Tiến sĩ Phạm Đại Khánh, kĩ sư không gian cao cấp làm việc cho Không quân Hoa Kỳ, được trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 của Đại học George Washington cho những thành tựu nghiên cứu của ông trong lĩnh vực Khoa học Cơ bản.
Thông báo danh sách những người được trao giải thưởng cho biết ông là “chuyên gia khoa học chủ chốt và nhà nghiên cứu độc lập về điều khiển vệ tinh, sự tự chủ về kiểm soát, những liên lạc được bảo đảm và nhận thức tình huống không gian.”
“Ông là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu lí thuyết và vận hành liên quan tới nhận thức tình huống không gian và liên lạc quân sự, có ảnh hưởng đến các liên lạc vệ tinh quân sự,” thông báo nói thêm, lưu ý rằng ông nắm giữ 20 bằng sáng chế cho công tác của mình.
Tiến sĩ Khánh chia sẻ với VOA rằng ông cảm thấy vui vì được vinh danh với giải thưởng này nhưng cũng cảm thấy “khiêm nhường” vì giải thưởng nhắc ông nhớ về những người mà ông đã từng cộng tác và giúp đỡ ông.
“Những đồng nghiệp, những giáo sư đã cùng mình giải quyết những vấn đề, giúp mình đạt được những thành tích hoặc là đóng góp thiết thực cho cơ quan,” ông nói. “Họ cũng thử thách mình, mình cũng phải bước ra khỏi lãnh vực của mình mà mình biết rất nhiều. Mình học hỏi nhiều hơn, vấp ngã nhiều hơn và họ giúp mình đứng lên.”
Tiến sĩ Khánh, 48 tuổi, sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam, nơi cha mẹ ông phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa và sau đó trở thành tù nhân phải ‘học tập cải tạo’ từ năm 1975 đến năm 1984. Họ đến Mỹ theo diện HO (Humanitarian Operation) vào đầu những năm 1990. Khi đó ông đang là sinh viên năm thứ hai theo học ngành kĩ sư ở Sài Gòn và gần như không nói được tiếng Anh.
Đặt chân tới Mỹ, ông học lại ba năm trung học. Trong khoảng thời gian này, ông vừa đi học vừa làm lao công và vào buổi tối, ông theo học cao đẳng cộng đồng và lấy bằng hai năm trong lĩnh vực công nghệ hệ thống điện tử.
Cuối những năm 1990, ông tiếp tục lấy bằng cử nhân bốn năm và bằng thạc sĩ ngành kĩ thuật điện tại Đại học Nebraska. Năm 2004, ông nhận bằng Tiến sĩ Kĩ thuật Điện tại Đại học Notre Dame. Cùng năm, ông vào làm việc cho tới nay tại Bộ phận Phương tiện Không gian thuộc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở Căn cứ Không quân Kirtland, bang New Mexico.
Tiến sĩ Khánh nói giải thưởng này có ý nghĩa quan trọng với ông ở chỗ nó ghi nhận sự đóng góp của một người gốc Việt, sắc dân thiểu số tại Mỹ, cho nền khoa học kĩ thuật Hoa Kỳ. Và sự đóng góp đó hình thành từ những cơ hội mà ông đã có được trên đất Mỹ, vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa.
“Cánh cửa đã mở, nhưng mình phải giữ cửa mở to hơn để cho những thế hệ sau này có những điểm chung như mình,” ông nói. “Như thế sẽ giúp họ phát triển với mức của họ tốt hơn.”
Hội Các Nhà Khoa học và Kĩ sư gốc Á (SASE) năm ngoái vinh danh ông với Giải thưởng Lãnh đạo trong hạng mục Kĩ sư/Nhà Khoa học SASE của năm.
Tiến sĩ Khánh cho biết kỹ năng lãnh đạo đó xuất phát từ một kinh nghiệm cá nhân mà ông muốn nhắn gửi tới những bạn trẻ người gốc Á đang tìm cách hội nhập một nền văn hóa mới.
“Đạt được thành tích tốt trong học tập không có nghĩa là mình thành công trong công việc,” ông nói. “Phải tập trung vào việc nói chuyện trước công chúng, chia sẻ hiểu biết của mình, không phải chờ ý nghĩ của mình phải đúng thì mới nói. Cứ chia sẻ tự nhiên thì nó sẽ giúp mình [tiến bộ] hơn rất nhiều.”
Lễ trao giải thưởng Arthur S. Flemming năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng 6 năm 2019 tại Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Kỳ.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét