Bước đi này được thực hiện giữa lúc Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch gây áp lực với các nền tảng mạng xã hội nhằm loại bỏ những nội dung bị cho là gây tổn hại đến an ninh quốc gia kể từ khi Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm nay.
Việt Nam trước đó đã cáo buộc Facebook - một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam - vi phạm luật này vì nhiều lần không hồi đáp những yêu cầu gỡ bỏ những fanpage bị cáo buộc kích động hoạt động ‘chống phá nhà nước.’
Truyền thông Việt Nam tuần trước cho hay Facebook đã gỡ bỏ “208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.”
Trong khi đó Google được nói là đã ngăn chặn “hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play,” và Apple gỡ bỏ “9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore” theo yêu cầu của Việt Nam.
Đây là kết quả của điều được mô tả là “các biện pháp đấu tranh an ninh chính trị, kinh tế, kĩ thuật” nhằm buộc các công ty công nghệ tuân thủ luật pháp Việt Nam, theo một bản tin của VietNamNet.
Google và Apple không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA nhưng Facebook xác nhận những nội dung bị gỡ bỏ là “tài khoản giả mạo, việc buôn bán động vật gặp nguy cấp, hoặc việc quảng cáo cờ bạc không được cho phép,” vốn là những nội dung mà Facebook nói trái với Tiêu chuẩn Cộng đồng và Chính sách Quảng cáo của mình.
“Và chúng tôi sẽ loại bỏ những nội dung này ngay khi chúng tôi biết về chúng, bất kể là ai báo cáo với chúng tôi,” một phát ngôn viên của Facebook hồi đáp qua email khi VOA hỏi yêu cầu gỡ bỏ nội dung được Việt Nam đưa ra khi nào.
“Cũng có những lần chúng tôi có thể phải hạn chế tiếp cận nội dung bởi vì nó vi phạm luật ở một nước cụ thể, mặc dù nó không vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của chúng tôi.”
Với những nội dung rơi vào trường hợp này, Facebook giải thích rằng các đội ngũ pháp lí của họ sẽ “điều tra thấu đáo” để xác định tính chất thỏa đáng về mặt pháp lí của yêu cầu gỡ bỏ. Nếu nội dung được xét thấy có vi phạm luật địa phương, Facebook “có thể” hạn chế tiếp cận nội dung ở nước mà nội dung đó là bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là nội dung đó vẫn có thể được tiếp cận ở những nơi khác trên thế giới.
“Chúng tôi kháng cự và chúng tôi thách thức những yêu cầu dường như vô lí hoặc quá rộng,” phát ngôn viên Facebook nói.
Facebook không cho biết cụ thể trong phản hồi cho VOA những nội dung nào bị hạn chế tiếp cận vì vi phạm luật địa phương ngoài những tài khoản giả mạo và quảng cáo trái quy định, mà thay vào đó, chỉ ra Báo cáo Minh Bạch của họ thống kê số lượng những trường hợp hạn chế.
Báo cáo cho thấy trong khoảng thời gian nửa năm từ tháng 1 tới tháng 6 năm 2018, có tổng cộng 265 trường hợp bị hạn chế tiếp cận, tăng mạnh so với khoảng sáu tháng nửa sau của năm 2017 với chỉ 22 trường hợp. Không có số liệu thống kê được báo cáo cho những năm trước đó.
Việt Nam xem nhiều nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội là “xấu độc” vì chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền và chính phủ cũng như cá nhân các nhà lãnh đạo. Luật An ninh mạng hình sự hóa những nội dung như vậy trong khi cũng yêu cầu các công ty công nghệ mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng tại Việt Nam.
Việt Nam nói luật này không nhằm mục đích kiểm soát hay làm lộ thông tin của công dân mà chỉ phục vụ điều tra, xử lí hành vi vi phạm về an ninh mạng. Nhưng các tổ chức vận động nhân quyền quốc tế chỉ trích nó là công cụ nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh mở rộng do thám để phát hiện những người chỉ trích, nghĩa là xâm hại quyền riêng tư của người dùng internet.
Sự phổ biến của Facebook ở Việt Nam đã khiến nhiều người dùng lo ngại về những dàn xếp khả dĩ giữa nền tảng mạng xã hội này và chính phủ Hà Nội. Lo ngại này càng gia tăng khi Facebook bị săm soi về một loạt những vụ bê bối về dữ liệu người dùng trong năm qua khiến công ty này bị điều tra ở Mỹ và một số nước khác trên thế giới.
Facebook hiện vẫn chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam. Không rõ công ty này có kế hoạch mở văn phòng trong tương lai gần hay không.
Trong một bài viết đăng vào tháng 3, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, trình bày viễn kiến của ông cho một nền tảng mà ông nói đề cao việc kết nối một cách riêng tư và an toàn. Một trong những nguyên tắc mà ông đúc kết là lưu trữ dữ liệu an ninh.
“Mọi người nên kì vọng rằng chúng tôi sẽ không lưu trữ dữ liệu nhạy cảm ở những nước với thành tích nhân quyền kém như quyền riêng tư và quyền tự do biểu đạt nhằm bảo vệ dữ liệu khỏi bị tiếp cận một cách không thỏa đáng,” ông cam kết.
Hoàng Long
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét