Được xem là ‘anh em sinh đôi’ với Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn ‘ăn cướp 3%’ là một trong những chân kiềng cho chế độ độc tài và độc quyền cả về bóp hầu bóp cổ công nhân.
Nhưng không chỉ sửa Bộ luật Lao động, chính quyền Việt Nam còn phải sửa cả Luật Công đoàn năm 2012 - một văn bản luật có khá nhiều mối liên hệ hữu cơ qua lại với Bộ luật Lao động, và một cách đương nhiên theo đòi hỏi của EVFTA và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho TPP mà không có vai trò của Mỹ) thì Việt Nam khi sửa luật này cũng đồng thời phải sửa luật kia và ngược lại.
Thế nhưng cho tới nay vẫn đang tồn tại âm mưu ‘không sửa Luật Công đoàn’. Cho tới nay và sau khi Hiệp định EVFTA bị Hội đồng châu Âu thẳng tay thông báo đình hoãn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng không hề dịu bớt của chính thể độc đảng ở Việt Nam, chuyến trở về nhà của Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc sau khi đi châu Âu vận động EVFTA mới chỉ ló ra chỉ đạo sửa đổi Bộ luật Lao động mà không hề nhắc tới Luật Công đoàn.
Luật Công đoàn có ‘ý nghĩa’ thiết yếu và thiết thân đến thế nào mà được giấu biến để khỏi phải sửa?
Kẻ nào được hưởng lợi lớn nhất trong Luật Công đoàn?
Cùng với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nằm trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ bị xem là bám chặt đời sống ký sinh, mỗi năm tiêu xài đến 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách - tức tiền mà người dân phải è cổ đóng thuế.
Nhưng ngoài tiền cấp từ ngân sách, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn một nguồn thu rất màu mỡ khác.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).
“Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở” - Điều 4, Nghị định số 191/2013/NĐ-CP do ‘Anh Ba X’ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đã quy định như thế.
Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ: ‘không ăn cướp thì là cái gì!’.
Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin từ giới công nhân còn khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Rốt cuộc, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn cướp’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Chỉ hứa không làm
Một khi người công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập theo quy định đương nhiên của hai hiệp- định CPTPP và EVFTA, họ sẽ tự bảo vệ quyền lợi của mình, phản đối các chính sách bất công của chính quyền và giới chủ và cũng đương nhiên phản ứng với não trạng, thái độ và cách hành xử bảo thủ, quan liêu và ngập ngụa tư chất lợi ích nhóm của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Khi đó, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ phải chịu nguy cơ lớn, hoặc rất lớn về mất mát quyền lực, hoặc chắc chắn sẽ mất hẳn vai trò “tổ chức chính trị - xã hội’ của nó, không những không còn ngân sách đảng phóng tay cấp tiền ăn xài mà còn sẽ mất hẳn 3% ‘ăn cướp’ được từ giới doanh nghiệp và công nhân.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa mà đã khiến giới quan chức của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam trở nên biến báo, ngụy biện và quy chụp chính trị bất cần liêm sỉ về ‘công đoàn vàng’ và “một loại tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp”, khi đề cập đến công đoàn độc lập - ‘kẻ thù’ của họ và cũng là của chế độ một đảng.
Trong thời gian tới, nếu tình trạng chây ì sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn vẫn tiếp diễn, chẳng có gì bảo đảm là Việt Nam sẽ được sớm tham gia vào EVFTA, còn nếu có tham gia cũng sẽ mất nhiều cơ hội vì bị chậm trễ trong việc triển khai hiệp định này, với lý do chủ quan thuộc về phía các cơ quan ‘chỉ biết ăn không biết làm’ của phía Việt Nam.
Cần nhắc lại, ngay sau khi kết thúc chuyến đi châu Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA, Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì một phiên họp quốc hội. Được báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật, bà Ngân đã “Tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ: “Chúng ta đã cam kết với Nghị viện châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của UBTVQH về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không?!”.
Cho tới lúc đó, thói che giấu lâu năm đã lộ hẳn: suốt từ cuối năm 2018 - thời điểm tái khởi động quy trình ‘chuẩn bị ký kết và phê chuẩn EVFTA’ cho đến khi bà Ngân phải nổi nóng bởi bị bẽ mặt trước quốc tế về chuyện hứa mà không làm, các bộ ngành đã gần như không làm gì cả đối với việc sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA.
Được xem là ‘anh em sinh đôi’ với Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn ‘ăn cướp 3%’ là một trong những chân kiềng cho chế độ độc tài và độc quyền cả về bóp hầu bóp cổ công nhân.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét