Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết tình trạng cán bộ đoàn thanh tra nhũng nhiễu, đòi phong bì có ở Việt Nam từ trước đến nay chứ không phải mới bây giờ.
Chị G., chủ chuỗi đồ uống tại Sài Gòn cho biết những cửa hàng của chị cũng hay bị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thanh tra. Vẫn theo chị G., tùy theo đợt cán bộ thanh tra mà sẽ có người khó hay dễ, nhưng hầu như lần nào nhân viên chị cũng phải để phong bì 1-2 triệu để không bị hạch sách. Thậm chí có lần dù thanh tra đã nhận phong bì nhưng vẫn cố tìm lỗi ghi giấy phạt:
“Vừa lấy phong bì vừa phạt tiền, chứ không là phạt nữa, thay vì phạt nặng hơn thì phạt bớt bớt lại.”
Còn theo anh S., chủ một khách sạn nhỏ tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc đối phó với đoàn thanh tra hiện nay không hề dễ dàng:
Không phải lúc nào cũng đưa phong bì, tùy thanh tra cái gì. Thanh tra thuế phạt dữ lắm, nó vô là thương lượng hết, nó hỏi giá, nói thẳng luôn.
- Chủ doanh nghiệp
Do vậy, việc chạy chọt hay có đường dây để thông báo mỗi lần thanh tra đến hay chỉ ‘thanh tra hình thức’ đã được đa số chủ doanh nghiệp áp dụng.
Xác nhận thực tế này, chị Y. cho biết khi chị và cộng sự xây dựng nhà nghỉ ở Đà Lạt cũng bị thanh tra bên xây dựng đến công trình, nhưng do cộng sự của chị đã ủy nhiệm cho một người quen lo lót trước nên không gặp phải khó khăn gì.
Còn theo chị G. thì chị luôn biết trước ngày nào đoàn thanh tra xuống:
“Có connection với nó, nó báo trước chuẩn bị xuống thanh tra nhưng báo cũng gần lắm. Cách khoảng 2, 3 ngày nó xuống thì báo 1 ngày, hôm sau nó xuống, chưa biết lúc nào.”
Tuy nhiên, chị G. cũng cho rằng nếu cán bộ thanh tra thực hiện đúng các hạng mục kiểm tra tiêu chuẩn mà không phải thái độ hạch sách, bắt lỗi để ghi giấy phạt thì việc thanh tra như vậy rất tốt, đảm bảo các cửa hàng thực hiện đúng quy trình, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Giải pháp
Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng để ngăn chặn nạn tham nhũng, đảng và chính phủ Hà Nội đưa ra rất nhiều biện pháp, nhưng ở Việt Nam biện pháp và pháp luật vẫn chưa được thực thi triệt để.
|
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự độc lập cho rằng chính phủ Hà Nội cần phải thay đổi nhiều:
“Phải có tự do báo chí và tư pháp độc lập, chừng nào những vấn đề cơ bản như thế giải quyết được thì những người có quyền luôn có thể dùng quyền để làm tiền, như thế thì tham nhũng đã, đang, và sẽ tồn tại.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thêm việc này không hề dễ dàng, rất phức tạp. Ông cho rằng chừng nào đảng cộng sản Việt Nam còn độc quyền thì những điều kiện ông vừa nói hoàn toàn không khả thi.
Với cách nhìn tích cực hơn, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng trước đây việc phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả, những vụ tham nhũng bị phát hiện còn ít, chưa tương xứng với thực tế, chỉ như phần nổi của tảng băng trôi. Nhưng gần đây theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người phát động phong trào chống tham nhũng, tình hình đã chuyển biến tích cực, các vụ đại án tham nhũng ngày càng được xử phạt công khai.
Mặc dù vậy, theo Luật sư Trần Quốc Thuận, việc phá được một vụ án tham nhũng không phải là chuyện đơn giản. Những vụ tham nhũng lớn dây chuyền, ‘dây mơ rễ má’ ăn chia với nhau nên việc bóc gỡ để xử lý phải có nhiều thời gian, công phu.
“Cần phải có cơ chế, thể chế thích hợp để người dân tham gia thì may ra mới làm tốt được vì những cuộc tham nhũng khi tháo gỡ ra thì nó dính chùm với mấy ông lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương.”
Trong vụ việc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi đang công tác tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, báo chí trong nước đăng tải thông tin cho biết bà Nguyễn Thị Kim Anh và bà Nguyễn Thùy Linh là 2 chị em. Do vậy, việc bà Thùy Linh được vào đoàn thanh tra dù không phải công chức nhà nước cũng đang làm dấy lên quan ngại tình trạng ‘ô dù’ ở bộ máy nhà nước hiện nay.
Theo ông Lê Văn Cuông, trước đây mọi người cho rằng phòng, chống tham nhũng chỉ nắm những người với chức vụ nhất định trở xuống, có những đối tượng không thể đụng tới hoặc có vùng cấm. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi:
Cần phải có cơ chế, thể chế thích hợp để người dân tham gia thì may ra mới làm tốt được vì những cuộc tham nhũng khi tháo gỡ ra thì nó dính chùm với mấy ông lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương.
- LS. Trần Quốc Thuận
Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người nắm giữ nhiều quyền lực nhất trong bộ máy chính trị tại Việt Nam, tỏng các cuộc họp của chính phủ Hà Nội luôn kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng do chính ông đề ra.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Nguyễn Phú Trọng thường xuyên vắng mặt trong các sự kiện quan trọng.
Điều này gây ra quan ngại liệu công cuộc chống tham nhũng có bị gián đoạn khi vắng bóng người khởi xướng.
Giải thích về mối quan ngại này, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết cơ chế làm việc của nhà nước Việt Nam hiện nay là Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư là 4 người chịu trách nhiệm điều hành, nên việc vắng Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn không ảnh hưởng đến việc chống tham nhũng.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc chống tham nhũng không phải chỉ là công việc của riêng bộ máy nhà nướcViệt Nam mà là sự kết hợp giữa lãnh đạo và toàn dân:
“Vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào người lãnh đạo đất nước và sự lên tiếng của người dân. Người dân phải thúc ép rất mạnh mẽ và người lãnh đạo phải có quyết tâm thì việc chống tham nhũng mới có kết quả.”
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét