Học chính sử để duyệt lịch sử - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Học chính sử để duyệt lịch sử


Hàng ngàn nhân viên lương thấp trong các “nhà máy kiểm duyệt” rà soát thế giới trực tuyến để tìm các nội dung bị cấm, trong đó, ngay cả tấm ảnh một cái ghế trống cũng có thể gây phiền toái lớn.


Li Chengzhi có rất nhiều điều phải học ngay khi anh vừa nhận được công việc kiểm duyệt chuyên nghiệp.

Giống như nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc, chàng thanh niên 24 tuổi mới tốt nghiệp đại học này biết rất ít về cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Anh chưa bao giờ nghe nói đến nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, người được giải thưởng Nobel Hoà Bình, đã chết trong thời gian bị giam cầm hai năm trước.

Giờ đây, sau khi được huấn luyện, anh biết những gì cần tìm và cần ngăn chặn. Thay mặt cho các công ty truyền thông Trung Quốc có nhiệm vụ tìm bất cứ điều gì làm chính phủ tức giận, anh dùng hàng giờ để quét lọc nội dung tin tức trực tuyến. Anh biết cách phát hiện ra các từ mã ám chỉ các nhà lãnh đạo và những vụ bê bối ở Trung Quốc và các biểu tượng văn hóa hay ý tưởng xã hội (memes) liên quan đến các đề tài mà chính phủ Trung Quốc không muốn người dân đọc.

Li, người thanh niên trẻ tuổi, trên mặt vẫn còn dấu vết mụn trứng cá, làm công việc của mình rất nghiêm túc. “Anh nói:” Tôi làm sạch môi trường trực tuyến”.

Đối với các công ty Trung Quốc, sự an toàn đối với các cơ quan kiểm duyệt của chính phủ là vấn đề sống chết. Nhằm trao thêm gánh nặng cho các công ty, chính quyền Trung Quốc yêu cầu họ tự kiểm duyệt, khuyến khích họ thuê thêm hàng ngàn người để làm công việc của cảnh sát.

Chính chuyện này đã tạo ra một ngành công nghiệp mới đang phát triển và sinh lợi: các nhà máy kiểm duyệt.

Anh Li làm việc cho Beyondsoft, một công ty dịch vụ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, trong số các doanh nghiệp khác, đảm nhận trách nhiệm kiểm duyệt cho các công ty khác. Anh làm việc trong văn phòng của công ty này ở Thành Đô, tại trung tâm một khu công nghệ cao, không gian sáng sủa và đủ mới, giống với các văn phòng của những công ty khởi nghiệp được sự tài trợ đầy đủ trong các trung tâm công nghệ ở Bắc Kinh và Thâm Quyến. Công ty vừa di chuyển vì khách hàng phàn nàn rằng văn phòng trước đây quá chật chội nên nhân viên khó có thể tận dụng hết khả năng làm việc.

“Thiếu một nhịp cũng có thể gây ra một sai lầm chính trị nghiêm trọng”, ông Yang Xiao, người đứng đầu bộ phận kinh doanh dịch vụ internet của Beyondsoft, bao gồm cả việc xét duyệt lại nội dung, nói như vậy. Với lý do bảo mật, Beyondsoft từ chối tiết lộ họ đang làm việc cho những phương tiện truyền thông Trung Quốc hay công ty nào.

Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống kiểm duyệt trực tuyến rộng rãi và tinh vi nhất thế giới. Hệ thống này càng phát triển mạnh mẽ dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, người muốn internet đóng vai trò lớn hơn để tăng cường việc quản lý xã hội của đảng Cộng Sản. Nhiều nội dung bị coi là nhạy cảm hơn và hình phạt ngày càng nặng.

Qua việc kiểm soát chặt chẽ của mình, Trung Quốc hiện đang truyền đạt cái nhìn về một mạng internet đặt dưới sự giám sát của chính phủ. Điều đáng ngạc nhiên là nó tạo ra sự cộng hưởng ở các quốc gia khác. Ngay cả các thành trì truyền thống luôn ủng hộ sự tự do diễn đạt ở Tây Âu và Hoa Kỳ giờ cũng đang xét lại giới hạn kỹ thuật số của họ. Các nền tảng như Facebook và Youtube đã cho biết họ sẽ thuê thêm hàng nghìn người để kiểm soát kỹ hơn nội dung thông tin.

Những nhân viên như anh Li cho thấy sự cực đoan trong chính sách – một biện pháp kiểm soát hơn 800 triệu người dùng internet mỗi ngày.

Beyondsoft sử dụng hơn 4000 nhân viên như anh Li tại các nhà máy xét duyệt nội dung thông tin và số lượng tăng thêm khoảng 200 vào năm 2016. Họ kiểm duyệt nội dung thông tin suốt ngày đêm.

“ Chúng tôi là Foxconn trong công nghiệp dữ liệu”, ông Yang nói và so sánh công ty của ông với những cơ sở công nghiệp lớn nhất sản xuất theo hợp đồng điện thoại Iphone và các sản phẩm khác cho Apple.

Nhiều công ty truyền thông trực tuyến có đội ngũ xét duyệt nội dung riêng của họ, đôi khi con số này lên đến hàng ngàn. Họ đang tìm cách giao cho thông minh nhân tạo làm công việc này. Người đứng đầu phòng thí nghiệm A.I tại một công ty truyền thông lớn – yêu cầu giấu tên vì chủ đề nhạy cảm – cho biết công ty có 120 máy học mô hình.

Nhưng thành công trong việc này là một chuyện. Người dùng vẫn có thể dễ dàng đánh lừa các thuật toán.

“Máy A.I. thông minh nhưng không khôn lanh như trí não con người. Chúng bỏ qua rất nhiều thứ khi xem xét nội dung”, anh Li nói.

Beyondsoft có một đội ngũ nhân viên gồm 160 người ở Thành Đô làm việc 4 ca mỗi ngày để xem xét nội dung chính trị nhạy cảm bằng một ứng dụng tổng hợp tin tức.

Beyondsoft còn có một nhóm khác ở phía Tây thành phố sử dụng cùng ứng dụng để xem xét các nội dung thô tục hay xúc phạm. Giống như phần còn lại trên thế giới, internet ở Trung Quốc tràn ngập nội dung khiêu dâm hay các tài liệu khác khiến người dùng phải phản ứng tiêu cực.

Trong văn phòng làm việc ở Thành Đô, nhân viên phải để điện thoại của họ trong tủ khóa ở hành lang. Họ không được chụp ảnh màn hình hay gửi bất cứ thông tin nào từ máy tính của mình.

Hầu hết các nhân viên đều tốt nghiệp đại học và tuổi khoảng đôi mươi. Thường họ không có nhận thức hay không để ý đến chính trị. Ở Trung Quốc, nhiều phụ huynh và nhà giáo nói với giới trẻ rằng việc quan tâm đến chính trị chỉ dẫn đến rắc rối.

Để khắc phục điều đó, ông Yang và các đồng nghiệp đã phát triển một hệ thống đào tạo tinh vi. Những nhân viên tân tuyển bắt đầu được tập huấn “lý thuyết” kéo dài cả tuần. Các nhân viên cấp cao dạy cho họ những thông tin nhạy cảm mà trước đó họ không hề biết.

“Văn phòng tôi bên cạnh căn phòng đào tạo rộng lớn”, ông Yang nói, “Tôi thường nghe thấy những tiếng thốt ra đầy ngạc nhiên Ah, ah, ah”.

Ông nói thêm:”Họ không biết những thứ như ngày 4 tháng Sáu liên quan đến cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Họ hoàn toàn không hay biết”.

Beyondsoft đã phát triển một cơ sở dữ liệu rộng lớn dựa trên thông tin mà ông yang gọi là một trong những “năng lực cốt lõi”. Họ cũng sử dụng phần mềm chống kiểm duyệt để thường xuyên truy cập vào những trang web mà chính phủ Trung Quốc ngăn chặn. Sau đó, họ cập nhật cơ sở dữ liệu.

Các nhân viên tân tuyển nghiên cứu cơ sở dữ liệu giống như chuẩn bị thi tuyển vào đại học. Sau hai tuần, họ phải vượt qua một bài kiểm tra.

Trình bảo vệ màn hình (screensaver) trên các máy tính đều giống nhau: ảnh và tên các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng Sản, hiện nay và trong quá khứ. Nhân viên phải nhớ những khuôn mặt đó: Chỉ những trang web riêng của chính phủ và những trang blog chính trị được phê duyệt đặc biệt – một nhóm được gọi là danh sách trắng – được phép đăng ảnh của các nhà lãnh đạo hàng đầu.

Ngay từ đầu ca làm việc, nhân viên được thông báo vắn tắt về những yêu cầu của khách hàng khi họ nhận được những hướng dẫn kiểm duyệt mới nhất từ cơ quan kiểm duyệt của chính phủ. Sau đó, nhân viên phải trả lời khoảng 10 câu hỏi được soạn ra để kiểm tra trí nhớ. Kết quả của lần khảo hạch sẽ ảnh hưởng đến đồng lương của họ.

Một câu hỏi vào ngày thứ Sáu gần đây: Một trong những cái tên sau đây là tên cô con gái của Lý Bằng, cựu thủ tướng Trung Quốc. Câu trả lời đúng là Lý Tiểu Lâm, một đích nhắm thường xuyên bị chế riễu trên mạng vì cái gu thời trang đắt tiền của cô và là một trong những người con của các cán bộ lãnh đạo, những người có chức vụ cao hay giàu có.

Đó là câu hỏi tương đối dễ dàng. Một bài kiểm tra hóc búa hơn là làm cách nào người dùng internet ở Trung Quốc xoay vòng vượt qua được sự kiểm duyệt nghiêm ngặt để nói về các vấn đề hiện tại.

Ví dụ: Phần bình luận của một trang tin tức trên mạng ở Hong Kong năm 2017 đã so sánh 6 nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể từ Mao Trạch Đông, với các hoàng đế trong triều đại nhà Hán. Một số người dùng internet ở Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng tên của các hoàng đế để ám chỉ các nhà lãnh đạo. Các nhân viên của Beyondsoft phải biết tên hoàng đế nào được liên kết với từng nhà lãnh đạo.

Sau đó là những tấm ảnh một cái ghế trống. Họ muốn nói đến Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel, không được phép rời khỏi Trung Quốc để tham dự lễ trao giải. Cái ghế trống đại diện cho ông. Các tài liệu tham khảo về quyển tiểu thuyết “1984” của George Orwell cũng bị cấm.

Phần mềm của Beyondsoft rà soát các trang web và đánh dấu các từ ngữ có khả năng gây phiền phức bằng các màu sắc khác nhau. Nếu một trang chứa đầy các từ được mã hóa màu, các nhà quản trị cần phải lưu ý đến nó nhiều hơn. Nếu chỉ có một hay hai từ, họ có thể an tâm cho qua.

Theo trang web của Beyondsoft, dịch vụ giám sát nội dung, được gọi là Rainbow Shield, đã biên soạn hơn 100.000 từ nhạy cảm và hơn 3 triệu từ phát sinh. Các từ nhạy cảm về chính trị chiếm 1/3 trong tổng số. Tiếp đến là các từ có nội dung khiêu dâm, mại dâm, cờ bạc và dao.

Những nhân viên như Li kiếm được từ 350 đến 500 đô la một tháng, khoản lương trung bình ở Thành Đô. Mỗi nhân viên dự kiến sẽ xem xét từ 1000 đến 2000 bài báo trong một ca. Các bài viết được tải lên ứng dụng tin tức phải được phê duyệt hay loại bỏ trong vòng một giờ. Khác với các nhân viên của Foxconn, họ không làm việc ngoài giờ nhiều vì thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác, ông Yang, giám đốc điều hành cho biết như vậy.

Nhân viên rất dễ phạm lỗi. Một bài viết về Bành Lệ Quyên, đệ nhất phu nhân Trung Quốc, đã sử dụng nhầm bức ảnh của một ca sĩ nổi tiếng bị đồn là có liên quan đến một nhà lãnh đạo khác. Một người đã phát giác kịp thời trước khi nó được tung ra ngoài, ông Yang nói.

Anh Li, nhân viên kiểm duyệt trẻ tuổi, cho biết những sai lầm tệ hại nhất hầu hết đều liên quan đến các nhà lãnh đạo cấp cao. Có lần anh lỡ bỏ một tấm ảnh nhỏ của ông Tập lên một trang web không nằm trong danh sách trắng vì mệt mỏi. Anh vẫn tự đánh vào đầu mình vì việc đó.

Khi được hỏi liệu anh có chia sẻ với gia đình và bạn bè những gì anh đã học được trong công việc hay không, chẳng hạn như cuộc đàn áp Thiên An Môn, anh Li kịch liệt nói không.

“Thông tin này không thể cho người ngoài biết được”, anh nói “Một khi nhiều người biết, nó có thể tạo ra nhiều tin đồn”.

Nhưng cuộc đàn áp đã là lịch sử. Đó không phải là tin đồn. Làm thế nào anh ta có thể hòa giải được chuyện này.

“Đối với một số sự kiện nhất định”,anh nói, “người ta phải tuân theo luật lệ”.


Li Yuan
Hoàng Thủy Ngữ Cchuyee~n ngữ
Nguồn: Learning China Forbidden History, So They Can Censor It, By Li Yuan, Jan.2, 2019, The New York Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages