Buồn lo nhưng ‘không bỏ cuộc’, dân Hong Kong ‘mong thế giới thức tỉnh’ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Buồn lo nhưng ‘không bỏ cuộc’, dân Hong Kong ‘mong thế giới thức tỉnh’


Ngày Trung Quốc công bố việc thiết lập luật an ninh mới, nhà lập pháp Tanya Chan gọi đó là "ngày buồn thảm nhất trong lịch sử Hong Kong."


Barcroft Media

Trong khi đó, đồng nghiệp của bà, ông Dennis Kwok nói luật này, khi được áp dụng sẽ là ''sự cáo chung của Hong Kong."

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt hôm 24/5 từ Hong Kong, luật sư Wilson Leung, một thành viên của nhóm Progressive Lawyer Group, cho biết không khí Hong Kong lúc này ''đau buồn, chán nản và đầy lo lắng.''

''Điều này cực kỳ gây sốc, và dấu hiệu cho thấy nó là đòn chí tử giáng xuống chính sách 'một quốc gia, hai hệ thống'' và sự tự trị của Hong Kong. Kế hoạch của Bắc Kinh là áp đặt khái niệm rất hà khắc về an ninh quốc gia của Đại lục lên Hong Kong.'' LS Wilson Leung chia sẻ.

Luật an ninh sắp được Trung Quốc thông qua sẽ cấm bốn hành động gọi là "phản quốc, ly khai, dụ dỗ và lật đổ". Luật sư Wilson Leung cho rằng tất cả những điều này ''sẽ được dùng để bóp chặt tiếng nói của người dân''.

''Cái sốc đầu tiên là cách mà Bắc Kinh làm điều đó, họ trực tiếp đưa ra một nghị định cho Hong Kong, thay vì hội đồng lập pháp riêng của Hong Kong tự mình làm ra luật.''

''Đây là việc sức đáng quan tâm, vì nó cho thấy Bắc Kinh thản nhiên nói chúng ta sẽ làm luật tại Bắc Kinh, rồi sau đó ra lệnh cho Carrie Lam thi hành.''

''Điều này vi phạm Luật Cơ Bản, quy định là Bắc Kinh chỉ có thể làm những luật liên quan đến quốc phòng, đối ngoại và các vấn đề nằm ngoài sự tự trị của Hong Kong. Khi được thiết lập Luật Căn Bản chứa một bảo đảm ngăn chặn hành động ban hành luật trực tiếp như luật an ninh đang được đưa ra. Vấn đề là Bắc Kinh là bên phải thực thi luật này, nhưng họ đang cứ phớt lờ bộ luật này đi.'' Ông nhận định.




Phản ứng trước sự kiện này, một thành viên của Hong Kong Civil Assembly Team, tự xưng là Victor W. (tên đã được đổi), nói với BBC News Tiếng Việt hôm 23/5:

''Chúng tôi vẫn nghĩ là Luật An ninh Quốc gia sớm hay muộn cũng sẽ được ban hành. Quyết định đưa ra điều đó ngay lúc này cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc không có cách nào khác để đối phó với các cuộc biểu tình của Hong Kong hơn là sử phải dụng các biện pháp cực đoan. Điều này cho thấy chương trình nghị sự thực sự đằng sau cái gọi là ''Một quốc gia, Hai hệ thống''. Tôi hy vọng thế giới sẽ hiểu rằng đảng CSTQ không định giá cao lời hứa của mình và tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc.''


Chính trị gia Tanya Chan (Trần Thục Trang) (giữa) nói rằng đây là "ngày buồn thảm nhất trong lịch sử Hong Kong" / AFP

Thế giới có giúp được gì?

Nói đến ảnh hưởng thế giới, ông Wilson Leung phân tích:

''Rất không may, theo cách Luật Cơ Bản được thiết lập, nếu Đại biểu Nhân dân Trung quốc quyết định điều gì, không có ai có thể ngăn cản được họ, bởi vì theo hệ thống này, họ có quyền tối thượng để diễn bất cứ điều khoản nào của Luật Cơ Bản theo bất cứ cách nào họ muốn.''




''Dường như Bắc Kinh nghĩ rằng thế giới bị tàn phá bởi Covid-19, vì vậy họ nghĩ rằng thế giới không chú ý và ngay cả nếu chú ý, thế giới sẽ không phản đối họ, vì tất cả đều dựa vào Trung Quốc cho những thiết bị bảo vệ.''


Luật sư Wilson Leung: ''Chúng tôi hy vọng thế giới sẽ thức tỉnh và gây áp lực cực kỳ mạnh mẽ lên Bắc Kinh để Bắc Kinh đừng giết chết Hong Kong.'' / Facebook
''Chúng ta đã thấy hành động hung hăng của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan với chiến đấu cơ, ở Biển Đông với các tàu chiến. Tôi nghĩ kế hoạch của Bắc Kinh bây giờ là hành động quyết liệt nhất có thể và họ đánh cược rằng thế giới sẽ nhượng bộ như thường lệ.''

''Chúng tôi hy vọng thế giới sẽ thức tỉnh và gây áp lực cực kỳ mạnh mẽ lên Bắc Kinh để Bắc Kinh đừng giết chết Hong Kong, đừng giết chết Hong Kong như một trung tâm tài chính quốc tế.'' Ông bộc bạch.

''Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện một số động thái, cũng đã có một tuyên bố chung lên án Trung Quốc và nói về các biện pháp trừng phạt có nhiều người ký, nhưng hồ sơ của phần còn lại của thế giới rất đáng tiếc là không quá ấn tượng.''

Và vạch ra:

''Rất không may, Vương quốc Anh đã phần lớn vắng mặt trong việc đứng lên bảo vệ Hong Kong, mặc dù đó là nước đã trao Hong Kong cho Trung Quốc và là nước đã ký Tuyên bố chung với Trung Quốc về số mệnh của Hong Kong. Anh quốc đã đưa ra những tuyên bố khá ôn hòa và không làm được gì cả, còn EU thì dường như chưa thức dậy để có bất kỳ lập trường mạnh mẽ nào chống lại Trung Quốc.''

Tâm trạng người Hong Kong

Được hỏi về tâm trạng người dân Hong Kong lúc này, thành viên HKCAT Victor W. nói: ''Hong Kong khác biệt với đại lục vì ở đây chúng tôi có tự do ngôn luận và thông tin không bị kiểm duyệt.''




''Nhưng sau khi luật an ninh Trung Quốc được ban hành, đảng CSTQ có thể cấm bất cứ điều gì nhân danh an ninh quốc gia. Sẽ không còn chút tự do phát biểu nào nữa. Chúng tôi lo lắng rằng Hong Kong sẽ trở thành một thành phố hạng hai khác của Trung Quốc, không còn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài.''

Luật sự Wilson Leung tỏ lộ:

''Nhiều người Hong Kong lúc này đang ở trong tâm trạng khốn khổ, đã khốn khổ nhiều từ năm ngoái với sự đàn áp dữ dội lên các người biểu tình. Nhưng bây giờ thì chúng tôi đang hết sức lo buồn, tôi đọc được ở đâu đó rằng số lượng truy cập trên internet về từ ''nhập cư'' đã gia tăng đáng kể, và cuộc thảo luận giữa nhiều người dân Hong Kong là, có phải đã đến lúc phải rời Hong Kong?''

Theo trang Hongkongfp, số người truy cập thông tin về từ ''nhập cư'' tăng lên hơn nhiều chục lần trong mấy ngày qua. Chuyên gia phân tích dữ kiện Joe Lee cho biết có tương quan chặt chẽ giữa truy cập về nhập cư với ''luật an ninh quốc gia Trung Quốc''.

Trong khi đó một công ty dịch vụ di trú nói với trang Hongkongfp rằng số người gọi đến văn phòng họ để hỏi về việc di chuyển qua Đài Loan trong cuối tuần qua đã tăng gấp 10 lần.

Janice Ho (không phải tên thật), một thành viên chuyên thiết kế những posters của phòng chat Telegram 'Kwan Kung Temple - Hongkongers' Press Room', cho BBC News Tiếng Việt là gia đình cô cũng đang ''tìm đường ra khỏi Hong Kong''.

''Ba mẹ tôi nhắm đến Đài Loan vì Đài Loan gần Hong Kong, cũng nói tiếng Trung Hoa và có thể chế dân chủ.''

''Tôi không nói gì với họ, nhưng thâm tâm thì không muốn bỏ những người bạn cùng chí hướng. Làm sao có thể xuôi tay để mặc cho Hong Kong bị tước mất quyền tự trị được? Hong Kong lẽ ra phải được độc lập cho đến năm 2047. Bắc Kinh đang muốn thu ngắn 27 năm chỉ bằng một bộ luật.''




'Không bỏ cuộc'

''Ngay sau khi luật an ninh mới có hiệu lực, những tài liệu ''nhạy cảm'' trên internet sẽ bị cấm, và sau đó những phòng chat như LIHGK và Telegram cũng sẽ bị cấm.'' Victor W. tiên đoán.

Được hỏi về dự định tương lại, Victor W. trả lời:

''Chúng tôi hiện chưa có một kế hoạch cứng nhắc gì ngay bây giờ. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng và tiếp tục tổ chức các sự kiện đòi năm yêu cầu và cố gắng tìm sự hỗ trợ của quốc tế.

''Vâng, chúng tôi sẽ tiếp tục với cuộc chiến của mình.'' Victor W. khẳng định.

Chính những khẳng định không bỏ cuộc như của Victor W. và Janice Ho khiến nhiều người lo lắng. Luật sư Wilson Leung bày tỏ ưu tư:

''Luật an ninh Trung Quốc sẽ có một ảnh hưởng cực kỳ khắc nghiệt với những điều bạn nói và nơi bạn có thể nói, vì chúng ta biết rằng Bắc Kinh áp dụng khái niệm an ninh quốc gia mông lung này để đè bẹp bất kỳ ý kiến trái chiều nào.''

''Sẽ rất nguy hiểm cho bất cứ ai bày tỏ sự chống đối với chính quyền Hong Kong và nhất là chống đối với Bắc Kinh, vì chúng ta đã thấy họ sẽ bị gán tội ''lật đổ chính quyền.'' Họ đã kết tội này cho nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba và bắt ông chịu án tù 11 năm, trong khi điều duy nhất ông làm là soạn một thỉnh nguyện thư để đề nghị cho dân Trung Quốc được dân chủ hơn.''

''Tôi sợ rằng sau này các cuộc biểu tình lớn sẽ phải đối mặt với sự đàn áp tàn bạo và bạo lực khó hình dung được.''

''Điều đáng quan tâm là Hong Kong có rất nhiều người trẻ can đảm quyết tâm là họ sẽ nhất định đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi phục sự can đảm của họ, nhưng lo rằng trong trường hợp này, việc chống đối có dẫn đến đổ máu. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định muốn hành xử thế nào của Bắc Kinh.''

Ông một lần nữa nhắc lại mong ước của mình, và có lẽ cũng của nhiều người dân Hong Kong khác:

''Vì vậy chúng tôi hy vọng thế giới sẽ thức tỉnh để làm nhiều hơn những gì họ đã làm trong quá khứ.''

Nhưng liệu thế giới có thức tỉnh?


© Tina Hà Giang
    BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages