Hai ngày cuối tháng Bảy ở Michigan, 20 ứng viên Dân Chủ với ủng hộ cao nhất chia làm hai nhóm lại tranh luận về những đề tài quan trọng trong tranh cử sơ bộ/primary để đi tới chọn lựa người đại diện đảng tranh cử tổng thống ở tổng tuyển cử/general đầu Tháng Mười Một 2020. Hệ thống truyền hình CNN tổ chức kỳ tranh luận này theo khuôn mẫu tranh luận Tháng Sáu do hệ thống NBC tổ chức, với bốc thăm mỗi nhóm 10 người được ủng hộ chính trị và tài chính cao nhất.
Bốc thăm tình cờ đặt hai nghị sĩ hàng đầu theo khuynh hướng tự do tiến bộ (bà Elizabeth Warren và ông Bernie Sanders) vào nhóm đầu; nhóm sau gồm người dẫn đầu phía Dân Chủ (cựu Phó Tổng Thống Joe Biden) và nhiều người da mầu. Phía Dân Chủ có thể bị bất lợi: Ở giai đoạn primary, các ứng viên đều phải nhấn mạnh khác biệt giữa mình và tổng thống tại chức, và khác biệt với ứng viên cùng đảng. Lý do chính là người cùng đảng hăng hái đi bầu ở primary muốn thấy những khác biệt. Thêm nữa, vì quá nhiều ứng viên primary họ phải gia tăng cường độ khác biệt, và gia tăng âm độ để được nghe rõ. Hậu quả từ đây là ứng viên va chạm chát chúa và tấn công lẫn nhau, trong khi Tổng Thống Donald Trump chưa có đối thủ cùng đảng.
Cựu Tổng Thống Barack Obama đã cảnh cáo ứng viên đừng “đứng thành vòng tròn bắn nhau”—ai cũng trúng đạn, trừ đối thủ chính của đảng. Sau tranh luận thứ nhì, báo chí nhận xét người thắng tranh luận không phải là ứng viên Dân Chủ mà là ông Trump; người lạc quan lại xem đây là cơ hội cho các ứng viên “thử lửa” để vững chãi hơn khi tới bầu cử chính.
CẤP TIẾN HAY ÔN HÒA?
Hai ứng viên cấp tiến hàng đầu, bà Warren và ông Sanders (đã thua bà Hillary Clinton ở primary 2016) cùng nhóm tranh luận đầu và đứng cạnh nhau trong tranh luận, nhưng thay vì cho thấy khác biệt họ lại bận đối đáp các tấn công từ phía 8 người với khuynh hướng ôn hòa. Đây cho thấy những chia rẽ và khác biệt lớn giữa hai nhóm cấp tiến và ôn hòa về chính sách, ý thức hệ và chiến lược liên quan đến các đề tài y tế, môi sinh, kinh tế và làm thế nào để lấy lại Bạch Ốc từ đảng Cộng Hòa.
Đề tài “Y tế cho mọi người/Medicare for all” được bàn cãi nhiều nhất với hai ứng viên cấp tiến hứa hẹn những biện pháp đắt giá nhằm cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cà mọi người, và “táo bạo” tới mức giẹp bỏ bảo hiểm tư hoàn toàn. Dân chúng vốn ưa chuộng bảo hiểm tư cung cấp bởi nơi mình làm việc, dù đây càng ngày càng đắt giá (thuốc thang, nhà thương, bác sĩ, mức tiền túi đóng góp thêm), trong khi dịch vụ càng ngày càng hạn chế. Để tài trợ cho “Medicare for all” hai ứng viên nhắm vào tiền thuế gia tăng trên giới giầu có, các công ty đại kỹ, thương, tài chính, và giẹp bỏ bảo hiểm tư bóc lột người tiêu thụ—đi ngược hẳn hệ thống “tư bản” bênh vực “nhà giầu.” Ông Sanders nói, “Chúng ta cần tranh cử với nghị lực, hứng khởi và nhìn xa trông rộng.” Bà Warren than phiền ứng viên cùng đảng đã làm mọi nỗ lực để ra tranh cử tổng thống “mà lại e ngại về những gì chúng ta không thể làm, hay không thể tranh đấu cho.” Bà nhấn mạnh, “Những công ty bảo hiểm không có quyền gì đục đẽo $23 tỉ tiền lời từ dân chúng.”
Những ứng viên theo khuynh hướng ôn hòa và thực tiễn lý luận các đề nghị của hai nghị sĩ cấp tiến quá nguy hiểm và chỉ có lợi cho phía Cộng Hòa. Phía Dân Chủ đã thắng thế và lấy lại đa số ở Hạ Viện năm 2018 phần lớn nhờ “Obamacare” (với kết quả hơn 20 triệu người được bảo hiểm y tế) mà phía Cộng Hòa từng chống đối từ 2010 cho đến nay. Họ muốn theo đường lối của ứng viên Biden cải thiện và mở rộng Obamcare đến nhiều tầng lớp dân chúng hơn nữa. Theo họ, hệ thống bảo hiểm y tế hoàn toàn quản trị bởi chính quyền (public option) đi quá xa về phía tả của dân chúng Mỹ, và họ muốn duy trì quyền lựa chọn bảo hiểm tư của những người có khả năng mua, hoặc không muốn public option. Ứng viên Amy Klobuchar khẳng đinh, “Đây là chọn lựa dễ tiến hành nhất;” ứng viên John Hickenlooper đồng ý, “Dân chúng muốn có quyền chọn lựa…Tiến hóa từ từ hơn là cách mạng táo bạo.”
Hôm sau, nhóm ứng viên thứ nhì tiếp tục với chuyện y tế cộng thêm môi sinh cùng yếu tố chủng tộc vì một nửa ứng viên là da mầu. Ông Biden với hơn 40 năm làm dân cử mang nhiều “hành trang chính trị” dễ bị tấn công, chỉ trích theo tiêu chuẩn chính trị, xã hội ngày nay (như kỳ trước bị luống cuống trước tấn công của ứng viên Harris). Tuy nhiên, với kinh nghiệm ông đã phản ứng mạnh mẽ ứng viên Booker, Harris, và Castro về các vấn đề chủng tộc, di dân, và tỏ ra xứng đáng là ứng viên đứng đầu danh sách với khuynh hướng ôn hòa, thực tiễn. Kỳ bầu cử 2016 ứng viên Hillary Clinton lấy được 40% tổng số phiếu từ người da mầu trong khi ông Trump chỉ có 10% ủng hộ. Hiện ông Biden thu tỉ số cao hơn bà Clinton; khác với bà Clinton, ông lại được ủng hộ của người lao động da trắng đã bỏ phiếu cho ông Trump. Thăm dò dư luận sau tranh luận của Viện Đại Học Quinnipiac cho thấy ông Biden dẫn đầu với 32% ủng hộ, bà Warren 21%, ông Sanders 14% và bà Harris 7%. Vận động tại chỗ ở Iowa, ông Biden và bà Warren vẫn dẫn đầu; bà Harris vượt lên trước ông Sanders.
SÚNG ĐẠN VÀ “KHỦNG BỐ NỘI ĐỊA”
Tháng Tám đặt ông Trump vào bối cảnh tranh cử tiêu cực: Súng đạn mà ông ủng hộ, và tàn sát người di dân từ Trung và Nam Mỹ (Latino) mà ông bị xem là có trách nhiệm lớn. Ba vụ thảm sát bằng súng nhà binh ở California, Texas và Ohio trong một tuần với hơn 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương ảnh hưởng vào tranh cử; riêng vụ tấn công lớn ở Texas nhắm vào người Latino bị chú ý nhiều vì liên hệ đến hiện tượng người Mỹ da trắng khủng bố người da mầu. Nghi can là một thanh niên da trắng với súng tự động và hàng trăm viên đạn giết hại 22 và gây thương tích cho cả chục người tại khu shopping cuối tuần. Hắn lái xe 9 tiếng tới El Paso để “ngăn chặn người Latino xâm lăng” Texas—y hệt lời ông Trump tranh cử, lập đi lập lại nhằm xách động “base/cử tri trung kiên” của mình.
Đây là lý luận thuộc loại kỳ thị kiểu “da trắng độc tôn/white supremacy” siêu đẳng, cai trị tất cả giống da mầu. Hiện tượng “white supremacy” đã có từ thời lập quốc Mỹ cho tới nay, với người da trắng từ Châu Âu đến tàn sát và chiếm đất người bản xứ, bóc lột lao động nô lệ gốc Phi Châu phát triển đất nước, thuộc địa hóa các nước Latino, chiếm đất của Mexico, bóc lột người “cu-li” Á Châu xây đường xe hỏa, bố ráp người Nhật vào trại tập trung. Ngày nay dân gốc Á “ xuất sắc về khoa học, kỹ thuật,” nhưng hiếm người làm quản trị, và “nhân công Latino rẻ mạt” rất thịnh hành trong canh nông và kỹ nghệ. Một ngày sau thảm sát, ông Trump đọc bài lên án kỳ thị chủng tộc, xem vụ thảm sát El Paso là một tấn công vào “đất nước chúng ta, và một tội ác đối với tất cả mọi người,” rồi thêm “Thù ghét không có chỗ trong nước Mỹ. Chúng ta phải đồng lòng lên án kỳ thị mầu da, chủng tộc, và da trắng độc tôn.”
Dân chúng và phía Dân Chủ “chưng hửng” và phẫn nộ vì từ trước tranh cử, và khi trở thành tổng thống ông Trump chính là người không ngừng thúc đẩy, kêu gọi người ủng hộ mình với những lời nói và chính sách đầy kỳ thị chủng tộc, mầu da và tôn giáo. Đi vào tranh cử 2020 ông lại chọn gia tăng cường độ chia rẽ, thù ghét và bạo hành chủng tộc như cách lấy phiếu ưa chuộng và bảo đảm nhất. Báo giới lập lại những lời nói, hành động trước đây chứng minh điều này và dân chúng than phiền những gì ông nói thúc đẩy bạo hành—như tại mit-tinh gần đây ở Florida ông chỉ cười khi đám “base” đe dọa bắn chết người vượt biên. Trên Facebook ông đã cho chạy quảng cáo tranh cử 2,200 lần về “xâm lăng từ nam biên giới.”
Cựu dân biểu El Paso và ứng viên tổng thống Pete O’Rourke tố cáo, “Chỉ một kẻ kỳ thị chủng tộc, thúc đẩy bởi sợ hãi, mới chứng kiến thảm sát—và thay vì chống đối thù ghét lại chọn đứng cùng với kẻ tàn sát tập thể kêu gọi làm nước Mỹ trắng trở lại.” Ứng viên Joe Biden thẳng thừng, “Tổng thống tỏ ra yếu đuối. Và sai lầm hoàn toàn. Da trắng độc tôn không phải là bệnh tâm thần, và súng đạn là dụng cụ người da trắng độc tôn sử dụng để biểu dương thù ghét.” Dân biểu El Paso, Veronica Escobar nhận xét, “Lời nói đưa đến những hậu quả. Tổng thống dùng ngôn ngữ biến cộng đồng chúng tôi thành kẻ thù. Ông nói chúng tôi là người đáng sợ, đáng ghét;” bà yêu cầu ông đừng thăm viếng El Paso. Tổng Thống Obama, người cố tránh phê bình ông Trump, cũng phải lên tiếng về quá nhiều thảm sát, kêu gọi thay đổi luật lệ súng đạn; ông yêu cầu dân chúng “mạnh mẽ gạt bỏ ngôn ngữ từ mồm miệng của bất cứ người lãnh đạo nào quạt phẩy sợ hãi và thù hận, hoặc bình thường hóa da trắng độc tôn.”
Về việc hạn chế súng đạn, ông Trump lại bào chữa kiểu người ủng hộ súng đạn thường dùng, súng đạn không giết hại ai cả, chỉ có đầu óc “điên khùng và thù ghét bóp cò khẩu súng.” Lý luận “khẩu súng không biết bóp cò” đã là trò cười cho cả thế giới, lắc đầu ngao ngán về súng đạn và bạo hành bừa phứa ở Hoa Kỳ. Đây cho thấy ông đứng với hội súng đạn NRA kịch liệt chống đối hạn chế súng đạn và cương quyết không cho “điều tra lý lịch/bachground check” người mua. NRA gồm 5 triệu hội viên với tiền bạc mạnh mẽ ủng hộ Tranh Cử Trump $30 triệu kỳ trước. Họ dùng lá phiếu và tiền bạc rất hữu hiệu: Chỉ ủng hộ và bỏ phiếu theo một tiêu chuẩn có ủng hộ súng đạn không.
Sau 250 thành phố Mỹ bị thảm sát bởi súng đạn (kể cả 20 trẻ em bắt đầu tiểu học ở Sandy Hook), background check không nhúc nhích. Sau thảm sát 2018 tại một trường trung học ở Florida Hè năm ngoái, ông Trump buộc phải hứa hẹn background check, nhưng sau khi gập Chủ Tịch NRA Wayne LaPierre ông đã giẹp mọi chuyện qua một bên. Hai dự luật (background check mọi mua bán, tăng thời gian xét lý lịch) từ phía Dân Chủ (Hạ Viện) từ đầu năm vẫn nằm nguyên ở Thượng Viện (Cộng Hòa) với Chủ Tịch Mitch McConnell không nhòm ngó tới vì sợ mất lòng NRA kỳ tái cử 2020 tới. Trong khi mức dân chúng ủng hộ background check lên cao (92% dân chúng nói chung), tổng thống hứa dù Thượng Viện thông qua dự luật, ông sẽ phủ quyết để đây không thể thành luật. Trong khi FBI cảnh cáo về mức bành trướng ghê gớm của “khủng bố nội địa” bởi những nhóm white supremacy với mức tác hại hơn “khủng bố Hồi Giáo,” tổng thống cắt giảm ngân sách và nhân sự chống “khủng bố nội địa” để dồn vào “khủng bố từ ngoài vào.”
DĐTK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét