Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình & điều chưa kể hết - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình & điều chưa kể hết



Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình & điều chưa kể hết

Tháng 5/2020, tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình chấm dứt thời gian quản chế của mình. Một thời gian thật dài đăng đẳng, với nhiều lần anh bị chính quyền địa phương triệu tập, phạt, nhắc nhở… về những sinh hoạt thường ngày của anh. Thậm chí, vì những việc anh không hề bước chân ra khỏi nhà, như tự post một video lên trang mạng.

Nhưng kết thúc thời gian quản chế, cũng không có nghĩa là anh có thể hoàn toàn rũ bỏ bản án 6 năm tù, 3 năm quản chế mà nhà cầm quyền áp đặt cho anh từ năm 2012, một bản án dành cho ý thức chính trị của Bình. Không giống với tất cả những gì chúng ta vẫn thường thấy trên bề mặt luật pháp thường được mô tả tại Việt Nam, Trần Vũ Anh Bình sẽ mãi mãi là công dân “hạng hai” trên đất nước này, vì anh không thích chủ nghĩa cộng sản, ít nhất cho đến khi có một thể chế mới.

Bình không phải là một trường hợp ngoại lệ. Ở Việt Nam vẫn có những con số bán công khai cho biết về những người là công dân “hạng hai” như vậy. Theo báo cáo mới nhất về vấn đề đàn áp tự do tôn giáo (2020) do Ủy Ban USCIRF của Hoa Kỳ thu thập được, thì có đến hàng chục ngàn những người dân tộc thiểu số H’mong, Jarai… sống vất vưởng vì niềm tin của mình. Họ không được cấp các giấy tờ chứng minh là một công dân để yên ổn sinh tồn. Cuộc đời của họ, con cái của họ là những thế hệ “hạng hai” tiếp nối.




Tôi đã ghi nhớ, rất nhiều trường hợp anh chị em, hay con cái của những tù nhân lương tâm, hay gia đình của những người bất đồng chính kiến đã phải sống một cuộc đời “hạng hai” như vậy. Họ không được xuất ngoại, đi du học hay đi làm thêm, thậm chí cả kết hôn. Còn ở trong nước, nếu như làm những công việc tạm bợ, tay chân kiếm sống qua ngày, có thể họ sẽ sống yên. Nhưng nếu có một ước mơ vươn cao hơn, đi làm cho một công ty nước ngoài, hệ thống nhà nước… số phận của họ là may rủi khi nhân viên an ninh đến tận nơi để nhắc nhở rằng không nên thu nhận những người như vậy. Tên gọi chung cho các loại của quản chế vô thời hạn đó, được nhân danh là vì “vấn đề an ninh quốc gia”.

Về Trần Vũ Anh Bình, câu chuyện của anh là một chuyển biến bí mật, sôi sục và thú vị, mà mỗi khi nhớ lại, tôi luôn cảm thấy lạ lùng. Suốt những ngày tháng của tuổi trẻ, chọn âm nhạc như một con đường của đời mình, tôi luôn quan sát những người bạn nhạc sĩ trẻ hơn mình, chung quanh mình xem có ai biết sống với hiện thực, có ai khác biệt trong cuộc đời đầy mê hoặc danh lợi này không. Bình là một nhân vật gây chú ý, vì anh im lặng từ bỏ cuộc sống êm đềm và có thể nhiều hứa hẹn với showbiz của nhà nước.

Bình là một nhạc sĩ sinh ra và được kèm cặp trọn vẹn trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Khi anh gặp tôi – Bình loanh quanh nói những điều nhạt nhẽo, tôi cũng đáp lại bằng những điều nhạt nhẽo. Thỉnh thoảng nói xa gần một điều gì đó. Sau này nhớ lại, tôi mới hiểu rằng lúc đó, tôi và Bình đều thăm dò nhau, xem người đối diện như thế nào, có tương thích về quan điểm chính trị hay không.

Xã hội Việt Nam lúc đó đang trong cơn chuyển mình về nhận thức. Bên cạnh việc tiếp nhận làn sóng thông tin tự do không kiểm duyệt ngày càng nhiều qua internet, việc thể hiện sự khác biệt quan điểm chính trị với nhà cầm quyền cũng được nhiều tầng lớp dân chúng bộc lộ mạnh mẽ. Không chấp nhận việc đảng Cộng sản nhân nhượng với Bắc Kinh, phản đối việc ngư dân bị đánh đập, bức hại trên biển… Các phong trào dán biểu ngữ “HS-TS-VN”, xuống đường biểu tình đã xuất hiện liên tục. Sinh khí của xã hội bừng bừng.




Bình là nhân tố trong làn sóng đó. Anh hát và biểu lộ chính kiến trong khi các đồng nghiệp chung quanh mơ về ánh đèn sân khấu. Rồi cái án tù đến với anh thật nghiệt ngã và bất ngờ. Nhưng ngược lại, trong không gian tù túng đó, tinh thần anh lại lớn hơn, mạnh mẽ hơn nhờ làm bạn và chia sẻ với những người can trường, chung suy nghĩ như Trần Huỳnh Duy Thức.

Một lần đến nhà gửi quà thăm nuôi, nhìn thấy mẹ của Bình run rẩy và câm lặng vì buồn. Anh chị của Bình khi đi thăm nuôi cũng nói lại. Nghe mẹ buồn, Bình cũng dàu dàu, nhắn lại với chị rằng “em chỉ có một tội là yêu nước, chứ không có tội gì khác hết”. Không hiểu sao, tôi cứ nhớ về lời nhắn này của Bình gửi về nhà.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều sự câm lặng của các người mẹ, người chị như vậy trong khoảng thời gian dài, đi tìm hiểu về các gia đình tù nhân lương tâm. Sự run rẩy hay im lặng của họ mà tôi nhìn thấy mang ý nghĩa khác: nó không là sự sợ hãi, mà đó là cả một vùng trời tích tụ đầy sấm sét và phẫn uất.

Khi bị gọi lên làm việc về một bài viết mà tôi mô tả những điều nhìn thấy, người công an viên đã hỏi tôi rằng nhỡ như người ta làm bộ như vậy chứ không phải bị câm lặng thật thì sao? Tôi cũng rơi vào một trạng thái tương tự – câm lặng -vì không thể mô tả đủ bằng ngôn ngữ cho người công an viên đó biết rằng sự phẫn uất và tuyệt vọng của những người mẹ, khi tập hợp đủ, nó là thứ năng lượng có thể hủy diệt mọi cái ác trên đời này. Tôi đã đứng trước nó, tôi biết năng lượng đó, sức mạnh của sự im lặng đó là gì.

Tôi chưa bao giờ nói với Bình suy nghĩ này của mình, là những ngày đầu tiên tiếp xúc, sau khi Bình mãn hạn tù giam, trở về nhà, tôi lo ngại vì nhận ra rằng Bình giống như mất khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ. Để nói một, hai câu, mô tả một sự việc đơn giản, Bình đã ê a rất lâu mới có thể hoàn thành được. Có vẻ như sự dồn nén đủ điều của Bình, cũng khiến anh thích nghi với im lặng – giống như người mẹ ở nhà.




Nhưng giờ thì mọi thứ đã đổi khác. Bình mạnh hơn và vững chãi hơn. Anh xuất hiện hàng tuần trên kênh video của mình để nói về cuộc sống. Mọi thứ trước mắt Bình hay tôi đã thay đổi cũng giống như những người chịu oan khiên, những người bị bắt về vấn đề bất đồng chính kiến, tôn giáo… ngày hôm qua không ai biết đến, nhưng hôm nay họ đang được nhắc đến bằng những hồ sơ chi tiết, mở ra với cả thế giới. Biết đâu khi chúng ta phóng tầm mắt nhìn, vượt qua bên kia bờ sợ hãi, điều nhìn thấy có thể khiến mình tự tin hơn trước tương lai.

Bình không chấp nhận vị trí công dân hạng hai mà người ta áp đặt cho mình. Anh không ngần ngại vượt rào khi cần thiết trong thời gian quản chế, để chứng minh rằng mọi thứ áp đặt cho anh là vô nghĩa. Cũng như rất nhiều người mẹ, người chị, những đứa con… mà tôi nhìn thấy, mới ngày hôm qua còn chưa biết chính trị là gì, mặt xanh tái khi thấy tờ giấy mời của công an, thì hôm nay đó là những người chững chạc và can trường, đối diện và lên tiếng với nhà cầm quyền để đòi công lý cho gia đình, người thân của mình. Họ cũng không chấp nhận một thể chế, với quy chế ngầm về những công dân hạng hai, thô bỉ như vậy.

Những con người tôi kể trên, đang góp dần năng lượng của đám mây sấm sét khổng lồ, góp số phận của mình vào một thời đại thay đổi phải đến.

Đất bước này phải thay đổi, thể chế này phải thay đổi. Chỉ có thể tồn tại một đất nước dành cho những công dân tự do, chứ không thể là điều gì khác hơn. Công Dân hạng hai – như trong những câu chuyện mà tôi đã nghe, đã thấy, phải mãi mãi phai tàn cho tương lai tốt đẹp hơn, hoặc sẽ sừng sững đời đời, như bia mộ sỉ nhục dành cho kẻ ác.


© Tuấn Khanh
    Blog Tuấn Khanh
Chú thích:

Tham khảo bản báo cáo của USCIRF USCIRF (Hoa Kỳ) bản tiếng Việt, tại đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages