Liệu đã đến lúc phải xét lại chính sách Ba Không?
Giáo sư Tạ Văn Tài nói trong tình hình hiện nay khi mà Việt Nam đang bị Trung Quốc bắt nạt, hăm doa thì Hà nội không nên khăng khăng theo đuổi chính sách Ba Không một cách “cứng ngắc”:
Giáo sư Tạ Văn Tài:
“Tôi nghĩ Việt Nam cần giải thích lại chính sách Ba Không chứ mà quá sợ sệt Trung Quốc đến nỗi bó tay chịu trận trong lúc bị hành hạ, đe dọa, mà không có chính sách quyền biến, giải thích mềm dẻo cái chính sách Ba Không tự nguyện của mình rằng tuy Việt Nam theo chính sách Ba Không để không gây sự với nước khác, nhưng Việt Nam vẫn có toàn bộ chủ quyền ngoại giao và quốc phòng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền độc lập của mình.”
Giáo sư Tạ Văn Tài giải thích rằng Việt Nam có quyền thay đổi chính sách ngay cả trong trường hợp đã ký một hiệp ước quốc tế có tính cách ràng buộc, huống hồ chính sách Ba Không chỉ là một chính sách đơn phương, tự nguyện.
“Về luật pháp, khi quyền lợi quốc gia thay đổi, một nước có thể giải tiêu hiệp ước theo nguyên tắc giải tiêu hiệp ước quốc tế gọi là ‘Rebus Sic Stantibus’. Ba Không chỉ là một chính sách đơn phương do mình đề ra, thế thì khi nào mà quyền lợi bị nước khác đe dọa, thì mình có quyền cộng tác với các nước, hay cường quốc nào có cùng quyền lợi, có thể là đối tác chiến lược đồng hành với mình.”
Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng những điểm vừa nêu có thể phản bác lại các điều khoản mà Trung Quốc âm mưu cho vào dự thảo Quy tắc Ứng xử trên biển (COC) để hạn chế chủ quyền các nước nhỏ hơn ơ Đông Nam Á.
“Đấy là mấy điều nên làm để tránh bị Trung Quốc bắt nạt ngay trong khi đang bàn thảo các điều khoản trong COC, mới là dự thảo thôi, ông Trung Quốc đã muốn hăm trước Việt Nam rồi, không cho Việt Nam làm những điều đó, không cho tập trận chung và không được hợp tác vũ khí với các nước ở ngoài khu vực.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, từng giảng dạy tại Đại học Paris 7 cũng bày tỏ lo ngại về chính sách Ba Không, nói rằng trên thực tế chính sách Ba Không không áp dụng cho Trung Quốc.
“Ở Việt Nam bây giờ nơi nào mà không có người Trung Quốc? Nói Ba Không, nhưng mà nếu chấp nhận người Trung Quốc ở các vùng đặc khu khai thác 99 năm, nếu họ đặt căn cứ quân sự ở đó thì mình làm gì? Nhất là ở Vịnh Bắc Bộ. Khi Trung Quốc đòi Việt Nam cho thuê 99 năm ở bãi Vân Đồn, tôi nghĩ thực sự Trung Quốc đã có mặt ở đó rồi. Họ chỉ lấy cớ xin Việt Nam hợp thức hóa là một hình thức mà thôi, vì hiện nay khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, người Trung Quốc đã có mặt đầy đủ ở đó. Trung Quốc khộng cho ai, kể cả người Việt có mặt quân sự ở đó.”
Tại hội thảo lần thứ 9 về Biển Đông ngày 24/7/2019 ở trụ sở CSIS, Giám Đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ và các nước khu vực không cứng rắn, thì chỉ trong vài năm tới Trung Quốc sẽ kiểm soát được Biển Đông.
Trong một bài viết đăng trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington vào tháng 12 năm ngoái, chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc, Hương Lê Thu, nhận định rằng nếu Việt Nam cứ tiếp tục nhượng bộ vì áp lục của Trung Quốc mà bỏ rơi các dự án khai thác tài nguyên ngay trong EEZ của mình liên doanh với các nước khác như với Ấn Độ và Tây Ban Nha trước đây, thì uy tín Việt Nam sẽ bị tổn hại và về mặt ngoại giao, các nước khác sẽ cảm thấy bị bó tay, khó có thể đường đường chính chính giúp Việt Nam. Chuyên gia này nói Hà nội cần phải gấp rút cập nhật chiến lược quốc phòng của Việt Nam tại Biển Đông.
Hoài Hương
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét