Sau hí hửng EVFTA, chóp bu CSVN phải đối mặt với điều gì? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Sau hí hửng EVFTA, chóp bu CSVN phải đối mặt với điều gì?


Ông Nguyễn Văn Đài (thứ hai từ phải) khi đến Brussel, Vương quốc Bỉ trong trong hai ngày 9 và 10 Tháng Bảy để vận động các nghị sĩ trong Nghị Viện Âu Châu quan tâm đến tình trạng nhân quyền rất xấu tại Việt Nam trước khi xem xét thông qua EVFTA. (Hình: Viettin.de

Sau cơn đắc chí được ký kết không chỉ EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) mà còn cả EVIPA (Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư Với Liên Minh Châu Âu) tạm lắng xuống, giờ đây chính thể độc tài Việt Nam có lẽ không còn quá hí hửng khi nhận ra họ mới chỉ bò được một đoạn trong số những đoạn đường để mới có thể “ăn” được hai hiệp định thương mại mang tính cứu cánh chế độ chính trị đó.

Cửa ải mới

Ngay trước mắt là một cửa ải mới: làn sóng vận động trong giới nghị sĩ Châu Âu – nhằm gây áp lực chính thể Việt Nam phải cải thiện nhân quyền – đang hình thành một cách có hệ thống và có trách nhiệm.

Làn sóng này được cung cấp thông tin, xúc tác và hỗ trợ bởi nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và người Việt hoạt động về nhân quyền trên thế giới.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người được trả tư do trước thời hạn vào năm 2018, bị chính quyền Việt Nam tống xuất ra nước ngoài và hiện đang cư trú ở Đức, cho biết có tới gần 60% số nghị sĩ được bầu mới trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào Tháng Năm, 2019. Phần đông các nghị sĩ này không thích các chế độ Cộng Sản, đặc biệt họ rất phẫn nộ khi nghe tới các vi phạm nhân quyền.

Cần nhắc lại, nghị viện Châu Âu đã được bầu cử lại với nhiều gương mặt nghị sĩ mới thay thế cho những nghị sĩ cũ. Gương mặt mới lại đại diện cho quan điểm và cách nhìn mới về các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề Việt Nam và tình trạng vi phạm nhân quyền cực kỳ trầm trọng tại đất nước bị ví là “lệ tuôn hình chữ S” này.

Vào gần trung tuần Tháng Bảy, 2019, tức chỉ ít ngày sau khi Liên Minh Châu Âu (EU) và Hà Nội ký hai hiệp định EVFTA và EVIPA, nhóm vận động của Luật Sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài đã đến thủ đô Brussel của Vương Quốc Bỉ, nơi đặt trụ sở của EU.

Nhóm này đã gặp các nghị sĩ đang làm việc trong lĩnh vực nhân quyền và thương mại, đặc biệt có sự hiểu biết và quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam và cũng có ảnh hưởng tới các nghị sĩ khác trong nghị viện Âu Châu. Trong số đó có Nghị Sĩ Pascal Durand đại diện của CH Pháp, Nghị Sĩ Ismael Ertug và Nghị Sĩ Anna Cavazzini đại diện của CHLB Đức, Nghị Sĩ Miapetra Kumpula Natri đại diện của Phần Lan, Nghị Sĩ và là Tân Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Maria Arena đại diện của Vương Quốc Bỉ, cô Miriam Lena Horn cố vấn chính sách thương mại cho Nghị Sĩ Joachim Schuster.

Khi nghe nhóm của Luật Sư Nguyễn Văn Đài trình bày về những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, sự hủ bại, tham nhũng của chế độ Cộng Sản, đặc biệt là việc đàn áp các tù nhân lương tâm trong các nhà tù, các nghị sĩ đều rất bất bình, thậm chí phẫn nộ. Các nghị sĩ đều hứa sẽ quan tâm đặc biệt tới tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và cũng sẽ chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp của họ. Các nghị sĩ sẽ chuyển các câu hỏi và các yêu cầu để phái đoàn của Ủy Ban Thương Mại EU chất vấn nhà cầm quyền CSVN trong chuyến làm việc ở Việt Nam dự kiến vào Tháng Mười tới đây.

Cũng theo Luật Sư Đài, tân Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Maria Arena đã hứa sẽ tổ chức buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam để giúp các nghị sĩ trong nghị viện Âu Châu hiểu rõ hơn về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và để họ có quyết định đúng đắn về EVFTA.

Nghị quyết 2018/2925 (RSP) sẽ bị vô hiệu?

Để EVFTA được thông qua, chỉ cần có sự chấp thuận của các cơ quan như Ủy Ban Thương Mại Châu Âu, cộng đồng Châu Âu và cuối cùng là nghị viện Châu Âu.

Nhưng tỷ lệ áp đảo hơn 60% nghị sĩ Châu Âu với những gương mặt mới là một ẩn số không thể đoán định trước. Nếu chính thể Việt Nam đã có thể vận động được một số nghị sĩ Châu Âu trong nghị viện cũ nhằm ký kết EVFTA và EVIPA, tương lai những nghị sĩ mới có bỏ phiếu thông qua hay không đối với hai hiệp định này là không thể biết trước, và Hà Nội cũng không có nhiều thời gian để lân la làm quen lẫn lobby hành lang như cái cách mà họ đã làm đối với Eurocham (Phòng Thương Mại Châu Âu) ở Hà Nội và lợi dụng cơ quan này để bắc cầu lobby một số nghị sĩ trong nghị viện Châu Âu (cũ).

Còn với EVIPA thì lại “rách việc” hơn nhiều. Khác nhiều với EVFTA, EVIPA mới chính là cái mà một chính thể luôn muốn “ăn sẵn” và “ăn đậm” như Việt Nam cần kíp. Nhưng muốn có được EVIPA để mang lại lợi nhuận cụ thể chứ không phải một thứ danh dự trừu tượng và an ủi như EVFTA, Việt Nam lại cần “vận động” đủ 28 quốc gia thành viên của khối EU, mà nếu 4 trong số các quốc gia đó không đồng ý thì EVIPA không thể được ký kết và phê chuẩn, cũng đồng nghĩa với EVFTA sẽ “toi” dù có được EU phê chuẩn.

Trong dĩ vãng gần, đã có tiền lệ về việc giới nghị sĩ Châu Âu lên tiếng cảnh báo và cảnh cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Đó là cuộc điều trần EVFTA – nhân quyền tại Brussel vào Tháng Mười năm 2018.

Trong cuộc điều trần trên, nhiều nghị sỹ đã yêu cầu Việt Nam phải sớm thông qua 3 công ước còn lại của Công Ước Quốc Tế về Quyền Lao Động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam một khi có công đoàn độc lập.

Trong khi điều mà những người tham gia muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết, ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA, thì phái đoàn Việt Nam tham dự cuộc điều trần trên đã không thể trả lời và đánh bài lờ.

Một trong những đại biểu – bà Granwander Hainz – đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể…

Thế nhưng cho đến ngày 30 Tháng Sáu, 2019 khi đặt bút ký kết hai hiệp định EVFTA và EVIPA tại Hà Nội, chỉ mới một phần rất nhỏ trong toàn bộ nội dung rất rộng và sâu của bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2018/2925 (RSP) do nghị viện Châu Âu tung ra vào giữa Tháng Mười Một, 2018 được phía Việt Nam đáp ứng. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào Tháng Sáu, 2016.

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925 (RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Trước yêu cầu phải ký 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), chính thể Việt Nam đã chỉ mang ra quốc hội bàn việc ký và phê chuẩn Công Ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động, còn Công Ước 105 về chống cưỡng bức lao động được hứa hẹn ký vào năm 2020. Nhưng bỉ bôi nhất vẫn là Công Ước 87 – công ước then chốt quy định bắt buộc về quyền của người lao động được tự do thành lập công đoàn độc lập – bị phía Việt Nam treo đến năm… 2023.

Nhưng chẳng có gì chắc chắn là đến năm đó Công Ước 87 sẽ được ký. Và nhất là sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc.

Còn việc sửa đổi Bộ Luật Lao Động và Luật Công Đoàn cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm “công đoàn độc lập,” trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước.

Trong khi đó, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Công an Việt Nam vẫn liên tiếp bắt bớ và hành hung dã man những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Vẫn chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một “cải thiện nhân quyền” nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế…

Kẻ mò mẫm trong đêm trường tối thẫm

Những bằng chứng không thể chối cãi về vi phạm nhân quyền, cộng với tình trạng đàn áp bất đồng chính kiến ngày càng “vươn lên một tầm cao mới” của chính thể độc tài ở Việt Nam chắc chắn sẽ là những gì mà nhiều nghị sĩ EU không thể bỏ qua khi cân nhắc bỏ phiếu có thông qua hay không Hiệp Định EVFTA. Một cái gật đầu dễ dãi của nghị viện Châu Âu đối với EVFTA sẽ phủ nhận toàn bộ bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam của chính cơ quan này yêu sách vào Tháng Mười Một năm 2018, khiến uy tín lẫn hình ảnh của nghị viện Châu Âu bị giảm sút không ít trong đánh giá của cộng đồng quốc tế.

Cũng những bằng chứng sống động cay đắng về đàn áp nhân quyền trên sẽ là quá đủ để khiến nhiều Quốc Hội ở những quốc gia trong khối EU, đặc biệt là Đức, Slovakia, Czech – những quốc gia hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp bị biến thành nạn nhân của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – thậm chí sẽ có thể phải ban hành những nghị quyết riêng của từng nước về nhân quyền Việt Nam, trải thêm hàng tá hoa hồng có gai nhọn trên “đường cao tốc nối Việt Nam với EU” (câu ví von của quan chức thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) mà giới chóp bu Hà Nội đang mò mẫm trong đêm trường tối thẫm.


Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages