Bất nhất Nguyễn Xuân Phúc
Còn nhớ khi mới nhậm chức thủ tướng ít tháng, vào đầu năm 2017 ông Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ: “Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần”.
‘Trần’ là mức 65% GDP - tức giới hạn nguy hiểm theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc mà nợ công không được phép vượt qua.
Lời tàn thán chưa từng có trên của Nguyễn Xuân Phúc có thể phản ánh cái tâm thế bí bách của ông ta khi phải làm nhiệm vụ ‘đổ vỏ’ cho kẻ tiền nhiệm và bị người đời đúc kết là ‘phá chưa từng có’ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng chỉ ít tháng sau lời tán thán trên, Phúc bỗng có một cái miệng khác. Song trùng với khẩu hiệu ‘mỗi tỉnh là một đầu tàu kinh tế’ và ‘GDP tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây’, ứng cử viên hãnh tiến cho tổng bí thư của đại hội 13 Nguyễn Xuân Phúc cũng ‘hô biến’ tỷ lệ nợ công cũng lùi xa khỏi ngưỡng nguy hiểm 65% GDP. Công cụ của cơ chế cài số lùi này là Tổng cục Thống kê - một trong những cơ quan được Phúc ưu ái và luôn có chỉ đạo sâu sát về cái mà dư luận thường gọi là ‘làm đẹp báo cáo’.
Đến kỳ họp tháng 5 - 6 năm 2019, thậm chí tỷ lệ nợ công quốc gia còn nằm dưới mức 60% GDP - một con số đẹp đến mức khiến cho không một đại biểu quốc hội nào mở miệng phản bác.
Nhưng dấu hỏi rất lớn bật ra là nếu nợ công quả thực đẹp đẽ như thế và chẳng có gì đáng lo lắng, tại sao Nguyễn Xuân Phúc lại đòi hỏi Hải Phòng cùng Hà Nội và TP.HCM phải "đồng cam cộng khổ cùng Chính phủ trả nợ công"?
Việt Nam sắp vỡ nợ công?
Thật ra từ lâu nay, nguồn cơn chính yếu đã lộ ra: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) của Việt Nam - được Chính phủ soạn trình và Quốc hội đồng loạt ‘gật’ vào năm 2017 - đã cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, cho dù loại nợ này là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê thuộc Liên hiệp quốc.
Nhưng cũng vào năm 2017, theo phân tích của một chuyên gia độc lập ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
210% GDP lại gấp đến hơn 3 lần ngưỡng nguy hiểm 65% GDP.
Muốn ngồi ghế thủ tướng càng lâu càng tốt, không còn lựa chọn nào khác là Nguyễn Xuân Phúc phải dọn dẹp và ‘đổ vỏ’ cho chế độ ‘ăn tàn phá hại’ Nguyễn Tấn Dũng.
Sau thời Nguyễn Tấn Dũng vay mượn vô tội vạ, cơ chế vay ODA và tín dụng nước ngoài vẫn tiếp được ‘phát huy’, tuy ở tầm mức thấp hơn, dưới thời Nguyễn Xuân Phúc. Một cách chắc chắn, tỷ lệ nợ công từ năm 2016 đến nay đã không dừng ở mức 210% GDP mà còn chồng chất hơn.
Kết quả là đến giờ này, ngân sách chịu nguy cơ cạn kiệt và chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp “vỡ” và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
“Vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm!”
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, một số đại biểu quốc hội đã xót xa cho két ngân sách hộc rỗng bằng cách một lần nữa hô hào “phải vay nhiều tỷ USD nhưng lượng vàng, tiền trong dân còn nhiều lắm!”.
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu thì "thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc…".
Còn theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.
"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng" - ông Hàm than thở.
Những lời kêu gào ‘vét’ vàng và ngoại tệ trên xảy ra trong bối cảnh các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017, 2018 và 2019 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD vào năm 2015.
Trong khi đó, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP…
Nhưng đào đâu ra ngoại tệ để trả nợ nước ngoài khi quỹ dự trữ ngoại hối luôn nằm trong tình trạng không bảo đảm ngoại tệ cho nhu cầu tối thiểu là 3 tháng nhập khẩu?
Chưa bao giờ kể từ khi nhậm chức thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc thể hiện tâm thế sốt ruột đến thế khi cứ nằng nặc yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải có giải pháp thu gom 500 tấn vàng và nhiều tỷ USD trôi nổi trong dân, dù đến nay Ngân hàng nhà nước vẫn chỉ biết cách duy nhất để gom là chấp nhận lạm phát tăng vọt khi cho in tiền ồ ạt và tung hàng núi tiền đồng ra thị trường tự do để thu mua ngoại tệ và vàng, trong khi người dân gần như mất sạch niềm tin vào hệ thống ngân hàng vì lo sợ vàng của họ gửi vào đấy sẽ bị ‘tự động bốc hơi’.
‘Con bò sữa’ có trả được nợ công?
Trong bối cảnh bĩ cực trên, ‘cứu cánh’ cho ngân sách quốc gia chỉ còn trông chờ vào những thành phố lớn và sung túc hơn phần đông các tỉnh thành khác là Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng… Trong số đó, Sài Gòn đặc biệt nhất và được xem là ‘con bò sữa’ khi vẫn có hàng triệu gia đình thường xuyên nhận hơn 5 tỷ USD kiều hối hàng năm, vẫn sản xuất ra được giá trị hơn 30% GDP cả nước, và quan trọng hơn cả là vẫn ‘cống hiến’ cho ngân sách trung ương ngang với tổng số nộp của vài chục tỉnh thành từ dưới đếm lên.
Thế nhưng ‘con bò sữa’ sẽ mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho những kẻ ‘còn đảng còn tiền’ và ‘còn đảng còn mình’ ở cấp trung ương.
Dù được xem là thành phố có nguồn thu bất động sản lớn nhất bởi thị trường nhà đất nơi đây đã được các nhóm đầu cơ cá mập ‘đánh lên’ suốt từ năm 2017 đến gần đây, trong 3 tháng đầu năm 2019 Sài Gòn chỉ thu được 1.308 tỷ đồng thuế bất động sản ước, chỉ đạt 13,08% dự toán và giảm đến 74,85% so cùng kỳ. Đó là những con số cực kỳ đáng báo động cho tương lai thu ngân sách của chế độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.
Giờ đây, một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước Cộng Sản đang hiện hình như một bóng ma: Nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60,000 – 70,000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn ngày càng tệ trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.
Khi đó, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để trả nợ công đến hạn thanh toán và bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi thường xuyên ‘ổn định’ đến trên 70% tổng chi ngân sách cho đội ngũ 3 triệu công chức viên chức mà trong đó có đến 30% ăn không ngồi rồi, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại?
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét