‘Nhân sự tứ trụ của Đai hội 13’* - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

‘Nhân sự tứ trụ của Đai hội 13’*



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sử dụng mô hình cây quyết định để thiết lập nhân sự tứ trụ của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhìn ở góc độ ứng cử viên Thủ tướng

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự định sẽ tiến hành trong tháng 1 năm 2021, với trọng tâm chính là định hướng sự phát triển của đất nước trong nửa đầu thế kỷ 21. Một mục tiêu quan trọng không kém, đó là xác định bộ máy lãnh đạo của Đảng, cũng như toàn bộ chính thể hiện nay trong giai đoạn hậu Nguyễn Phú Trọng.

Việc xác định Tổng bí thư là vị trí hàng đầu trong tứ trụ là điều bình thường hiện nay. Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn chục năm trước, người ta có thể nhớ lại sự “lép vế” của chức danh này so với ghế Thủ tướng, nhất là trong nhiệm kỳ của các ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và nhiệm kỳ đầu của ông Nguyễn Phú Trọng. Song song với các vị này là các Thủ tướng gốc gác miền Nam, ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng.

Khi đó sự lấn ướt trong hoạt động đối nội và đối ngoại của khối hành pháp so với phe Đảng khá rõ. Chỉ với cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng khai pháo ở cuối nhiệm kỳ đầu, dần dần chức danh Tổng bí thư mới trở lại đúng vị trí của mình. Và với cái chết của ông Trần Đại Quang, ông Trọng, với việc đảm nhiệm cùng lúc hai chức danh – Tổng bí thư và Chủ tịch nước – mới tạo ra hình ảnh tương tự mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện hành.

Ảnh hưởng to lớn của vị Bí thư kiêm Chủ tịch nước đang bao trùm chiếc bóng to lớn lên chính trường hiện nay, và việc ra đi của con người lớn tuổi này sẽ để lại một khoảng trống quyền lực, mà nếu công tác nhân sự được xử lý không khéo léo sẽ gây ra nhiều khó khăn trong giai đoạn rất quan trọng hiện nay của Việt Nam.




Như thường lệ, ánh mắt của giới phân tích chính trị sẽ đổ dồn về chiếc ghế Tổng bí thư sắp trống, với những phân tích theo những lát cắt khác nhau, từ đối nội đến đối ngoại, từ cấu trúc theo thể chế tam trụ đến tứ trụ, …
Tuy nhiên, trong bài phân tích này, tác giả sẽ sử dụng cây quyết định để xây dựng mô hình bộ máy lãnh đạo theo thể chế tứ trụ, bắt đầu từ một điểm tiếp cận khác – vị trí đứng đầu ngành hành pháp, Thủ tướng.

Tại sao lại chọn vị trí Thủ tướng làm điểm khởi đầu cây quyết định ? Có thể thấy trong mô hình lãnh đạo tập trung dân chủ của ĐCS Việt Nam hiện nay, các cấu trúc Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp đều chịu sự chi phối chung từ bộ máy tập trung quyền lực chính, Đảng Cộng sản và các cơ cấu thường trực chỉ huy cao nhất của Đảng: Bộ Chính trị và các Ủy viên Trung ương. Tuy nhiên, có thể thấy từ lịch sử phát triển của thể chế chính trị Việt Nam từ năm 1945, vẫn có sự chuyên môn hóa ngày càng rõ rệt.

Xét ở điểm này, ngành hành pháp Việt Nam có tính khá đặc thù. Một Ủy viên Trung ương Đảng có thể chuyển ngạch từ hành pháp (VD chủ tịch tỉnh, bộ trưởng…) sang một vị trí lãnh đạo Đảng, ngành lập pháp hay các tổ chức quần chúng; ngược lại việc nhảy từ các vị trí này sang công tác chính quyền đòi hỏi phải có cả bằng cấp chuyên môn lẫn kinh nghiệm quản lý tương đương.

Do đó tiếp cận từ hướng hành pháp có thể giúp lọc loại các khả năng từ điểm xuất phát và do đó làm giảm số nút trên cây quyết định, hầu đưa ra những chọn lựa dễ dàng hơn cho cấu trúc tứ trụ trong tương lai.

Xét danh sách các vị trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ 12, sắp tới sẽ có 8/16 ủy viên sẽ phải rời vị trí do quy định về tuổi tác. Tuy số ủy viên nhiệm kỳ tới chưa xác định rõ, ta có thể giả định con số sẽ không đổi, do đó chỉ có 8 nhân sự có số tuổi đủ quy định để ứng cử vào các vị trí của tứ trụ nhiệm kỳ tới, trong đó không có ai thuộc tam trụ hiện tại.

Tuy nhiên, do mô hình tứ trụ truyền thống nhiều khả năng sẽ quay lại trong đợt này (việc ông Trọng kiêm nhiệm hai chức vụ chỉ là một giải pháp tình thế khi ông Trần Đại Quang mất – thực tế đã chứng tỏ điều này), mặt khác theo truyền thống chuyển giao thận trọng giữa các thế hệ lãnh đạo, có khả năng một – thậm chí cả hai người, ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân – trong tam trụ hiện tại sẽ tiếp tục có mặt trong tứ trụ kỳ tới. Vậy phải ước có tối đa 10 ủy viên tiếp tục có mặt trong cuộc đua.

Và trong 10 vị này, ai sẽ có khả năng trở thành Thủ tướng ? Chúng ta xem xét từng ứng viên cho chức vụ này, với hệ số tin cậy của ước lượng từng cá nhân trong mỗi chức vụ được cho trong khoảng từ 0 (0%) tới 1 (100%), và tổng điểm hệ số của tất cả ứng viên cho chức vụ đó phải bằng 1(100%).

Ông Phúc, với một nhiệm kỳ khá thành công – đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 gần đây, vẫn còn là gương mặt sáng giá cho chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai. Cản lực của chuyện này, ngoài quy định về tuổi tác nói trên, là chính sự thăng tiến của bản thân ông, nhằm đến hai vị trí: Tổng bí thư hoặc Chủ tịch nước. Rất hiếm khả năng ông “hạ cấp” xuống vị trí còn lại của tứ trụ. Một lựa chọn khác là mô hình tam trụ, trong đó ông Phúc là người duy nhất có khả năng giữ cả hai vị trí Tổng bí thư và Thủ tướng, một vị trí phù hợp để nhất thể hóa, theo lời hô hào của một số nguồn vận động chính trị hiện nay. Mặt khác, trong khái niệm này, việc ông Phúc chuyển sang nắm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước như ông Trọng cũng là một lựa chọn phải nghĩ đến.




Điểm xác suất Thủ tướng của ông Phúc được cho là 0,2, do xác suất ở lại của ông chỉ là 0,5, cộng với việc phải chia đôi cho bà Ngân, và khả năng lên Tổng bí thư hoặc Chủ tịch nước của ông cao hơn việc vẫn ngồi lại ghế Thủ tướng.

Bà Ngân, đương kim Chủ tịch Quốc hội cũng ở vị trí gần giống ông Phúc. Trong khi khả năng tại vị mùa sau kém hơn ông Phúc, bà vẫn còn cơ may ngồi lại tứ trụ. Tuy nhiên, nếu xét vị trí Thủ tướng, xác suất thắng cử của bà kém đi rất nhiều. Ưu thế chính của bà, ngòai vấn đề chuyển giao thận trọng giữa hai thế hệ, còn có yếu tố giới tính và vùng miền. Tuy nhiên, ưu thế này có thể giúp bà leo lên ghế cao là Tổng bí thư hoặc Chủ tịch nước, hơn là vị trí quản lý hệ hành pháp quan trọng là Thủ tướng. Do đó bà sẽ vắng mặt trong danh sách ứng viên chiếc ghế này.

Trong 8 vị trẻ còn lại, có thể loại ngay Hoàng Trung Hải (đang bị kỷ luật) và Nguyễn Văn Bình (tiền sử thân cận với đồng chí X, đang bị cô lập) khỏi danh sách ứng viên Thủ tướng. Ba vị trong nhóm này: Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai không thuộc về hành pháp. Vì vậy chỉ còn Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ và Tô Lâm thuộc ngạch này. Tuy nhiên vị trí của ông Lâm đang gặp khó khăn sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến Bộ Công an gần đây, cũng như việc thiếu kinh nghiệm đứng đầu địa phương.

Chỉ còn có hai vị phó Thủ tướng trẻ, ông Minh và ông Huệ là ứng viên cho chức vụ Thủ tướng tương lai. Một tên tuổi khác đang lên là phó Thủ tướng Vũ Khắc Đam, người đang có số phiếu tín nhiệm cao trong khi trong kỳ Hội nghị Trung ương 12 mới rồi, nhờ sự năng nổ trong hoạt động chống đại dịch Covid-19 vừa rồi. Tuy nhiên do chưa có mặt trong danh sách thành viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2016-2021, vị này sẽ rất khó khăn để vượt qua mặt hai vị phó Thủ tướng trên.

Ông Minh trong cương vị phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã thể hiện vai trò rất chuyên nghiệp của mình trong nhiệm kỳ vừa qua. Ông thể hiện rõ tính con nhà nòi, tác phong chuyên nghiệp và sự kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại. Trong khi đây là những điểm sáng, sự chuyên tâm trong lĩnh vực đối ngoại có thể cản trở ông leo lên vị trí mới, điều hành toàn bộ hệ thống hành pháp là Thủ tướng. Là con của Nguyễn Cơ Thạch, cố Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trong một giai đoạn dài, nổi tiếng với quan điểm chống Trung Quốc, đây sẽ là điểm gây bất lợi cho ông khi bước vào vị trí Thủ tướng, bởi áp lực chính trị của Trung Nam Hải lên Việt Nam là điều có thật. Điểm của ông (0,3).

Về ông Huệ, nhân vật kín đáo này ít được giới quan tâm chính trị để ý đến, do không có gì nổi trội ở các hoạt động bề ngoài. Tuy nhiên, ông đã gián tiếp nổi tiếng qua sự kiện kỷ luật cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất thành. Khi đó, cùng với cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, ông đã không qua được vòng phiếu tín nhiệm để vào Bộ Chính trị thời điểm 2013-14. Nhắc lại sự kiện trên để hiểu được bề “dày” của ông Huệ, trong cả hai khối đảng và chính quyền. Là Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2011-2016, ông mới được đưa về Hà Nội làm bí thư thay cho ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật. Có thể tin đây là một bước đệm, để ghi một điểm vào bộ tiêu chí nhân sự cho vị trí Thủ tướng sau này. Điểm của ông là 0,4, cao nhất trong ba vị.




0,1 điểm còn lại sẽ để dành cho những bất ngờ cuối cuộc đua.

Lập cây quyết định cho tứ trụ nhiệm kỳ tới, với thứ tự Thủ tướng – Tổng bí thư – Chủ tịch nước – Chủ tịch quốc hội, với các lưu ý sau:

-Chỉ có 3 ứng cử viên chính cho vai trò Thủ tướng trong nhiệm kỳ sắp tới, theo phân tích trên.

-Vị trí Tổng bí thư được sắp sau Thủ tướng là một sự khiên cưỡng, dựa vào giả thiết từ đầu về sự chuyên biệt của ngạch hành pháp. Trên thực tế, ta đều biết việc bầu chọn vị trí Tổng bí thư sẽ là mục tiêu hàng đầu trong các kỳ Đại hội. Tuy nhiên, người ta không biết quy trình bầu chọn của Đại hội 13 sẽ theo thứ tự nào, và việc ưu tiên lập một đội hình tứ trụ ăn ý sẽ ảnh hưởng ra sao đến quy trình này.

-Một lưu ý nữa là khác với cây quyết định thông thường vốn có tính độc lập giữa các nút, bốn vị trí trong tứ trụ đều có quan hệ mật thiết với nhau trong hệ thống theo cả hai hướng lên và xuống.

-Hai vị trí Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội có mức độ ảnh hưởng quyền lực thấp hơn hai vị trí đầu, và thường được xem là có tính danh nghĩa nhiều hơn. Do đó, chúng được xem là vùng trái độn, làm cân bằng các quy định phức tạp về cân bằng tuổi tác trong chuyển giao quyền lực, vùng miền hay giới tính. Chúng cũng được xem là nơi “nghỉ dưỡng” bất đắc dĩ của các bô lão tham quyền cố vị. Tuy nhiên trong kỳ Đại hội này, do nhu cầu mở đường cho giới trẻ, chúng có thể bị lấp đầy bởi các thành viên “trẻ” của Bộ Chính trị, vốn cũng đang chịu áp lực đôn lên từ các ủy viên Trung ương Đảng khác.

1. Nếu ông Phúc vẫn làm Thủ tướng (0,2)

-Vị trí Tổng bí thư lúc này sẽ bị chia sẻ giữa ông Chính (0,6) và bà Ngân (0,4), do ưu thế chuyên nghiệp trong hệ thống Đảng của ông Chính. Mặc khác, khi ông Phúc giữ nguyên chức vụ thêm một nhiệm kỳ khi đã quá tuổi, khả năng cao bà Ngân sẽ nghỉ hưu, do quy định bất thành văn về việc chỉ ưu tiên cho một ngoại lệ về tuổi tác. Cũng do quy định này, ông Trần Quốc Vượng do độ tuổi đã cao, sẽ không còn cơ hội ở lại, cho dù ở vị trí nào trong tứ trụ. Ông Vượng chỉ có cơ hội khi Thủ tướng là một vị trẻ mới, trong trường hợp nêu ở dưới sau.

-Về chức danh Chủ tịch nước, nếu Tổng bí thư là ông Chính, vị trí này được chọn giữa bà Ngân (0,2), ông Minh (0,4) và một trong các vị trẻ còn lại (0,1) gồm Mai, Lâm, Huệ, Thưởng, … Sở dĩ ông Minh có ưu thế hơn bà Ngân do kinh nghiệm đối ngoại dồi dào, mặt khác như đã nói trên, đã có một ngoại lệ về tuổi dành cho ông Phúc. Ngược lại, nếu Tổng bí thư là bà Ngân, vị trí Chủ tịch nước sẽ chia đều cho các vị trẻ với xác suất như nhau, do lúc này có tới hai trường hợp quá tuổi ở lại trong tứ trụ, hai vị trí còn lại sẽ chịu áp lực lớn cho sáu ứng viên trẻ sàng sàng đang nhấp nhổm trong Bộ Chính trị.




-Trong bất cứ trường hợp nào ở trên, Chủ tịch quốc hội sẽ là bệ phóng dự bị cho một vị trí cao ở nhiệm kỳ 14. Ở góc nhìn này, hình như ông Thưởng với độ tuổi trẻ hơn hẳn lại có ưu thế rõ rệt.

-Có khả năng nào cho việc ông Phúc nắm các hai chức Tổng bí thư và Thủ tướng không? Trường hợp như vậy sẽ rất hiếm, do cả hai chức vụ này đòi hỏi năng lực làm việc rất cao, và rất chuyên biệt. Khả năng ông Phúc nắm chức Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước có lẽ còn khả thi hơn.

Dựa vào cây quyết định nêu trên, có thể thấy mô hình tứ trụ có xác suất cao trong trường hợp này là:



2. Nếu ông Huệ làm thủ tướng (0,4):

-Vị trí Tổng bí thư sẽ trở thành điểm đấu nóng bỏng giữa hai nhóm trẻ: ông Chính và già: ông Phúc, bà Ngân và cả ông Vượng.

Xuất phát từ địa phương miền Trung, lăn lộn trong hệ thống hành chính văn phòng, rồi thành công đáng kể trong nhiệm kỳ Thủ tướng vừa rồi, ông Phúc có vẻ đang đến gần vị trí quyền lực cao nhất. Việc đặt ông Huệ, một người ít có kinh nghiệm hoạt động chính trị vào ghế Thủ tướng có thể cần có một cựu binh lão luyện để kèm cặp, và theo mô hình cân bằng quyền lực giữa các vùng miền ông xứng đáng ngồi ghế Tổng bí thư. Một chọn lựa khác là mô hình tam trụ, trong đó hiện chỉ có mình ông Phúc là đủ khả năng giữ cả hai ghế Tổng bí Thư và Chủ tịch nước như ông Trọng hiện nay.

Bên cạnh việc thể hiện năng lực quản lý hệ thống nhà nước trong giai đoạn vừa qua, sức mạnh thực sự của ông Phúc khi ở vị trí này là khả năng quan liêu hóa hệ thống, chuyển các đòi hỏi đạo đức mông lung thành các bộ tiêu chí, quy tắc ứng xử,… để giữ được sự cân bằng giữa nhu cầu hưởng thụ của các thành viên lãnh đạo trung – cao cấp của Đảng và các đòi hỏi khắc kỷ theo quan điểm đức trị của vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước hiện tại. Chỉ bằng cách thể hiện năng lực này, ông mới có được sự ủng hộ của đa số các đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.




Điểm yếu đáng kể nhất của ông về bề ngoài là kinh nghiệm hoạt động chuyên nghiệp trong bộ máy Đảng. Ở bên trong, có vẻ quan hệ giữa ông và ông Trọng không có được sự khắng khít, ngoài hoạt động thuần túy công việc. Với một bộ tiêu chí phức tạp, nặng về nghiên cứu lý luận cho tiêu chuẩn Tổng bí thư do tiểu ban nhân sự xây dựng, ông có thể bị loại ngay từ vòng giữ xe khi ứng cử chức vụ này. Điểm của ông là 0,3.

Ông Vượng, do trước giờ chưa có tên trong bộ tứ, bề ngoài có vẻ yếu thế hơn một chút. Tuy nhiên do kinh nghiệm làm việc gần gũi với ông Trọng, cũng như năng lực lý luận chính trị chuyên nghiệp của ông rõ ràng là ưu điểm khác biệt hơn hẳn hai vị còn lại. Vai trò của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng cũng là một điểm sáng, và việc chuyển trách nhiệm “đốt lò” sang vai ông có vẻ là một điều hết sức tự nhiên. Trong cuộc chiến chống tham nhũng để bảo vệ sự tồn vong của Đảng, vũ khí chính của ông là kinh nghiệm có được nhờ những hoạt động trong lĩnh vực Kiểm sát trước đây. Ngoài ra, ông còn là một đồ đệ nhiệt thành của xu hướng “đức trị” mà ông Trọng luôn rêu rao.

Sự xuất hiện của ông trước công chúng cho thấy một hình mẫu rập khuôn của ông Trọng, và phát ngôn hiếm hoi đi ra ngoài các khái niệm “đức trị” của ông lại cổ võ cho mô hình hợp tác xã, một bóng ma của thời bao cấp. Nếu ông thành công trong kỳ Đại hội này, người ta có thể tin rằng trọng tâm của Đảng vẫn ở trong cuộc chiến chống tham nhũng trong nội bộ, hơn là những vấn đề bức xúc về định nướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong môi trường toàn cầu đang rất phức tạp hiện nay. Đây chính là ưu điểm, đồng thời cũng là khuyết điểm chết người của ông, khi xem xét mối quan hệ của ông với các địa phương và ban ngành. Việc ông Trọng đã hai lần thất bại khi giới thiệu ông Vượng vào Bộ Chính trị là một điểm rất đáng chú ý. Điểm của ông là 0,3.

Xét trên những lời kêu gọi nổi bật gần đây về quy hoạch chiến lược cho giới trẻ của ông Trọng, có thế cho là ông Chính có ưu thế đáng kể nào đó so với ba vị bô lão trên. Ngoài độ tuổi đang phù hợp, những kinh nghiệm trong công tác tổ chức Đảng của ông là một ưu thế rõ rệt, trong mối quan hệ với địa phương và các ban ngành. Ở thời điểm này, khi xét tầm quan trọng hàng đầu của vị trí Tổng Bí thư, việc đưa một người trẻ, chưa có kinh nghiệm là thành viên tứ trụ trước đó vào ghế này có vẻ ít khả thi. Tuy nhiên, xét lịch sử người ta đã có những ví dụ tương tự, như trường hợp của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trước đây.

Vấn đề là bộ tiêu chí mà tiểu ban nhân sự đưa ra để chọn lựa ứng cử viên vị trí này, và những ngoại lệ mà ông Trọng có thể chèn vào có mở đường cho ông không. Có thể cho rằng, trong khi “ngã” nhiều về phía ông Vượng, ông Trọng sẽ thủ sẵn con bài dự bị tên Chính. Nếu tình huống diễn biến bất lợi cho ông Vượng, ông Trọng sẽ không bị động trong cuộc đấu nhân sự như những lần thất bại trước đó, khi con chủ bài của ông bị các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc bác bỏ một lần nữa. Điều quan trọng nhất là ông Chính chưa bộc lộ quan điểm của mình về định hướng phát triển đất nước.

Điểm của ông được dự đoán là 0,3.

Bà Ngân ở vị thế kém hơn nhiều, so với cả ba vị trên. Ưu thế về phái tính và vùng miền – vốn là ưu điểm khiến bà có thể đặt chân vào tứ trụ – lại là điểm yếu của bà khi ứng cử vào vị trí Tổng bí thư. Dựa vào lịch sử hoạt động gần đây của Đảng, chức vụ này thường được dành cho người miền Bắc, khả năng lý luận chính trị tốt và chưa bao giờ có trường hợp nữ nào ngồi ghế đỉnh cao quyền lực. Xét thấy việc bà “tình cờ” bước lên ngai vàng chỉ có thể là hậu quả cuộc một cuộc chiến tương tàng khốc liệt, trong đó cả ba phe nam giới đấu đá quyết liệt đến mức triệt hạ lẫn nhau. Điều này chỉ xảy ra trong một thời điểm rất ngắn trong Đại hội, khi mà các quy hoạch nhân sự đưa ra đột ngột bị vỡ trận, và đòi hỏi phải có một giải pháp trái độn, tạm thời, thậm chí nửa vời, nửa nhiệm kỳ chẳng hạn. Điểm của bà là 0,1.

-Ở vị trí Chủ tịch nước. Cần phải xét từng trường hợp riêng biệt.

Trong trường hợp ông Chính làm Tổng bí thư, vị trí này sẽ ưu tiên đều cho ông Phúc và bà Ngân (đều 0,5). Cả hai đều có những ưu điểm đặc thù “không đụng hàng”, phù hợp cho quy hoạch vị trí này. Do đó đây sẽ là điểm mà lá phiếu trong Đại hội 13 là quyết định cuối cùng.




Trường hợp ông Phúc đã làm Tổng bí thư, bà Ngân có nhiều cơ may giữ ghế này, trong một quy hoạch có tính bảo thủ. Điểm của bà là 0,3. Mặt khác nếu bà ấy chấp nhận nghỉ hưu, ông Minh với mức điểm 0,2 , sẽ có chút ưu thế hơn so với những người còn lại đều 0,1 (Chính, Mai, Lâm, Huệ, …). Cũng phải xét đến mô hình tam trụ, trong đó ông Phúc giữ cả hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước như đã nói ở trên.

Khi Tổng Bí thư là ông Vượng, khả năng cao là cả ông Phúc và bà Ngân sẽ nghỉ. Khi đó ông Minh với mức điểm 0,4 có nhiều cơ may nhận vị trí này hơn nhóm trẻ còn lại đều 0,1 (Chính, Mai, Lâm, Huệ, …).

Trường hợp cuối cùng, nếu Tổng bí thư là bà Ngân, chỉ trong trường hợp cả ba ông Phúc, Vượng lẫn Chính đều chịu tổn thất nặng trong cuộc đấu và phải rút lui. Khi đó ông Minh với mức điểm 0,4 có nhiều cơ may nhận vị trí này hơn nhóm trẻ còn lại đều 0,1 ( Mai, Lâm, Huệ, …).

-Chủ tịch quốc hội. Ta cũng xét các trường hợp khác nhau.

Nếu ông Chính làm Tổng bí thư, hai vị cựu binh chia nhau ghế Chủ tịch nước. Lúc này vị trí thứ tư trong tứ trụ sẽ thuộc về cánh trẻ (Minh, Mai, Lâm, Huệ, Thưởng …) với xác suất không chênh lệch nhiều.

Nếu ông Phúc làm Tổng bí thư, bà Ngân giữ ghế Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội trở thành điểm nóng để các vị trẻ chen chân vào tứ trụ. Lúc này hai ông Chính và Minh sẽ có nhiều cơ may hơn các vị còn lại. Ngược lại, nếu ông Minh chuyển sang nắm Chủ tịch nước, cơ hội nhiều hơn sẽ giành cho ông Chính, như là một vị trí trong tứ trụ để lên ghế Tổng bí thư nhiệm kỳ 14 sau này.

Tương tự trong trường hợp ông Vượng làm Tổng bí thư, khả năng cao ông Minh sẽ là Chủ tịch nước, lúc này ông Chính phải ở vị trí Chủ tịch quốc hội, một sắp xếp quy hoạch cho nhiệm kỳ 14.

Trường hợp cuối cùng, sau một cuộc chiến tương tàn giữa ba vị Phúc, Vượng và Chính, bà Ngân chớp thời cơ lên Tổng bí thư, khi đó Chủ tịch nước nhiều khả năng là ông Minh. Trường hợp này sẽ có hai lựa chọn: (1) ông Chính trụ lại được, sẽ ưu tiên vào ghế Chủ tịch quốc hội để chuẩn bị cho chức Tổng bí thư ở Đại hội 14; (2) ông Chính ra đi, lúc này cơ hội sẽ chia đều cho các ủy viên trẻ còn lại trong Bộ Chính trị.

Tóm lại, dựa vào cây quyết định vấn đề, sơ đồ tứ (tam) trụ có thể sẽ như sau:



3. Nếu ông Minh làm thủ tướng (0,3):

-Tổng bí thư: sẽ không có nhiều khác biệt so với trường hợp ông Huệ làm Thủ tướng.
-Chủ tịch nước: khác biệt chủ yếu xảy ra khi ông Chính hoặc ông Vượng làm Tổng bí thư, do các vị trẻ còn lại đều ít có năng lực đối ngoại. Nhiều khả năng một trong hai vị cựu binh Phúc, Ngân sẽ ở lại nắm chức vụ này.

-Chủ tịch quốc hội: cũng không có nhiều khác biệt so với trường hợp ông Huệ làm Thủ tướng. Ông Chính sẽ có nhiều khả năng ở vị trí này hơn các vị khác, do định hướng quy hoạch nhiệm kỳ 14 tương tự trên.

Trong trường hợp này, dựa vào cây quyết định vấn đề, sơ đồ tứ trụ xác suất cao sẽ như sau:



Kết luận:

Hiện vẫn còn khá sớm để các yếu tố ảnh hưởng đến quy hoạch tứ trụ cho nhiệm kỳ 13 bộc lộ hết. Việc bổ sung các nhân sự Ủy viên Trung ương Đảng mới, trong kỳ Đại hội Trung ương 12 chủ yếu sẽ làm thay đổi cán cân phiếu bầu cho các vị trí tứ trụ trong Đại hội 13, nhưng sẽ khó bổ sung thêm ứng cử viên cho tứ trụ. Môi trường chính trị nội bộ của Việt Nam vốn khá kín kẽ, và áp lực từ phía ngoài cũng chưa thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, bằng việc xuất phát từ vị trí Thủ tướng, ta có thể phác thảo những nét chủ yếu của bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước trong giai đoạn kế tiếp.


© Hồng Quang
    VNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages