Truyền thông Việt Nam trích báo của NHNN cho biết rủi ro rửa tiền cũng có mối liên hệ khăng khít với các loại tội phạm như tham nhũng, đánh bạc, lừa đảo… ở trong nước.
Báo Tiền Phong cho biết đây là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam lập báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 – 2017.
Báo này trích lời ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền thuộc NHNN nói nguy cơ rửa tiền trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá ở mức "cao," mảng kinh doanh kiều hối được xếp “trung bình cao,” trong khi lĩnh vực chứng khoán, casino... xếp ở mức “trung bình.”
Trang VNEconomy dẫn báo cáo cho biết lĩnh vực ngân hàng đang có nguy cơ rửa tiền cao nhất, với gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Tin cho hay Việt Nam cho đến nay vẫn chưa tiến hành khởi tố, điều tra vụ án nào về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng nhận định rằng giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền.
Trang thông tin của NHNN cho biết Việt Nam sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng và hỗ trợ.
Trong báo cáo thường niên năm 2018 về Chiến lược phòng chống ma túy quốc tế (INCSR) phổ biến vào tháng 3/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp ở Việt Nam do việc hợp pháp hóa các sòng bài cũng như cho phép người dân đánh bạc tại casino trong nước.
Theo báo cáo của Mỹ, các nguồn tiền bẩn ở Việt Nam bao gồm tham nhũng công, lừa đảo, chơi game, mại dâm, hàng giả, buôn người, ma túy, buôn động vật hoang dã và hàng liên quan.
Trong tháng 11/2018, Việt Nam khởi tố 90 bị can bị cáo buộc các tội hình sự liên quan đến cá cược phi pháp trên mạng và kết án hầu hết những người này, trong đó có 4 người với tội danh rửa tiền.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là vụ khởi tố hình sự rửa tiền thứ 2 ở Việt Nam, sau vụ Giang Kim Đạt ở công ty Vinashin – Vinashinlines vào năm 2017.
Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo: “Mặc dù Việt Nam có đủ các điều luật nhưng việc thực thi chống rửa tiền cần phải được cải thiện.”
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét