Bắc Kinh muốn gì qua vụ HD-8? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

Bắc Kinh muốn gì qua vụ HD-8?


Hải Dương 981 ngoài khơi biển Việt Nam, tháng Năm, 2014.

Vụ Trung Quốc điều tàu HD-8, được hộ tống bởi hai tàu hải cảnh, bất thần xâm nhập khu vực bãi Tư Chính ở vùng biển đông nam Việt Nam để ‘thăm dò dầu khí’ là hoàn toàn bất thường.

Những bất thường

Điểm bất thường đầu tiên là Bãi Tư Chính là nơi mà phía Trung Quốc đã quá am hiểu về trữ lượng dầu khí và còn nhẵn mặt trơ tráo đến độ đã từng hai lần - vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 - cho nhiều tàu chiến vây bọc khu vực này để buộc Repsol - đối tác Tây Ban Nha liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - phải rút lui khỏi dự án khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ trong khu vực này.

Điểm bất thường thứ hai là vụ ‘thăm dò dầu khí’, mà thực chất là thêm một vụ khiêu khích với những đường nét rất quen thuộc của Bắc Kinh, trùng với khoảng thời gian quan chức chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi Bắc Kinh để bàn với Tập Cận Bình về ‘làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ và ‘đại cục’.

Điểm bất thường thứ ba là vụ khiêu khích trên xảy ra khi đang ngày càng dày hơn tin tức về chuyến đi Mỹ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, hoặc một quan chức trong ‘tam trụ’ được Trọng chọn làm người thay mình đi Mỹ - có thể là Nguyễn Thị Kim Ngân hoặc Nguyễn Xuân Phúc. Một chuyến đi mà chắc chắn không khiến Bắc Kinh hài lòng, nếu không nói là ngược lại.

Và thêm một điểm bất thường nữa, mà có lẽ chưa phải cuối cùng và cần được xem là quá đỗi bình thường, là thói câm nín của giới tuyên giáo và báo chí nhà nước Việt Nam trước vụ khiêu khích trên, như đã từng câm lặng trong rất nhiều lần xảy ra khiêu khích từ Bắc Kinh trên Biển Đông.

Bài cũ diễn lại

Vụ tàu HD-8 của Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính thật ra chỉ là bản sao của những vụ xâm nhập, khiêu khích và bắn thông điệp cảnh cáo Việt Nam xảy ra trước đó.

Vào ngày 10 tháng 4 năm 2019, Trung Quốc đã tung ra động thái sẽ đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Dongfang 13-2 CEPB vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông, trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sắp công du Hoa Kỳ - chuyến đi mà khi đó dự kiến có thể diễn ra vào mùa hè năm 2019. Không biết có phải trời ‘thương’ Nguyễn Phú Trọng hay do ‘sức khỏe có vấn đề’, hoặc bởi cả hai lý do này, 4 ngày sau đó ông ta suýt chút nữa đã ‘tịch’ hẳn ở xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’ bởi một cơn bạo bệnh được cho là đột quỵ không mấy êm ái, để từ đó đến nay Trọng đã thoát được cảnh phải hành hương đến Bắc Kinh.

Còn trước đó, từ năm 2014 Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật cho giàn khoan và tàu ‘thăm dò dầu khí’ vào biển Đông để khủng bố tâm lý rệu rã của chính thể bị cộng đồng lên án là ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Tháng 5 năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lần đầu tiên tấn công vào Biển Đông, chen lấn vào vùng hải phận của Việt Nam và như một cú tát tai nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị ở Hà Nội, nhất là với những quan chức Việt vẫn còn mộng mị ngủ ngày mà đã biến thành cơn mê sảng bi kịch trong thói đu dây quốc tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những kế hoạch khai thác dầu khí ở giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với những đối tác nước ngoài là Repsol tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở vùng biển Đông Nam, với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga tại mỏ Lan Đỏ, cũng như bắt đầu có kế hoạch thăm dò khai thác với tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đến năm 2015, giàn khoan Hải Dương 981 lại hiện hình một lần nữa. Ngày 6/5/2015, website của Cục Hải sự Trung Quốc đăng tải thông báo về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông. Hoạt động này là đáng được chú ý, dù khi đó Hải Dương 981 vẫn nằm ngoài vùng lãnh hải Việt Nam. Một tuần sau thông báo trên của Cục Hải sự Trung Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius bất ngờ thông báo "Chúng tôi sẽ tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức cấp cao nhất". Đến tháng 7 năm 2015, Trọng chính thức đi Mỹ - chuyến công du đầu tiên của ông ta đến xứ Cờ Hoa mà đã được Tổng thống Barak Obama tiếp đón đặc cách như một nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục.

Điều đáng nói là hình ảnh tái xuất mang tính khủng bố của Hải Dương 981 vẫn xảy ra dù Nguyễn Phú Trọng đã chấp nhận ‘đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ’, khi tới Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2015.

Còn vào năm 2019, Trung Quốc lại khai triển chiến thuật ép và lấn từng bước: trước chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng hoặc một quan chức thay thế cho Trọng, tùy thuộc vào thái độ của Trọng với Tập ra sao mà giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB sẽ nằm yên ở vùng chồng lấn biển hoặc lao thẳng vào hải phận Việt Nam theo đúng cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014, hoặc một lần nữa có đến vài trăm tàu các loại vây hãm khu vực Bãi Tư Chính để gây sức ép với giới chóp bu Việt Nam như đã từng làm vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, khiến Repsol rốt cuộc phải ‘bỏ của chạy lấy người’ và phía Việt Nam phải chấp nhận bồi thường cho Repsol khoản đầu tư ban đầu thăm dò dầu khí mà công ty này bỏ ra lên đến 200 - 300 triệu USD.

Tập Cận Bình muốn gì?

Khác với hai năm 2017 và 2018 là những thời điểm đường lưỡi bò vẽ bổ sung của Trung Quốc đã quét qua gần như toàn bộ các lô dầu khí nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đến Hà Nội đã trắng trợn đến mức ra yêu sách bắt Việt Nam phải ‘cùng hợp tác dầu khí’, với tỷ lệ ăn chia có thể lên đến 60% cho Trung Quốc và chỉ còn lại 40% cho chủ nhà Việt Nam - được hiểu thực chất là phải mời một tên cướp vào nhà mình để cùng chia bôi tài sản…, nguồn cơn Trung Quốc gây ra khiêu khích vào năm 2019 rất có thể là do Nguyễn Phú Trọng ‘trốn biệt’ mà không chịu đi ‘chầu thiên tử’.

Vụ tàu HD-8 tiến thẳng vào Bãi Tư Chính xảy ra đồng thời với sự hiện diện của Nguyễn Thị Kim Ngân ở Bắc Kinh cho thấy rất rõ là Tập Cận Bình đã không hề thỏa mãn với một Kim Ngân thay thế, mà tiếp tục gây sức ép đòi hỏi phải đích thân Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc.

Nhưng cho dù có phục hồi sức khỏe để thực hiện chuyến đi ‘Trung Quốc trước, Mỹ sau’, chuyến đi này chắc chắn sẽ mang lại cho Nguyễn Phú Trọng những thất lợi lớn về chính trị và cả rủi ro sinh mạng khó lường. Có lẽ trong cái liếc mắt nhăn mày của ‘thiên triều’, Trọng không còn được xếp vào hàng ‘ngoan hiền dễ bảo’ nữa.

Ngoài ra, tuy HD-8 chỉ là một vụ khiêu khích nhỏ, nhưng lại toát lộ dấu hiệu về sức ép và gây hấn của Bắc Kinh có thể gia tăng đột ngột và thô bạo hơn hẳn trong thời gian tới, do đó đòi hỏi chủ trương ‘gần Mỹ’ hoặc ‘dựa Mỹ’ của Nguyễn Phú Trọng cần được triển khai nhanh hơn, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác quân sự Việt - Mỹ không còn nhiều thời gian để chơi trò vờn bắt nhau mà phải đi vào những vấn đề thực chất hơn nhiều, như khi nào một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ chính thức có mặt ở quân cảng Cam Ranh, đồng thời Nguyễn Phú Trọng phải gấp rút đi Mỹ, hoặc thậm chí phải tính toán đến khả năng chọn người thay thế ông ta đi Mỹ, cho dù Trọng vẫn muốn chỉ mình ông ta - với tư cách nguyên thủ quốc gia - được Donald Trump đón tiếp bằng thảm đỏ và trong Phòng Bầu Dục ở Washington.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages