Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng nhìn nhận, việc giải quyết đơn thư khiếu nại chưa tốt, các cơ quan đùn đẩy nhau… Ống nói: “Giải quyết chậm ngày nào là có tội với dân ngày đó, chúng tôi nhận rõ trách nhiệm của mình. Tổ đại biểu đã trao đổi liên tục với Tổng Thanh tra Chính phủ. Tôi tin là cuối tháng 6 sẽ công bố kết luận thanh tra về Thủ Thiêm”.
Ông Cao Văn Ca, cử tri phường Bình Khánh, Quận 2, cũng là một dân oan mất đất ở Thủ Thiêm, khi trao đổi với RFA hôm 19/6 cho biết:
“Buổi tiếp xúc cử tri hôm nay rất hỗn loạn và mất trật tự vì cử tri bức xúc, cho rằng Đoàn ĐBQH TPHCM đã vô cảm trước những sai sót của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không nêu lên được vấn đề Thủ Thiêm trước diễn đàn Quốc Hội theo yêu cầu của cử tri Thủ Thiêm. Người dân Thủ Thiêm cho rằng tổ Đại biểu có vấn đề, yêu cầu tổ Đại biểu từ chức.”
Khi họ quyết định quá vội thì sẽ sinh ra vấn đề là quyết định vội cho xong, và đóng án lại, đóng vụ việc đó lại, đóng khiếu nại lại không cho khiếu nại nữa, họ có thể sẽ ra một quyết định vội vã bất lợi cho dân
-Chị Nguyễn Thùy Dương
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, bản thân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố không vô cảm với người dân Thủ Thiêm. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các thành viên của đoàn, trong đó có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân luôn “tranh thủ từng giờ giải lao để gặp các Phó thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ đốc thúc giải quyết sớm cho bà con”.
Đáp lại lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khi đó, theo truyền thông trong nước, một phụ nữ luống tuổi đã đứng lên chỉ tay lên tổ đại biểu quốc hội, lớn tiếng “bà ấy hứa mà có làm đâu” rồi liên tục đề cập đến các bức xúc. Bà la hét, khóc và bị an ninh đưa ra ngoài, cả hội trường náo loạn, phản đối.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết không phải ông vô cảm, vô trách nhiệm với cử tri Thủ Thiêm. Ông cũng hiểu vì sao cử tri giận dữ, bởi thời gian vụ Thủ Thiêm kéo dài quá sức chịu đựng của mọi người…
Tuy nhiên Ông Cao Văn Ca bày tỏ nghi ngờ về lời hứa của ông Khuê liên quan việc cuối tháng 6 này sẽ có kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Vì theo ông, điều lạ lùng là Thanh Tra Chính Phủ chưa hề có quyết định thành lập đoàn, và Thanh Tra Chính Phủ chưa hề tiếp xúc với người dân, không gặp người bị hại, mà tự nhiên đẻ ra kết luận toàn diện của Thanh tra Chính phủ về Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, điều này là trò nực cười.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/6, Chị Nguyễn Thùy Dương, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm cho rằng, lời hứa ông Khuê nói cuối tháng 6 thì cũng như lời ông Nhân nói cuối tháng 11 năm 2018. Chị cho biết lý do vì sao Chị đã phải viết thư cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây vài tháng, để ngăn cản quyết định cuối cùng vào tháng 5 và tháng 6 khi báo chí đưa tin về việc này trước đây:
“Bởi vì Chị có cảm nhận, và Chị biết rằng, quyết định đó của họ hoàn toàn bất lợi cho người dân. Thời gian quyết định cuối cùng này là tốt hay xấu thì chúng ta cũng không biết được, đôi khi nó kéo dài là tốt, đôi khi nó kết thúc nhanh lại là tốt. Người già thì người chết, rắn già rắn lột da, quan chức thì 5 năm hết nhiệm kỳ, kéo dài lắm là 10 năm thì về hưu hay làm việc khác, giống như rắn. Nhưng dân thì không thể, cho nên nếu kéo quá dài, chính quyền nói từ từ sẽ giải quyết, nhưng Chị sợ lúc đó dân chết hết rồi. Nhưng khi họ quyết định quá vội thì sẽ sinh ra vấn đề là quyết định vội cho xong, và đóng án lại, đóng vụ việc đó lại, đóng khiếu nại lại không cho khiếu nại nữa, họ có thể sẽ ra một quyết định vội vã bất lợi cho dân.”
Theo Chị Dương, người dân không cần quyết định cuối cùng, cái người dân cần là chính quyền ngồi xuống đàm phán, nói chuyện với họ. Khi phát biểu tại buổi tiếp xúc Chị có nói đây là cú lừa lịch sử, họ hứa quy hoạch dân sẽ được gì đó, nhưng không có gì cả, vậy thì đây là một cuộc mua bán. Chị nói tiếp:
“Anh tới mua đất nhà tôi, tôi bán bao nhiêu, anh mua bao nhiêu phải thương lượng, chứ không có việc anh muốn trả bao nhiêu thì trả. Anh vừa là chủ đầu tư, vừa là người ra quyết định cuối cùng thì không hề công bằng với người dân. Cho nên quyết định vào tháng sau chưa chắc là một quyết định tốt đẹp.”
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 hôm 19/6, ông Nguyễn Đình Đệ, cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm nói: “Giấy không thể gói lửa được nữa”, Ông Đệ cho rằng sai phạm của chính quyền thời kỳ trước đã quá rõ, không thể bao che: “Không hiểu lý do gì mà đại biểu không dám mang ra Quốc hội nói? Nếu các vị không đại diện được cho người dân thì từ chức đi.”
Trả lời RFA qua điện thoại sau buổi tiếp xúc, Ông Nguyễn Đình Đệ nói:
“Sai phạm ở Thủ Thiêm là đại án quốc gia chứ không đơn thuần nữa, quyền lợi của phe nhóm lợi ích lớn quá đi. Năm lần bảy lượt, tôi và bà con Quận 2 muốn đưa vấn đề này ra quốc hội, nhưng Đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM không đưa ra được, không đưa được, hứa hẹn thì người ta hứa hẹn thôi. Lời hứa như ông Khuê thì họ cũng hứa nhiều rồi, Bí thư Thành ủy cũng hứa mà cũng không làm nỗi, phep phái cài cắm nhiều quá, trên bảo dưới không nghe thì chẳng làm gì được hết. Tôi nghĩ lời hứa chẳng có giá trị gì cả.”
Sai phạm ở Thủ Thiêm là đại án quốc gia chứ không đơn thuần nữa, quyền lợi của phe nhóm lợi ích lớn quá đi. Năm lần bảy lượt, tôi và bà con Quận 2 muốn đưa vấn đề này ra quốc hội, nhưng Đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM không đưa ra được, không đưa được, hứa hẹn thì người ta hứa hẹn thôi.
-Ông Nguyễn Đình Đệ
Chị Nguyễn Thùy Dương cho biết, mặc dù cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm, tuy nhiên Chị cũng không được mời cũng như được phát biểu, Chị cho biết đã đi đòi thư mời tham dự buổi tiếp xúc cử tri và giấy phát biểu nhiều lần, từ nhiều ngày trước, từ Mặt trận tổ quốc quận cho đến phường dù mới phải mổ xong, nhưng họ nhất quyết không cho. Cho đến đêm trước ngày tiếp xúc, thì người dân đã huy động nhau tìm cho Chị một thư mời trống và một phiếu phát biểu trống. Chị nói tiếp:
“Khi Chị ngồi rất là lâu ở sảnh để chờ tới giờ tiếp xúc, thì lực lượng công an, an ninh… không cho những người không có thư mời vào. Điều này không hợp nguyên tắc, bởi vì tiếp xúc cử tri là tiếp xúc công khai, và cử tri được quyền, chỉ cần mang giấy chứng minh của mình có địa chỉ ở quận đó sẽ được vào. Tất cả những lần trước đều vậy, nhưng lần này họ đòi thư mời mới cho vào, mỗi phường chỉ có 4 thư, trong khi hội trường vài trăm chỗ ngồi, không lẽ nào 11 phường chỉ tiếp xúc cử tri có 40, 50 chục người… đại diện cho cả quận 2… Sau đó người dân làm dữ thì họ mới chỉ đạo cho dân vào.”
Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp ký, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu lại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên hiện nay họ cũng chỉ biết chờ đợi.
Trung Khang
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét