Quan hệ Việt - Mỹ có vượt qua làn ranh đỏ "áp thuế trừng phạt" ? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Quan hệ Việt - Mỹ có vượt qua làn ranh đỏ "áp thuế trừng phạt" ?


Quan hệ Việt - Mỹ có vượt qua làn ranh đỏ "áp thuế trừng phạt"?

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thốt ra - một cách mỉa mai và có phần nổi đóa - về Việt Nam là "kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất" trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business vào cuối tháng 6 năm 2019, giới quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư vội trấn an dư luận : "Khả năng Mỹ áp thuế trừng phạt Việt Nam là chưa có".


Phiên họp báo thường kỳ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Lời trấn an trên xuất hiện bởi Phó giám đốc Trung tâm kinh tế dự báo của bộ này là Lương Văn Khôi, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng 27/6/2019.

Đối với khả năng Việt Nam có thể bị áp thuế từ Mỹ, ông Khôi cho hay, việc áp thuế của Mỹ thường dựa vào ba tiêu chí : một là thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP, hai là thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD và sự can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.

"Có một tiêu chí là can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối chúng ta không phạm nên khả năng bị áp thuế là không có".

Thế nhưng quan chức Lương Văn Khôi đã ‘quên’ rằng vào tháng 5 năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam đã suýt bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ - danh sách được Bộ Tài chính Mỹ cập nhật cứ sau mỗi 6 tháng. Khi đó, Việt Nam bị Mỹ xem là một nước lũng đoạn tiền tệ vì đã cho hạ giá đồng tiền của mình một cách giả tạo.

Trong vài năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm để kích thích gom USD trôi nổi. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, dù đã trám bớt lỗ hổng toang hoác của Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ nước ngoài, nhưng cơ quan ‘siêu ngân hàng’ này đã phải trút vào thị trường tự do đến 200.000 tỷ đồng - chiếm đến hơn 4% GDP, tức vượt xa giới hạn 2% GDP mà Mỹ quy định đối với quốc gia thao túng tiền tệ.

Ngay từ cuối năm 2017, những đòn trừng phạt đầu tiên của Trump đối với Việt Nam đã khởi động.Thoạt đầu là những cú tăng vọt thuế lên mặt hàng tôm, rồi sau đó là thép và cả nhôm của Việt Nam xuất sang Mỹ. Nhưng những đòn này vẫn chưa thấm vào đâu nếu nhìn sang tương lai đầy đe dọa bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.

Bắt đầu từ năm 2018, Trump khởi động chiến dịch tấn công vào nền kinh tế Trung Quốc và có thể cả vào hệ thống chính trị độc tài của quốc gia đông dân nhất thế gới này. Chỉ ít lâu sau đó, một làn sóng ngấm ngầm di chuyển vùng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đã diễn ra. Còn đến khi Trump áp thuế cao lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc thì làn sóng doanh nghiệp Trung đổ bộ vào Việt Nam đã trở thành một phong trào thực sự. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có đến 2,2 tỷ USD đăng ký vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.

Nhưng nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ

Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế "thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc" vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.

Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ.

Theo đó, khả năng Mỹ gia tăng áp thuế trừng phạt đối với Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng ‘nhạy cảm’ như thép và nhôm, là rất có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới, tước đi kỷ lục xuất siêu 35 tỷ USD vào thị trường Mỹ của Việt Nam và gây khó khăn đáng kể cho nền kinh tế độc tài.

Minh Quân
VNTB
Tương lai nào cho quan hệ Việt – Mỹ?


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 27/2/2019 - Hình minh họa. AFP

Cũng tại cuộc trả lời phỏng vấn ấy, trước khi đáp chuyên cơ sang Nhật Bản dự thượng đỉnh G20 tại thành phố cảng Osaka, ông Trump đã gián tiếp đe dọa sẽ áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, quốc gia được cho là đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Lợi bất cập hại

Thực tế tàn nhẫn nói trên dường như cho thấy, Việt Nam sớm muộn sẽ là nạn nhân của cuộc thương chiến ấy. Hồi thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong-un tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019, tổng thống Trump từng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam giảm thặng dư thương mại 35 – 40 tỷ USD với Hoa Kỳ.

Và cũng mới đây, đầu tháng 6 này thôi, ông Trump còn gọi Việt Nam là đối tác thương mại "thứ dữ" (brutal) trong một bình luận dường như là để ghi nhận hơn là trách cứ. "Việt Nam đàm phán rất tốt. Họ làm ăn kinh doanh cũng rất được", ông nói trong chương trình "Good Morning Britain" của đài ITV ở Anh quốc.

Vậy tại sao chỉ trong vòng có mấy tuần, Trump lại "xoay trục" với Việt Nam dữ dằn đến thế ? Việt Nam phản ứng ra sao trước động thái mới nhất này ? Liệu bộ Công thương và Ngoại giao đã rung chuông báo động hay vẫn kê cao gối ngủ với những tuyên bố sáo rỗng, Việt Nam luôn coi trọng các mối bang giao với Hoa Kỳ…

Dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ công bố, cũng vào đầu tháng 6 cho thấy thuế quan của Mỹ đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump.

Hàng nhập khẩu Mỹ từ Việt Nam tăng 38 phần trăm trong bốn tháng đầu năm 2019 so với cùng kì năm ngoái, cho thấy các nhà nhập khẩu đang tìm cách mua từ các nhà cung cấp ở đó, đúng như đài CNN đưa tin.

Hôm 29/6/2019, tổng thống Mỹ sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là trọng tâm của hội nghị Osaka, vì tranh chấp song phương gây nhiều hậu quả nặng nề cho các nền kinh tế khác trên thế giới.

Ngẫm sâu một chút, ta thấy họa phúc phải đâu chỉ trong một buổi.

Trước đây, phong phanh nghe nói, chính quyền Việt Nam cam kết sẽ bài trừ tệ nạn hàng Trung Quốc được đưa vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ với nhãn hiệu "Made in Vietnam", để tránh lệnh áp thuế của Mỹ. Hà Nội thật ra đã sớm tỏ ra quan ngại sẽ bị Mỹ trừng phạt lây.

Bây giờ điều đó đang trở nên nhãn tiền.

Nhãn tiền, vì Việt Nam chỉ tuyên bố suông. Còn trên thực tế, theo chính nguồn tin của Tổng cục Hải quan Việt Nam, "giả mạo xuất xứ, đóng lại bao bì bất hợp pháp thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm và gỗ ép… từ Trung Quốc".

Trong một bản tuyên bố mới đây, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã lên án thủ đoạn này "làm hại cho uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam". Tình trạng nêu trên được báo chí Việt Nam đề cập rộng rãi nhưng lại không ai rõ, vì sao cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ lại có hành động làm hại mặt hàng Việt Nam chính gốc.

Phân tích số liệu nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ cho thấy là các sản phẩm bị liên lụy bởi thông báo tăng thuế hải quan đã tăng thêm 34%, vượt nhanh hơn các sản phẩm thuộc những chủng loại khác đến ba lần. Hậu quả : thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Mỹ tăng vọt và ngay từ lúc bấy giờ đã hàm chứa một rủi ro lớn.

Kinh tế cũng là chính trị

Nhìn rộng hơn, cách thức Việt Nam gian lận thương mại trong quan hệ với Mỹ trên thực tế đã vi phạm vào một số trụ cột được cho là cơ bản trong chính sách đối ngoại của tổng thống Trump. Đó là chủ trương bảo hộ mậu dịch xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa dân tộc kiểu Mỹ.

Học thuyết Trump là chủ trương bảo hộ mậu dịch với logic thắng thua rõ rệt của chính trị quốc tế được áp dụng vào địa hạt thương mại. Chủ nghĩa thực dụng Trump coi bối cảnh quốc tế là một đấu trường không luật lệ, quy tắc, nơi mà các tác nhân trong thế tranh đua triệt để, hễ có người thắng tức là phải có kẻ thua.

Điều nói trên cũng là một bí mật công khai. Tất cả đều đã được "chốt" trong những văn kiện mang tính hiến định, như Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) 2017 hay Chiến lược Quốc phòng (NDS) 2018. Những văn kiện này ghi rõ kẻ thù và đối thủ của Mỹ là Nga, Trung Quốc và Iran, đồng thời khẳng định quyền của Mỹ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình.

Nói thêm một điều tuy không mới nhưng chẳng thừa. Ngay trên mảnh đất hình chữ S này không ít những kẻ đang khấp khởi mừng thầm nếu con tàu Việt – Mỹ lại "trật đường ray" lẫn nữa. Họ mới chính là "các lực lượng thù địch" thực sự của dân tộc này, của đất nước khốn khó này !

Ngoài miệng hô, làm Việt Nam trở nên hùng cường (để họ cướp được nhiều hơn), nhưng trong bụng thì hướng về Trung Nam Hải, hy vọng (hão) vào "Vành đai con đường", nhất là giờ lại có "BRI 2.O". Họ hy vọng TQ sẽ không xiết nợ, chống tham nhũng. Thật hoang đường ! "Bẫy nợ", "đút lót" và "đội vốn" là thuộc tính của BRI, dù nay mai, Bắc Kinh sẽ phù phép thêm các "BRI 3.0", "BRI 4.0".

Mới mấy tháng đầu năm 2019, với hai số liệu Việt Nam nhập siêu từ Bắc Kinh hàng chục tỷ USD và hàng xuất khẩu qua Mỹ tăng 40 % so với cùng kỳ năm ngoái thì đủ biết Việt Nam đang đứng về phía nào, tiếp tay cho ai gây hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ.

Như dư luận trên các trang mạng xã hội cũng chỉ rõ : Việt Nam đã là làm ngơ cho các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam nhập hàng Trung Quốc gián mác Việt Nam, đồng thời dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập ào ạt và tràn ngập các khu công nghiệp ở trong nước.

Từ lâu đã có nhiều tiếng nói cảnh báo việc này và dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam cho rằng không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ bị Mỹ trừng phạt bởi sự vô trách nhiệm của nhà nước. Tuy nhiên, cũng không mấy ai nghĩ là câu chuyện định mệnh lại đến sớm như thế này. Cuối cùng, chuyện gì phải đến thì sẽ đến. Giờ là lúc Việt Nam phải trả giá.

Nguyễn Hoàng
RFA
Việt Nam muốn thử phản ứng của Mỹ bằng các bản án tù nặng nề cho công dân Mỹ

Trước khi Michael Phương Minh Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt, phải ra tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/6 với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", gia đình ông ở California và những người quan tâm, trong đó có những dân biểu Mỹ, đã hy vọng rằng ông sẽ được trục xuất về Mỹ để đoàn tụ với gia đình ngay sau phiên tòa. Nhưng mọi hy vọng đã bị dập tắt ngay sau phiên tòa khi Michael Phương Minh Nguyễn bị tòa tuyên 12 năm tù và chỉ bị trục xuất sau khi đã thi hành án.


Công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/6/2019 - AFP

Ngay sau phiên tòa, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng và cho biết Đại sứ quán sẽ tiếp tục đấu tranh cho trường hợp của Michael Phương Minh Nguyễn.

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, người đã nhiều lần lên tiếng cùng với những dân biểu khác, đòi trả tự do cho Michael Phương Minh Nguyễn, ra thông cáo báo chí lên án Việt Nam. Thông cáo của dân biểu có đoạn viết :

"Sự thật trong vụ việc này rất đơn giản : một công dân Hoa Kỳ, ông Michael Phương Minh Nguyễn, bị chính quyền Cộng sản Việt Nam kết án nặng nề chỉ vì họ mong muốn răn đe những người Mỹ gốc Việt khác đừng về thăm Việt Nam và đừng truyền đạt đến người dân Việt Nam những tư tưởng mà Cộng sản Việt Nam cho là ‘cực đoan’ như Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền".

Thử phản ứng của Hoa Kỳ

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục tuyên những bản án tù nhiều năm cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước và thậm chí cả những công dân Mỹ, điều không thấy trước đây.

Trước Michael Phương Minh Nguyễn, vào tháng 8 năm 2018, tòa án ở Việt Nam cũng tuyên án hai công dân Mỹ gốc Việt khác mỗi người 14 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", và phải bị trục xuất về Mỹ sau khi thi hành án.

Ông Brad Adams, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, nói với Đài Châu Á Tự Do :

"Chính phủ Việt Nam luôn tìm cách thử giới hạn. Cách họ làm là họ sẽ thử xem phản ứng thế nào. Nếu phản ứng không đủ mạnh thì họ sẽ làm mạnh hơn…. Trong vòng hai năm trở lại đây, chúng ta thấy họ liên tục tuyên các án tù nhiều năm, thậm chí 12 năm, 20 năm chứ không phải 4 hay 5 năm như trước kia. Họ muốn xem họ có mất gì không trong quan hệ với Mỹ và Châu Âu hay Úc. Nhưng họ chỉ thấy những phản ứng không nhất quán. Đôi khi họ thấy những lên tiếng mạnh mẽ từ Đại sứ quán Mỹ, đôi khi là từ Quốc Hội. Nhưng cuối cùng họ muốn xem là Nhà Trắng làm gì. Và Nhà Trắng đã không làm gì".

Sau khi Michael Phương Minh Nguyễn bị bắt vào tháng 7 năm ngoái trong chuyến về thăm người thân ở Việt Nam, gia đình ông đã vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ gây sức ép lên Bộ Ngoại giao Mỹ và chính quyền Việt Nam, đòi phía Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho ông.

Vợ của Michael Phương Minh Nguyễn, bà Helen Nguyễn, thậm chí đã được Dân biểu Katie Porter mời đến dự buổi Thông điệp Liên bang của Tổng thống Donald Trump ở Quốc hội vào ngày 5/2. Vào lúc đó gia đình Michael Nguyễn đã hy vọng, với sức ép của Quốc hội, Tổng thống Donald Trump sẽ nêu vấn đề của Michael Nguyen trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 2 nhân Thượng Đỉnh Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội. Bà Helen Nguyen lúc đó đã nói với Đài Châu Á Tự Do về hy vọng này :

"Tại buổi Thông điệp Liên bang, tôi đã được gặp Chủ tịch Hạ Viện, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Họ sẽ chuyển thông điệp của tôi đến Tổng thống vì Tổng thống sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 2 này. Tôi hy vọng là với việc tôi ở đây và gặp bên Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban đối ngoại thì trường hợp của anh ấy sẽ gây chú ý và giúp anh ấy sớm được trả tự do".

Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội khoảng vài tuần sau đó, hai bên đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại trị giá hơn 20 tỷ đô la. Tuy nhiên vấn đề nhân quyền, và tất nhiên bao gồm cả chuyện của Michael Phương Minh Nguyễn đã không được nói tới.

Nhân quyền có còn là trụ cột trong quan hệ Việt Mỹ ?

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ khoảng 200 triệu đô la trong những 1990s lên xấp xỉ 60 tỷ đô la vào năm 2018. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2013, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng quan hệ hai nước thành Đối Tác Toàn Diện với 9 trụ cột bao gồm nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại đến môi trường, văn hóa, giáo dục. Trong số này nhân quyền cũng được coi là một trụ cột.

Tuy nhiên, theo ông Brad Adams, nhân quyền chưa bao giờ thực sự được coi là trụ cột trong cái nhìn của Việt Nam, mà chỉ là sự trao đổi để Việt Nam đạt được những thỏa thuận khác với Hoa Kỳ.

"Vấn đề nhân quyền là một trụ cột trong quan hệ Việt Mỹ nhưng chỉ có Mỹ coi đây là trụ cột còn Việt Nam thì không. Họ không bao giờ nghĩ như vậy. Họ chỉ ký kết các văn bản để có được các trụ cột khác. Thách thức về phía Hoa Kỳ là duy trì đòi hỏi về vấn đề nhân quyền như điều kiện cho các thỏa thuận khác".

Dưới sức ép của quốc tế trong đó có Hoa Kỳ, và để hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có giai đoạn được nhìn nhận là có tiến bộ nhất định trong vấn đề nhân quyền, nhất là vào giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007. Kết quả là vào năm 2006, Hoa Kỳ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, và vào năm 2007, Việt Nam được chính thức gia nhập WTO.

Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong 2 năm gần đây đã bị cho là xấu đi với hàng loạt các án tù nhiều năm dành cho các nhà bất đồng chính kiến. Theo Ân Xá Quốc Tế, hiện Việt Nam vẫn còn giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm, tăng hơn 30 người so với năm trước đó.

Ông Brad Adams nhìn nhận vấn đề nhân quyền ở Việt Nam luôn là một thách thức đối với Hoa Kỳ và giờ đây còn là thách thức lớn hơn nữa :

"Nhân quyền luôn là một thách thức đối với Hoa Kỳ, ngay cả đối với những chính quyền trước đây vốn gây sức ép nhiều về vấn đề nhân quyền. Và nó thực sự là một thách thức lớn khi mà bạn không quan tâm và chúng tôi không thấy Nhà Trắng có mấy quan tâm đến vấn đề này".

Tổng thống Donald Trump trong lần thăm Việt Nam nhân hội nghị APEC hồi tháng 11/2017 cũng đã bị chỉ trích vì không nêu vấn đề nhân quyền với Việt Nam. Thượng Nghị sĩ John McCain lúc đó đã viết về điều này ngay trên Twitter của mình.

Thương mại và Trung Quốc

Theo ông Brad Adams, điều mà chính phủ của Tổng thống Trump quan tâm nhiều nhất trong quan hệ với Việt Nam là thương mại và an ninh khu vực, mà cụ thể là quan hệ với Trung Quốc.

"Chính phủ của Tổng thống Trump cũng quan tâm đến vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Họ muốn Việt Nam đứng về phía Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Nhưng điều này không thực tế vì Việt Nam sẽ luôn giữ thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam sẽ không nghiêng hẳn về Mỹ hay Trung Quốc".

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian gần đây đã trở nên căng thẳng do những tranh chấp trong vấn đề thương mại và an ninh khu vực mà cụ thể là việc Trung Quốc lấn lướt vai trò của Mỹ ở Biển Đông và Hoa Đông.

Chiến lược An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Trump xác định Biển Đông là khu vực cạnh tranh tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược này cũng xác định Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ trong khu vực.

Tổng thống Trump cũng nhiều lần lên tiếng phàn nàn về vấn đề thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện đang ở mức khoảng 35 tỷ đô la, theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan.

Trong các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng thương mại lên đến hàng chục tỷ đô la với Mỹ.

Trong khi, Nhà Trắng bị chỉ trích là coi nhẹ vấn đề nhân quyền của Việt Nam vì đặt ưu tiên cho vấn đề an ninh và thương mại, Quốc hội Hoa Kỳ hiện được coi là nơi gây sức ép mạnh nhất về vấn đề này đối với cả Bộ Ngoại giao Mỹ và chính phủ Việt Nam.

Phát biểu sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua, Thượng Nghị sĩ Tim Kaine nói, Hoa Kỳ cần phải tiếp tục duy trì vấn đề nhân quyền là trụ cột trong mối quan hệ hai nước :

"Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn đề về di sản của chiến tranh. Chúng ta đã làm đúng và chúng ta có quyền đòi hỏi chiều ngược lại và điều mà chúng ta đòi hỏi đổi lại đó là nhân quyền".

Dân biểu Alan Lowenthal, trong thông cáo báo chí mới đây đã yêu cầu Việt Nam phải bỏ mọi phán quyết và trả tự do ngay lập tức cho Michael Phương Minh Nguyễn. Ông nói việc Việt Nam tiếp tục giam giữ công dân Mỹ "sẽ làm suy giảm quan hệ Mỹ - Việt và khiến Việt Nam bị xa cách với cộng đồng quốc tế"

RFA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages