Ðiểm nổi bật của nhân sĩ miền Nam, thế hệ cũ, là nét đạo sĩ, hiền, thẳng, không quanh co, ăn nói mộc mạc chân tình, ruột để ngoài da, không mưu đồ hiểm hóc.Thế hệ cụ phối sư Trần Văn Quế, cụ Trần Văn Hương (Cao đẳng Sư phạm Ðông dương)… là thế hệ đạo sĩ miền Nam, đậm nét Nho phong Võ Trường Toản, Phan Văn Trị, rõ nét mộc mạc có sao nói vậy… hình ảnh cụ Hương trên TV ngày cuối tháng 4, 1975, khi trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh, thật cảm động và khó quên : tay cụ run rẩy, ứa nước mắt : Đại tướng giờ đây lấy thế gì mà nói chuyện với bên kia? thế này là thế mất nước.
Tính hào sảng khí khái cương trực của kẻ sĩ còn để lại trong nhân sĩ già Ðồng Nai ! Hồ Hữu Tường, trước sau ngồi tù 17 năm, có nét khảng khái của kẻ sĩ, có nếp đạo sĩ muốn vượt thế thời, dù là vượt trong tâm thức…thế hệ sau ông, như Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Văn, Nguyễn Ngọc Huy,…giữ phong cách tâm tư tân Nho tuy không còn nét đạo sĩ của thế hệ trước : Người Pháp chuyện gì cũng tính sai, hồi 1930 Nguyễn Thái Học chỉ đòi tự trị cũng không cho, tới thời 1947-48, Việt Nam đòi độc lập thì lại cho liên hiệp! GS Huy (1976 tại Boston) có cái nhìn thời thế của một nhân sĩ Đồng Nai, miền Nam có những nét mới mà miền đất cũ, Bắc, Trung, không có, thoáng hơn, phong phú hơn, tâm thức miền Nam là tâm thức của người có cá thiệt chứ không giả dối vờ vịt bịp bợm ăn cá gỗ, mang cái khung cũ mục trùm lên khung mới thì không ổn, những chính quyền, từ ông Diệm, ông Thiệu, đều đánh giá sai miền Nam và khối dân miền Nam. Nghĩ lại, giá chiến lược thời 1960, giữ vững thúng gạo Cửu Long làm cơ bản sâu rễ bền gốc mà chiến đấu, tôn trọng đạo trường tâm tư Ðồng Nai, mới có thế dân mà đối đầu với ý thức hệ duy vật cơ tâm…coi nhẹ cái bụng, coi thường áo vải áo nâu…thì lấy nội lực gì giải phương trình Tư bản- Cộng sản ? Cho nên trong hiện tại và tương lai, sức kéo Việt Nam khỏi vũng lầy cổ hủ phong kiến, sức đổi mới xã hội, nhất thiết nằm nặng ở miền Nam chứ không ở miền Bắc.
Thật vậy, văn hoá cổ Nam Á Đa đảo-AustroMalayo Polynesian- vốn thuần hậu, thật thà, thẳng thắn, khác nhiều với văn hoá phương Bắc, mongoloid-trong đó có Bắc, Bắc Trung Việt, Tầu, Hàn, nặng về tri thức, biện luận, cãi cọ, thiếu về tình cảm, thiếu thật thà, thiếu phá chấp. Nhìn văn hoá Tầu, CSVN hiện tại thì thấy tương phản rõ rệt : Bên lươn lẹo, lắt léo, luồn lọt, lấn lướt, la lối như thói đi xe máy leo lề, lách lẹ; bên thẳng thắn, không biết chửi gà, không biết từ ngữ điên đảo tuyên truyền cho nên người ta nhận định : Giá mang cái trò tố khổ ở miền Bắc vô Nam thì chắc chắn thất bại, vì dân Nam không biết chửi, quá lắm thì Đ.m. chứ không xỉa xói chửi gà cấp số nhân kiểu Cha Tiên Sư Bố Mày như ở ngoải ! Chưa kể Phật giáo Đại thừa Bắc tông khác xa với Phật Tiểu thừa Nam tông, Tích Lan Miến điện, Thái, Miên Lào tu sĩ khất thực, tu thật, không tu giả, thân giáo, khổ hạnh, khó bày trò quốc doanh khoác áo lộn sòng, ngay Mã Lai, Nam Dương, Hồi-Ấn giáo, cũng không chịu ảnh hưởng Khổng Mạnh Bách gia đa ngôn !
Sài gòn với chất tứ xứ, vừa Việt, vừa Tàu, vừa Miên, vừa Pháp…một melting pot, một sức sống mới nhiệt cuồng mà miền Bắc, miền Trung không có, hãy tạm ví Sài Gòn như một Nữu Ước, phóng khoáng mở tung cửa đón mọi luồng gió, quốc tế hơn là duy dân tộc cổ điển. Mấy cái đầu cao ngạo, từ Hà Nội từ Nghệ, từ Quảng Trị, Huế vào bỗng hoảng vì kiểu cách vô chiêu của văn hoá Sài Gòn, bỗng thấy mình quê kệch, hẹp lượng, cứ ngỡ mình là đỉnh cao trí tuệ, cấp tiểu học mà cứ đòi hiểu Mác tiến sĩ triết học! Có người nhận xét người miền Nam hồn nhiên không màng từ ngữ cao xa nên nghe tuyên truyền rởm không lọt vào tai, không biết chửi gà nên cũng chẳng thể tố khổ bà con lối xóm, cái tếu của dân miền Nam đã pha loãng tất cả giáo điều ngôn từ rỗng lòe loẹt.
* * *
Sử gia Pháp, Philippe Devillers, đã đặt hình hai lãnh tụ Bảo Đại và Hồ Chí Minh trên bìa cuốn Sử Histoire du Viet Nam, hai mặt tả, hữu, nhưng phải kể những nhân vật địa phương, tầm vóc nhỏ hơn, kiểu Lương Sơn Bạc: Bẩy Viễn, Ba Cụt, Năm Lửa…kiểu đạo sĩ như Huỳnh Phú Sồ, Hộ Pháp Phạm Công Tắc, kiểu lãnh tụ mật khu như Trịnh Minh Thế…hầu hết ở miền Nam…và lịch sử phải đánh giá lại công trình của những nhân vật này, ít nhất họ cũng đã lôi cuốn được quần chúng dân dã không để lọt vào guồng máy tuyên truyền dựa trên sân hận đấu tranh thù oán của phe Cộng, ít nhất họ cũng lập được những chiến khu vừa chống Pháp vừa chống Cộng…cuộc biểu tình 200,000 người đòi dân chủ đầu tiên của Việt Nam nhân lễ quốc táng cụ Phan Chu Trinh vào năm 1926, xẩy ra ở Sài gòn chứ không ở Hà Nội ở Huế hay ở Nghệ Tĩnh…cuộc biểu tình ở Vườn Lài (vườn Tao Đàn sau này) của Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch chống Thực dân Pháp xẩy ra từ năm 1928, trước khởi nghĩa Yên Báy 2 năm… xét ra quần chúng miền Nam đã làm hơn và làm trước những đảng phái quốc gia ở miền ngoài…các tổ chức miền Nam giữ được dân, không để CS một mình một chợ, không thu hẹp trong khối trí thức ” nói nhiều hơn làm”…Suốt thời kháng chiến có lẽ chỉ có hai nhân vật quốc gia hành động đúng, là Huỳnh Phú Sồ và Trịnh Minh Thế… có quần chúng, có chiến khu, Tây cũng nể mà Cộng cũng kiềng…anh em họ Ngô sau này – xuất thân trưởng giả -không nhìn ra tầm quan trọng của đáy lòng bình dân, không cảm được niềm tự hào của người dân đất mới, họ sống với sông lạch bóng dừa miệt vườn…kỳ bí, mầu nhiệm, với lãnh tụ huyền thoại của lòng họ…diệt huyền thoại là giết lòng dân, là đẩy dân sang huyền thoại khác, bá đạo, lừa dối, tai hại hơn nhiều…
Sau một thời gian xoá sổ Miền Nam, Hà Nội bắt đầu thấy sức mạnh tiềm tàng mà vô chiêu của con dân Đồng Nai, một loạt các nhân vật CS miền Nam được đưa lên : Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, chủ tịch Quốc hội… một cách xoa dịu lòng dân miền Nam bất mãn.. Hồi ký gần đây, của nhiều tác giả miền Nam ( như Vi Thanh, Huỳnh văn Lang..), vẫn không quên thời 1940 khi các nhân vật như Thọ, Duẩn, Nguyễn Bình… từ vùng Bắc, Trung vào Nam khuấy động, nhất là khi chính phủ Trần Trọng Kim,1945, thả cả ngàn tù nhân CS từ Côn Đảo về Nam phần nằm vùng .
Việt Nam đang cần một loại hình văn hoá khả dĩ thay thế văn hoá cằn cỗi phía Bắc và nhất là giáo điều Mác Lê. Loại hình này chính là văn hoá chân thật, đôn hậu, giản dị, vui sống của Cửu Long Đồng Nai, nơi hơn 200 năm trước, bao bình dân Việt đã Nam tiến, khai khẩn phát triển để ngày nay ta có một miền vừa mới, vừa giầu, đất lành chim đậu. Một triệu người Bắc di cư 1954 đã chuyển hoá thành dân miền Nam, Bắc kỳ chín nút ! thế hệ thứ II, thứ III, không còn dấu vết quê cũ, quân cán Việt Cộng sau 1975, ngẩn người, dần dà nhìn thấy nếp sống tử tế của miền Nam, nhiều người âm thầm vào Nam lập nghiệp, từ Cao nguyên xuống Vũng Tầu, Rạch Giá, Đồng Tháp…ngay Cần Thơ bây giờ cũng không thiếu những người miền Bắc, Bắc Trung vào, những người lánh nạn đi tìm đất sống, an lành, tử tế hơn.
Con người vốn mang tính Thiện lẫn Ác, mầm Thiện hay Ác mọc lên tuỳ môi trường sống. Miền Nam vốn là đất lành, không thiếu ăn thiếu mặc, từ lâu đã là đất tốt để gieo mầm Thiện, là đất Bụt đất Mẫu dần dần sẽ chuyển hoá nổi căn Ác, dẫn đầu diễn trình cảm hoá toàn dân, một thế hệ nữa, khoảng 2040, chẳng còn Bắc với Nam, Quốc hay Cộng, khung trời Việt sẽ sáng toả từ Cửu Long sang toàn vùng Đông Nam Á, góp mặt cùng các nước Nam Á Đa đảo thuần hậu bình dị hoan hỉ địa, khi ấy không biết đất Giao Châu cũ đã nhập Tống hay chưa !?
© Hạ Long Bụt Sĩ
Việt Học Journal
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét