Trong nước CS mà đón tù chính trị về vui vẻ như thế này thì thời gian tồn tại của chế độ có thể kéo dài bao lâu?
Pham Nguyen Truong
Khách thường đông vì tháng nào cũng có người mới đến (hoạ hoằn cũng có kẻ được đi định cư ở một nước thứ ba) nên chúng tôi hay mở đầu cuộc họp mặt bằng cách lần lượt tự giới thiệu tên tuổi/quê quán của từng người. Đến phiên mình, tôi thường đùa : “Tôi tên Tiến, dân làng Tà Ru.”
Phần lớn mọi người đều đã quen với cái tính hay giễu (dở) của tôi nên thường không ai lấy đó làm điều. Riêng lần rồi, khi tiệc đã tàn, tôi đã trở ra đến bến đò nhưng vẫn có người nối bước theo sau: một mục sư – còn trẻ – vừa từ Việt Nam trốn sang, chỉ độ mươi ngày.
- Bác ơi khoan đi, cho cháu hỏi thăm chút chuyện.
- ?
- Cháu dân Jarai nhưng biết rất rõ cả vùng vùng Tây Nguyên vì có dịp đi giảng đạo ở nhiều nơi nhưng chưa nghe ai nói đến tên làng Tà Ru cả.
- Tôi nói giỡn chơi vậy thôi. Trước khi rời Việt Nam, tôi có bị đi cải tạo một thời gian nên tự nhận mình là dân tà ru (tù ra) cho nó vui mà.
Tiếng Việt, đôi khi, vui thật nên trả lời xong thì nghe ngay một tràng cười sằng sặc!
Tôi cũng thuộc loại sinh sau đẻ muộn nên không rõ lắm về cuộc sống của những người Tà Ru, chỉ được biết (qua loa) năm ba trường hợp theo thứ tự thời gian.
Ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông Nguyễn Hữu Đang bị Toà Án Nhân Dân Hà Nội kết án (sau một phiên xử kín) 15 năm tù và 15 năm quản chế, với tội danh “phá hoại chính trị” và “làm gián điệp.” Mãn hạn, ông lủi thủi quay về làng quê (ở Thái Bình) sống nhờ vào … côn trùng và ếch nhái! Cảnh đời “tà ru” của ông đã khiến cho nhà thơ Phùng Cung phải sinh lòng ái ngại: Gót nhọc men về thung cũ/Qùi dưới chân quê/Trăm sự cúi đầu/Xin quê rộng lượng/Chút thổ phần bò xéo cuối thôn…
Bùi Ngọc Tấn cũng ra tù khoảng cùng thời với Nguyễn Hữu Đang. Ông trở về nhà cũ với vợ con ở Hải Phòng. Nơi Phố Cảng côn trùng và ếch nhái không nhiều. Tình nghĩa bà con, hàng xóm, láng giềng – xem ra – cũng hơi bị thiếu:
Một buổi chiều, con Thương đi học về bảo hắn:
- Bố. Có ai hỏi bố ở dưới nhà ấy?
- Ai con?
- Con không biết, trông lạ...
Hắn xuống thang. Hai người quần nâu, áo nâu đứng dựa lưng vào tưởng chỗ bể nước. Quen quen. Đúng rồi. Min: toán chăn nuôi, người đã giũa răng cho hắn. Còn một anh nữa mặt loang, tay loang. Thấy hắn, cả hai cười rất tươi. Người mặt loang bảo:
- Anh không nhận ra em à?
Trời ơi. Thì ra là Dự. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp. Dự cũng đã được ra rồi. Dự bảo:
- Em bị cháy, bỏng.
Hắn mời hai người lên nhà, nhưng Dự lắc đầu:
- Thôi, chúng em đứng ở đây thôi. Hắn liếc nhanh vào cửa sổ của gia đình gần bể nước.. Bọn hắn thì chẳng lẫn vào đâu được. Bây giờ bè bạn hắn rặt một loại như vậy. (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
Đến khi Phạm Thanh Nghiên ra tù (vào năm 2012) thì đã qua cái thời của “những cặp mắt tò mò, khinh bỉ.” Vào đúng thời điểm này, dù Hải Phòng đang mưa bão rập rùi nhưng bạn bè vẫn cứ đến thăm nườm nượp. Họ lại đi từng đoàn nữa mới kinh: hết phái đoàn Nguyễn Tường Thụy, đến phái đoàn Bùi Thanh Hiếu. Toàn là những khuôn mặt phản động và thành phần bất hảo nhưng trông cứ nhơn nhơn: vui mừng, hớn hở, và rạng rỡ cứ như thể đi đón thân nhân về tự nước ngoài!
Đã thế gia chủ lại còn đãi đằng cơm nước, chuyện trò rôm rả, bia bọt tràn lan. Nhìn mà muốn ứa gan nhưng Giám Đốc Công An Hải Phòng, Đại Tá Đỗ Hữu Ca vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt – dù cũng chính nhân vật này, mới mấy tháng trước đó, đã chỉ huy một trận đánh đẹp (có thể viết thành sách) để cưỡng chế tài sản của người dân.
Bà Cấn Thị Thêu (giữa) phát biểu khi trở về Dương Nội chiều 10 Tháng Hai năm 2018. Chú thích: nhật báo Người Việt. Ảnh: FB Trịnh Bá Phương
Tới lượt Cấn Thị Thêu ra tù – lần hai, vào 6 năm sau – thì (ôi thôi) toàn thể dân Dương Nội đón tiếp tưng bừng và trọng thể cứ y như thể họ đang tham dự vào một ngày hội lớn vậy. Trước đám đông vây quanh – với hình ảnh, biểu ngữ, và những bó hoa rực rỡ – bà dõng dạc tuyên bố:
“Từ hôm nay, tôi sẽ lại chung sức chung lòng để cùng bà con đấu tranh giành lại đất đai mà chế độ CSVN đã cướp đoạt của người dân. Mong cộng đồng và các tổ chức giúp chúng tôi trên con đường tranh đấu này. Mong bà con dân oan đoàn kết muôn người như một để chúng ta có đủ sức mạnh chống lại cường hào ác bá, đòi quyền con người.”
Bị chửi trước bàn dân thiên hạ là “cường hào/ác bá” mà cả Đảng vẫn cứ im thin thít, tuyệt không dám thắc mắc hay khiếu nại gì ráo trọi, cứ làm bộ như chả có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra sất cả. Mang tiếng là chế độ “công an trị” mà qua hết bản án này, đến bản án khác vẫn không “trị” nổi một bà nông dân thì còn (đéo) gì là trào đình và áo mão, hay sức mạnh của chuyên chính vô sản nữa?
Đến khi Anh Ba Sàm mãn án, vào cuối tuần rồi, thiên hạ mới nhìn thấy rõ (hơn) cái dấu hiệu tàn tạ của cái nhà nước hiện hành. Giới truyền thông “bùng vỡ thông tin,” cứ như thể như họ đang hoan hô chào đón ngày về của một người hùng, chứ không phải một người tù.
- RFA: Tù chính trị ‘Anh Ba Sàm’ trước ngày mãn án 5/5
- TNT: Người tù chính trị lừng danh Anh Ba Sàm đã về nhà
- BBC: Anh Ba Sàm: Ngày về của 'một tù nhân bận rộn
- TCLK: Anh Ba Sàm ra tù, bị trại giam thu giữ trên 1.000 trang ghi chép cá nhân
- ĐCV: Anh Ba Sàm bên bạn bè
-
VOA: Bạn hữu ‘bị chặn’ khi tới thăm Anh Ba Sàm
-
BNV: Vợ anh Ba Sàm đón chồng về nhà trong tình trạng an ninh thắt chặt
Nói nào ngay thì tuy lực lượng an ninh có rất “thắt” nhưng không “được chặt” gì cho lắm – theo như hình ảnh, cùng ghi nhận của bloogger Chú Tễu và Huỳnh Ngọc Chênh:
“Nhà Báo Nhân Dân có khác. Mới ra tù, bạn bè đến thăm đầy nhà, anh vẫn hai tay hai súng bắn la phanh trả lời hết người nầy đến người khác, bao nhiêu thông tin anh cần cập nhật và truyền đi. Anh là nhà báo Nguyễn Hữu Vinh.”
Chỉ thiếu vài phong pháo nữa thôi là còn hơn cả Tết nữa. Giữa lúc cả nước đang hân hoan bỗng vang tiếng cú: “Trong nước CS mà đón tù chính trị về vui vẻ như thế này thì thời gian tồn tại của chế độ có thể kéo dài bao lâu?”
Nỗi bi quan trên, tất nhiên, chưa chắc đã được toàn Bộ Chính Trị tận tình chia sẻ. Tuy thế, càng ngẫm nghĩ lại càng thấy âu lo nên toàn Đảng bèn quyết định: cứ bảo cái Ngân phải thông qua Dự Án Đường Sắt Cao Tốc Bắc/Nam để làm chuyến tầu vét (cuối cùng) đi, cho nó chắc ăn. Ăn thêm được đồng nào hay đồng đó, ăn không được nữa mới thôi chứ xương máu của nhân dân mà để không e hơi lãng phí.
Tưởng Năng Tiến
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét