Tự thân nợ nần không xấu, thậm chí hết sức cần thiết nếu vay mượn giúp dặm nền, hỗ trợ phát triển. Chỉ tiếc là báo cáo vừa kể chỉ ra, nợ nần đang dẫn Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh theo hướng… ngược lại!
***
Báo cáo đầu tiên - “thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017”, cho biết, hết năm 2017, khối nợ của Việt Nam đã tăng thêm 204.413 tỉ đồng, nâng tổng nợ nần lên mức ba triệu tỉ đồng và nợ nần vẫn tiếp tục tăng trong khi thu – chi tiếp tục mất cân đối nên chẳng dư ra đồng nào để trả nợ (1).
Theo UB TCNS của Quốc hội thì năm 2017, bội chi (chi nhiều hơn thu) là 136.963 tỉ đồng. Ủy ban này “khen” chính phủ “có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi” nên giảm được 41.337 tỉ so với mức cho phép bội chi!
“Khen” như thế chẳng khác gì “khen”… đểu! “Khen” xong, UB TCNS chú thích: Bội chi năm 2017 giảm là do… giải ngân các dự án đầu tư bằng tiền đi vay chậm, hoàn toàn không phải do tiết kiệm chi tiêu để giảm vay!
Vì giải ngân chậm, năm 2017, tỉ lệ sử dụng vốn thu về từ việc bán trái phiếu, vốn vay ngoại quốc rất thấp. Cũng vì thế, năm 2017, so với kế hoạch đã định, chính phủ phải giảm vay ngoại quốc (20.195 tỉ đồng) và giảm vay trong nước (15.142 tỉ đồng).
Muốn biết giải ngân chậm nguy hại như thế nào, hãy liếc qua một báo cáo khác cũng của UB TCNS và cũng mới được trình Quốc hội: “Báo cáo Thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2018, triển khai dự toán NSNN năm 2019” (2).
Trong báo cáo thứ hai, UB TCNS cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 vẫn còn rất chậm, thậm chí thấp hơn tốc độ giải ngân năm 2017. Tính đến hết ngày 31 tháng 1 năm 2019 mới chỉ giải ngân được 75,8%. Giải ngân nguồn vốn trong nước chỉ đạt 79,8%, vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 48,1%, vốn vay ngoại quốc chỉ đạt 53,6%. Tình trạng giải ngân chậm được cảnh báo là “đã diễn ra trong nhiều năm, chưa có giải pháp mạnh, hiệu quả để điều chỉnh cũng như khắc phục”.
Có một điểm cần lưu ý, bản chất trái phiếu chính phủ là một loại phiếu vay nợ kèm cam kết trả lãi ở một mức nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định. Bán trái phiếu chính phủ là nhận nợ để trả lãi, hết hạn phải hoàn vốn. Chậm giải ngân nguồn vốn hình thành từ trái phiếu chính phủ là đi vay nhưng không dùng và oằn lưng trả lãi. Nói cách khác, hiện có 51,9% vốn vay thông qua phát hành trái phiếu chính phủ chỉ sinh… lãi, không sinh… lợi!
Tương tự, UB TCNS phát giác chính phủ đã nhận nợ cho nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển (bao gồm cả ODA và những khoản vay ưu đãi của nhiều nhà tài trợ) nhưng vì chậm giải ngân, Việt Nam đang trả lãi cho những khoản đi vay mà không dùng. Ai cũng biết, ngoài lãi, vay còn kèm thời hạn, chậm giải ngân không chỉ phải gánh lãi một cách vô lý, thời gian sử dụng vốn vay ngắn, suất đầu tư chưa kịp sinh lợi đã phải hoàn vốn sẽ làm tăng áp lực trả nợ.
Đáng ngạc nhiên là UB TCNS chỉ khuyến cáo nhẹ nhàng rằng… chậm giải ngân sẽ dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay rồi… thôi, cho dù có hai chi tiết đáng vã mồ hôi: (1) Đảm trách vai trò thẩm tra về NSNN nhưng UB TCNS không biết chính phủ đã nhận bao nhiêu nợ, thành ra phải “đề nghị chính phủ báo cáo rõ về số vốn vay đã nhận nợ”. (2) Không ai ngăn được chính phủ tiếp tục “ban hành chính sách mới mà chưa xác định cụ thể về nguồn lực bảo đảm” để mắc nợ nhiều hơn!
***
Sau khi UB TCNS của Quốc hội Việt Nam công bố hai báo cáo như đã dẫn, chính phủ Việt Nam cũng đã công bố “Báo cáo tình hình nợ công”. Theo đó, năm ngoái, chính phủ đã dùng 250.000 tỉ đồng để trả nợ, trả lãi cho các khoản đã vay cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Chính phủ dõng dạc tuyên bố là việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản nợ bao gồm gốc và lãi “nằm trong mức đã được phê duyệt tại các nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm đầy đủ, đúng hạn theo cam kết” (3).
Chẳng biết hệ thống truyền thông chính thức lược thuật có chính xác hay không nhưng đọc các bài lược thuật, “Báo cáo tình hình nợ công” của chính phủ giống như một “báo cáo thành tích và chỉ thế mà… thôi!
Trân Văn
Blog VOA
-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét