Báo VietNamNet hôm Thứ Ba, 25 Tháng Sáu, 2019, tường thuật “buổi làm việc nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới” do Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN tổ chức.
Nội dung cuộc họp được mô tả là “nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, các nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng mạng xã hội chung tay cùng Bộ Thông Tin Truyền Thông “quét rác” trên môi trường mạng, “bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.”
Mới hai tuần trước, ngày 10 Tháng Sáu, người ta thấy Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử của bộ này “gửi công văn đến cho các nhãn hàng, thương hiệu yêu cầu dừng ngay quảng cáo trong các clip phản động chống phá nhà nước.”
Có 20 doanh nghiệp bị cáo buộc “có quảng cáo trên YouTube vi phạm các quy định” trong đó có những doanh nghiệp, nhãn hiệu lớn như Samsung Việt Nam, Huawei, Grab, Fpt shop, Yamaha, Shopee, Watsons (Việt Nam), công ty VNG, công ty Trung Tâm Thể Dục Thể Hình và Yoga California, công ty cổ phẩn giáo dục Topica English, công ty Dược Phẩm Việt Đức, bệnh viện Mắt Quốc Tế Nhật Bản, công ty Thái Tuấn…
“Đầu năm 2017, Bộ Thông Tin Truyền Thông đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google, trong đó có sản phẩm dịch vụ của nhiều doanh nghiệp,” bản tin ngày 10 Tháng Sáu của VietNamNet viết.
Bản tin hôm Thứ Ba của VietNamNet cho hay: “Đến ngày 25 Tháng Sáu, Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc. Mặc dù trong thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8,000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của cục nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như cóc bỏ đĩa.”
VietNamNet kêu nguyên nhân của tình trạng trên do “bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian.”
Nhà cầm quyền CSVN có nhiều bộ phận từ công an đến tuyên giáo và cả những thành phần tay chân phụ thuộc ngày đêm ra sức đối phó với các loại thông tin “xấu độc” trên mạng. Từ cho người chen vào các trang mạng cá nhân bình luận phá bĩnh đến lập các trang mạng giả mạo, không kể chuyện báo cáo láo với các công ty YouTube, Facebook để khóa hoặc loại bỏ những trang cá nhân hoặc video clip bị vu cho tội “hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam.”
Tuy đã ép được YouTube gỡ hơn 8,000 clip, nhưng “hiện nay trên YouTube có khoảng 55,000 video clip có nội dung xấu độc” nhà cầm quyền ép gỡ bỏ nhưng vẫn chưa làm gì được. Một trong những cái làm CSVN tức tối là Google “chia tiền quảng cáo” cho những người phát tán “nội dung xấu độc” mà “vô hình trung đã gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam.”
Để đối phó với đám “phản động,” báo VietNamNet thuật lời Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng “kiên quyết yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không sẽ không được đất nước này chào đón.”
Hồi Tháng Tư vừa qua, báo chí trong nước khoe, sau nhiều “đàm phán, đấu tranh tổng lực và quyết liệt, Facebook, Google đã chuyển từ bất hợp tác sang hợp tác, dần tuân thủ pháp luật Việt Nam” dẫn đến “6,811 video clip xấu độc, 3,000 đường link có vi phạm, 193 tài khoản giả mạo, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước và 18 kênh bị gỡ bỏ.”
Tháng Sáu, 2018, Quốc Hội “con dấu cao su” của chế độ đã thông qua “Luật An Ninh Mạng” bất chấp hàng chục ngàn người biểu tình chống đối tại nhiều tỉnh thị trên cả nước. Luật có hiệu lực từ đầu năm nay, không những siết cổ người sử dụng Internet trong nước, mà còn đòi các công ty dịch vụ mạng quốc tế phải đặt máy chủ tại Việt Nam, và phải cung cấp thông tin về các danh mục (account) của người dùng cho nhà cầm quyền CSVN khi bị đòi hỏi.
Báo chí trong nước cho hay từ hồi năm ngoái, có hơn 60 triệu người trên tổng số 97 triệu dân có danh mục cá nhân trên Facebook. Việt Nam đứng hàng thứ 16 về số nước có người dùng Internet trên thế giới.
Ép trực tiếp các công ty ngoại quốc như Google, Facebook không đạt được chủ đích, Hà Nội đi ép các công ty kinh doanh tại Việt Nam không được quảng cáo.
Theo một nghiên cứu của chính Google và công ty Temasek Holdings ở Singapore, hoạt động kinh tế trên mạng tại Việt Nam được ví như “con rồng đang được cởi trói” với giá trị lên khoảng $9 tỷ vào năm 2018 và dự trù lên đến $33 tỷ vào năm 2025.
Giới vận động nhân quyền tại Việt Nam lâu nay sợ rằng các công ty mạng ngoại quốc như Facebook, Google vì mối lợi tài chính khổng lồ, có thể chiều theo các đòi hỏi của CSVN mà lờ các nguyên tắc tự do thông tin, tôn trọng nhân quyền như tôn chỉ họ vẫn cả quyết.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét