Tưởng đây là câu hỏi thuộc về người rành rõi điều tra và hơn hết, đây phải là một câu hỏi dành cho chuyên gia thẩm vấn, điều tra án. Nhưng, nghiệt nỗi, tại Việt Nam, câu hỏi này không dành cho các chuyên gia đó.
Vì ít nhất là từ mười lăm năm trở lại đây, các trường nghiệp vụ an ninh tại Việt Nam đã có những chuyên gia đứng lớp, và các môn đồ của họ sẽ không rơi vào tình trạng làm việc bắt quờ như các đồng nghiệp của họ ở các cơ quan công an, tòa án và viện kiểm sát. Cách đây hơn hai mươi năm, cả 64 tỉnh thành, có không quá 50 chuyên gia an ninh có nghiệp vụ điều tra, phá án và thẩm vấn, nếu nói không ngoa. Trước đó nữa, năm 1987 đến 1990, có đến hơn 300 suất cán bộ tòa án, an ninh và viện kiểm sát cấp tỉnh được đưa sang Liên Xô để đào tạo nghiệp vụ. Hầu hết trong số họ là không biết tiếng Nga và cũng không có trình độ phổ thông, họ là những cán bộ miền Bắc, học hết i tờ, chuyển sang chuyên tu, tại chức. Nên việc sang Liên Xô để học chuyên môn trong sáu tháng có vẻ như là để đi chơi, để ăn uống theo tiêu chuẩn cao hơn và khi trở về, ai cũng mập ú, trắng trẻo, nhưng nghiệp vụ cũng không có gì mới.
Sau khóa này, có nhiều khóa đưa sang Cu Ba, nhưng hầu hết trở về Việt Nam đổi nghề, chuyển sang buôn bán, kinh doanh hoặc làm thơ, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là một ví dụ. Thiều vào nghề công an, được đưa sang Cu Ba đào tạo nghiệp vụ nâng cao, ông sang đó nghiên cứu về thơ ca và khi trở về thành một thi sĩ, làm quan chức hội nhà văn. Nhưng dù sao, trong khóa sau này, tức là khóa của lớp Nguyễn Quang Thiều, thành phần được cử đi có trình độ đại học, có chuyên môn hơn so với lớp trước.
Và đồng thời với các khóa được đưa đi nước ngoài (thành phần xuất sắc), ở trong nước, các huyện cử cán bộ vào Đà Lạt để đào tạo nâng cao, sau này về đảm nhận chức chánh án ở các tòa án huyện mới tách. Thành phần này có thể nói là dốt một cách đáng sợ bởi không có trình độ, không có chuyên môn, nguy cơ rớt khỏi ngành công an, tòa án là thấy trước mắt nhưng lại khéo luồn lách để được học và giữ ghế, nâng ghế.
Đương nhiên là chuyên môn của lớp này cũng được đào tạo bởi các khóa bên ngoài, riêng các khóa về thẩm vấn và điều tra án theo lối truyền thống từ thời lực lượng công an hình thành tại Việt Nam là không có gì đáng bàn. Nên nhớ, theo lối truyền thống thì công an Việt Nam chỉ giỏi sở trường bu bám đối tượng, điểm mặt từng đối tượng và có thể biết được nhiều thông tin xã hội nhờ lực lượng vệ tinh dày đặc của họ.
Xin mở rộng về chuyện vệ tinh, nói tới lực lượng vệ tinh thì công an Việt Nam tinh khôn ngoài mức tưởng tượng, chính lực lượng cảnh sát giao thông là cái lò đào tạo lực lượng vệ tinh chứ không phải lực lượng nào. Lực lượng cảnh sát giao thông được bật đèn xanh để nhũng nhiễu, làm khó với bất kì người đi đường nào và quyền hô biến thành mọi thứ lỗi cho người đi đường, họ thành hung thần, hắc thần của bất kì lực lượng lao động vận tải, vận chuyển nào. Chính vì thứ uy lực này, họ có cái quyền ưu tiên cho lực lượng xe thồ, xe ôm có thể phạm lỗi mà được tha, họ nuôi lực lượng xe ôm, xe thồ bằng cách không bắt bớ, mở cho sinh đạo để chở ba hoặc vi phạm nhẹ… Thậm chí, thi thoảng còn cho các xe thồ, xe ôm vài ký gạo, vài chục ngàn đồng… Và bù vào đó, khi cần, chính các cảnh sát giao thông sẽ đến gọi các xe ôm, xe thồ cầm dùi cui, cầm gậy gộc đi trấn áp, đi đập phá, gọi là giải tỏa đền bù… Và những ngày trấn áp, đập phá này, các xe ôm, xe thồ (gồm cả cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa) được trả lương hậu hĩ. Ngoài ra, lực lượng này còn được đưa vào bán chính qui và có khen thưởng.
Và chính lực lượng cảnh sát giao thông cũng mở cửa, ưu tiên cho giới giang hồ, đầu gấu được đi lại một cách thoải mái (đừng nghĩ họ sợ), không đội nón bảo hiểm, nẹt pô, chạy ngược chiều… để thị uy với đám đàn em tép riu. Mà nhờ thị uy được như vậy nên đám đầu gấu dễ thâu nạp đàn em và mở rộng địa bàn. Còn cấp cao hơn của chúng thì làm việc với lực lượng hình sự, lực lượng chống tội phạm. Đương nhiên là đôi bên có ăn chia và chẳng bao giờ là liên kết bền vững, có thể hôm nay khoác tay nhau vào quán, ngày mai hốt nhau, bắn nhau là chuyện bình thường.
Trở lại chuyện các lớp đào tạo, nếu như các lớp trước 1990 học tập và làm việc chỉ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, khả năng phá án của họ chỉ dựa vào thông tin từ các vệ tinh và dựa vào sở trường đeo bám đối tượng của lực lượng trinh sát dày đặc… Thì các lớp sau, việc đào tạo bài bản hơn, họ không dựa hoàn toàn vào khả năng truyền thống như lớp trước mà dựa vào tư duy phán đoán, phân tích, dựa vào các kĩ năng học được từ các nền tư pháp tiến bộ để phá án. Có lẽ nhờ vậy mà khoảng một thập niên trở lại, án oan ít hơn so với trước. Nhưng bù vào đó, vấn đề toa rập và bắt tay làm ăn với xã hội đen của các lớp sau lại tinh vi và đáng sợ hơn. Nhưng đây là một khía cạnh khác.
Trở lại vụ án Hồ Duy Hải hay Nguyễn Thanh Chấn và những người chịu án oan trước đó, họ không may mắn bởi lực lượng thẩm vấn là những đồ tể, những kẻ không có nghiệp vụ điều tra thẩm vấn nhưng lại có thừa hung bạo và tàn ác, chỉ cần nốc vài cốc rượu vào là mọi thứ án đều được giải quyết nhanh chóng. Nghĩa là gặp họ, nếu không khai thì họ đánh cho khai, đánh bằng mọi kiểu, tra tấn bằng mọi kiểu, từ việc treo lên đổ nuớc xà phòng, treo lơ lửng trên rừng dao nhọn, thả một trái dưa hấu chẻ đôi để hù dọa chết khiếp, trói gô, mở từng bàn tay ra để lăn đũa, bắt đứng sám hối trước cây nến bao giờ quị ngã thì tạc nước cho tỉnh mà đứng, nếu không đứng thì đánh thừa sống thiếu chết… Với tất cả những kiểu tra tấn như vậy cùng với lời dọa “mày đã vào đây thì chỉ có chết, không có đường ra!” thì “phạm nhân” trong cơn đau đớn sẽ nghĩ đến chuyện đằng nào cũng chết, thôi thì gật đầu nhận đại cái tội cho được cái án tử, hoàn tất thủ tục hồ sơ cho cán bộ để họ xếp án lại, cho vào biệt giam, đợi ngày ra pháp trường. Dù sao chết như vậy cũng đỡ đau đớn thể xác và khỏi bị lôi tới lôi lui đánh lên đánh xuống mà đằng nào cũng không thoát chết…
Chính cái kiểu điều tra án đầy tính chất man rợ trung cổ của một lớp cán bộ vốn không có kĩ năng điều tra án, không có nghiệp vụ thẩm vấn nhưng lại có thừa máu hung tợn để đánh đập, để đạt mục đích là hoàn tất hồ sơ vụ án. Nói cho cùng thì nhóm cán bộ điều tra, hay nhóm cán bộ tòa án của giai đoạn này đều là thành phần bất hảo ngay trong hệ thống nhà nước, nghĩa là họ không có trình độ nhưng khéo lạng lách để học chuyên tu, tại chức, chạy chọt cho có bằng cấp để ngồi lại ghế, mà ghế cao hơn, từ chánh án cho đến viện trưởng, viện phó viện kiểm sát đều là các thành phần rúc rừng, từng có thành tích giết người, ám sát trong chiến tranh… Ngay cả Chánh án tòa án tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng vậy, ông này, nếu xét về thành tích học tập hay thành tích xuất sắc của tư duy trong quá trình công tác thì có thể nói là không có gì. Ngay cả thời ông còn làm quan chức cấp cao ở Quảng Ngãi, lúc đó, Quảng Ngãi và Bình Định gộp chung là tỉnh Nghĩa Bình, khi tách tỉnh, một cái bàn dài được cắt làm đôi, Bình Định chở nửa cái bàn về làm củi, Quảng Ngãi giữ nửa cái bàn để nướng bánh, nói như vậy để thấy cái thời mông muội, tư duy đầy lông lá của một lớp cán bộ.
Rồi sau đó, lạn lách, chạy chọt, Hòa Bình cũng lên được chức cao, và ngồi ghế Chánh án tối cao như hiện tại (nhưng để rồi xem ông này còn lạng lách được bao lâu nữa khi mà cái dù của ông ta gãy cách đây vài năm, ông lại làm con phò dưới trướng của người khác nhưng người này xem ông là một kiểu Phạm Văn Dồng mờ nhạt, giỏi dùng vũ lực, tàn bạo nhưng bất tài…). Và Nguyễn Hòa Bình là người liên quan xuyên suốt vụ án Hồ Duy Hải, hệ thống dưới trướng của ông ta, có thể nói nhanh một tiếng là rất dốt nghiệp vụ điều tra, phá án và rất giỏi toa rập, bè phái. Trong hệ thống tay chân bộ hạ của Nguyễn Hòa Bình, nếu tìm ra một người giỏi luật thật sự và một nhân tài phá án, có lẽ là thắp đuốc giữa ban ngày cũng không gặp. Nghiệt nỗi, cơ cấu của đảng và bề dày phục vụ đảng đã giúp cho nhóm này tồn tại. Bởi bây giờ nhân tài không thiếu nhưng lại không có tuổi đảng hoặc chống đảng, nên cuối cùng, hệ thống tòa án Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng “không có chó bắt mèo ăn cứt”. Và không có gì đáng sợ cho dân tộc, nhân dân bằng việc đưa một đám dốt nát, tham lam, léo hánh lên nắm cán cân công lý!
Chính vì vậy mà cơ hội sống sót của Hồ Duy Hải hoặc cơ hội có một phiên tòa theo đúng trình tự tố tụng, đúng khoa học pháp lý (và giả sử Hồ Duy Hải có thực tội) để người dân tâm phục khẩu phục là chuyện không thể có ngay lúc này, bởi đội ngũ có chuyên môn thực sự vẫn còn ở thớt dưới, vẫn không có cơ hội mở miệng. Và chắn chắn là họ bị đè nén lâu như vậy, không chừng tới khi ngồi ghế cao thì mất hết khả năng mở miệng cho công lý, rồi đâu cũng lại vào đó! Bi kịch của các oan sai tại Việt Nam lại nằm ở chỗ này. Thật là cay đắng!
© Viết Từ Sài Gòn
Blog RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét