Tại sao Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc lần này? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Tại sao Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc lần này?


Một dàn khoan Trung Quốc gần tỉnh Sơn Đông. Hình minh họa.

Dư luận trong và ngoài nước tiếp tục nóng lên qua việc Trung Quốc ngang nhiên đem tàu thăm dò địa chấn tới bãi Tư Chính trong hai tuần qua. Hành động này không mới vì nước này từng làm những việc tương tự trong nhiều năm qua đối với nhiều nước trong đó có Việt Nam và Philippines. Riêng với Việt Nam đây là lần thứ hai sau vụ dàn khoan Hải Dương 981 chiếm dụng vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam trong nhiều tuần lễ còn lần này tuy ngắn hơn nhưng bản chất không hề kém.

Truyền thông Việt Nam lặng lẽ chờ Ban tuyên giáo bật đèn xanh trong khi mạng xã hội là nơi phản ứng dữ dội và nhiều người tin rằng lần này chính quyền Hà Nội đã có một thỏa thuận ngầm nào đó nên đành ngậm tăm chờ khi thuận tiện.

Rất may, chỉ hai tuần sau, ngày 19 tháng 7, cơ hội thuận tiện đã tới khiến cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng công bố nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

Quan trọng hơn bà Hằng còn cho biết “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.

Tiết lộ này làm cho cộng đồng mạng phần nào hả hê lẫn … thất vọng, hả hê vì biết đất nước chưa đến nỗi bị đem ra đấu giá nhưng thất vọng vì cách ứng xử của Việt Nam vẫn tồn tại yếu tố “hòa bình và ổn định” là chiếc ổ khóa vạn năng mà Trung Quốc tặng cho Việt Nam sau Hội nghị Thành Đô, đánh dấu một tiến trình mới của hai đảng Cộng sản mà người cầm chiêc chìa mở khóa lại là Trung Quốc.

Nếu Việt Nam bị hòa bình và ổn định khóa chặt mọi nỗ lực vượt ra khỏi tầm khống chế của Trung Quốc thì Philippines, một nước nhỏ hơn Việt Nam nhưng ý chí bảo vệ đất đai lãnh thổ lớn hơn Việt Nam rất nhiều thông qua việc nước này thẳng thừng kiện Trung Quốc vào ngày 22 tháng 1 năm 2013 tại Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) kiện Trung Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền Đường lưỡi bò đối với Biển Đông.

Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. Tòa án tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về Tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tòa cho rằng Trung Quốc không có "các quyền lịch sử" dựa trên cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn". Ngoài ra, việc xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

Trong vụ kiện này người ta chú ý tới một yếu tố đó là Trung Quốc từ chối tham dự vào cuộc phân xử, cho rằng nhiều hiệp ước với Philippines đặt điều kiện cho những đàm phán song phương có thể được thỏa thuận để giải quyết những tranh cãi về biên giới.

Hành động này làm cho giới quan sát quốc tế liên tưởng tới Công hàm Phạm Văn Đồng, một văn bản được xem là “thỏa thuận” quan trọng hạn chế Việt Nam không thể đem Trung Quốc ra tòa như Trung Quốc từng áp dụng với Philippines và vì vậy Bắc Kinh mặc tình tung hoành trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền như vụ Bãi Tư Chính đang xảy ra hiện nay.

Bãi Tư Chính hay bãi cạn Tư Chính, bãi ngầm Tư Chính, tiếng Anh: Vanguard là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông. Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa mặc dù Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa. Khu vực bãi Tư Chính đã nhiều lần là đối tượng tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bãi Tư Chính cách đất liền Việt Nam 220 hải lý về phía đông nam và cách bãi Phúc Nguyên 30 hải lý về phía nam tây nam. Về mặt hành chính, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chính quyền Việt Nam lắp đặt nhà giàn DK1 có cấu trúc thép kể từ năm 1989. Về sau, mẫu nhà giàn được thiết kế lại, rộng rãi và vững chắc hơn, có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu. Hiện có ba nhà giàn đang hoạt động tại Bãi Tư chính. Binh sĩ đồn trú thuộc biên chế Tiểu đoàn DK1, lúc đầu thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân Nhân dân Việt Nam, về sau trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Đây là một thực tế cho thấy Việt Nam đã có mặt và phân định những hoạt động thường xuyên trên vùng biển này từ trước. Nhiều tập đoàn dầu khí nước ngoài có hợp đồng khai thác với Việt Nam đang làm việc tại Bãi Tư chính. Khu vực này có nhiều túi dầu và Việt Nam đang sở hữu.

Qua sự cố tàu Trung Quốc công khai hoạt động trên vùng biển này có thể tác động xấu đến nhận thức của người dân Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến các tập đoàn dầu hỏa quốc tế đang có hợp đồng khai thác dầu khí. Nhận thức của người dân vĩnh viễn cho rằng là một nước có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không thể nào nhịn nhục tới mức bị xem như bán đứng đất đai, chủ quyền cho Trung Quốc qua cách ứng xử như thường thấy, mặc dù người dân rất thông cảm cho sự thua sút về khí tài quân sự của Việt Nam so với Trung Quốc bao nhiêu chăng nữa. Bài học Philippines khiến cho dân chúng Việt Nam mạnh mẽ tin rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì thái độ của Bắc Kinh sẽ thay đổi nhiều phần lợi hơn cho Việt Nam chứ không thể bị Trung Quốc tiếp tục chèn ép tồi tệ như trước đây chỉ đề mang một phần lợi duy nhất về cho Dảng cộng sản Việt Nam.

Trong vụ kiện của Philippines, Ông Dương Danh Huy thuộc nhóm Nghiên cứu Biển Đông nhận định rằng sau khi Hội đồng Trọng tài kết luận quần đảo Trường Sa không có EEZ, trong khi Trung Quốc cũng không được đòi quyền lịch sử trong EEZ của nước khác, thì nếu Trung Quốc lấn lướt trong bãi Tư Chính hay bồn trũng Nam Côn Sơn, chẳng hạn, thì đó không phải là tranh chấp mà là gây hấn trong EEZ và thềm lục địa của nước khác, và cộng đồng quốc tế có thể ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ mà không vi phạm nguyên tắc “không thiên vị bên nào trong tranh chấp”.

Một chuyên gia khác, ông Robert Beckman, giám đốc Chương trình Chính sách và Luật Đại dương, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), có bài viết được đăng lần đầu trên trang The Straits Times sau đó được Nghiên Cứu Biển Đông dịch và in lại cho biết: “Phán quyết của toà trọng tài cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia. Toà trọng tài đã tuyên rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên ở trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác nằm trong đường chín đoạn, và không một đảo có tranh chấp nào được phép có vùng đặc quyền kinh tế của riêng nó, điều đó có nghĩa là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý dựa trên Công ước để yêu sách rằng mình có quyền chia sẻ hoạt động đánh bắt cá hoặc nguồn khí hydrocarbon ở trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước có yêu sách trong ASEAN trong khu vực Biển Đông.

Nếu Trung Quốc tiếp tục xem Biển Đông là sân sau của mình thì Việt Nam cũng không nên tự nguyện làm hàng rào cho cái sân ấy.

Việt Nam không thể hết lần này tới lần khác thúc thủ chịu trận trước sự thách thức của Trung Quốc. Việt Nam không thể chờ đợi ngày mà Trung Quốc yếu đi hay Việt Nam mạnh hơn để có thái độ quyết đoán. Cho dù một vụ kiện như Philippines xảy ra lần nữa thì Việt Nam cũng đã đặt được một viên gạch trước cửa tòa án Quốc tế nói lên sự minh bạch và quyền hạn của mình trước chủ quyền đất nước.

Một vụ kiện Trung Quốc sẽ đánh động lòng yêu nước của nhân dân, sức mạnh duy nhất khiến Đảng có thể tại vị chứ không phải nhờ vào “hòa bình và ổn định” như Trung Quốc mớm lời. Khi dân tin vào chính quyền có ý chí chống lại Trung Quốc là lúc mọi nghi ngờ về sự thỏa hiệp sẽ không có cơ sở tồn tại và vì thế cho dù có khó khăn đi nữa lãnh đạo Việt Nam không thể bỏ qua cơ hội lần này.

Một vụ kiện có thể thay đổi nhận thức của các nước Tây phương về vị thế thật sự của Việt Nam tại sao không làm?


Mặc Lâm
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages