Vì sao cũng ‘đen’ nhưng rất khác? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Vì sao cũng ‘đen’ nhưng rất khác?


Báo Người Đưa tin đăng danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Photo Báo Người đưa tin.

Trong số 985 sinh viên sĩ quan tung mũ lên trời (1), đánh dấu thời điểm tốt nghiệp Học viện Võ bị của Lục quân Mỹ (The United States Military Academy – USMA – thường được gọi tắt là West Point, tên một khu vực thuộc bang New York, nơi USMA tọa lạc), hôm thứ bảy vừa qua (25/5/2019), chỉ có 34 thuộc nhóm thiếu nữ da đen.

Cho đến giờ, tại West Point, nam thanh niên da trắng vẫn là đa số và cả West Point lẫn quân đội Mỹ tiếp tục gia tăng nỗ lực đa dạng hóa chủng tộc, giới tính. Con số 34 nữ sinh viên sĩ quan da đen vừa tốt nghiệp khóa 2019 được xem là một kỷ lục mới (2). Chắc chắn kỷ lục ấy sẽ sớm bị phá vỡ trong tương lai gần.

USMA hay West Point là một trong năm học viện của quân đội Mỹ. West Point đào tạo sĩ quan cho lục quân. The United States Naval Academy (USNA) tọa lạc ở Annapolis bang Maryland đào tạo sĩ quan cho hải quân. The United States Air Force Academy (USAFA) ở Colorado Springs, bang Colorado, đào tạo sĩ quan cho không quân. The United States Coast Guard Academy (USCGA) ở New London bang Connecticut, đào tạo sĩ quan cho lực lượng phòng vệ bờ biển. The United States Merchant Marine Academy (USMMA) ở Kings Point bang New York, đào tạo sĩ quan hàng hải cho cả quân đội lẫn các cơ quan thuộc chính phủ mà hoạt động có liên quan đến hàng hải.

Cả năm học viện của quân đội Mỹ đều tuyển sinh theo cùng một cách: Chọn những học sinh vừa xuất sắc về học vấn, vừa năng động, nổi trội về hoạt động xã hội và cả hai khía cạnh này phải đủ hơn người để một dân cử liên bang (Thượng Nghị sĩ hay Hạ Nghị sĩ) đồng ý viết thư giới thiệu cho các học viện xem xét, lựa chọn từng đương đơn.

Trong bốn năm theo học tại các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan phải học đủ thứ, từ đi, đứng, nói năng, kể cả khiêu vũ… sao cho phong thái chững chạc, lịch thiệp như một quý ông, đến tập luyện đủ loại kỹ năng với cường độ như tù khổ sai để có thể thích nghi, sinh tồn và giúp người khác vượt qua những tình huống khắc nghiệt nhất.

Tốt nghiệp các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan trở thành thiếu úy và có văn bằng cử nhân tương ứng với ngành mà đương sự chọn khi vào học viện (học viện nào cũng có các ngành liên quan đến kỹ thuật, khoa học xã hội). Chi phí trung bình cho đào tạo một sinh viên sĩ quan được ước tính khoảng 400.000 Mỹ kim/người.

Tất cả những yếu tố vừa kể khiến các học viện của quân đội Mỹ trở thành những ngôi trường danh giá, được xem như chỗ tập hợp tinh hoa và những sinh viên sĩ quan vượt qua tất cả các thử thách cả trong học tập tri thức, lẫn rèn luyện kỹ năng cần thiết của một sĩ quan, được xem như những cá nhân đã thẩm định kỹ lưỡng về chất lượng.

Dù luật pháp đặt định nhiều phương thức nhằm ngăn chặn kỳ thị nhưng phân biệt đối xử vì chủng tộc, giới tính, tuổi tác,… vẫn là một vấn nạn của xã hội Mỹ. Dù là một vấn nạn trong sinh hoạt xã hội song các nhóm thiểu số, có sự khác biệt với đa số về chủng tộc, giới tính, tuổi tác luôn có cơ hội để tự khẳng định.

34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point hồi cuối tuần vừa qua là ví dụ mới nhất. Đến giờ, quân đội Mỹ có ít nhất 38 vị tướng da đen. Sau Rosco Robinson Jr. (tốt nghiệp West Point năm 1947) có thêm chín người da den nữa mang bốn sao trên cầu vai (Đại tướng). Chưa kể một tổng thống, nhiều chính khác da đen khác.

***

Tin 34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point khóa 2019 – lập thêm kỷ lục mới về số thiếu nữ da đen tốt nghiệp một khóa đào tạo sinh viên sĩ quan tại USMA – xảy ra cùng lúc với tin, cha mẹ nhiều học sinh ở Sơn La đã chi cả tỉ đồng để nâng điểm thi tốt nghiệp cho con của họ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái (3).

Trước đó, theo tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam, mục tiêu của phần lớn học sinh được sửa – nâng điểm đều là trở thành sinh viên sĩ quan của các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam. Trong vài năm vừa qua, các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam đột nhiên trở thành danh giá vì điểm xét tuyển vọt lên như pháo thăng thiên nhưng chưa ai quan tâm làm rõ xem vì sao phần lớn những trường hợp được sửa – nâng điểm, dù xảy ra tại Sơn La, hay Hòa Bình, Hà Giang,… cũng đều nhắm vào việc tìm cho được một chỗ trong các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam?

Đã có những người đề nghị thẩm định lại toàn bộ bài thi trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước 2018 của những sinh viên sĩ quan đang theo học tại tất cả học viện, đại học thuộc quân đội, công an để bảo đảm công bằng, dân chúng không phải thanh toán học phí và hàng loạt chi phí khác (ăn, mặc, ở, sinh hoạt phí) cho những sinh viên sĩ quan bất xứng cả về năng lực lẫn tư cách. Đã đề cập đến công bằng, đề nghị này dẫu đúng song chưa đủ! Công bằng thì các học viện, đại học thuộc quân đội, công an phải mở rộng cửa cho tất cả những đứa trẻ hội đủ các điều kiện về học vấn, thể lực, tư cách cá nhân (tự thân chúng không có tiền án, không vướng tiền sự).

Làm sao có thể gọi là “công bằng, dân chủ, văn minh” khi các học viện, đại học của quân đội, công an loại bỏ một đứa trẻ chỉ vì cha từng thế này (4), hoặc ông nội, ông ngoại từng thế kia (5) nên chúng đương nhiên bị xem là “đen”, không xài. Các học viện, đại học của quân đội cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ lãnh thổ, các học viện, đại học của công an thì cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật. Chẳng lẽ lãnh thổ không phải của toàn dân, bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật không thật sự vì toàn dân nên dứt khoát sinh viên sĩ quan của các học viện thuộc quân đội, công an phải có ba đời trung thành với… đảng?

Cha mẹ của những đứa trẻ được sửa – nâng điểm tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang,… đều nằm trong nhóm từng được ví von là “hạnh phúc của dân tộc”. Nếu chuyện sửa – nâng điểm không đổ bể thành scandal, chắc chắn những đứa trẻ ấy sẽ sớm tham gia vào nhóm thề “trung với đảng”, luôn luôn khẳng định “còn đảng, còn mình”. Thêm chuyện này, dân chúng Việt Nam có nên tự vấn rằng họ có cần một đảng mà thành viên chỉ gồm toàn những cá nhân kiểu như thế lãnh đạo quốc gia, dân tộc hay không?

Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages