyễn Phú Trọng bất thần bị cơn bạo bệnh đè dí xuống giường.
Nguyễn Đức Chung, tức Chung “con,” Chủ tịch thành phố Hà Nội. (Hình: Sputnik) |
Sau đó và như đã mô tả, một bộ phận báo chí quốc doanh đã khởi sự “tham chính” ngày càng lộ liễu hơn, thậm chí còn có triển vọng vượt xa cái thời tiền đại hội 12 mà tuyệt đại đa số báo chí nhà nước câm như hến khi “trận chiến Trọng – Dũng” bùng nổ.
Từ năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng bắt đầu mở công cuộc “đốt lò,” trên một số diễn đàn đã thấp thoáng ý kiến “báo chí bây giờ tự do hơn nhiều rồi” và “báo chí được tự do chống tham nhũng mà không có vùng cấm.”
Nhưng khi cuộc chiến “chống tham nhũng” của Trọng phát sinh những hiện tượng khó hiểu, chỉ chăm chăm đốt “củi rừng” mà không chịu đốt “củi nhà,” chỉ tập trung đánh vào nhóm “Ba X” và Đinh La Thăng mà không đụng chạm đến số cận thần vây quanh Trọng, ngay cả những cái loa gần gũi nhất với tổng bí thư cũng sượng miệng khi nói đến “tự do báo chí.”
Thực tế cầm quyền của chính đảng độc tài đã chứng minh rằng phần lớn báo chí nhà nước về thực chất không cần đến tự do. Gần hết các tổng biên tập và ban biên tập ở các báo đều được cài cắm bởi người của đảng, sống dựa vào bổng lộc và dùng báo đảng để làm cần câu cơm. Với họ, một nhà tù sung túc như vậy đã là đủ mà không cần tự do hơn nữa.
Kể từ những năm 2014, 2015 và nhất là sau “án mạng” mang tên Chân Dung Quyền Lực – như một sát thủ giấu mặt chuyên ám sát một bộ phận trong Bộ Chính Trị đảng, nghề “tham chính,” hay gọi thẳng là “phe cánh chính trị,” của báo chí nhà nước cũng nở rộ theo.
Không lộ liễu và sắc máu như Chân Dung Quyền Lực, nhưng một số tờ báo quốc doanh vẫn tìm được cái cách phục vụ cho những ông chủ chính trị và ông chủ tài phiệt để có được nguồn kinh tài dồi dào.
Nhưng đi đầu vẫn là những trang mạng xã hội đã được những bàn tay bí mật cho biến tướng từ Chân Dung Quyền Lực thành loại hình Facebook cá nhân.
Có hẳn một đội ngũ nhà báo nhà nước vừa chân trong vừa chân ngoài hoặc nghỉ hẳn báo quốc doanh để tham gia vào mặt trận Facebook, chuyên đưa tin “đánh đấm” và “phang” nhau, thậm chí còn mượn mác đấu tranh dân chủ nhân quyền để tạo vỏ bọc thu hút quần chúng và độc giả cho mình.
Nhiều dấu hiệu đã lộ ra rằng phía sau những nhà báo này là những quan chức cao cấp và những tập đoàn tài phiệt đủ “mạnh về gạo bạo về tiền.” Tiền vô thiên lủng và mức nhuận bút cho sự nghiệp “đánh đấm” là rất cao.
Loạn thần và loạn sứ quân
Đến khi “Tổng tịch” Nguyễn Phú Trọng có dấu hiệu “tịch” bởi căn bệnh tai biến mạch máu não được đồn đoán ầm ĩ xảy đến với ông ta vào Tháng Tư 2019, những dấu hiệu mới về trận chiến thư hùng mà không kém bẩn thỉu cũng lốm đốm hiện ra trên bộ mặt chính trị của đảng, giống hệt những triệu chứng ngoài da của ung thư di căn giai đoạn cuối.
Nguyễn Phú Trọng còn chưa “nằm xuống,” nạn loạn thần và đầy hứa hẹn cho nạn loạn sứ quân đã chồm lên. Hội nghị trung ương 10 và cuộc đấu đá lẫn “chém giết” không thương xót trước hội nghị này chỉ là một trong những câu chuyện ban đầu. Còn tương lai từ đó đến đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có thể xảy ra đại hội đó, vẫn tái diễn những hội nghị trung ương không kém máu lửa của loạt hội nghị trung ương ngay trước khi đại hội 12 vặt vẹo diễn ra. Tức vẫn còn những cuộc đấu ghê gớm, không chỉ giữa các nhóm quyền lực mà bây giờ đã được lắp ghép bằng một khái niệm mới hơn và rất hữu cơ: “nhóm quyền lực – tài phiệt.”
“Tự do” của một số không nhỏ, và có lẽ ngày càng lớn, của báo chí quốc doanh sẽ được phát huy đến mức đủ thâm và đủ dày, cung cúc phục vụ cho những ông chủ quyền lực và tài phiệt mới trong cái thế giới phe phái bát nháo và đạp lên đầu nhau để sinh tồn chính trị này.
Và đến một lúc nào đó, khi đã thuần thục về “chuyên môn nghiệp vụ,” biết đâu đấy báo chí quốc doanh sẽ không còn bị Ban Tuyên Giáo Trung Ương càm ràm bị mạng xã hội dẫn dắt, mà thậm chí còn qua mặt cả những trang mạng xã hội mang màu sắc phe cánh chính trị về thành tích nhái Kiều của Nguyễn Du “cho gâu gâu mới được phần gâu gâu.”
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét