Chuyện nữ giáo viên quỳ trong sân UBND Đắk Lắk - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Chuyện nữ giáo viên quỳ trong sân UBND Đắk Lắk


Hình: Trích xuất từ Giáo Dục Việt Nam.

Hệ thống truyền thông chính thức vừa cung cấp thêm hàng loạt thông tin liên quan đến sự kiện một nữ giáo viên quỳ trong sân UBND tỉnh Đắk Lắk để dâng đơn khiếu nại hồi đầu tuần trước!

Theo đó, cô Nguyễn Thị Hoa Anh, giáo viên trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (tọa lạc tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã kêu oan suốt một năm vì bị điều chuyển vô lý từ trường Tiểu học Võ Thị Sáu đến trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh.

Trả lời tờ Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch thành phố Buôn Ma Thuột, khẳng định, các quyết định điều chuyển mà ông đã ký là “đúng quy định, đúng thẩm quyền và sẽ không thay đổi” (1).

Ông Hưng nêu ra hai lý do có tính quyết định trong việc điều chuyển cô Anh: Chính quyền có quyền điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Mặt khác việc điều chuyển này còn nhằm răn đe những giáo viên vi phạm quy định cấm dạy thêm.

Cô Anh nói khác. Cô bảo rằng, do cô bị chuyển khỏi trường Võ Thị Sáu, hiệu phó của trường này đã phải thay cô đứng lớp trong suốt một năm. Nói cách khác, trường Võ Thị Sáu không thừa giáo viên. Còn trường Đinh Bộ Lĩnh lúc đó không những không thiếu mà sau khi đã chuyển đi hai giáo viên thì vẫn còn… thừa một!

Trong hai người, ông Vũ Văn Hưng và cô Nguyễn Thị Hoa Anh có một người nói dối. Nên tin ông Hưng hay tin cô Anh? Không may cho cô Anh rằng ông Hưng, người ký các quyết định mà cô khiếu nại cũng sẽ là người có thẩm quyền xác định đúng – sai!

Chuyện cô Anh vi phạm quy định cấm dạy thêm còn ly kỳ hơn. Tháng 6 năm 2017, khi cô Anh đang kèm hơn một chục đứa trẻ tại nhà thì đột nhiên có một nhóm người lạ mặt xông vào, tra hỏi cả cô lẫn những đứa trẻ rồi lập biên bản “tổ chức dạy thêm trái phép”.

Trong đám trẻ đó có vài đứa là cháu ruột cô Anh về Buôn Ma Thuôt chơi và được dì kèm, 15 đứa trẻ khác thì khẳng định cô Anh kèm chúng nhưng không lấy tiền. Tuy nhiên những kẻ lạ mặt, tự xưng là thành viên Đoàn Kiểm tra Dạy thêm không chấp nhận.

Có một điểm cần lưu ý, phụ huynh của 15 đứa trẻ ấy đã cùng ký vào một tờ giấy, xác nhận họ là hàng xóm, là người quen của cô Anh. Vì lũ trẻ được nghỉ hè, không có người trông coi, họ gửi chúng cho cô Anh, cô vừa giữ hộ, vừa kèm chúng. Họ nhấn mạnh, chuyện dạy thêm của cô Anh là hoạt động có tính chất từ thiện.

Tờ Giáo Dục Việt Nam đã gặp các phụ huynh để thẩm tra, thêm một lần nữa, tất cả khẳng định, cô Anh trông trẻ giúp, dạy thêm và không thu học phí. Họ trả ơn cho cô bằng bơ, tiêu, cà phê, gà vịt mà họ trồng hay nuôi được (2).

Tuy nhiên chẳng có gì lay chuyển được Đoàn Kiểm tra Dạy thêm và sau đó là UBND thành phố Buôn Ma Thuột. May cho cô Anh, dạy thêm không phải là tội hình sự nên cô không bị… tống giam. Song đã có qui định cấm dạy thêm thì phải có hoạt động… phòng – chống, phải tỏ ra… nghiêm minh và đã… bắt quả tang thì phải có xử lý.

Cô Anh có chồng bệnh tật, mất sức lao động lại có con nhỏ nên UBND thành phố Buôn Ma Thuột không thể xử lý ngay, cô chỉ bị đình chỉ nâng lương trước thời hạn (một đề nghị đã được chấp nhận vì các thành tích cô đạt được trong hoạt động giáo dục). Đến năm 2018, khi con cô lớn hơn một chút, cô mới bị điều đến vùng sâu, vùng xa...

***

Cô Nguyễn Thị Hoa Anh bảo với báo giới, cô kêu oan suốt ba năm vì không muốn mang vết nhơ: Bị kỷ luật do “dạy thêm” – và giống như nhiều công dân khác ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị hàm oan, cô kêu oan ròng rã ba năm mà chẳng ai đoái hoài.

Sáng sớm 6 tháng 8, cô Anh đến trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk xin gặp lãnh đạo tỉnh. Giống như các tỉnh, thành phố khác, Đắk Lắk cũng có “Phòng tiếp dân” nhưng phòng này không có người làm việc sớm, lúc có người thì không nhận đơn, không chấp nhận cho cô gặp lãnh đạo tỉnh, đã vậy, cán bộ lo chuyện tiếp dân còn bảo Bảo vệ đuổi cô về…

Lần quần ở trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk cho đến cuối buổi sáng, cô Anh sụp xuống quỳ ngay trong sân, đội đơn lên đầu… Đến lúc đó cán bộ phụ trách tiếp dân mới cho người chạy ra sân nhận đơn, tránh to chuyện (3)…

Video ghi cảnh cô Anh quỳ - đội đơn lan rộng trên mạng xã hội. Nhiều người thấy tội nghiệp nhưng cũng có nhiều người không hài lòng, họ bảo hành động của cô Anh làm suy giảm phẩm giá của nhà giáo!

Chuyện cô Anh giờ đã rõ. Nếu tại Việt Nam, “phẩm giá” nhà giáo nói riêng, “phẩm giá” công dân nói chung thật sự có giá trị, làm gì có chuyện một đám lạ mặt dám xông vào tư gia của cô Anh kiểm tra, hạch hỏi cả cô lẫn lũ trẻ đang được cô kèm?

Làm gì có chuyện hàng chục phụ huynh khẳng định cô Anh chỉ giúp trông coi, dạy thêm cho con họ trong dịp hè mà không hề thu đồng phí nào nhưng không có viên chức hữu trách nào thèm tin? Làm gì có chuyện phải quỳ - đội đơn mới được “đèn giời soi xét”?

Cũng làm gì có chuyện UBND tỉnh Đắk Lắk lờ đi, không xử lý cán bộ tiếp dân không muốn nhìn mặt công dân, không thèm nhận đơn, đẩy công dân tới chỗ phải quỳ đội đơn? Sau đó UBND tỉnh Đắk Lắk thực thi chức trách bằng cách… “yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại vụ việc, sớm tổ chức đối thoại lần nữa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đương sự”. Đâu phải tự nhiên mà Phó Chủ tịch thành phố Buôn Ma Thuột tỏ ra hết sức tự tin, khẳng định không sai nên sẽ không sửa gì hết!

***

Nếu trong nhận thức của các viên chức thuộc hệ thống công quyền Việt Nam, “phẩm giá” công dân thật sự là điều đáng phải bận tâm, chuyện lãnh đạo các tỉnh không thèm tiếp dân đã không hâm nóng Quốc hội nhiều lần đến thế.

Cuối năm ngoái, thêm một lần nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đề nghị chính phủ chỉ đạo những cá nhân đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải “nghiêm túc thực hiện việc tiếp dân”, xem tiếp dân – giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của thanh tra (4).

Nhiều người từng bảo họ thấy “mát ruột, mát gan” khi ông Vũ Trọng Kim, một đại biểu Quốc hội, tuyên bố: Chủ tịch tỉnh nào không thực hiện được nhiệm vụ tiếp dân thì rời ghế đi (5)! Bao nhiêu chủ tịch tỉnh đã rời… ghế vì khinh dân, kể cả khi dấu hiệu khinh dân như trường hợp của cô Nguyễn Thị Hoa Anh ở Đắk Lắk đã rõ mười mươi?


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages