Biện pháp nhập số CMND, số hộ chiếu có thể xóa nạn sim rác? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Biện pháp nhập số CMND, số hộ chiếu có thể xóa nạn sim rác?



Khách hàng đăng ký thông tin cho MobiFone.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tại Hội nghị tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trả trước được tổ chức ngày 4/6, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra kiến nghị chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh nhân dân (CMND), mã số căn cước công dân hoặc hộ chiếu trong một lần nạp thẻ điện thoại để ngăn chặn tình trạng sim rác hiện nay.

Báo trong nước dẫn lời ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị rằng quy định này nhằm cập nhật chính xác thông tin thuê bao và khách hàng chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân một lần nạp thẻ. Sau lần đó, việc nạp thẻ sẽ diễn ra bình thường, không cần cung cấp thêm thông tin.

Ngoài ra, nếu thông tin khách khách hàng nhập trùng khớp với dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông sẽ cho phép nạp tiền vào tài khoản. Nếu không trùng khớp, sẽ có thông báo bằng tin nhắn đến chủ thuê bao yêu cầu đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để cập nhật lại thông tin.

Trao đổi với RFA vào tối 5/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám Đốc Sở Thông Tin - Truyền Thông tỉnh Quảng Ngãi nhận định:

“Mình nghĩ việc này là cần thiết bởi vì bây giờ loạn cứ bán mà không biết đích danh ai, phải có chủ thể dùng điện thoại sim trả trước coi như không biết ai sử dụng làm sao quản lý. Nạp thẻ thì là cái mới vừa rồi có người nạp thẻ này, thẻ khác lừa đảo thì người ta quản lý chuyện đấy biết ai nạp, nạp cho ai để có thể biết lừa đảo. Cũng phiền phức cho người sử dụng nhưng được cái quản lý chặt hơn, tốt hơn.”

Dưới góc nhìn cá nhân, bạn Quỳnh Trang ở Sài Gòn đưa ra nhận xét về kiến nghị vừa nêu của thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông như sau:

“Mình nghĩ intention (ý định) của việc này nó tốt vì thuê bao trả sau có đăng ký nên dễ quản lý, còn thuê bao trả trước nếu không đòi hỏi những thông tin đó thì sẽ không quản lý được, có thêm nhiều sim rác. Hậu quả của sim rác có nhiều cái rất phức tạp nhưng mà mình nghĩ đừng đòi phải nhập quá nhiều thông tin. Nếu nhập thông tin thì một cái thôi như ID, số CMND, chỉ 1 cái như vậy thôi.”




Bên cạnh đó, bạn Trang cũng cho rằng nếu thực hiện đề xuất này, cơ quan hữu trách cần quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin của chủ thuê bao:

“Nếu phải điền những thông tin đó thì nên có những chỗ chính thống, những nơi hợp pháp để mua thẻ đó vì thẻ hiện được bán ở rất nhiều nơi, thậm chí bà bán thuốc lá cũng có thể bán thẻ điện thoại thì dĩ nhiên người ta sẽ không thoải mái khi đưa thông tin cho bà đó. Hoặc bây giờ có dạng mua thẻ online thì mình có thể có một bên nào đó hợp pháp, chính thức để mình có thể mua trên đấy đảm bảo thông tin không bị leak ra ngoài.”

Trong khi đó, bạn Thu Hoài khi trao đổi qua Facebook Messenger cho hay bạn không đồng tình với kiến nghị này vì rõ ràng phía lãnh đạo chính phủ Hà Nội nói đơn giản hóa thủ tục cho dân nhưng chỉ vì vấn đề sim rác này mà bao nhiêu lần người dân bị ‘hành xác’:



“Cái cần nhất là phía nhà mạng phải có biện pháp quản lý tốt hơn. Mình đi du lịch các nước đa số đều thấy tới những nơi được ủy quyền mới được mua sim, khi mua sim nếu là khách du lịch thì phải đưa passport cho người ta ghi số rồi bán, có thể nhờ vậy nên tình trạng sim rác tại đó không nhiều, còn ở Việt Nam mình thì mấy thấy tiệm sửa điện thoại cũng bán sim, nên việc chủ cửa tiệm kích hoạt sẵn để bán cho nhanh chóng, dễ thu tiền là chuyện có thể hiểu. Vì vậy cần có biện pháp xử lý mạnh những người bán sim đã đăng ký trước. Thật ra cũng liên quan đến những nhà mạng nữa, phải có hạn chế trong việc tung sim ra bán chứ sản xuất để bán tràn lan rồi có nhiều khuyến mãi hơn cho thuê bao mới nên người dân tranh thủ là đương nhiên.”

Bạn Thu Hoài cũng nhắc lại chuyện Bộ Thông tin trước đây bắt buộc người dân đăng ký thuê bao, khiến bao người mấy ngày liền xếp hàng đăng ký, nhưng đến giờ tình trạng sim rác vẫn không được khắc phục thì phải chăng Bộ Thông tin nên kiểm soát nhà mạng chặt chẽ hơn?

Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông trong buổi họp ngày 5/6 cũng nêu ra những nguyên nhân khiến sim rác vẫn tồn tại trên thị trường bao gồm việc lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều sim rồi thực hiện việc bán sim đã kích hoạt trước.

Cụ thể, trong đợt thanh tra từ ngày 1/10-20/11/2019, phía thanh tra cho hay đã tịch thu 6.900 sim đã được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ. Tổng số tiền xử phạt khoảng 777 triệu đồng.

Năm nhà mạng di động là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile và Gtel (Gmobile) tại Việt Nam đều bị xử phạt vì vi phạm kinh doanh sim rác.

Theo kinh nghiệm chuyên môn, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng đây là đề xuất ngớ ngẩn và hài hước vì phía lãnh đạo đã không hiểu nguồn gốc của sim rác là các nhà mạng đã bán ra thị trường vô tội vạ nên giờ không thể đổ tội cho người mua và người dùng sim rác này. Bên cạnh đó, việc nhập thông tin khi nạp thẻ là hoàn toàn không giúp được gì trong việc ngăn chặn sim rác. Ông giải thích:

“Không thể xác định số CMND mà người dùng sim rác nhập vào là số CMND của ai, không có cơ chế hay cách gì để biết. Những kẻ cố tình làm bậy khi sử dụng sim rác sẽ hoàn toàn có thể khai báo số chứng minh nhân dân của người lương thiện nhập vào. Hệ thống nhà mạng với cách quản lý hiện nay vẫn tưởng đã có CMND. Cách này không những không giả quyết tình trạng hiện nay mà còn làm rối loạn xã hội, sẽ có nhiều người chịu oan không xài sim rác nhưng vẫn dính vào những chuyện bậy bạ của những kẻ cố tình dùng sim rác bậy.”




Do đó, để hạn chế tình trạng sử dụng sim rác tràn lan trên thị trường trong nước hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đề ra giải pháp:

“Thực ra chuyện này rất đơn giản! Nguyên nhân sim rác ở các nhà mạng bán ra chứ chẳng lẽ chính quyền bán hay công ty, những kể tư nhân vớ vẩn đi nhặt về bán à? Phương pháp hữu hiệu là ban hành và thực thi luật pháp nhằm chế tài việc bán sim rác vô tội vạ của các nhà mạng.”

Kể từ ngày 1/6, ba nhà cung cấp dịch vụ di động có thị phần lớn nhất Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã dừng phát hành sim điện thoại mới trên hệ thống kênh phân phối ủy quyền là các đại lý, các điểm bán sim. Động thái này được nói nhằm để chấm dứt tình trạng sim kích hoạt sẵn vẫn được cung cấp ngoài thị trường.

Truyền thông trong nước tường thuật lại phiên họp ngày 4/6 cho hay phía Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông cũng yêu cầu sự hợp tác từ các đơn vị công an, quản lý thị trường tại địa phương cùng với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh có biện pháp thanh tra, giám sát tình trạng mua bán sim rác ra ngoài thị trường. Đồng thời nỗ lực ngăn chặn việc lợi dụng sử dụng sim rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages