Đối thoại Shangri-La, sự kiện thường niên thu hút sự quan tâm của nhiều nước, sẽ khai mạc vào chiều 31/5 tại khách sạn Shangri-La. Đối thoại năm nay có sự tham gia của quan chức quốc phòng và chuyên gia quân sự từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ một ngày sau bài phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến cũng sẽ có bài phát biểu về vai trò của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông Ngụy là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự hội nghị của các bộ trưởng quốc phòng châu Á tại Shangri-La trong 8 năm qua.
Sự hiện diện của hai quan chức đứng đầu Bộ Quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng.
Trung Quốc cho đến nay vẫn lớn tiếng đòi hỏi yêu sách chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, thậm chí Chủ tịch Tập Cận Bình còn tuyên bố Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ “một tấc lãnh thổ”. Trong khi đó, các quan chức quân sự Mỹ vẫn giữ vững quyết tâm duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do.
William Choong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đối thoại Shangri-La, ngày 28/5 cho biết sự xuất hiện của Bộ trưởng Ngụy và Bộ trưởng Shanahan tại Shangri-La năm nay sẽ dẫn tới “cuộc đối đầu giữa hai tầm nhìn, trong đó một bên là Ấn Độ - Thái Bình Dương “mở và tự do” do Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu và bên còn lại là “châu Á dành cho người châu Á” của Trung Quốc”.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bây giờ đã nhận ra giá trị của các diễn đàn quốc phòng đa phương và muốn phá thế độc quyền về tầm ảnh hưởng siêu cường của Mỹ”, nhà phân tích Carl Schuster, cựu lãnh đạo Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói với CNN.
Hoạt động của Mỹ trên Biển Đông
Những suy tính của Mỹ đối với khu vực Biển Đông đã được thể hiện rất rõ trong thời gian vừa qua.
Lầu Năm Góc tăng cường các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông với tần suất gần như hàng tuần. Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ tháng này tuyên bố các máy bay của Không quân Mỹ bay qua và xung quanh Biển Đông gần như hàng ngày.
Washington cũng đưa các tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan vài lần trong năm nay, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Ngày 22/5, tàu khu trục USS Preble và tàu dầu hải quân Walter S. Diehl của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển chia tách Trung Quốc đại lục với hòn đảo mà Bắc Kinh coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời. Trước đó, hồi tháng 4, Mỹ cũng điều các tàu khu trục hải quân William P. Lawrence và Stethem qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Washington về đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Việc triển khai thêm các khí tài quân sự tới khu vực dường như cũng là một phần trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới của Lầu Năm Góc.
Để tham gia cuộc tập trận song phương với Philippines hồi tháng 4, Mỹ đã triển khai tàu tấn công đổ bộ USS Wasp với 10 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, nhiều hơn 4 chiếc so với thường lệ, tới khu vực Biển Đông.
Không chỉ Mỹ tăng cường hoạt động trong khu vực. Các đồng minh và đối tác của Washington cũng tích cực tham gia.
Năm nay Pháp đã đưa một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, trong khi tàu sân bay Charles de Gaulle của nước này cũng phô diễn sức mạnh trong khu vực cùng thời điểm diễn ra Đối thoại Shangri-La.
Chỉ riêng trong tháng 5, các tàu của Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Mỹ đồng loạt tham gia cuộc tập trận đa phương trên Biển Đông, trong khi Singapore, nước chủ nhà của Đối thoại Shangri-La cũng tập trận bắn đạn thật với Ấn Độ. Tuần này, biên đội 4 tàu của Hải quân Australia cũng đã kết thúc hải trình kéo dài 3 tháng tới thăm các nước trong khu vực.
Chưa dừng lại ở đó, giới chức Mỹ đang chuẩn bị những kế hoạch lớn hơn trong năm tới.
Trong cuộc trao đổi với báo chí vào tháng này, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, tái khẳng định kế hoạch triển khai hai tàu tác chiến ven biển, những tàu chiến được thiết kế cho các chiến dịch ở vùng biển nông, tới Singapore trong năm nay. Những tàu này sẽ là khí tài đồn trú gần Biển Đông nhất của Hải quân Mỹ.
Hồi tháng 3, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Robert Brown, cũng thông báo kế hoạch huấn luyện 10.000 binh sĩ Mỹ để tham gia “kịch bản tác chiến trên Biển Đông”. Philippines và Thái Lan được cho là những địa điểm diễn ra các hoạt động này.
Ở trong nước, Mỹ cũng gia tăng sức ép lên Trung Quốc khi một nhóm nghị sĩ từ lưỡng đảng Mỹ tuần trước đã đề xuất dự luật cho phép trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc hỗ trợ hoạt động bồi đắp và quân sự hóa trái phép của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông.
Sự cứng rắn của Trung Quốc
Về phần mình, Trung Quốc cũng tỏ ra không “kém cạnh” Mỹ khi hạ thủy các tàu chiến mới, phô diễn các vũ khí mới, tích cực duy trì lực lượng trên Biển Đông, xung quanh Đài Loan và chỉ trích Washington. Trung Quốc cho rằng chính Mỹ đã đe dọa hòa bình khu vực.
Sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Preble của Mỹ di chuyển gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông và hiện do Bắc Kinh chiếm giữ, hôm 20/5, Trung Quốc chỉ trích “hành động khiêu khích của tàu chiến Mỹ đã đe dọa an toàn của các tàu, máy bay và binh sĩ hai nước, làm xói mòn chủ quyền và an ninh Trung Quốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản về quan hệ quốc tế và gây tổn hại hòa bình, ổn định khu vực".
Đại tá Li Huamin, người phát ngôn Quân khu phía Nam của quân đội Trung Quốc, cho biết các tàu và máy bay Trung Quốc đã được triển khai để nhận dạng tàu khu trục Mỹ và cảnh báo tàu này rời khỏi “vùng lãnh thổ” của Trung Quốc.
Trung Quốc không thiếu tàu thực hiện các nhiệm vụ trinh sát như trên, đặc biệt khi Hải quân Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng.
Ngày 12/5, Trung Quốc đã hạ thủy hai tàu khu trục Type-52D trong cùng một ngày. Đây là hai tàu thứ 19 và 20 trong đội tàu dự kiến gồm 30 chiếc của Trung Quốc.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố hồi đầu tháng 5 cho biết Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất tại châu Á với hơn 300 tàu nổi và tàu ngầm.
Nhà phân tích quân sự Euan Graham, người có mặt trên tàu chiến Australia đi qua Biển Đông trong chiến dịch gần đây, cho biết tàu hải quân Trung Quốc luôn bám sát các tàu của Mỹ và Australia hoạt động trong khu vực. Theo Graham, điều này cho thấy lực lượng tàu nổi của Trung Quốc “đủ lớn” để có thể sẵn sàng triển khai bất kỳ lúc nào trên Biển Đông.
Hải quân Trung Quốc cũng tập trận huấn luyện với Nga ở ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc và tập trận với Thái Lan ở vùng biển phía nam. Các máy bay của Không quân Trung Quốc đã tiến hành động thái mà Đài Loan cho là chiến dịch “khiêu khích” nhất trong nhiều năm tại eo biển Đài Loan, đó là vượt qua ranh giới giữa đại lục và hòn đảo này.
Một báo cáo được công bố trên trang web của quân đội Trung Quốc trong tháng 5 đã ca ngợi phương tiện tấn công đổ độ mới của nước này là “hiện đại nhất thế giới”. Với sự hỗ trợ của khí tài này cùng với các vũ khí khác của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc tuyên bố vào vị trí sẵn sàng để giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra.
Những người tổ chức Đối thoại Shangri-La ca ngợi diễn đàn này là nơi “các bộ trưởng tranh luận về những thách thức an ninh gay cấn nhất trong khu vực, tham gia vào các cuộc hội đàm song phương quan trong và cùng nhau đề xuất những giải pháp mới”. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều căng thẳng giữa các nước, rất khó để kỳ vọng có bất kỳ sự thỏa hiệp nào nảy sinh từ những gì bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc phát biểu.
Thành Đạt
Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét