Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Khối Euro (Eurozone) - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Khối Euro (Eurozone)



Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Khối Euro (Eurozone)

Liên minh Châu Âu (European Union, viết tắt: EU) gồm 27 quốc gia, trong đó có 19 quốc gia dùng chung đồng Euro. 19 quốc gia này được gọi là Eurozone (Khối Euro). Khối Euro được hình thành trong mục đích thúc đẩy mậu dịch khi không còn phải hoán chuyển giữa các đơn vị tiền tệ riêng lẻ của mỗi nước thành viên. Ít ai ngờ rằng chính lợi thế này của đồng Euro lại trở thành sợi dây lòi tói cột chặc nhiều nước chết chùm trong cơn khủng hoảng!

Lý do: mỗi quốc gia có đơn vị tiền tệ riêng khi gặp kinh tế suy sụp đồng bạc sẽ mất giá. Nhập khẩu tự động sút giảm vì mua vào mắc trong khi xuất khẩu tăng do bán ra rẻ giúp kinh tế có cơ hội phục hồi. Nhưng nay những nước Nam Âu bị trói buộc vào đồng Euro khi rơi vào khủng hoảng không thể tự mình hạ giá đồng bạc vì trong khối còn nhiều nền kinh tế mạnh như Đức và Bắc Âu, cho nên phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ (và nghi kỵ mắng nhiếc) của những nước mạnh này.

Đồng bạc gắn liền với chủ quyền quốc gia; chủ quyền quốc gia lại đi đôi với tự ái dân tộc. Khi gia nhập vào khối Euro, các nước Nam Âu đã từ bỏ quyền in bạc và không còn tùy tiện tăng hay giảm ngân sách để kích thích tăng trưởng. Trên nguyên tắc, mỗi quốc gia vẫn tự mình quyết định chi thu, nhưng lại bị gò bó trong khuôn khổ của Eurozone, nên thực tế bị Đức – vốn là nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu – áp đảo.

Nói cách khác, mức độ tăng trưởng và con số thất nghiệp ở Nam Âu bị định đoạt bởi Berlin và Brussels (thủ phủ của Đức và của Eurozone). Điều này gợi nhớ món nợ ân oán khi Đức thống trị các nước Âu Châu trong Thế chiến Thứ Hai, làm nổ bùng làn sóng dân túy đe dọa tách rời khỏi khối Euro.




Âu Châu gồm hai khu vực kinh tế mạnh (Đức + Bắc Âu) và yếu (Nam Âu), nhưng một khi khối Euro được hình thành, thế giới lạc quan tin rằng chỉ còn một Eurozone không còn lằn ranh giữa mạnh và yếu. Để so sánh: Hoa Kỳ tuy có tiểu bang giàu như California hay nghèo như Mississipi, nhưng nợ công Liên bang là do nước Mỹ mượn chớ không phải từng tiểu bang vay. Vì mập mờ giữa quy chế Liên Hiệp (Âu Châu) hay Liên Bang (Mỹ) nên khi mới gia nhập khối Euro, các nước Nam Âu mượn tiền dễ dãi với lãi suất thấp giống như Bắc Âu, vì các nhà đầu tư nghĩ rằng tiền cho nước nào vay cũng vẫn được toàn khối bảo đảm.

Kinh tế Hy Lạp trước đây yếu kém nên khó mượn tiền, nay đi vay dễ dàng với phân lời thấp như Đức thì… dại gì không mượn! Kết quả, nợ công Hy Lạp tăng vọt cho dù độ tín nhiệm vẫn còn thấp. Ngược lại, Tây Ban Nha tuy nợ công thấp nhưng nợ tư nhân lại nhảy vọt do các ngân hàng ngoại quốc đầu tư cho vay vào thị trường địa ốc.

Một nghịch lý khác là kinh tế Đức mạnh nhờ vào cần kiệm nên không chịu mượn tiền tiêu xài trong nước. Cho nên các ngân hàng Đức thiếu chỗ để cho vay phải đổ tiền tiết kiệm của dân Đức xuống Nam Âu cho mượn… xài cho sướng – cũng giống như cho con nít ăn kẹo thì sau này đau bụng lỗi tại ai? Tình trạng vui vẻ này kéo dài từ năm 1999 đến năm 2008 – giới tài chánh ví von như “keep dancing until the music stops” tức là nhảy đầm đã đời đến lúc phải đi hốt rác.

Năm 2007-08 bong bóng tín dụng và địa ốc tại Hoa Kỳ nổ bùng. Các ngân hàng Âu Châu hoảng hốt xem lại sổ sách mới nhận ra bên cạnh những thua lỗ ở Mỹ còn thêm nhiều khoản cho vay đầy rủi ro ở Nam Âu. Các ngân hàng Đức không còn dám cho vay mà lại thúc giục trả nợ. Thế là Nam Âu không còn mượn được nợ để trả nợ, và khủng hoảng Euro bắt đầu vào năm 2010.

Nếu Nam Âu quịt nợ thì nhiều ngân hàng Bắc Âu, Đức và Pháp sẽ phá sản. Cho nên những gói cứu trợ ban đầu không nhằm kích thích tăng trưởng mà chỉ đủ để giúp cho Nam Âu có tiền trả nợ cho Đức và Bắc Âu.




Do tăng trưởng không có mà lại còn phải thắt lưng buộc bụng, nên số người thất nghiệp ở Nam Âu nhảy vọt lên ngang bằng thời kỳ Đại Khủng Hoảng 1929, tạo ra làn sóng công phẫn, dẫn đến trào lưu dân túy và nhiều xáo trộn về chính trị. Có lúc Hy Lạp tưởng chừng sẽ tách rời ra khỏi Eurozone. Ý là nền kinh tế lớn hàng thứ ba trong khu vực, nếu phá sản sẽ kéo theo sự sụp đổ của toàn khu vực. Nhưng oái ăm là Đức lại hưởng lợi lớn nhờ vào khủng hoảng!

Lợi thế thứ nhất: đồng Euro mất giá so với USD giúp hàng hóa từ Đức bán ra nước ngoài tăng nhờ giá rẻ, trong khi các nước Nam Âu lại kẹt cứng vì không thể tự hạ giá đồng bạc nhằm nâng đỡ xuất khẩu và du lịch do dùng đồng tiền chung Euro.

Lợi thế thứ hai là Đức mượn tiền với phân lời rẻ mạt, trong khi Nam Âu cần tiền để thúc đẩy tăng trưởng lại phải đi vay với lãi suất cao hơn nhiều. Lý do: các quốc gia trong Eurozone đều phải vay mượn theo đồng Euro, trong khủng hoảng tiền Euro cần chỗ an toàn để đậu thì chạy vào nước Đức. Tệ hại hơn cả là các quỹ tiết kiệm Euro của dân Nam Âu cũng lại đầu tư qua Đức, tức là Nam Âu không cách nào vận động vốn trong nước để thúc đẩy tăng trưởng.

Khối Euro khác với Mỹ là không phát hành nợ công Liên bang, nên tự mỗi nước phải đi mượn tiền riêng lẻ. Nếu các nước Nam Âu chưa đi vay với giá cắt cổ là nhờ ECB (Ngân hàng Trung ương Âu Châu) bảo đảm mua lại nợ công. Nhưng ECB do Đức thao túng. Vào tháng 05/2020, Tòa án Tối cao Đức phán quyết Đức có 3 tháng để xét lại việc ECB bảo đảm mua nợ công có phục vụ quyền lợi nước Đức trên hết hay không! Bằng không Ngân hàng Trung ương Đức bắt buộc phải siết lại không cho ECB bảo đảm mua nợ công như trước, tức là lãi suất nợ công Nam Âu sẽ tăng vọt khiến Nam Âu không còn khả năng vay mượn nợ nhằm thoát ra cuộc khủng hoảng nhị trùng Đại dịch Vũ Hán lẫn đồng Euro.




Đức và Pháp vuốt ve Nam Âu bằng cách phá lệ phát hành nợ công toàn khối Euro trị giá 500 tỷ để hỗ trợ các doanh nghiệp và quốc gia bị đe dọa bởi Đại dịch Vũ Hán. Nhưng bà Merkel nhấn mạnh rằng đây là ngoại lệ chớ không phải tiền lệ cho các nước giàu Bắc Âu phải giúp đỡ các nước nghèo Nam Âu. Đoàn kết Âu Châu nhưng hạt muối chia đôi cục đường nuốt trọn.

Khi bà Merkel đơn phương tuyên bố thu nhận 1 triệu dân tỵ nạn từ Syria vào năm 2017 thì Hy Lạp đã nghèo lại lãnh đủ, do con số tỵ nạn tràn vào quá cảnh ở nước họ trước khi tràn lan khắp Âu Châu trong khuôn khổ tự do giao thông Schengen. Đông Âu đóng cửa biên giới để chận dân tỵ nạn bị lên án vi phạm thoả ước Schengen. Dân Ý trước đây ủng hộ khối Euro cho dù bị khủng hoảng, nhưng đến hồi tháng 03/2020, khi đại dịch Vũ Hán bùng nổ, Ý xin Đức và Pháp cứu trợ khẩn cấp lại bị từ chối do hai nước này cũng đang lo thủ thân. Điều này mở ra khoảng trống để Trung Quốc nhảy vào khoe khoang giúp đỡ Ý; Đức và Pháp sau này giúp Ý còn nhiều hơn Bắc Kinh, nhưng 75% dân Ý nay vẫn còn cay đắng về tình “đoàn kết” Âu Châu. Điều này cũng tương tự như Hy Lạp trong khủng hoảng kinh tế bị mắng nhiếc và ép uổng thắt lưng buột bụng nên bán hải cảng cho Trung Quốc đặt đầu cầu tiến vào Âu Châu.

Nói tóm lại khi gia nhập khối Euro và Liên Minh Châu Âu, các nước đã đánh đổi quyền tự quyết cho Đức xỏ mũi, lợi lúc ban đầu nhưng hại không có phương cứu chữa mà còn bị rủa là lười biếng. Sở dĩ chưa nước nào dám tách rời Eurozone là vì sợ rơi vào tình trạng hỗn loạn tệ hại hơn cả Brexit. Nhưng đại dịch Vũ Hán khiến Nam Âu đang trì trệ nay thành kiệt quệ, một khi nạn dịch nguôi qua thì các phong trào dân túy sẽ bùng nổ, và tương lai đồng Euro sẽ vô cùng bấp bênh.


© Đoàn Hưng Quốc
    BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages