Bê bối chính trị tại Victoria Úc liên quan đến “vành đai con đường”? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Bê bối chính trị tại Victoria Úc liên quan đến “vành đai con đường”?



Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công khai chỉ trích Thủ hiến bang Victoria – Daniel Andrew – sau khi ông này ký bản ghi nhớ (MOU) tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc từ tháng 10.2018.

Những bằng chứng mua bán chức quyền vừa được báo The Age và Chương trình 60 Minutes của đài ABC phanh phui, khiến Thủ hiến Victoria Daniel Andrews phải sa thải một bộ trưởng, 2 bộ trưởng xin từ chức và nhiều chính trị gia đảng Lao Động tại Victoria đang bị cảnh sát và Ủy Ban chống tham nhũng điều tra.

Đồng thời, Ban điều hành đảng Lao Động toàn quốc phải đề cử 2 cựu chính trị gia có uy tín và không theo vây cánh lãnh đạo một cuộc điều tra nội bộ, đồng thời trong vòng 3 năm tới các chi bộ tại Victoria mất quyền đưa người ra tranh cử.

Chính phủ tiểu bang Victoria đã ký kết các hợp đồng “vành đai con đường” với Bắc Kinh, thử hỏi việc phanh phui có liên quan gì đến các ký kết này không?

Phe cánh trong đảng Lao Động tại Victoria

Cánh hữu có 2 phe, phe của bộ trưởng Adem Somyurek, người đang gây sóng gió, chiếm 75% với con số lên đến 5,000 thành viên trong tổng số ước chừng 16,000 đảng viên tại tiểu bang Victoria.

Hai phe trong cánh hữu đối nghịch nhau, nên phe thiểu số ủng hộ đưa ông Daniel Andrews thuộc cánh tả lên làm Thủ hiến.




Nội các tiểu bang được phân chia cho các vây cánh trong đảng Lao Động nhưng đa số chức quyền thuộc về cánh tả.

Những tài liệu vừa phanh phui cho thấy ông Adem Somyurek mặc dù được thu xếp làm Bộ trưởng Bộ Chính Quyền Địa Phương nhưng coi thường Thủ hiến Andrews, dùng những ngôn từ rất du côn để nói về Thủ hiến Andrews.

Các tài liệu cũng tiết lộ cánh hữu đang thu xếp để có một cuộc đảo chính nội bộ lật đổ ông Andrews.

Cách thức tranh cử tại Úc

Ở Úc đi bầu là bắt buộc và phiếu bầu lại được phân phối theo thứ tự ưu tiên (được gọi là two-party preferred vote) nên rất khó cho các đảng nhỏ hay ứng cử viên độc lập thắng cử.

Hầu hết các ứng cử viên hoặc của đảng Lao Động hoặc của liên minh Tự Do Quốc Gia, sẽ thắng cử ở Hạ Viện và bên nào có nhiều dân biểu hơn sẽ đứng ra thành lập nội các.

Với phương cách bầu cử này các khu vực có nhiều dân lao động và người sắc tộc thường là các đơn vị chắc chắn đảng Lao Động sẽ thắng cử.

Mỗi đơn vị tranh cử có nhiều chi bộ, mỗi chi bộ ủng hộ các phe cánh khác nhau, nên các phe cánh thuộc các chi bộ cạnh tranh với nhau, bằng cách ào ạt kết nạp thêm đảng viên để có số phiếu cao nhất đưa người trong phe cánh ra tranh cử.

“Branch stacking”

Nhiều đảng viên sắc tộc được kết nạp theo kiểu quen biết và chiêu dụ, nên đảng viên thường rất ít hiểu biết về chính trị, ngay cả tên dân biểu đại diện cho khu vực hay tên thủ hiến còn không biết.




Gian lận xảy ra khi các đảng viên được kẻ mối lái đóng niên liễm cho, hay các chi bộ sử dụng tên người không cư ngụ trong khu vực, hay thậm chí sử dụng tên người đã chết để ghi danh đảng viên.

Các gian lận này chỉ xảy ra trong nội bộ đảng Lao Động không bị luật pháp Úc kềm chế, nên từ những năm 1980 các đảng viên Lao Động người Hy Lạp đã sử dụng “branch stacking”, đến năm 1990 các đảng viên Lao Động người Việt cũng đã sử dụng phương cách này.

Ước tính ra có tới một phần tư số đảng viên Lao Động tại tiểu bang Victoria là đảng viên ma hay đảng viên không hề sinh hoạt.

Gần đây một số đảng viên đảng Tự Do tại Victoria, thuộc một số tôn giáo, cũng sử dụng “branch stacking” để đưa người ra tranh cử.

Môi giới quyền lực

Ngày nay “branch stacking” đã trở nên thông dụng đến độ các chính trị gia xây dựng phe cánh, rồi chọn ra một người chịu làm môi giới “bảo vệ” giữ cho họ các ghế tại các khu vực an toàn của đảng Lao Động.

Dân biểu Adem Somyurek một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ được phanh phui là một môi giới đầu xỏ đã trả tiền cho hàng ngàn đảng viên giả mạo, ra lệnh giả chữ ký, sử dụng các nhân viên hưởng lương chính phủ và sử dụng phương tiện văn phòng chính phủ để chiêu dụ đảng viên “branch stacking”.

Những việc làm nói trên là phạm pháp, nên nhiều dân biểu và nghị sĩ cả tiểu bang lẫn liên bang, và nhiều đảng viên trong chính phủ, dính líu với Adem Somyurek đang được cảnh sát và Ủy Ban bài trừ tham nhũng điều tra.

Nội bộ tiết lộ…

Hằng trăm những bằng chứng thâu hình và thâu âm nội bộ được tiết lộ ra báo chí cho thấy phe cánh hữu của Adem Somyurek đã có nhưng bất đồng lớn về phương cách môi giới và có thể về chính sách với Bắc Kinh.




Một số thâu hình được biết đã diễn ra ra tại chính văn phòng của Dân biểu Lao động liên bang ông Anthony Byrne.

Việc thâu hình, thâu âm, tiết lộ các thông tin trong trường hợp này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp tại tiểu bang Victoria.

Ông Anthony Byrne phổ biến một thông báo cho biết ông sẵn sàng hợp tác với cảnh sát và ủy ban bài trừ tham nhũng trong cuộc điều tra.

Adem Somyurek trả thù…

Ông Adem Somyurek công bố cho báo chí một số điện thư, trong đó Dân biểu Anthony Byrne nặng nề chỉ trích cựu lãnh đạo đảng Lao động Bill Shorten và thủ hiến Lao động Victoria Daniel Andrews.

Dân biểu Anthony Byrne cho biết ông Adem Somyurek đã tiết lộ một cách có chọn lựa trong số các tài liệu trao đổi giữa 2 người, còn ông Adem Somyurek cho biết sẽ tiếp tục đưa ra công luận các tài liệu mà ông có được.

Thật trớ trêu, Adem Somyurek là cựu nhân viên của Anthony Byrne và cũng chính Anthony Byrne đã đỡ đầu Adem Somyurek ra sinh hoạt chính trị.

“Vành đai con đường”

Tiểu bang Victoria là tiểu bang duy nhất tại Úc ký kết thỏa thuận “vành đai con đường” với Bắc Kinh, đối nghịnh với chính sách của đảng Lao Động cấp liên bang và của các tiểu bang khác.

Dân biểu Anthony Byrne, người tiết lộ thông tin, là Phó chủ tịch Ủy ban tình báo Quốc hội Liên bang Úc, vai trò và nhiệm vụ của ông hoàn toàn đối nghịch với chính sách của Thủ Hiến Andrews.




Những thông tin về việc ký kết và các buổi họp với Bắc Kinh cũng đã được tiết lộ ra báo chí, một ngày đẹp trời “người đưa tin” có thể sẽ công khai danh tánh và chính thức tuyên bố việc tiết lộ thông tin nội bộ là để bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia.

Chấm dứt các hợp đồng với Bắc Kinh

Câu hỏi quan tâm nhất đối với người Việt là liệu những bê bối được tiết lộ có thể dẫn đến quyết định chấm dứt các hợp đồng đầu tư và vay mượn với Bắc Kinh.

Việc vừa xảy ra nên chưa thể tiên đoán những gì sẽ tiếp tục xảy ra nhưng một số điều có thể thấy được:

Thứ nhất, cánh tả Lao Động là cánh hưởng lợi từ các bê bối cánh hữu vừa được tiết lộ;

Thứ hai, “vành đai con đường” là chính sách chung của đảng Lao Động tại Victoria;

Thứ ba, đảng Lao Động hiện đang nắm 55 ghế Hạ Viện, trong khi đối lập liên minh Tự Do Quốc Gia chỉ nắm 27 ghế, một khoảng cách rất xa để có thể đảo ngược tình thế;

Thứ tư, Thượng viện cũng do đảng Lao Động nắm giữ nên mọi đạo luật đều được Lưỡng Viện dễ dàng thông qua; và

Thứ năm, “branch stacking” thường xuyên xảy ra, đảng Lao Động thường chỉ trừng phạt những người trực tiếp gây ra, chỉ sau vài tháng cử tri tha thứ, đâu lại vào đó.

Nhưng ngược lại các bê bối của đảng Lao Động sẽ được đối lập và các đảng khác khai thác ảnh hưởng đến cuộc bầu cử liên bang có thể diễn ra trong năm 2021.

Thủ Hiến Daniel Andrews đã đồng ý để Ban điều hành đảng Lao Động toàn quốc kiểm soát sinh hoạt chính trị của chi nhánh Victoria, nên có thể Thủ Hiến Daniel Andrews phải lắng nghe và thỏa hiệp với đảng Lao Động cấp liên bang.

Kết luận

Tóm lại chính trị tại các quốc gia Tây Phương không phải là tuyệt vời mà thường xuyên xảy ra các bê bối mua quan bán chức tham nhũng quyền lực.

Nhưng nhờ có truyền thông báo chí độc lập, các cơ quan hành chính độc lập, các phe cánh nội bộ, các đảng đối lập nên hệ thống chính trị càng ngày càng hoàn chỉnh hơn và cuối cùng cử tri sẽ quyết định đảng cầm quyền cũng như các chính sách có lợi nhất cho nước Úc.


© Nguyễn Quang Duy
    Melbourne, Úc Đại Lợi
    19/6/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages